Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

Khủng long tuyệt chủng do hai vụ va chạm liên tiếp


Chứng cứ khoa học mới

Một nghiên cứu mới đây cho thấy sự tuyệt chủng của loài khủng long vào khoảng 65 triệu năm trước là hậu quả của hai vụ va chạm thiên thạch vào trái đất. Trước đây, các nhà khoa học đã nhận định thời gian hình thành hố khổng lồ nằm trong vùng nước Gulf, nằm giữa ba nước Mỹ, Cuba và Mexico, là sự kiện đánh dấu chấm hết cho sự có mặt của khủng long trên trái đất.

Việc phát hiện ra hố Boltysh ở Ukraine giúp các nhà khoa học nhận định trái đất đã hứng chịu ít nhất hai trận mưa thiên thạch cách nhau đến hàng nghìn năm. Hố Boltysh ở Ukraine được xác định là kết quả của trận mưa thiên thạch xảy ra trước trận mưa thiên thạch hình thành nên hố Chicxulub nằm trong vùng nước Gulf đến hàng nghìn năm.

Các nhà khoa học nhận định trận mưa thiên thạch thứ hai được phát hiện này mới thật sự là dấu chấm hết cho sự ngự trị của loài khủng long trên trái đất. Các phát hiện mới này được công bố trên tạp chí địa chất học Geology bởi một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu là giáo sư David Jolley thuộc đại học Aberdeen, vương quốc Anh.

Năm 1980, lần đầu tiên các nhà khoa học đưa ra giả thuyết sự tuyệt chủng của loài khủng long có liên quan đến một vụ va chạm giữa thiên thạch và trái đất. Giả thuyết này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà khoa học. Sau đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra hố Chicxulub ở vùng nước Gulf, Mexico. Phát hiện này được xem như là dẫn chứng cụ thể nhất cho vụ va chạm đã gây ra sự tuyệt chủng của loài khủng long.

Hai thảm họa liên tiếp

 
Việc khám phá ra hố Boltysh ở Ukraine giúp các nhà khoa học nhận định rất có thể sự tuyệt chủng của loài khủng long là hậu quả của hai vụ va chạm liên tiếp hơn là một vụ duy nhất so với giả thuyết trước đây. Hố Boltysh ở Ukraine được công bố năm 2002. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa biết được chính xác thời gian hình thành của hố này liên quan đến hố Chicxulub ở Mexico như thế nào.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu phấn hoa và bào tử của các loại thực vật hóa thạch được tìm thấy trong các lớp bùn đất hình thành trong quá trình va chạm. Họ đã phát hiện ra sau thảm họa, các loài dương xỉ cổ đại ngay lập tức đã phát triển mạnh mẽ trên vùng đất mới này. Bào tử của các loại dương xỉ cổ được tìm thấy trong khắp các lớp bùn đất thứ hai có độ dài khoảng một mét nằm trên lớp bùn đất thứ nhất. Điều này chứng tỏ sau vụ va chạm đầu tiên, sau một thời gian phát triển của dương xỉ đã có một vu chạm thứ hai.

Giáo sư Simon Kelley thuộc đại học Open, vương quốc Anh, ông là một nhà khoa học cùng nghiên cứu vấn đề này cho biết: “Chúng tôi cho rằng lớp bùn đất thứ hai là kết quả của của vụ va chạm tạo nên hố Chicxulub.” Điều đó cho thấy hố Boltysh và hố Chicxulub không phải được hình thành cùng một thời gian mà là cách nhau đến mấy nghìn năm, trong khoảng thời gian dài chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các loài dương xỉ.

Có thể còn nhiều vụ va chạm khác

Giáo sư Simon Kelley cho biết thêm: “Trong tương lai chúng ta hoàn toàn có khả năng tìm ra các chứng cứ của các vụ va chạm giữa thiên thạch và trái đất khác nữa.”

Theo các chứng cứ mới, các nhà khoa học nhận định rằng các loài khủng long tuyệt chủng là kết quả của trận mưa thiên thạch lên trái đất qua suốt hàng nghìn năm. Nguyên nhân gây ra trận mưa thiên thạch này vẫn chưa được xác định.

Giáo sư Monica Grady, một chuyên gia về thiên thạch tại đại học Open cho biết, “Mưa thiên thạch có khả năng là sự va chạm của các vật thể ở gần trái đất.”

Gần đây, Cục Quản trị Hàng không và Không gian Quốc gia Mỹ (NASA) đã khởi động một chương trình có tên gọi là “Bảo vệ không gian”. Mục đích của chương trình này là giám sát các vật thể gần trái đất và có những cảnh báo sớm nhất về những vụ va chạm trong tương lai.

(theo BBC)
http://www.bbc.co.uk/news/science-environment-11112417
Hồ Quốc Nam