Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

“PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA”―“TÍNH CHIẾN ĐẤU”: XƯƠNG SỐNG CỦA MỘT TỜ BÁO



(Xem bài báo: Vì sao các báo ngày càng ít phóng sự điều tra? tại: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-cac-bao-ngay-cang-it-phong-su-dieu-tra-post1083116.vov.)


Là một người rất quan tâm đến sự phát triển của Báo chí Việt Nam―mà theo tôi là “quyền lực thứ tư” sau lập pháp, hành pháp, và tư pháp―sau một khoảng thời gian dài quan sát khoảng 17 năm qua, tôi nhận thấy Báo chí ngày càng mất đi “tính chiến đấu”―xin lỗi các bạn bè là Nhà báo và những người hoạt động trong lĩnh vực Báo chí, nếu tôi có nói gì không phải, đây chỉ là nhận định cá nhân của riêng tôi căn cứ trên thực tế mà tôi đã và đang quan sát, đút kết. Các loạt bài Phóng sự điều tra không còn nhiều, hấp dẫn, và gay cấn như trước nữa. Thông qua nhiều bạn bè là các Nhà báo, cựu Nhà báo, tôi cũng biết được có rất nhiều khó khăn đối với các Nhà báo trong việc bảo đảm điều kiện hành nghề, tính tự chủ, và minh bạch khi hành nghề.

 

Trên thế giới, đứng sau các bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, điển hình như Vụ Bê bối Watergate (Watergate scandal) khiến Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon (từ 1969 - 1974) từ chức, không thể thiếu được sự đóng góp và công sức của các Tòa báo lớn và Nhà báo lớn hàng đầu Hoa Kỳ. Có 48 quan chức hàng đầu của Chính quyền Nixon bị kết tội (in total 48 officials were convicted of wrongdoing) với các tội danh như: cản trở công lý, lạm dụng quyền lực, và cản trở Quốc hội. Sự trừng phạt này không dừng lại ở đó, năm 1976, Nixon bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư New York (disbarred) với cáo buộc cản trở công lý liên quan đến Vụ Bê bối Watergate này. Do vậy, vai trò và chức năng của Báo chí Hoa Kỳ đã được thể hiện rất rõ ràng trong vụ việc này. Nếu bạn tinh ý thì cũng có thể nhận ra, Báo chí đang đóng vai trò rất lớn trong việc “định hướng dư luận” ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuối cùng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 giữa hai (02) ứng cử viên sáng giá nhất vào thời điểm này, đại diện cho hai (02) Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa là Đương kim Tổng thống Joe Biden và Cựu Tổng thống Donald Trump.

 

Quay trở lại Việt Nam, sự giảm sút của các loạt bài Phóng sự điều tra―và các dạng tin bài chất lượng và có chiều sâu khác―là một phản ánh rõ ràng về thách thức mà Báo chí hiện đại đang đối mặt. Tờ báo không chỉ là nguồn cung cấp tin tức mà còn là cánh cửa mở ra sự thật và công lý. Tuy nhiên, với áp lực thời gian, sự cạnh tranh về mặt công nghệ và tài nguyên, việc sản xuất các loạt bài Phóng sự điều tra―và các dạng tin bài chất lượng và có chiều sâu khác―ngày càng trở nên khó khăn hơn và không còn hiệu quả về mặt kinh tế. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về tính chiến đấu của các Tờ báo và Tòa báo. Quan điểm cá nhân của tôi, một Tờ báo không có “tính chiến đấu” thì không khác gì một tờ tạp chí. Có lẽ, thời hoàng kim của Phóng sự điều tra của Báo chí đã qua. Điều đó, cũng đồng nghĩa, tính chiến đấu của Báo chí đã bị giảm sút.


Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng chung của Báo chí thế giới là điều chỉnh và tái cân bằng giữa việc cung cấp tin tức hàng ngày và nỗ lực tiếp tục thực hiện sứ mệnh của “quyền lực thứ tư” đề cao “tính chiến đấu” và “phản biện xã hội”―lý tưởng mà tôi cũng đang theo đuổi thông qua các bài viết và công việc hành nghề Luật sư của mình. Các Tờ báo đang phải tìm cách tổ chức và phân bổ tài nguyên một cách thông minh hơn để vẫn bảo đảm chất lượng tin bài đồng thời cần có chiều sâu. Có lẽ, một phần, ngày nay, sự tin tưởng và hỗ trợ từ độc giả và cộng đồng đã không còn giống như xưa, trước sự thay đổi về công nghệ, và các trang mạng xã hội như Facebook, đã làm lung lay tận gốc rễ sự thống trị của Báo chí là nguồn cung cấp tin tức hàng đầu và đáng tin cậy như nhiều năm trước đây.

 

Tôi vẫn sẽ tiếp tục neo những câu hỏi liên quan đến Báo chí trong đầu mình, và sẽ tiếp tục quan sát thêm khoảng 15 - 20 năm nữa. Để xem, những câu hỏi ngày hôm nay của tôi liên quan đến tương lai của Báo chí, sẽ được tôi tự giải đáp như thế nào.

 

Ngày 18/03/2024

Hồ Quốc Nam

http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2024

VỤ ÁN ÔNG TRẦN QUÍ THANH – TÂN HIỆP PHÁT: CÓ “HÌNH SỰ HÓA QUAN HỆ KINH TẾ”?


Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh - Ảnh: Tân Hiệp Pháp

 

I.       Dẫn nhập

 

1.      Hôm nay có một chút thời gian, tôi tìm hiểu vụ án Ông Trần Quí Thanh – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát qua bài báo của Báo Tuổi Trẻ: “Đề nghị truy tố ba cha con chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh do chiếm đoạt 767 tỉ”. Thông tin được công khai trên mạng Internet liên quan đến hành vi cụ thể này cơ bản là giống nhau. Tôi lấy bài báo của Báo Tuổi Trẻ để dẫn chứng và phân tích theo quy định của pháp luật. Link bài báo của Báo Tuổi Trẻ: https://tuoitre.vn/de-nghi-truy-to-ba-cha-con-chu-tich-tap-doan-tan-hiep-phat-tran-qui-thanh-do-chiem-doat-767-ti-20231124115735033.htm. Nhận định của tôi luôn có thể có sai sót―và tôi luôn hoan hỉ vì còn sai sót thì mình còn có thể tiếp tục tiến bộ―nên có gì mong bạn đọc chỉ giáo thêm. Nếu có phê phán hoặc quan điểm khác biệt, những mong đừng quá nặng lời.

 

II.    Pháp luật hình sự: Thế nào là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”?

 

2.      Trước tiên, cần hiểu quy định của pháp luật hình sự về thế nào là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

 

3.      Về lý luận, “chiếm đoạt tài sản” là hành vi chuyển dịch, đoạt lấy, chiếm lấy tài sản của người khác trái pháp luật, để nắm giữ, quản lý, sử dụng, định đoạt (nhấn mạnh: “trái pháp luật”). Hành vi cố ý “chiếm đoạt tài sản” “trái pháp luật” của người khác với mục đích chuyển quyền sở hữu tài sản từ người khác sang mình hoặc sang người thứ ba có thể cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

 

4.      Để phân biệt “lừa đảo” và “lạm dụng” có thể dựa vào dấu hiệu: Nếu hành vi gian dối xảy ra trước khi có hành vi chiếm đoạt thì có thể được xem là “lừa đảo” (có yếu tố “dự mưu”). Nếu hành vi gian dối xảy ra sau khi có hành vi chiếm đoạt thì có thể xem là “lạm dụng” (Hán Việt: Sử dụng quá mức hoặc quá giới hạn đã được quy định) “tín nhiệm” (Hán Việt: sự tin tưởng). Cả “lừa đảo” và “lạm dụng” đều phải đáp ứng được điều kiện có “hành vi gian dối”. Và “hành vi gian dối” này, trong mọi trường hợp, không thể được xác lập theo hình thức của giao dịch dân sự được Bộ luật Dân sự (2015) thừa nhận. Tôi sẽ làm rõ vấn đề này ở các Đoạn tiếp theo.

 

III. Thông tin cơ sở

 

5.      Theo bài báo, hành vi của ông Thanh được mô tả như sau:

 

Kết quả điều tra xác định, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đã cho một số người vay lấy lãi “dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng”.

 

Khi cho vay, ông Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần so với thực tế.

 

Cơ quan điều tra cáo buộc khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản.

 

Mặc dù bên vay đã thực hiện nghĩa vụ trả đầy đủ gốc và nợ lãi theo thỏa thuận nhưng ông Thanh vẫn dùng các thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra các lý do để cố tình không trả lại tài sản và chiếm đoạt tài sản.

 

IV. Nhận định và phân tích

 

6.      Theo những thông tin như được mô tả trong bài báo, tôi có quan ngại về việc cấu thành tội phạm liên quan đến vụ án truy tố ba cha con Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh. Tôi cho rằng việc truy tố hình sự đối với ông Thanh có nhiều vấn đề chưa thuyết phục, cần phải làm rõ theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, có thể có dấu hiệu “hình sự hóa quan hệ kinh tế”.

 

7.      Theo mô tả trên, hành vi của ông Thanh thật ra không lạ đối với một số Luật sư tư vấn giao dịch M&A và Nhân viên ngân hàng đầu tư (Investment Banker). Hình thức này phổ biến trên thực tế khi các công ty tài chính thường sử dụng khi tài trợ vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư hoặc tài sản lớn. Một chuỗi các thỏa thuận dân sự có thể được xác lập để thực hiện mô hình tài trợ vốn này có thể kể đến như: (a) Hợp đồng vay; (b) Hợp đồng thế chấp; (c) Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần/dự án; và (d) Cam kết mua lại/bán lại cổ phần/dự án tại mục (c).

 

8.      Bản chất của mô hình này là một chuỗi các giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận. Trường hợp ông Thanh vi phạm Cam kết mua lại/bán lại cổ phần/dự án (nếu có) thì rõ ràng đây là tranh chấp dân sự. Trong đó, mỗi hành vi giữa ông Thanh và những người khác được cho là bị hại, thực chất là một giao dịch dân sự. Và chuỗi hành vi của ông Thanh, thực chất là một chuỗi các giao dịch dân sự trong tổng thể một cấu trúc giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận.

 

9.      Trong mọi trường hợp, không thể cho rằng hành vi vi phạm Cam kết mua lại/bán lại cổ phần/dự án (nếu có) có dấu hiệu của vi phạm pháp luật hình sự, bởi lẽ Cam kết mua lại/bán lại cổ phần/dự án là một giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận. Trường hợp có tranh chấp liên quan đến việc mua lại/bán lại cổ phần/dự án, đây thực chất là tranh chấp dân sự, cần căn cứ vào quy định tại Cam kết mua lại/bán lại cổ phần/dự án và các quy định của pháp luật dân sự để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên để giải quyết tranh chấp.

 

10.  Trên thị trường chứng khoán cũng có một hình thức tương tự gọi là REPO (tiếng Anh: Repurchase Agreement: A repurchase agreement, also known as a repo, RP, or sale and repurchase agreement, is a form of short-term borrowing ). Hợp đồng REPO hay còn gọi là Thỏa thuận mua lại là hợp đồng mua bán chứng khoán với cam kết của người bán sẽ mua lại chứng khoán đó từ người mua với một mức giá cụ thể vào một ngày cụ thể trong tương lai. Trường hợp người bán và/hoặc người mua vi phạm cam kết thì đây được xem là tranh chấp dân sự.

 

V.    Kết luận

 

11.  Từ những lý do và nội dung như được trình bày bên trên, liên quan đến một phần vụ án này―cha con ông Thanh còn bị truy tố về nhiều tội danh khác―tôi có quan ngại về việc truy tố cha con ông Trần Quí Thanh chưa được thuyết phục, cần làm rõ thêm có “hình sự hóa quan hệ kinh tế” đối với vụ án này hay không? Tôi có quan điểm cho rằng, đối với một cấu trúc giao dịch, có thể đánh giá cụ thể, chi tiết từng giao dịch dân sự cụ thể nhưng không được tách nó ra khỏi chuỗi giao dịch dân sự này khi xem xét về mặt tổng thể. Trường hợp cấu trúc giao dịch này được xác lập bằng một chuỗi các giao dịch dân sự thì nên và phải nhìn nhận tranh chấp liên quan đến cấu trúc giao dịch này là tranh chấp dân sự, tránh “hình sự hóa quan hệ kinh tế”.


Ngày 11/01/2024
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

BÌNH LUẬN VỀ SAI LẦM TRONG VIỆC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 28/2020/QĐKDTM-PT NGÀY 29/06/2020 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ VIỆC YÊU CẦU CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH TẠI VIỆT NAM BẢN ÁN CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI

 

I. SỰ VIỆC

1. Ngày 29/06/2020, Tòa án nhân dân Cấp Cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (“TANDCC TP.HCM”) ban hành Quyết định số 28/2020/QĐKDTM-PT về việc yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài (xem https://drive.google.com/file/d/10iuPpkmgBqgHZ9tTPLRB_Q9L_le7bAWj/view?usp=sharing) (“Quyết Định 28/2020/QĐKDTM-PT”). Nội dung vụ việc tại Quyết Định 28/2020/QĐKDTM-PT có thể được tóm tắt như dưới đây.
2. Ngày 04/04/2014, bà Oh—cá nhân có quốc tịch Hàn Quốc, là Nguyên Đơn—ký kết Hợp đồng chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH P (“Công ty P”) (“Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp”) cho Công ty TNHH S (“Công ty S”)—pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam, là Bị Đơn—với giá chuyển nhượng 3.500.000 USD. Hai bên thỏa thuận cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp phát sinh là Tòa án Trung tâm Quận Seoul, Hàn Quốc.
3. Điểm D, Mục 3 của Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp xác định bà Oh phải cung cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh bà Oh được quyền chuyển nhượng vốn điều lệ và các quyền liên quan đến quyền sử dụng đất, tòa nhà, và cơ sở vật chất cho Công ty S.
4. Căn cứ Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp, bà Oh đã bàn giao toàn bộ nhà xưởng của Công ty P từ ngày 11/04/2014 cho Công ty S để quản lý và vận hành.
5. Theo Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp, Công ty S có nghĩa vụ thanh toán cho bà Oh. Tuy nhiên, Công ty S đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng không đạt kết quả, bà Oh tuyên bố chấm dứt Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp, yêu cầu Công ty S trả lại nhà xưởng nhưng đến ngày 31/10/2014 Công ty S mới trả lại. Do vậy, bà Oh đã khởi kiện Công ty S tại Tòa án Hàn Quốc.
6. Tòa án Cấp Cao Seoul, Hàn Quốc—tòa án cấp phúc thẩm—tuyên buộc Công ty S trả bà Oh số tiền 400.000 USD và tiền lãi với mức lãi suất hàng năm là 6% kể từ ngày 24/09/2014 cho đến ngày 22/05/2015; và tiền lãi với mức lãi suất hàng năm là 20% kể từ ngày tiếp theo cho đến khi khoản tiền được thanh toán đầy đủ (“Bản Án Phúc Thẩm Tại Hàn Quốc”).
7. Căn cứ Phần thứ bảy của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 do Quốc Hội Việt Nam thông qua ngày 25/11/2015 (“BLTTDS 2015”), bà Oh đề nghị Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam toàn bộ phán quyết có hiệu lực của Bản Án Phúc Thẩm Tại Hàn Quốc, buộc Công ty S phải thực hiện theo phán quyết.
8. TANDCC TP.HCM căn cứ quy định pháp luật Việt Nam tại Điều 469; và Điểm a, Khoản 1, Điều 470 của BLTTDS 2015 nhận định thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt đối với tranh chấp giữa bà Oh với Công ty S đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam. Do đó, bà Oh yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Bản Án Phúc Thẩm Tại Hàn Quốc là không có căn cứ nên quyết định không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đối với Bản Án Phúc Thẩm Tại Hàn Quốc.

II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
9. Điểm a, Khoản 1, Điều 470 của BLTTDS 2015 quy định:
Điều 470. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam
1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam.

III. BÌNH LUẬN QUYẾT ĐỊNH 28/2020/QĐKDTM-PT
10. Theo nhận định của tôi, nhận định của TANDCC TP.HCM tại nội dung của Quyết Định 28/2020/QĐKDTM-PT không đúng, bởi lẽ: (i) Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; (ii) tranh chấp Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp không phải là tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam; và (iii) nhận định của TANDCC TP.HCM không phù hợp với tinh thần và nhận thức pháp luật của Tòa án nhân dân Tối Cao (“TANDTC”) về tranh chấp liên quan đến bất động sản.
11. Thứ nhất, việc ký kết Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp của bà Oh và Công ty S phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 do Quốc Hội thông qua ngày 29/11/2005, như được sửa đổi, bổ sung (“Luật Doanh nghiệp 2005”)—luật nội dung có hiệu lực vào thời điểm Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp được ký kết. Tại Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp, bà Oh đã thực hiện quyền của chủ sở hữu—chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp—đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu (Điều 64.2(c) của Luật Doanh nghiệp 2005).
12. Thứ hai, bản chất của tranh chấp Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp là tranh chấp dân sự có liên quan đến phần vốn góp—là một loại động sản—không phải là tranh chấp dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam. Pháp luật vào thời điểm Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp được ký kết quy định phần vốn góp của bà Oh tại Công ty P là động sản, không phải là bất động sản (Điều 174 của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 do Quốc Hội thông qua ngày 14/06/2005 (“BLDS 2005”). Đối với loại tranh chấp này, khi thụ lý và xét xử vụ án, cơ quan giải quyết tranh chấp chỉ cần xác định: (i) Công ty S có nghĩa vụ thanh toán cho bà Oh hay không?; và (ii) Trường hợp Công ty S có nghĩa vụ thanh toán cho bà Oh, thì giá trị thanh toán được xác định như thế nào. Cần lưu ý rằng, sau thời điểm bà Oh góp vốn vào Công ty P, bà Oh đã mất quyền sở hữu đối với tài sản được dùng để góp vốn và chỉ có quyền sở hữu đối với phần vốn góp bà Oh sở hữu tại Công ty P (Điều 4.4 và Điều 4.5 của Luật Doanh nghiệp 2005). Ngoài ra, pháp luật Việt Nam vào thời điểm Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp được ký kết, gồm cả Luật Doanh nghiệp 2005, không có bất cứ quy định nào đề cập đến việc chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực như đối với giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Điều 127 của Luật Đất đai số 13/2003/QH11 do Quốc Hội thông qua ngày 26/11/2003, như được sửa đổi, bổ sung). Như vậy, có thể thấy nhận định của TANDCC TP.HCM không đúng với quy định của pháp luật.
13. Thứ ba, pháp luật Việt Nam hiện hành có đề cập đến “tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất”—quyền sử dụng đất là một loại bất động sản được quy định tại Điều 107 của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 do Quốc Hội thông qua ngày 24/11/2015 (“BLDS 2015”)—là các loại tranh chấp như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... (Điều 3.2 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/05/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại (“Nghị Quyết Số 04/2017/NQ-HĐTP”)). Có thể thấy, tại Nghị Quyết Số 04/2017/NQ-HĐTP, TANDTC đã có quan điểm tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất là khi đối tượng tranh chấp liên quan “trực tiếp” đến quyền sử dụng đất. Cùng một cơ sở và nhận định của TANDTC như tại Nghị Quyết Số 04/2017/NQ-HĐTP, có thể thấy nhận định của TANDCC TP.HCM về việc tranh chấp Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp giữa bà Oh và Công ty S là tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam là không phù hợp với tinh thần và nhận thức pháp luật của TANDTC về tranh chấp liên quan đến bất động sản.

IV. KIẾN NGHỊ
14. Theo nhận định của tôi, đối với những tranh chấp liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp theo quy định của pháp luật về doanh nghiêp, TANDTC cần có hướng dẫn theo hướng công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Về bản chất, đây là loại tranh chấp có liên quan đến quyền của chủ sở hữu đối với tài sản là động sản—cổ phần và phần vốn góp—được chuyển nhượng.


26/01/2023
Hồ Quốc Nam