Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

MỘT VÀI BẤT CẬP CỦA THỦ TỤC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Luật Doanh nghiệp 2005 là văn bản pháp lý quan trọng giúp các nhà đầu tư, kinh doanh dễ dàng hơn trong việc khởi sự một doanh nghiệp. Mặc dù vậy theo tôi luật vẫn còn một vài điểm bất cập gây phiền hà cho các nhà đầu tư, kinh doanh trong giai đoạn khởi sự này.

Đầu tiên cần phải nói đến là đối tượng được quyền thành lập doanh nghiệp theo điểm a, khoản 2, Điều 13: “Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.” Theo tôi, Nhà nước nên loại luôn các đối tượng này ra khởi đối tượng được quyền thành lập doanh nghiệp. Việc chứng minh các tổ chức, cá nhân này có hay không thu lợi riêng cho mình là bất khả thi trong cơ chế quản lý còn nhiều lỏng lẻo của nước ta hiện nay. Việc các công ty lớn của Quân đội như Viettel, Dầu khí độc quyền một số ngành quan trọng của đất nước sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh kinh doanh cùng ngành nghề. Bên cạnh đó, việc các Tổng Giám đốc mang hàm tướng đi kinh doanh tại các đơn vị này tạo nên những tiền lệ “không giống ai.” Họ có thể tận dụng quyền thế, quan hệ của mình để chèn ép các đối thủ trong cùng lĩnh vực. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang quản lý khoảng 104 doanh nghiệp hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam như: Ngân hàng, Viễn thông, Dệt may, Da giày, Dược phẩm, Bất động sản,... Theo tôi đây là một thực tế rất đáng báo động.

Thêm nữa là việc hạn chế những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thành viên hợp danh của công ty hợp danh; thành viên hợp tác xã; chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân; vi phạm nghĩa vụ nộp đơn mở thủ tục phá sản hoặc có hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản của doanh nghiệp bị phá sản có thể bị cấm quản lý, thành lập doanh nghiệp trong ba năm sẽ gây khó khăn cho các chủ thể này tiếp tục công việc kinh doanh của mình theo điểm g, khoản 2, Điều 13, Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Phá sản 2014. Ông bà ta thường hay nói “thương trường là chiến trường”, do đó việc các cá nhân, tổ chức nộp đơn xin phá sản là chuyện thường ngày ở huyện. Tuy nhiên do một số vướng mắc trong pháp lý, thủ tục về phá sản doanh nghiệp hiện tại ở nước ta còn nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam khi nộp đơn xin phá sản phải mất thời gian lên đến gần năm năm. Điều này dễ tạo ra hiện tượng “bỏ của chạy lấy người” của các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian gần đây. Theo tôi nghĩ việc vi phạm nghĩa vụ nộp đơn mở thủ tục phá sản hoặc có hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản của doanh nghiệp bị phá sản chỉ nên chế tài bằng cách phạt tiền thật nặng chứ không nên cấm các đối tượng vi phạm thành lập doanh nghiệp thời hạn lên đến ba năm. Điều này gây hạn chế cho việc “thua keo này ta bày keo khác” của các cá nhân, tổ chức khi doanh nghiệp của họ gặp thất bại.

Thứ ba cần phải kể đến là hợp đồng trước đăng ký kinh doanh. Khoản 3, Điều 14 quy định: “Trường hợp doanh nghiệp không được thành lập thì người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm tài sản về việc thực hiện hợp đồng đó.” Theo tôi, cần phải quy định rõ ràng cho người chịu trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp không được thành lập. Theo đó, cần quy trách nhiệm cho tất cả các bên liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp. Từ đó cần bỏ quy định người ký kết hợp đồng chịu trách nhiệm tài sản về việc thực hiện hợp đồng đó. Rõ ràng, việc chứng minh các bên liên quan đến việc ký hợp đồng trước đăng ký kinh doanh là rất dễ dàng.

Thứ tư, trong việc thành lập doanh nghiệp thì việc biết được lĩnh vực nào bị cấm kinh doanh theo quy định của Nhà nước là rất quan trọng. Tuy nhiên theo Luật Doanh nghiệp, mà cụ thể là khoản 1, Điều 24 lại nói rất chung chung về lĩnh vực cấm kinh doanh. Theo tôi, Chính phủ nên có nghị định quy định cụ thể về các lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi muốn kinh doanh một lĩnh vực mới.

Thứ năm, thực tế trong việc thành lập doanh nghiệp hiện nay, việc kiểm tra vốn điều lệ của các doanh nghiệp rất lỏng lẻo. Điều này có thể gây khó khăn trong việc giải quyết các rắc rối pháp lý phát sinh sau này khi căn cứ vào vốn điều lệ của doanh nghiệp. Tôi có nhiều người bạn cùng nhau thành lập công ty cổ phần, họ thực chất không góp đồng vốn nào vào công ty nhưng vẫn nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ lên đến năm trăm triệu, một tỷ, thậm chí hai tỷ đồng. Theo tôi, tình trạng tồn tại vốn ảo là rất phổ biến tại các doanh nghiệp mới được thành lập hiện nay. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp đã được thành lập lâu năm, am hiểu về pháp luật nhưng vẫn cố tình đăng ký vốn ảo thật cao cũng chiếm một tỷ lệ lớn. Để khắc phục được tình trạng này, theo tôi việc đăng ký vốn không nên tuỳ tiện như hiện tại. Bên cạnh đó, công tác kiểm toán tài sản của Nhà nước cần được minh bạch, tránh trường hợp khai gian làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tác làm ăn với doanh nghiệp sau này.
 
16.10.2014
Hồ Quốc Nam