Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Cha mất

Đúng 7h20 phút sáng ngày 22/7/2012, cha mất, hưởng dương 51 tuổi.

Tôi cố gắng khắc sâu vào trong trí nhớ những hình ảnh và câu nói cuối cùng của cha vì đó là những hình ảnh, âm thanh sống động cuối cùng tôi có về ông.

Tuổi thơ tôi không được sống gần ông nhiều và đến khi ông mất tôi cũng không ở bên cạnh ông, ngoài một vài câu trao đổi qua điện thoại.

Tôi thấy mình có lỗi với ông một phần vì chưa đền đáp được công ơn sinh thành. Điều cuối cùng mà tôi nói với ông trong lúc người ta để ông vào quan tài đem chôn là tôi sẽ cố gắng để thành công, để giúp lại nhiều người khác. Tôi chỉ có thể làm như vậy để ông có thể ngậm cười nơi chín suối. Dĩ nhiên nếu sự tồn tại của linh hồn người chết là có thật!

Người đã mất thì sẽ không bao giờ sống lại vì thế đối với tôi hiện tại, tài sản lớn nhất mà tôi có được là một bà ngoại già 82 tuổi và một người mẹ chưa tròn 50.

Tôi sẽ cố gắng sống tốt và chăm sóc cho hai người này!

22.7.2012
Hồ Quốc Nam

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Thời gian như con thoi đưa

Không biết từ bao giờ người dân Việt Nam mình có câu, "Thời gian như con thoi đưa,"? Cũng không biết từ bao giờ người ta dùng câu nói đó để chỉ việc thời gian trôi qua quá nhanh? Ngày hôm nay bật máy tính lên, nhìn lại đồng hồ trên máy tính mới biết là đã đến ngày thứ Sáu của tuần. Ngoảnh đi, ngoảnh lại thấy cả tuần mình chẳng làm được gì. Chẳng lẽ cả tuần qua chỉ có đi làm, ăn với ngủ? Mà nhìn vào cái bảng báo cáo tuần mình sắp viết thì hình như cũng chẳng làm được bao nhiêu(!?)

Thế mới biết phải thật quý trọng thời gian như thế nào, bởi nếu thời gian một khi đã qua đi là sẽ mãi mãi không bao giờ trở lại. Có lẽ mình nên tập thói quen vào mỗi cuối tuần phải viết lại xem trong tuần đó mình đã làm gì và chưa làm được gì, để tránh một tuần trôi qua không để lại kết quả gì đáng kể.

Lại quay lại chuyện thời gian và con thoi đưa. Hỏi mười người thì chín người nói không biết "con thoi đưa" thật ra là con gì và tại sao người ta lại ví von câu "Thời gian như con thoi đưa," để chỉ thời gian trôi qua nhanh. Riêng bản thân tôi thì nghĩ con thoi đưa gồm một vật nặng treo lên một sợi chỉ (dây cũng được). Con thoi đưa này sẽ được kéo lên rồi buông xuống để nó đung đưa qua lại. Đây có thể là một cách tính đơn vị thời gian của người xưa. Nếu theo giả thuyết này thì con thoi đưa được dùng làm đơn vị tính thời gian chứ không phải để nói việc thời gian trôi qua mau hay chậm.

Nếu giả thuyết của tôi là đúng thì câu "Thời gian như con thoi đưa," chỉ là câu dùng để chỉ thời gian chứ không phải để chỉ việc thời gian trôi. Như vậy không biết từ bao giờ câu nói này được dùng để ám chỉ thời gian trôi nhanh? Có phải đó chính là thói quen của chúng ta nói hàng ngày và rồi định kiến cho rằng câu nói trên gắn liền với tính chất của thời gian?

Trong cuộc sống này cũng có nhiều việc người ta quen với một điều gì đó rồi định kiến cho rằng điều đó là đúng. Cái hình lưỡi bò to đùng mà Trung Quốc vẽ ở biển Đông bao trùm gần như toàn bộ vùng biển của các nước lân cận rồi đem vào sách địa lý dạy học sinh ở trường. Đến thời điểm này hầu hết người Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền ở cái bản đồ mà họ tự vẽ bất chấp luật pháp quốc tế. Thế mới biết cái gọi là "thói quen" và "định kiến" nguy hiểm đến mức nào!

PS: Tôi không tin tất cả người Trung Quốc bị chi phối bởi định kiến hoặc thói quen. Tôi tin vẫn còn rất nhiều người Trung Quốc còn lương tâm: http://www.tienphong.vn/the-gioi/585198/Bien-tap-vien-Tan-Hoa-xa-phan-doi-thanh-pho-Tam-Sa-tpp.html.

20.7.2012
Hồ Quốc Nam

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Đằng sau những mối quan hệ

Rốt cuộc thì điều gì còn lại đằng sau những mối quan hệ?

Tình yêu? - Chưa có. Nhưng tôi cũng đang bắt đầu tìm kiếm. Dù sao đi nữa có một người bạn khác giới để mình chia sẻ vẫn tốt hơn. Thành thật mà nói thì tôi cũng đã từng rung động và đang muốn mình rung động thật sự vì một số người nhưng rốt cuộc tính đến thời điểm hiện tại những xúc cảm đó cũng chẳng đi đến đâu, có chăng là một vài hi vọng nho nhỏ trong tương lai.

Quan hệ trong công việc? - Bây giờ có thể nói là chiếm nhiều thời gian của tôi nhất. Nhưng có lẽ đang trong chiều hướng xấu đi hoặc không thể phát triển được nữa. Đến một mức độ nào đó thì mọi thứ sẽ bảo hòa. Đôi lúc tôi không cần quá nhiều thời gian để nghiệm ra một điều gì đó.

Quan hệ bạn bè? - Quan hệ này cũng không nhiều lắm những cũng đủ làm trong một tuần vài ngày mất ăn, mất ngủ.

Quan hệ theo kiểu bạn tri âm, tri kỷ? - Có một người bạn vẫn thường cùng tôi trò chuyện vào tối những ngày thứ Sáu.

Có lẽ tôi phải tự tìm ra được câu trả lời cho những mối quan hệ này. Dù gì chăng nữa thì mình cũng không còn trẻ nữa để có thể tiếp tục mắc sai lầm. Bài học rút ra sau nhiều lần thất vọng, hụt hẫng: "Đừng đặt niềm tin nhiều quá." Điều này có tốt cho tôi hay không? Nên sống dè chừng với tất cả mọi người để tránh có thể làm mình bị tổn thương, hay sống chân thành để có được những người bạn chân thành? Hãy để thời gian trả lời!

17.7.2012
Hồ Quốc Nam

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Một vài suy nghĩ trong ngày

Càng sống tôi càng nhận ra một điều là đa số con người đều bội bạc. Vì thế hãy thật cẩn thận khi gia ân. Tốt nhất là chúng ta hãy sống sòng phẳng với tất cả mọi người. Một thực tế nữa mà tôi mới nhận ra: Sẽ không có ai làm theo lời khuyên của chúng ta cả. Đơn giản bởi vì ngay tự trong bản thân họ đều có cái lý của riêng mình. Và như bạn đã biết, đối với mỗi người thì cái lý của cá nhân họ là số 1. Vì cái lý cá nhân người ta sẵn sàng vào chỗ dầu sôi, lửa bỏng, sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân và thậm chí đến cả tánh mạng vì một cái gì có thiêng liêng hay không; có cao đẹp hay không; có thật sự là giúp được nhiều người, giải phóng nhiều người hay không; thì tôi chắc là họ chưa thể biết. Đơn giản bởi vì họ bị tuyên truyền hoặc mị dân, bị "nhiễu" hoặc tin vào một thứ thế giới siêu thực nào đó chỉ nghe trong kinh thánh chứ chưa từng thấy ai từ đó trở về. Và đương nhiên họ chỉ thấy nhiều người sẵn sàng vì những thiên đường trong những câu triết lý vớ vẩn, những kinh thánh thiếu trí tuệ của khoa học soi sáng mà sẵn sàng hi sinh nhiều tánh mạng của nhiều thế hệ - những người mà họ nhầm tưởng là chính họ đang mang đến hạnh phúc cho những người đó. Thế mới biết sự tuyên truyền có một sức mạnh thật ghê gớm!

Đừng bao giờ suy nghĩ giúp một ai hết! Tự bản thân họ phải tìm ra câu trả lời cho chính mình. Một con người mà không thể tự tìm ra được câu trả lời cho bản thân mình thì không thể nào trở thành một con người hoàn thiện được. Mà nếu họ đã có xu hướng trở thành người không hoàn thiện thì đương nhiên họ sẽ không cần và cũng không xứng đáng để cho bạn giúp đỡ họ. Người Anh nói: "Đừng tập cho con heo đi cày," đến giờ này ngẫm lại tôi lại càng thấy đúng. Hãy tự nghĩ cho bạn đi và hãy tự lo cho bạn đi bởi vì chính bản thân bạn mới là cá thể mỏng manh nhất và không ai có thể giúp bạn cả, không ai có thể suy nghĩ giúp bạn cả. Chính bản thân bạn phải tự giúp mình và cũng chính bản thân bạn phải tự suy nghĩ cách để tự giúp mình. Một dân tộc mà suốt ngày cứ sống bằng những đồng tiền "viện trợ", bằng vốn "ODA" thì sẽ không bao giờ khá lên được. Những đồng tiền ấy là "của cho mượn", đương nhiên chúng ta không trả thì đến lượt con cháu chúng ta trả. Thế mà cũng có những kẻ tự vỗ ngực tự hào khi xin được nhiều tiền của thiên hạ(!?) Sự thật là chúng ta đang phải trả lãi cho cái của nợ ấy đấy và không khéo đến đời con cháu chúng ta cũng sẽ còng lưng trả nợ!

Hai bài học lớn rút ra trong ngày: Không bao giờ gia ân cho người khác trừ những trường hợp thật sự khẩn cấp (làm thiện nguyện, người gặp tai nạn trên đường...); Khi nóng giận tuyệt đối không được dùng lời nói hay hành động vì khi nóng giận quá hoặc vui quá, buồn quá đều là những lúc mà trí óc ta mất tỉnh táo ở mức cần thiết nhất! Như vậy là không uổng phí ngày hôm nay!

09.7.2012
Hồ Quốc Nam