Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Ngân hàng năm 2017


Năm 2017 được đánh giá là một năm biến động của các Ngân hàng tại Việt Nam. Một môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định, tỉ lệ lạm phát cao cùng lối làm ăn chụp giựt của các ông chủ lớn của giới Ngân hàng đã làm mất niềm tin nơi nhà đầu tư và dân chúng. Hàng loạt Ngân hàng tư nhân bị mua lại với giá 0 đồng là minh họa sống động cho thấy kiểu làm ăn phe cánh, tận dụng vào các mối quan hệ chính trị của các ông chủ Ngân hàng đã bắt đầu bộc lộ điểm yếu tiêu cực. 

Một số điểm sáng

Một vài điểm sáng của Giới Ngân hàng có thể kể đến là việc tham gia của các Ngân hàng Quốc tế vào thị trường tiền tệ của Việt Nam đã mang đến những chuyển biến rõ rệt. Các Ngân hàng lớn đã có kinh nghiệm hàng trăm năm trên thị trường quốc tế như ANZ, HSBC… đang làm các nhà băng trong nước hơn lúc nào hết phải tự nỗ lực để có thể trụ vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện tại. Người dân trong nước được hưởng lợi từ các Ngân hàng này là chất lượng dịch vụ chuẩn mực quốc tế và lối làm ăn rõ ràng, minh bạch, chuyên nghiệp, lấy khách hàng làm trọng tâm đã được xây dựng, vun đắp từ hàng trăm năm qua. 

Bên cạnh sự tham gia thị trường của các Ngân hàng Quốc tế vào Việt Nam thì cơ cấu tín dụng của các Ngân hàng Quốc nội cũng là một điểm sáng triển vọng. So với trước đây, cơ cấu tín dụng không còn tập trung vào khối doanh nghiệp có vốn Nhà nước cho thấy tư duy mới và chuyển biến tích cực hơn trong việc cấp tín dụng của Ngân hàng. Năm 2011, trong tổng số các khoản vay của tám (08) ngân hàng lớn của Việt Nam, tỉ lệ cấp tín dụng cho khối các doanh nghiệp Nhà nước lên đến 19%. Đến hết năm 2016, tỉ lệ cấp tín dụng này đã giảm xuống 15%. Điều này là một chuyển biến đáng khích lệ cho thấy việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước được tiến hành trong giai đoạn nắm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bắt đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Để đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt của các Ngân hàng Quốc tế, các Ngân hàng Quốc nội có nhiều sự lựa chọn, điều chỉnh, nhưng có thể thấy rõ rệt nhất là sự gia tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào cơ cấu vốn của các Ngân hàng Quốc nội. Đây là điều tốt đối với các Ngân hàng Quốc nội đồng thời cũng là điểm sáng tiếp theo. Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào Ban Quản trị của các Ngân hàng Quốc nội, đòi hỏi các Ngân hàng này phải tự làm mới chính mình, đi theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch để giữ chân nhà đầu tư. Báo cáo tài chính công khai của các Ngân hàng Quốc nội không thể đi theo hướng “làm cho có” hoặc “báo cáo láo” như trước đây nữa. Đồng thời kinh nghiệm quản trị và chuẩn mực dịch vụ của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bắt buộc các Ngân hàng Quốc nội hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn. 

Một vài điểm tối

Sự gia nhập của các Ngân hàng Quốc tế vào thị trường tiền tệ của Việt Nam là con dao hai lưỡi. Bên cạnh việc mang lại dịch vụ chuẩn mực quốc tế cho người dân Việt Nam, các Ngân hàng Quốc tế còn là những đối thủ đáng gờm, có thể cướp mất công ăn, việc làm, làm đại đa số các Ngân hàng Quốc nội bị phá sản do không thể cạnh tranh lại. Tỉ lệ lãi biên (NIM) thấp và chi phí tín dụng cao mà các Ngân hàng Quốc nội đang hứng chịu, có sự góp sức to lớn từ việc các Ngân hàng Quốc tế tham gia vào thị trường tiền tệ Việt Nam.

Việc các Ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng gây ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển kinh tế đất nước ở cả tầm vi mô lẫn vĩ mô. Do mất niềm tin, người dân thay vì giao dịch với Ngân hàng đã đầu tư sang các kênh khác vốn rủi ro hơn rất nhiều. Lãi suất huy động của các Ngân hàng thường ở mức 7 – 8% được đánh giá là một kênh đầu tư khá hiệu quả khi nhìn nhận tổng quan, nền kinh tế đất nước đang khá èo uột với tỉ lệ tăng trưởng GDP chỉ ở mức 6.2% trong năm 2017 trong khi tỉ lệ lạm phát được dự đoán ở mức 6 – 7%. 

Các chỉ số tài chính quan trọng đối với Ngân hàng là ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) lần lượt chỉ đạt 0.52% và 6.26% cho thấy tính kém hiệu quả của hoạt động kinh doanh tiền tệ của các Ngân hàng. Các Ngân hàng chỉ thật sự kinh doanh có hiệu quả, mang lại lợi nhuận dương khi chỉ số ROE phải cao hơn giá trị lạm phát thực tế mà Chính phủ công bố kèm theo chỉ số ROA cao lên một cách tương đương. Khi các chỉ số ROA và ROE thấp như hiện tại, điều này chứng tỏ các Ngân hàng đang bị mất vốn, tài sản thực theo thời gian đang bị vơi dần.

Điểm yếu tiếp theo của các Ngân hàng Quốc nội trong năm 2017 mà bản thân các Ngân hàng này có thể không thể tự giải quyết được hoặc giải quyết trong ngắn và trung hạn là tỷ lệ nợ xấu còn quá cao. Theo báo cáo vào cuối năm 2015, tỉ lệ nợ xấu trung bình 2.4%, tuy nhiên theo một số phân tích thì tỉ lệ nợ xấu này đã không phản ánh đầy đủ tình hình thực tế. Theo một số nghiên cứu, tỉ lệ nợ xấu đã lên đến 9%, kể cả phần nợ đã chuyển sang VAMC (Công ty Quản lý Tài Sản chuyên đi mua nợ xấu của các Ngân hàng). Như vậy, rõ ràng với việc hai chỉ số quan trọng là ROA và ROE lần lượt chỉ đạt 0.52% và 6.26% so với tỉ lệ nợ xấu là 9%, các Ngân hàng thật sự đang kinh doanh thua lỗ, làm mất vốn của các nhà đầu tư.

Kết luận

Các trở ngại pháp lý góp phần không nhỏ vào việc các Ngân hàng Quốc nội đang vẫy vùng trong đống nợ xấu. Để đẩy mạnh việc thu hồi các khoản nợ xấu này, các nhà làm luật cần phải gia tăng hiệu quả thực thi của văn bản pháp lý. Thời gian giải quyết một vụ kiện dân sự của các Ngân hàng để giải quyết tài sản của người thế chấp cần được rút ngắn chứ không thể kéo dài năm này qua năm khác như hiện tại.

19.12.2016
Hồ Quốc Nam