Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

BÌNH LUẬN VỀ SAI LẦM TRONG VIỆC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 28/2020/QĐKDTM-PT NGÀY 29/06/2020 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ VIỆC YÊU CẦU CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH TẠI VIỆT NAM BẢN ÁN CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI

 

I. SỰ VIỆC

1. Ngày 29/06/2020, Tòa án nhân dân Cấp Cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (“TANDCC TP.HCM”) ban hành Quyết định số 28/2020/QĐKDTM-PT về việc yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài (xem https://drive.google.com/file/d/10iuPpkmgBqgHZ9tTPLRB_Q9L_le7bAWj/view?usp=sharing) (“Quyết Định 28/2020/QĐKDTM-PT”). Nội dung vụ việc tại Quyết Định 28/2020/QĐKDTM-PT có thể được tóm tắt như dưới đây.
2. Ngày 04/04/2014, bà Oh—cá nhân có quốc tịch Hàn Quốc, là Nguyên Đơn—ký kết Hợp đồng chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH P (“Công ty P”) (“Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp”) cho Công ty TNHH S (“Công ty S”)—pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam, là Bị Đơn—với giá chuyển nhượng 3.500.000 USD. Hai bên thỏa thuận cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp phát sinh là Tòa án Trung tâm Quận Seoul, Hàn Quốc.
3. Điểm D, Mục 3 của Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp xác định bà Oh phải cung cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh bà Oh được quyền chuyển nhượng vốn điều lệ và các quyền liên quan đến quyền sử dụng đất, tòa nhà, và cơ sở vật chất cho Công ty S.
4. Căn cứ Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp, bà Oh đã bàn giao toàn bộ nhà xưởng của Công ty P từ ngày 11/04/2014 cho Công ty S để quản lý và vận hành.
5. Theo Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp, Công ty S có nghĩa vụ thanh toán cho bà Oh. Tuy nhiên, Công ty S đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng không đạt kết quả, bà Oh tuyên bố chấm dứt Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp, yêu cầu Công ty S trả lại nhà xưởng nhưng đến ngày 31/10/2014 Công ty S mới trả lại. Do vậy, bà Oh đã khởi kiện Công ty S tại Tòa án Hàn Quốc.
6. Tòa án Cấp Cao Seoul, Hàn Quốc—tòa án cấp phúc thẩm—tuyên buộc Công ty S trả bà Oh số tiền 400.000 USD và tiền lãi với mức lãi suất hàng năm là 6% kể từ ngày 24/09/2014 cho đến ngày 22/05/2015; và tiền lãi với mức lãi suất hàng năm là 20% kể từ ngày tiếp theo cho đến khi khoản tiền được thanh toán đầy đủ (“Bản Án Phúc Thẩm Tại Hàn Quốc”).
7. Căn cứ Phần thứ bảy của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 do Quốc Hội Việt Nam thông qua ngày 25/11/2015 (“BLTTDS 2015”), bà Oh đề nghị Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam toàn bộ phán quyết có hiệu lực của Bản Án Phúc Thẩm Tại Hàn Quốc, buộc Công ty S phải thực hiện theo phán quyết.
8. TANDCC TP.HCM căn cứ quy định pháp luật Việt Nam tại Điều 469; và Điểm a, Khoản 1, Điều 470 của BLTTDS 2015 nhận định thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt đối với tranh chấp giữa bà Oh với Công ty S đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam. Do đó, bà Oh yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Bản Án Phúc Thẩm Tại Hàn Quốc là không có căn cứ nên quyết định không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đối với Bản Án Phúc Thẩm Tại Hàn Quốc.

II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
9. Điểm a, Khoản 1, Điều 470 của BLTTDS 2015 quy định:
Điều 470. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam
1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam.

III. BÌNH LUẬN QUYẾT ĐỊNH 28/2020/QĐKDTM-PT
10. Theo nhận định của tôi, nhận định của TANDCC TP.HCM tại nội dung của Quyết Định 28/2020/QĐKDTM-PT không đúng, bởi lẽ: (i) Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; (ii) tranh chấp Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp không phải là tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam; và (iii) nhận định của TANDCC TP.HCM không phù hợp với tinh thần và nhận thức pháp luật của Tòa án nhân dân Tối Cao (“TANDTC”) về tranh chấp liên quan đến bất động sản.
11. Thứ nhất, việc ký kết Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp của bà Oh và Công ty S phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 do Quốc Hội thông qua ngày 29/11/2005, như được sửa đổi, bổ sung (“Luật Doanh nghiệp 2005”)—luật nội dung có hiệu lực vào thời điểm Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp được ký kết. Tại Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp, bà Oh đã thực hiện quyền của chủ sở hữu—chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp—đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu (Điều 64.2(c) của Luật Doanh nghiệp 2005).
12. Thứ hai, bản chất của tranh chấp Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp là tranh chấp dân sự có liên quan đến phần vốn góp—là một loại động sản—không phải là tranh chấp dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam. Pháp luật vào thời điểm Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp được ký kết quy định phần vốn góp của bà Oh tại Công ty P là động sản, không phải là bất động sản (Điều 174 của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 do Quốc Hội thông qua ngày 14/06/2005 (“BLDS 2005”). Đối với loại tranh chấp này, khi thụ lý và xét xử vụ án, cơ quan giải quyết tranh chấp chỉ cần xác định: (i) Công ty S có nghĩa vụ thanh toán cho bà Oh hay không?; và (ii) Trường hợp Công ty S có nghĩa vụ thanh toán cho bà Oh, thì giá trị thanh toán được xác định như thế nào. Cần lưu ý rằng, sau thời điểm bà Oh góp vốn vào Công ty P, bà Oh đã mất quyền sở hữu đối với tài sản được dùng để góp vốn và chỉ có quyền sở hữu đối với phần vốn góp bà Oh sở hữu tại Công ty P (Điều 4.4 và Điều 4.5 của Luật Doanh nghiệp 2005). Ngoài ra, pháp luật Việt Nam vào thời điểm Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp được ký kết, gồm cả Luật Doanh nghiệp 2005, không có bất cứ quy định nào đề cập đến việc chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực như đối với giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Điều 127 của Luật Đất đai số 13/2003/QH11 do Quốc Hội thông qua ngày 26/11/2003, như được sửa đổi, bổ sung). Như vậy, có thể thấy nhận định của TANDCC TP.HCM không đúng với quy định của pháp luật.
13. Thứ ba, pháp luật Việt Nam hiện hành có đề cập đến “tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất”—quyền sử dụng đất là một loại bất động sản được quy định tại Điều 107 của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 do Quốc Hội thông qua ngày 24/11/2015 (“BLDS 2015”)—là các loại tranh chấp như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... (Điều 3.2 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/05/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 192 BLTTDS 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại (“Nghị Quyết Số 04/2017/NQ-HĐTP”)). Có thể thấy, tại Nghị Quyết Số 04/2017/NQ-HĐTP, TANDTC đã có quan điểm tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất là khi đối tượng tranh chấp liên quan “trực tiếp” đến quyền sử dụng đất. Cùng một cơ sở và nhận định của TANDTC như tại Nghị Quyết Số 04/2017/NQ-HĐTP, có thể thấy nhận định của TANDCC TP.HCM về việc tranh chấp Hợp Đồng Chuyển Nhượng Phần Vốn Góp giữa bà Oh và Công ty S là tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam là không phù hợp với tinh thần và nhận thức pháp luật của TANDTC về tranh chấp liên quan đến bất động sản.

IV. KIẾN NGHỊ
14. Theo nhận định của tôi, đối với những tranh chấp liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp theo quy định của pháp luật về doanh nghiêp, TANDTC cần có hướng dẫn theo hướng công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Về bản chất, đây là loại tranh chấp có liên quan đến quyền của chủ sở hữu đối với tài sản là động sản—cổ phần và phần vốn góp—được chuyển nhượng.


26/01/2023
Hồ Quốc Nam