Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Luật chết

Qua cách tranh luận tại tòa vừa qua của những người thuộc cơ quan công quyền như tôi đề cập ở bài trước được cho là... nát bét, vô phương cứu chữa, mọi người có thể đọc thêm về Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003. Đôi khi có những việc đã được luật hóa rồi nhưng khi người ta không tuân theo thì vẫn không có cách nào chế tài. Đó được gọi là luật gì? Luật chết... vì nó không thể sống được ở đời sống thực tế của chúng ta. Khi cơ quan công quyền có quyền lực vô hạn, đứng trên cả Hiến pháp và pháp luật thì không điều gì có thể ngăn cản họ vi phạm pháp luật. Và pháp luật lúc này không còn giá trị phải được thượng tôn như đúng bản chất của nó nữa.

Điều 218. Đối đáp

Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình; Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến.

Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.

Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận.

29.5.2014
Hồ Quốc Nam

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

“Điệp khúc” của chủ tọa đại án bầu Kiên: “Không cần phải trả lời”

LTS: Nếu đúng như bài báo này viết thì nền tư pháp của Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nát bét, vô phương cứu chữa! Bản án đã có nghị quyết, không cần tranh tụng, không cần luật sư. Chủ tọa phiên tòa nên in bản án ra, rồi đọc nhanh để khỏi phải mất thời gian xét xử.

“Điệp khúc” của chủ tọa đại án bầu Kiên: “Không cần phải trả lời”
 
Thứ Ba, ngày 27/5/2014 - 15:55
(PLO) Trái với dự kiến ban đầu, sáng nay (27-5), chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính tuyên bố HĐXX sẽ tiếp tục phần xét hỏi thay vì chuyển qua phần tranh luận như đã thông báo chiều qua do nhận được một số đơn kiến nghị của luật sư cho rằng còn nhiều vấn đề luật sư chưa được hỏi.

Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính phát biểu: "Hôm qua HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi của các luật sư chứ chưa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Xét đơn đề nghị của các luật sư, để bảo đảm dân chủ, HĐXX quyết định tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư".

Chủ tọa phiên toà lần này cũng gây ấn tượng với những người dự khán vì mức độ yêu cầu “chuyển câu hỏi khác” và “bị cáo không cần trả lời câu hỏi này” lặp lại khá nhiều lần trong phần thẩm vấn của các luật sư.

"Chuyển câu hỏi khác", "không cần phải trả lời"

Sáng nay, ngay khi luật sư đặt câu hỏi đối với ông Trần Đình Long (tức bầu Long), chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát- người có liên quan đến việc định tội lừa đảo đối với bầu Kiên: “Hôm qua cuối giờ, ông muốn nói gì với HĐXX đúng không?”

Thì chủ tọa gạt ngay: Không cần thiết phải trả lời.

Luật sư “khiếu nại”: -Lời khai của ông Long với tôi rất quan trọng, trong việc xác định ý chí của ông Kiên. Nếu HĐXX không cho tôi hỏi, không cho trả lời thì làm sao tôi chứng minh hành vi khách quan. Tôi đề nghị HĐXX cho ông Long trả lời ý kiến cá nhân của ông đối với hành vi lừa đảo của ông Kiên?

Nhưng chủ tọa vẫn dứt khoát: Xin mời luật sư khác.

Chiều ngày 26-5, luật sư Vũ Xuân Nam cũng hỏi ông Trần Đình Long:

-Đã bao giờ anh nghĩ anh Kiên lừa anh chưa?

+Với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tôi có được nói không ạ? Ngày 21-5, khi HĐXX hỏi tôi và anh Dương là có biết số cổ phần này bị thế chấp hay không, vì HĐXX yêu cầu giải thích ngắn gọn nên chúng tôi chỉ trả lời là “không”, vì vậy gây ra sự hiểu nhầm… Ông Long đáp.

Nghe đến đây chủ tọa cắt lời ông Long:“không cần phải trả lời nữa”.

Trước đó, trong phần thẩm vấn của luật sư với bầu Kiên sáng ngày 26-5, khi luật sư hỏi những vấn đề liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản : Nội dung thỏa thuận giữa bị cáo Kiên và ông Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thế nào, đặc biệt liên quan đến việc hoán chuyển cổ phần giữa Công ty cổ phần bất động sản Á châu và Công ty cổ phần Thép Hòa Phát... Tuy nhiên chủ tọa cũng đã bác: Câu này HĐXX đã hỏi, bị cáo Kiên không trả lời, yêu cầu hỏi câu hỏi khác .

Luật sư:- Cho đến khi bị bắt, bị cáo đã thực hiện thỏa thuận ấy thế nào? –Chủ tọa: Yêu cầu luật sư chuyển câu hỏi khác.

Câu hỏi tiếp sau đó: -Thời điểm 25-12-2008, bị cáo có biết QH sẽ ra NQ về vấn đề miễn thuế TNCN hay không? Chủ tọa nhắc: Câu hỏi này hỏi rồi.

-Ý kiến của bị cáo về bản giám định của cơ quan thuế thế nào? Bầu Kiên đang trả lời thì chủ tọa nhắc nhở: Bị cáo dừng lại. Chuyển câu hỏi tiếp.



-Bị cáo đang bị truy tố về tội trốn thuế. Ý kiến của bị cáo? - Chủ tọa nhắc nhở: Câu hỏi này hỏi rồi, đề nghị luật sư hỏi câu khác.

Ở một câu hỏi khác, luật sư hỏi: Ý kiến của bị cáo thế nào đối với tội cố ý làm trái mà VKSNDTC truy tố bị cáo?

Chủ tọa: Câu hỏi này bị cáo đã trả lời. Ngay từ đầu, các bị cáo đã khẳng định là không có tội nên không cần phải nói nữa.

Bầu Kiên đề nghị: Thưa HĐXX, cho tôi được nói…

Tuy nhiên chủ tọa không đồng ý: Thôi được rồi, không phải nói nữa.

Và khi bị cáo Nguyễn Đức Kiên đang trả lời luật sư về việc căn cứ vào luật nào để thành lập và đăng ký kinh doanh? Chủ tọa đã “gút”: Bị cáo không cần trả lời bởi lẽ tất cả thủ tục thành lập DN bị cáo đã làm đúng thủ tục.

Luật sư cũng đành “gút” theo: nếu HĐXX không cho bị cáo trả lời, tôi xin kết thúc phần xét hỏi.

Hội đồng xét xử của phiên tòa. Ảnh: Thu Nguyệt

Đặc biệt, trong phần thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như của luật sư tại phiên thẩm vấn sáng ngày 24-5, khi Huyền Như còn đang lúng túng “Hồ sơ phát nhiều, thời gian đã lâu tôi không nhớ hết. Tôi chỉ biết những gì tôi đã khai với cơ quan điều tra là đúng.” Thì chủ tọa “gà bài”: “Chị Như có quyền trả lời tôi không nhớ nếu không nhớ, hoặc là Tôi không trả lời” (?!)

-HĐXX đã gợi ý cho chị rồi. Lệnh chuyển tiền giả không có lệnh đó ngân hàng VietinBank có thể chuyển tiền được không ? Luật sư “dỗi”

Và Huyền Như đã “nghe lời” chủ tọa: "Tôi không trả lời".
PV
28.5.2014
Hồ Quốc Nam

Đóng cửa facebook vì cảm thấy nhạt nhẽo

Mình không còn thiện cảm với Facebook nữa. Những thông tin, trạng thái đến từ những con người vô hồn, nhạt nhẽo, cơ hội khiến mình phát ngán chốn hỗn loạn này.

Càng nghe nhiều những người không ra gì phát ngôn chỉ làm mình ngày càng tệ đi chứ không khá hơn chút nào hết.

Đây sẽ là ngôi nhà duy nhất, chốn riêng tư duy nhất của mình trong thế giới ảo.

Mình vừa đổi mô tả trang này từ "all about my personal life and careers" thành "I write, therefore I exist." Đúng vậy, viết là cách thể hiện mình đang tư duy, mình đang tồn tại.

Mình mới tìm được một người viết rất hay nữa là Giáp Văn Dương. Mình đã theo dõi anh ấy và mong chờ bài viết của anh ấy. Những bài viết mình tin là sẽ làm thay đổi cuộc đời mỗi người đọc ít nhiều.

Chào tạm biệt Facebook và không hẹn ngày gặp lại!

28.5.2014
Hồ Quốc Nam

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Cẩn trọng về thời gian

Đối với một số người thì việc hẹn thời gian là một chuẩn mực trong cuộc sống. Cần phải chú ý khi làm việc với những người này.

Làm việc với những người tiếp thu nền văn hóa công nghiệp khác với những người bị ảnh hưởng nhiều bởi nền văn minh lúa nước.

Cần phải cẩn trọng để được tôn trọng! 

26.5.2014
Hồ Quốc Nam

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Bùi Tiến Dũng và bê tông cốt tre

Ngày xưa Thánh Gióng dùng tre để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ngày nay Bùi Tiến Dũng dùng tre để xây cột bê tông nhằm ăn bớt sắt thép. Một người bạn nói với tôi như vậy. Người đó còn hỏi thêm: "Đó có phải là nỗi nhục của mỗi người Việt Nam chúng ta?".

Sự việc đã qua lâu, không chắc nhiều người còn nhớ. Thế trận cuộc đời vẫn mãi xoay, người ta không thể tự mình kiểm soát mọi thứ. Ngày nay chúng ta đặt ra vô số luật lệ, đó là luật nhân tạo. Nhưng luật nhân tạo thì mãi mãi không thể nào thắng được luật tự nhiên, đó là luật của trời.

Trong câu chuyện mà tôi vừa kể thì Thánh Gióng dùng tre để đánh đuổi giặc Ân chính là đại diện cho luật tự nhiên. Ở đó, lòng yêu nước của nhân dân xuất phát một cách vô vụ lợi. Người ta có xu hướng bảo vệ nơi chôn nhau, cắt rốn, cũng như sinh tồn của mình. Đặc điểm này không chỉ có ở loài ngoài mà dường như loài động vật bậc cao nào cũng có.

Luật tự nhiên tồn tại mọi lúc, mọi nơi trong đời sống của chúng ta. Nó chi phối mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày. Nó có những sự trừng phạt vô cùng ghê ghớm mà có khi chúng ta không đủ minh triết để nhìn nhận thấy.

Theo tôi, nếu muốn dùng luật nhân tạo để thay đổi luật tự nhiên thì đó là ảo tưởng và luật tự nhiên sẽ trừng phạt chúng ta một cách ghê ghớm. Theo tôi, đề ra mô hình Xã hội chủ nghĩa với cách sống như trên thiên đường là sai lầm ghê ghớm của Marx. Trong học thuyết tư tưởng của Marx, thì con người không còn đơn thuần tuân theo luật tự nhiên nữa mà là con người của thần thánh. Điều này dễ bắt gặp trong nhiều loại đạo trên thế giới này như Phật, Hồi, Thiên chúa. Nếu phân tích theo kiểu này thì cũng dễ hiểu khi nhiều người cho rằng Chủ nghĩa Cộng sản cũng là một tôn giáo.

20.5.2014
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Nghĩa vụ chứng minh vi phạm thuộc về ai?

Các loại vi phạm pháp luật vẫn hiện hữu từng ngày trong đời sống chúng ta. Khoa học pháp lý Việt Nam chia vi phạm pháp luật thành: vi phạm hình sự, dân sự, hành chính và kỷ luật. Trong các loại vi phạm trên thì vi phạm pháp luật hình sự được xem là nghiêm trọng nhất, với biện pháp chế tài nặng nhất. Chủ thể vi phạm pháp luật hình sự có thể bị tù cải tạo (hạn chế quyền công dân, tước đoạt quyền tự do đi lại, quyền cư trú), nặng hơn chủ thể vi phạm có thể bị tước đoạt mạng sống (tử hình).

Trong từng loại vi phạm pháp luật, yếu tố cơ bản nhất để xác định vi phạm là yếu tố lỗi của chủ thể vi phạm pháp luật. Khoa học pháp lý định nghĩa lỗi là trạng thái tâm lý hay thái độ của chủ thể đối với hành vi của mình và đối với hậu quả của hành vi đó gây ra cho xã hội được thể hiện dưới hai hình thức: cố ý hoặc vô ý. Việc chứng minh chủ thể vi phạm pháp luật có hay không có lỗi, lỗi cố ý hay lỗi vô ý là điều kiện tiên quyết để cơ quan tư pháp định tội cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

Các quy phạm pháp luật của nước ta vẫn chưa quy định rõ ràng về việc chứng minh lỗi trong một vi phạm pháp luật thuộc về ai. Ở các quốc gia có nền tư pháp độc lập như Bắc Mỹ và Âu Châu thì việc chứng minh lỗi thuộc trách nhiệm của cơ quan công quyền (đối với vi phạm pháp luật hình sự), hoặc tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (đối với các loại vi phạm pháp luật còn lại.)

Các nguyên tắc như không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và suy đoán vô tội được xem là nền tảng cơ bản của một nền công lý pháp quyền. Một người vì bất cứ lý do gì phải đứng trước vành móng ngựa cũng không được xem mặc nhiên là có tội trước khi có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Một vài sự việc thu hút được sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây thể hiện sự sơ hở của tư duy pháp lý khi quy trách nhiệm chứng minh không vi phạm về phía người vi phạm. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong hằng hà sa số những vi phạm pháp luật mà người dân có nguy cơ phải hứng chịu. Điều này tạo tâm lý bất ổn cho người dân khi mặc nhiên nếu không chứng minh được mình vô tội thì người dân sẽ có tội. Quả thật, đây là một tư duy ngược cần được khắc phúc để Việt Nam có thể bắt kịp trình đồ lập pháp của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, cũng là cách để người dân cảm nhận một nền pháp quyền mà chúng ta đang cố công xây dựng ngày càng rõ ràng hơn.

12.5.2014