(Xem bài báo: Vì sao các báo ngày càng ít phóng sự điều tra? tại: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-cac-bao-ngay-cang-it-phong-su-dieu-tra-post1083116.vov.)
Là một người rất quan tâm đến sự phát triển của Báo chí Việt Nam―mà theo tôi là “quyền lực thứ tư” sau lập pháp, hành pháp, và tư pháp―sau một khoảng thời gian dài quan sát khoảng 17 năm qua, tôi nhận thấy Báo chí ngày càng mất đi “tính chiến đấu”―xin lỗi các bạn bè là Nhà báo và những người hoạt động trong lĩnh vực Báo chí, nếu tôi có nói gì không phải, đây chỉ là nhận định cá nhân của riêng tôi căn cứ trên thực tế mà tôi đã và đang quan sát, đút kết. Các loạt bài Phóng sự điều tra không còn nhiều, hấp dẫn, và gay cấn như trước nữa. Thông qua nhiều bạn bè là các Nhà báo, cựu Nhà báo, tôi cũng biết được có rất nhiều khó khăn đối với các Nhà báo trong việc bảo đảm điều kiện hành nghề, tính tự chủ, và minh bạch khi hành nghề.
Trên thế giới, đứng sau các bê
bối chính trị lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, điển hình như Vụ Bê bối Watergate (Watergate
scandal) khiến Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon (từ 1969 - 1974) từ chức, không
thể thiếu được sự đóng góp và công sức của các Tòa báo lớn và Nhà báo lớn hàng đầu
Hoa Kỳ. Có 48 quan chức hàng đầu của Chính quyền Nixon bị kết tội (in total 48
officials were convicted of wrongdoing) với các tội danh như: cản trở công lý,
lạm dụng quyền lực, và cản trở Quốc hội. Sự trừng phạt này không dừng lại ở đó,
năm 1976, Nixon bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư New York (disbarred) với cáo buộc
cản trở công lý liên quan đến Vụ Bê bối Watergate này. Do vậy, vai trò và chức
năng của Báo chí Hoa Kỳ đã được thể hiện rất rõ ràng trong vụ việc này. Nếu bạn
tinh ý thì cũng có thể nhận ra, Báo chí đang đóng vai trò rất lớn trong việc “định
hướng dư luận” ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuối cùng trong chiến dịch tranh cử
Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 giữa hai (02) ứng cử viên sáng giá nhất vào thời điểm
này, đại diện cho hai (02) Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa là Đương kim Tổng thống
Joe Biden và Cựu Tổng thống Donald Trump.
Quay trở lại Việt Nam, sự giảm
sút của các loạt bài Phóng sự điều tra―và các dạng tin bài chất lượng và có chiều
sâu khác―là một phản ánh rõ ràng về thách thức mà Báo chí hiện đại đang đối mặt.
Tờ báo không chỉ là nguồn cung cấp tin tức mà còn là cánh cửa mở ra sự thật và
công lý. Tuy nhiên, với áp lực thời gian, sự cạnh tranh về mặt công nghệ và tài
nguyên, việc sản xuất các loạt bài Phóng sự điều tra―và các dạng tin bài chất
lượng và có chiều sâu khác―ngày càng trở nên khó khăn hơn và không còn hiệu quả
về mặt kinh tế. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về tính chiến đấu của các Tờ
báo và Tòa báo. Quan điểm cá nhân của tôi, một Tờ báo không có “tính chiến đấu”
thì không khác gì một tờ tạp chí. Có lẽ, thời hoàng kim của Phóng sự điều tra của
Báo chí đã qua. Điều đó, cũng đồng nghĩa, tính chiến đấu của Báo chí đã bị giảm
sút.
Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng chung của Báo chí thế giới là điều chỉnh và tái cân bằng giữa việc cung cấp tin tức hàng ngày và nỗ lực tiếp tục thực hiện sứ mệnh của “quyền lực thứ tư” đề cao “tính chiến đấu” và “phản biện xã hội”―lý tưởng mà tôi cũng đang theo đuổi thông qua các bài viết và công việc hành nghề Luật sư của mình. Các Tờ báo đang phải tìm cách tổ chức và phân bổ tài nguyên một cách thông minh hơn để vẫn bảo đảm chất lượng tin bài đồng thời cần có chiều sâu. Có lẽ, một phần, ngày nay, sự tin tưởng và hỗ trợ từ độc giả và cộng đồng đã không còn giống như xưa, trước sự thay đổi về công nghệ, và các trang mạng xã hội như Facebook, đã làm lung lay tận gốc rễ sự thống trị của Báo chí là nguồn cung cấp tin tức hàng đầu và đáng tin cậy như nhiều năm trước đây.
Tôi vẫn sẽ tiếp tục neo những
câu hỏi liên quan đến Báo chí trong đầu mình, và sẽ tiếp tục quan sát thêm khoảng
15 - 20 năm nữa. Để xem, những câu hỏi ngày hôm nay của tôi liên quan đến tương
lai của Báo chí, sẽ được tôi tự giải đáp như thế nào.
Ngày 18/03/2024
Hồ Quốc Nam