Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

TÔI PHẢN ĐỐI NHÀ BÁO THANH PHƯƠNG VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG PHÁP LUẬT VÀ XÂM PHẠM NGHIÊM TRỌNG QUYỀN CỦA BỊ CÁO NGUYỄN HUỲNH TÚ TRINH

Nhà báo Thanh Phương có bài báo với tựa đề: “Nữ nhân viên Alibaba khai báo quanh co tại tòa”. Xem tại: https://vietnamnet.vn/nu-nhan-vien-dia-oc-alibaba-khai-bao-quanh-co-tai-toa-2089625.html?fbclid=IwAR0mvxWg3Rs0D6tC-HKrzfhynHpg8YBgGJCsdzQ55cIpIAFdNaIHBcIP8_M.  Đối với bài báo này, tôi phản đối Nhà báo Thanh Phương đã: (i) Vi phạm nghiêm trọng pháp luật; và (ii) Xâm phạm nghiêm trọng quyền của bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh.

Bằng các nhận định mang nặng tính chủ quan và buộc tội bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh như “khai báo quanh co tại tòa”, "quanh co chối tội", Nhà báo Thanh Phương đã vi phạm nghiêm trọng: (i) Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, như được sửa đổi, bổ sung (“BLTTHS 2015”); và (ii) Luật Báo chí năm 2016, như được sửa đổi, bổ sung (“Luật Báo chí 2016”).  Cụ thể:

1. Nhà báo Thanh Phương đã xâm phạm nghiêm trọng quyền tự bào chữa của bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh trong vụ án hình sự (Điều 61.2(g) của BLTTHS 2015).  Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh còn có quyền khai báo theo hướng có lợi cho mình và/hoặc giữ quyền im lặng ("right to remain silent"); và không một ai có quyền buộc bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (Điều 61.2(h) của BLTTHS 2015).  [Quyền im lặng của bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh đã được pháp luật quy định và bảo vệ, đơn cử như tại Điều 309.3 của BLTTHS 2015: Trường hợp bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.  Hiện nay, việc giữ quyền im lặng không bị xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 52.1 của Bộ luật Hình sự năm 2015, như được sửa đổi, bổ sung.];

2. Nhà báo Thanh Phương đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh trong vụ án hình sự khi cho rằng bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh khai báo quanh co để chối tội tại tòa (Điều 13 của BLTTHS 2015).  Không những vậy, các nhận định bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh “khai báo quanh co tại tòa”, "quanh co chối tội" của Nhà báo Thanh Phương còn vi phạm nguyên tắc xác định sự thật của vụ án: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chứ không phải là của người bị buộc tội (Điều 15 của BLTTHS 2015); và

3. Ngoài ra, Nhà báo Thanh Phương còn vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Báo chí 2016 khi có hành vi “quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án” (Điều 9 của Luật Báo chí 2016).  Cần phải lưu ý rằng, bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh vẫn là người không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS 2015 quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 13 của BLTTHS 2015).


Việc phản đối của tôi có thể không có nhiều có ý nghĩa khi Nhà báo Thanh Phương có thể không bao giờ đọc được bài viết này của tôi.  Nhưng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng phản đối trên tinh thần xây dựng khi nào vẫn còn nhìn thấy những chuyện bất công.  Quan điểm cá nhân của tôi, điều tệ hại nhất trong xã hội không phải là tội ác không bị trừng trị, mà là chúng ta im lặng trước những bất công, và cho rằng hành vi đáng lẽ ra phải bị lên án đó không phải là tội ác. 


11/12/2022

Hồ Quốc Nam

http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

BÌNH LUẬN NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TAND TỐI CAO HƯỚNG DẪN THỜI HIỆU KHỞI KIỆN HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

I. SỰ KIỆN
1. Điều 23.1(b) của Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 (“Nghị Quyết 03”) (Xem https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thu-tuc-To-tung/Nghi-quyet-03-2012-NQ-HDTP-huong-dan-Bo-luat-to-tung-dan-su-da-duoc-sua-doi-193786.aspx?fbclid=IwAR2G2OxNyu-ovnoswfkU_ibAyVuQev6HR8ac6oyYGaSlyrdhIb4Rmv8f9fI) của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối Cao (“HĐTP TANDTC”) hướng dẫn về thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay tài sản như sau:
“Ngày 01-01-2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03-4-2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.”
2. Theo hướng dẫn nêu trên của HĐTP TANDTC, đối với tranh chấp dân sự liên quan đến hợp đồng vay tài sản—do cả A và B đều là cá nhân nên đây là vụ án dân sự—trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện thì: (i) Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện; và (ii) Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
3. Hướng dẫn nêu trên của HĐTP TANDTC đã được các Tòa án địa phương áp dụng trong thực tiễn xét xử. Ví dụ như tại Bản án phúc thẩm số 12/2021/DS/PT ngày 14/09/2021 của TAND Tỉnh Kon Tum về việc kiện đòi tàn sản (“Bản Án Phúc Thẩm 2021”) (Xem https://drive.google.com/file/d/10RGbDc39ka4WsQ-OtzdST1d7WvGk4UaZ/view?fbclid=IwAR16WMf5S8cbHX2XArY17AE87ov2Wh_ILNvZaFybkYTlHE5O7n3FFoDmLck). Tại Bản Án Phúc Thẩm 2021, TAND Tỉnh Kon Tum đã có quan điểm áp dụng Điều 23.1(b) của Nghị Quyết 03 để không chấp nhận yêu cầu tính lãi đến thời điểm xét xử sơ thẩm của nguyên đơn do hết thời hiệu khởi kiện (Đoạn 4, Trang 5 của Bản Án Phúc Thẩm 2021).

II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
4. Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành (“BLDS 2015”) quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 của BLDS 2015). Đối với hợp đồng vay tài sản, không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu hoàn trả khoản nợ gốc vì đây là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu (Điều 155.3 của BLDS 2015).

III. BÌNH LUẬN ĐIỀU 23.1(B) CỦA NGHỊ QUYẾT 03
5. Theo nhận định của tôi, hướng dẫn của HĐTP TANDTC về thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay tài sản tại Điều 23.1(b) của Nghị Quyết 03 không bảo đảm quyền lợi của đương sự. Cụ thể, tại ví dụ được nêu tại Điều 23.1(b) của Nghị Quyết 03, HĐTP TANDTC đã nêu rõ tại hợp đồng cho vay của A đối với B, các bên đã có thỏa thuận về việc B có nghĩa vụ trả tiền lãi cho A. Tuy nhiên, HĐTP TANDTC lại hướng dẫn “[đ]ối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện”. Thực tế, các Tòa án địa phương, ví dụ như TAND Tỉnh Kon Tum đã áp dụng hướng dẫn này của HĐTP TANDTC vào việc xét xử các vụ án như đã được nêu tại Bản Án Phúc Thẩm 2021.
6. Hướng dẫn nêu trên của HĐTP TANDTC không bảo đảm quyền lợi của đương sự, bởi lẽ:
(a) HĐTP TANDTC đã không làm rõ “yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện” nên được áp dụng như thế nào? Cụ thể là không giải quyết toàn bộ hay chỉ giải quyết phần yêu cầu khởi kiện vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện;
(b) Tại ví dụ nêu trên của HĐTP TANDTC, có thể thấy, mặc dù thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi của A đã hết; tuy nhiên đối với các khoản lãi phát sinh trong thời hạn 02 năm theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật Dân sự 2005 (“BLDS 2005”); và 03 năm theo quy định tại Điều 429 của BLDS 2015 kể từ ngày A nộp Đơn khởi kiện trở về trước thì vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện; và
(c) Theo ví dụ của HĐTP TANDTC, lẽ ra HĐTP TANDTC phải hướng dẫn Tòa án phải chấp nhận đối với các khoản lãi phát sinh trong thời hạn 02 năm (theo Điều 427 của BLDS 2005) và 03 năm (theo Điều 429 của BLDS 2015) kể từ ngày A nộp Đơn khởi kiện trở về trước thì mới bảo đảm quyền lợi của A. Để cho dễ hiểu, các bạn có thể xem sơ đồ tôi tự vẽ và đính kèm theo bài viết này.


Điều 23.1(b) của Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối Cao

7. Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi cho A, HĐTP TANDTC phải hướng dẫn Tòa án theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện—nếu có—buộc B trả thêm khoản tiền lãi cho đến ngày Tòa án ban hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

IV. KIẾN NGHỊ
8. Theo nhận định của tôi, để bảo đảm quyền lợi của các đương sự, HĐTP TANDTC cần phải có hướng dẫn khác thay thế hướng dẫn tại Điều 23.1(b) của Nghị Quyết 03 theo hướng Tòa án vẫn chấp nhận khoản lãi phát sinh trong thời hiệu khởi kiện kể từ ngày đương sự nộp đơn khởi kiện trở về trước, và tiếp tục tính lãi cho đến ngày Tòa án ban hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.


25/11/2022
Hồ Quốc Nam

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

DỊCH COVID-19 LẦN ĐẦU TIÊN ĐƯỢC TÒA ÁN XEM LÀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG


I. SỰ KIỆN

1. Gần đây TAND Cấp cao tại Đà Nẵng (“Tòa Án”) đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 48/2022/DS-GĐT ngày 09/09/2022 về tranh chấp hợp đồng thuê nhà (“Quyết Định Giám Đốc Thẩm”). Theo đó, Tòa Án đã thừa nhận dịch Covid-19 là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trường được để loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong giao dịch dân sự (Xem: (i) https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/quyet-dinh-giam-doc-tham-ve-tranh-chap-hop-dong-thue-nha-so-482022dsgdt-253501; và (ii) https://plo.vn/1-an-le-xem-dich-covid-19-la-yeu-to-khach-quan-post705783.html).

II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

2. Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành (“BLDS”) có quy định trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 351.2 của BLDS). Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (Điều 156.1 của BLDS). Với Quyết Định Giám Đốc Thẩm nêu trên, Tòa Án đã lần đầu tiên thừa nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng theo quy định tại BLDS trong công tác xét xử.

III. PHÂN TÍCH QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM

3. Tại Quyết Định Giám Đốc Thẩm, Tòa Án đã tách dịch Covid-19 thành ra 02 lớp (2 layers): (a) Layer 1: Dịch bệnh Covid-19 không phải là điều kiện cần và đủ là sự kiện bất khả kháng; mà (b) Layer 2: Tòa Án đang có ý các Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg—và sau này là các quyết định của UBND Tỉnh Quảng Nam căn cứ trên các Chỉ thị này liên quan đến giãn cách xã hội và tạm dừng hoạt động một số cơ sở sản xuất kinh doanh—là, trên cơ sở của Layer 1, điều kiện đủ để dịch Covid-19 được xem là sự kiện bất khả kháng.

4. Cụ thể, khi xác định thời điểm bắt đầu của sự kiện bất khả kháng làm cơ sở cho Quyết Định Giám Đốc Thẩm, Tòa Án đã căn cứ vào các thời điểm có hiệu lực của các quyết định của UBND Tỉnh Quảng Nam—căn cứ trên các Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg—để xác định thời điểm bắt đầu của sự kiện bất khả kháng—xem phần Nhận định của Tòa Án, Trang 6, Trang 7 của Quyết Định Giám Đốc Thẩm.

IV. NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC ĐỘNG CỦA QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM ĐỐI VỚI CÔNG TÁC XÉT XỬ CHUNG CỦA NGÀNH TÒA ÁN

5. Mặc dù Quyết Định Giám Đốc Thẩm chưa phải là án lệ nhưng theo nhận định riêng của tôi, Quyết Định Giám Đốc Thẩm nên được lựa chọn phát triển thành án lệ bởi lẽ Quyết Định Giám Đốc Thẩm đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn án lệ như: (a) Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý, i.e., dịch Covid-19, và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; (b) Có tính chuẩn mực; và (c) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

6. Về việc có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử của Quyết Định Giám Đốc Thẩm, tôi cho rằng thời gian qua đã có rất nhiều vụ án liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng thuê nhà—trong đó có nhiều vụ án liên quan đến việc xác định chấm dứt đúng hay không đúng khi bên yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà nại lý do dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng—tuy nhiên, đường lối xét xử của các tòa án có thể đã không được thống nhất và đã tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Các luật sư tranh tụng có thể viện dẫn Quyết Định Giám Đốc Thẩm để yêu cầu tòa án xét xử theo quan điểm của Tòa Án đã được thể hiện tại Quyết Định Giám Đốc Thẩm, đồng thời viện dẫn thêm nghĩa vụ của tòa án phải “[b]ảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử” (Điều 2.8 của Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014). Tuy nhiên, các lập luận này của các luật sư tranh tụng không phải lúc nào cũng được hội đồng xét xử chấp nhận, nên theo quan điểm của cá nhân tôi, Quyết Định Giám Đốc Thẩm vẫn nên được phát triển thành án lệ để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

7. Thực tế, Quyết Định Giám Đốc Thẩm sẽ có nhiều tác động sâu rộng đến công tác xét xử của ngành tòa án, kể cả đối với những tranh chấp đang phát sinh hoặc vụ án đang trong quá trình xét xử, và những vụ án đã có bản án, quyết định của tòa án đã hiệu lực pháp luật. Đối với những tranh chấp đang phát sinh hoặc vụ án đang trong quá trình xét xử, các bên có liên quan và tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án ít nhiều sẽ bị tác động bởi nội dung của Quyết Định Giám Đốc Thẩm đối với việc xác định hướng giải quyết tranh chấp và đường lối xét xử của vụ án. Ngoài ra, đối với những vụ án đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì Quyết Định Giám Đốc Thẩm có thể được xem là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bởi đã “[c]ó sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” (Điều 326.1(c) của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

8. Theo nhận định của tôi, trong thời gian tới, có thể sẽ có hàng loạt bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm căn cứ theo nội dung của Quyết Định Giám Đốc Thẩm. Vấn đề này có thể rất nghiêm trọng và sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người đang làm công tác xét xử, nhưng biết sai, sửa sai là điều cần thiết vào lúc này để công tác xét xử ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm công bằng cho người dân.


14/11/2022
Hồ Quốc Nam

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

CHIẾN TRANH NGA–UKRAINA: XIN ĐỪNG VÔ CAN

Từ đầu năm 2013, khi nhận thấy Putin có dấu hiệu của một kẻ độc tài─lúc này vẫn còn rất nhiều người yêu mến và ủng hộ Putin vô điều kiện, và chưa thấy được bản chất độc tài của Putin─tôi đã lên tiếng phản đối và cảnh tỉnh với mọi người về dấu hiệu độc tài của Putin và những hệ lụy có thể có của chính sách độc tài của Putin đối với nước Nga. Gần 10 năm trôi qua, những hệ lụy tôi đã đề cập dần trở nên sáng tỏ hơn và trở thành hiện thực khi Putin phát động chiến tranh xâm lược Ukraina.

Các bạn ơi, chúng ta may mắn được sinh sống trong hòa bình. Các bạn có thể vui vẻ, thoải mái đi vui chơi, cà phê, mua sắm với bạn bè, xem phim, giải trí...; nhưng các bạn xin đừng cho rằng mình vô can trong cuộc chiến tranh Nga–Ukraina. Chúng ta không thể nào cho rằng mình vô can được khi một dân tộc anh em của chúng ta─một dân tộc đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong chiến tranh, và cả trong thời bình─ngày hôm nay phải chịu sự đàn áp của một kẻ độc tài. Người dân Ukaina đang phải chịu mất nhà cửa, đất đai, hi sinh cả mạng sống của bản thân và gia đình để có được hòa bình, để chống lại quân đội Nga xâm lược và đã sáp nhập đất đai, nhà cửa của họ vào lãnh thổ Nga. 


Nếu các bạn đồng ý với tôi thì, các bạn ơi, Matin Luther King từng nói: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt," hãy suy nghĩ thật đúng đắn và giúp những người thân, người quen của chúng ta hiểu về điều đó. Chúng ta không có gì hết ngoài tiếng nói và lương tri, hãy lên tiếng và lên án Putin để cho càng nhiều người biết càng tốt về chính sách độc tài của Putin và những đau thương, mất mất mà dân tộc Ukraina─những người anh em của chúng ta─đang phải gánh chịu.

Chúc các bạn một ngày Chủ Nhật tốt lành!


16/10/2022

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

TẠI SAO MÌNH YÊU THA THIẾT CÔNG VIỆC CỦA MỘT LUẬT SƯ TRANH TỤNG?


Sài Gòn, ngày 10/08/2022.

Kể từ khi bắt đầu hành nghề luật, mình đã đại diện tham gia tố tụng cho rất nhiều thân chủ. Mỗi người trong số họ là một câu chuyện, một quyển sách sống động mà rất may mắn mình được lắng nghe và học hỏi. Mình cảm giác mình đã, đang, và sẽ sống một phần cuộc đời của họ thông qua những vụ án, những câu chuyện mà họ đã chia sẻ cho mình. Trong bất kỳ vụ án nào, mình đều cảm nhận được mình đang cố gắng góp một phần nhỏ để đòi lại công lý cho người dân. Đó là lý do quan trọng tại sao mình lại yêu tha thiết công việc của một luật sư tranh tụng như vậy. Đến một ngày, nếu mình không còn cảm nhận được hơi thở của công lý, chắc có lẽ mình không còn đủ can đảm để tiếp tục hành nghề luật nữa.

Một trong những vụ án mình cảm thấy tự hào và may mắn khi được tham gia là đại diện gia đình Luật sư Cù Huy Hà Vũ – Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà trong vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính trong quản lý Nhà nước về quản lý đất đai” với người bị kiện là Chủ tịch UBND TP.HCM. Vụ án này là một điển hình cho người dân biết được quyền và lợi ích hợp pháp mà lẽ ra họ đã phải được hưởng nhưng đã bị tước đoạt bằng những hành vi vi phạm pháp luật của những người trong tay có rất nhiều quyền lực. Trong ảnh là ông Nguyễn Dương Lương, em ruột của Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, người đã đồng hành với mình trên hành trình đòi lại công lý nhiều năm qua. Hành trình đến công lý dù rất nhiều khó khăn, vất vả, có lúc sau rất nhiều nỗ lực nhưng kết quả lại không được như mong muốn, tuy nhiên mình luôn tìm được niềm vui trên từng bước chân trên hành trình rất dài và rất khó khăn này.


10/08/2022

Hồ Quốc Nam

http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

Cuộc chiến tranh của Putin tại Ukraina là chính nghĩa hay phi nghĩa?

Một vài người bạn hỏi mình: “Làm sao biết được việc Putin xâm lược Ukraina là phi nghĩa?

Mình không biết cách trả lời câu hỏi này. Vì đơn giản, đây là một cách đặt vấn đề sai.

Câu hỏi đúng phải là: “Làm sao Putin chứng minh được cuộc chiến tranh của ông ấy tại Ukraina là chính nghĩa?”.

Chừng nào Putin còn chưa chứng minh được cuộc chiến tranh của ông ấy ở Ukraina là chính nghĩa, thì lúc ấy cuộc chiến tranh ấy vẫn còn là phi nghĩa, và đáng bị lên án.


04/03/2022

Hồ Quốc Nam

http://hoquocnam.blogspot.com