Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Trao đổi với nhà văn Lý Lan về giáo dục

LTS: Dưới đây là một vài ý kiến tôi đã trao đổi cùng nhà văn Lý Lan về chủ đề giáo dục. Các bạn xem cuối bài viết này để đọc nguyên văn bài viết của Lý Lan.

Đào tạo nhiều tiến sĩ cho Việt Nam là rất tốt nhưng phải chú ý đến chất lượng đào tạo thật sự. Trong nước đào tạo không nổi thì đưa đi nước ngoài đào tạo. Ở một nền giáo dục còn nhiều điều bất cập như ở Việt Nam, hãy khuyến khích thật nhiều người trẻ có ước mơ, hoài bão và có ý chí, nghị lực đi học ở các nước phát triển (Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Hàn, Trung Quốc...) để học hỏi thành tựu kinh tế, xã hội của họ, sau đó có thể về đóng góp cho Việt Nam. Quan trọng nhất là nhà nước phải biết "nghe" họ và phải “tin” họ. (Có một lần một người Singapore đã nói với em: "Old dogs don't like new tricks.")

Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phẳng hơn, do đó vấn đề về địa lý ngày nay không còn là một vấn đề quá khó khăn đối với tri thức nữa. Người trí thức Việt không cần về đất nước cũng có thể phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Quan trọng nhất nhà nước phải hiểu rằng “nhân tài là nguyên khí của quốc gia,” để tìm cách tạo ra thật nhiều nhân tài một cách thật bài bản, căn cơ chứ không phải sản xuất theo kiểu hàng hóa công nghiệp được. Hãy để cho một trăm người Việt Nam có cơ hội học tập và làm việc tại nước ngoài. 100 người đi, 90 người định cư, 10 người trở về thì nhà nước cũng có lời. 90 người định cư thì cũng có rất nhiều người đóng góp cho sự phát triển của nước nhà. Bằng chứng là nội trong năm 2011, đồng bào Việt Nam tại hải ngoại đã gửi về cho Việt Nam 9 tỷ đô-la Mỹ (theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đài BBC.)

Để đưa đất nước Việt Nam đi lên, theo em nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà nước là "Cải tổ giáo dục, khai thông dân trí,". Một khi thế hệ trẻ có được trí tuệ thì tự họ biết phải làm gì để có lợi cho quốc gia, dân tộc. Người dân Việt Nam ai cũng biết đọc, biết viết; biết phân biệt phải trái, đúng sai; biết yêu cái thiện và ghét cái ác; biết tiếp thu những tinh hoa của kiến thức nhân loại; biết tư duy đa chiều chứ không phải một chiều; biết tư duy phản biện chứ không phải là những con cừu non ngoan ngoãn chỉ biết nghe và làm theo; biết điều gì là thật sự có lợi cho quốc gia, dân tộc, cho bản thân mình, gia đình và xã hội... thì đất nước Việt Nam sẽ tự động cất cánh bay lên thành con rồng của châu Á.

Chúng ta có thể đưa ra vô số những ví dụ về những người thành đạt mà không cần đến tấm bằng đại học nhưng cũng phải cần tỉnh táo lưu ý rằng họ bỏ học ở trường đại học chứ không phải là nghỉ học ở trường đời. Vì trường đời mới thật sự là “trường đại học” lớn nhất mà bất cứ ai trong chúng ta cũng phải trải qua. Ngay cả đối với những người thất học thì họ cũng phải học ở "trường đại học" này. Những người như Steve, Bill đã học rất nhiều từ trường đời, từ công việc thực tế, từ đồng nghiệp... vì nền tảng tri thức trong họ có đủ để có thể tiếp thu những cái mới và họ có một một trường thuận lợi (một phần do họ tự tạo ra và một phần do xã hội họ đang sống sẵn có). Không ai dám đưa 100.000 đô-la cho một thằng điên hay một thằng dốt cả (A fool and his money are soon parted.) Ngay cả Peter Thiel muốn đưa cho ai đó 100.000 đô-la cũng phải “chọn mặt gửi vàng” thông qua một cuộc thi tuyển với tỷ lệ tuyển chọn còn “căng hơn hơn tuyển vào đại học Harvard.”

Quan điểm của em trong vấn đề cô Lan nói như thế này: Hãy học hành cho thật đàng hoàng, nếu không học được ở trường học thì hãy học ở trường đời. Nếu không học hành đàng hoàng thì ngay đến cầm cây chổi quét nhà cũng không biết quét thế nào cho sạch.

Kính chúc cô Lan thật sức khỏe!

Dưới đây là nguyên văn bài viết của nhà văn Lý Lan:

19.12.11

Tiến sĩ hay cu li?

Tôi đang băn khoăn liệu viết bài này có khác gì xúi thanh niên bỏ học, trong khi ai cũng cho rằng đất nước này cần đào tạo nhân tài để phát triển, Mấy năm qua, không chỉ đại học bùng phát, mà những chỉ tiêu đào tạo sau đại học cũng đáng nễ, như mấy chục ngàn tiến sĩ trong vài năm tới chẳng hạn.

Kể ra xã hội có nhiều tiến sĩ cũng hay. Mới hôm rồi tôi được mời ăn tối ở nhà bạn. Chủ nhân giới thiệu khoảng một chục khách mời với nhau: Này là tiến sĩ X, đây là tiến sĩ Y, kia là thạc sĩ Z. Bàn ăn có vẻ bốc mùi trí thức. Nhưng vì thức ăn ngon và rượu thì nhiều nên mọi người ăn uống vui vẻ, rốt cuộc ai cũng no say. Chủ nhân rất hài lòng, hôm sau nói với tôi qua điện thoại là họ thực sự hân hạnh được đón tiếp những vị khoa bảng hôm qua, con cái họ học được nhiều từ các vị ấy . Tôi nhớ hai cô cậu trẻ trong nhà, đều đang ở lứa tuổi ngoan, quả thật có vẻ bị ảnh hưởng bởi sự trân trọng bằng cấp cao của cha mẹ, chắc là chúng thấy làm tiến sĩ cũng oai.

Khi Steve Jobs qua đời, một chi tiết về đời tư của ông được nhiều phương tiện truyền thông khai thác. Ấy là mẹ ruột của ông mang thai khi chưa kết hôn và còn là sinh viên, đã quyết định đem đứa con mới sanh cho người khác nuôi. Yêu cầu của bà mẹ ruột đối với cha mẹ nuôi đứa bé là cho nó vào đại học. Cha mẹ nuôi của Jobs là những người lao động, đã cố gắng thực hiện lời hứa. Nhưng Steve chọn một trường đại học tư học phí rất đắt. Khi Steve nhận ra rằng mình đang tiêu những đồng tiền dành dụm ít ỏi cho tuổi già của cha mẹ, ông quyết định bỏ học, đi làm tự kiếm sống. Khi qua đời ở tuổi năm mươi ngoài, Steve Jobs là tỉ phú.

Nguyện vọng của mẹ ruột Steve và cố gắng của cha mẹ nuôi Steve là điều hiểu được. Cho con học hành tới nơi tới chốn là ước nguyện của nhiều cha mẹ, giàu cũng như nghèo, hoàn toàn chính đáng. Các bậc cha mẹ hy vọng một nền giáo dục đại học bảo đảm tương lai cho con mình. Khiêm tốn thì mong chúng có được cái bằng đại học trong nước để trong hồ sơ xin việc. Có điều kiện hơn thì cho chúng du học, hay ráng kiếm tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ, trong ngoài nước đều được, để nâng cấp địa vị và bỗng lộc. Ở xứ sở trọng bằng cấp, cần nắm ít nhứt một tấm bằng trong tay như tấm vé để tiến vào quan trường. Ngay trong thị trường lao động tự do, bằng cấp cũng được nhiều nhà tuyển dụng đòi hỏi. Tóm lại, trong tình hình nước ta hiện nay, có vẻ nên khuyến khích thanh niên học hành, nên mở cánh cổng đại học và bậc học cao hơn cho càng nhiều thanh niên càng tốt.

Bỏ học mà thành đạt như Steve Jobs là trường hợp đặc biệt. Nhưng không phải là trường hợp duy nhứt. Những trường hợp bỏ học, hoặc không được học hành, trở thảnh kẻ thất bại, vô dụng, lận đận lẹt đẹt dưới đáy xã hội không hề ít. Nguyên nhân thành bại ở đời nhiều lắm, tùy vào ý chí và nỗ lực của từng con người, tùy thời vận, may rủi nữa. Một tấm bằng để kiếm chỗ làm là một ưu thế khi khởi đầu. Nhưng một số vốn để khởi nghiệp cũng là một ưu thế đáng kể. Nhiều người trẻ tin rằng họ chỉ cần có vốn để khởi đầu sự nghiệp. Vậy muốn giúp đỡ thanh niên thì giúp họ học hành lấy được bằng cấp cao hay hổ trợ vốn liếng để họ bỏ học mà khởi nghiệp?

Bill Gates là người bỏ học thành đạt, nhưng ông lại dùng tiền để đẩy mạnh giáo dục. Một thanh niên được học bỗng Gates thì được bảo đảm tài chánh để học tập nghiên cứu đến khi nào đạt được tri thức mình mong muốn. Học bỗng này không giới hạn số tiền hay thời gian, mà tùy nhu cầu học tập của người được bảo trợ là bao nhiêu thì quĩ Gates chi bấy nhiêu. Điều này khuyến khích người nhận học bỗng cố gắng vào những trường giỏi nhứt, tham gia những chương trình nội / ngoại khóa bổ ích, trải nghiệm những thử thách thú vị, tận dụng mọi cơ hội để hoàn thiện bản thân, mà không bận tâm đến tiền bạc. Học bỗng này nhắm đào tạo những lãnh đạo xuất sắc trong khoa học và trong cộng đồng.

Peter Thiel cũng là tỷ phú. Nhưng ông dùng tiền khuyến khích những người muốn bỏ học để kiếm tiền. Thực tế ở nước Mỹ có rất nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học với một đống nợ. Thiel cho là bằng cấp đại học quá đắt và được đánh giá quá cao, khiến cho nhiều người trẻ tuổi rơi vào vòng luẩn quẩn: Vay nợ để học hành, đeo đuổi ước mơ tuổi trẻ; học xong lại phải gạt bỏ ước mơ, đi kiếm tiền trả nợ. Đã vậy, trong tình hình kinh tế suy thoái, thanh niên cầm bằng cấp đại học, kể cả bằng tiến sĩ, cũng khó kiếm được việc làm. Nhưng nếu không vào đại học thì làm gì? Thiel đề ra chương trình trợ vốn cho thanh niên không muốn hay không có tiền vào đại học. Ông hứa giúp 24 thanh niên, mỗi người 100.000 đô, trong hai năm, để sáng lập doanh nghiệp. Có 400 hồ sơ ứng cử. Tính ra tỷ lệ tuyển chọn còn căng hơn hơn tuyển vào đại học Harvard.

Thiel được coi là người suy nghĩ táo bạo (Brave Thinker) của năm 2011. Chương trình trợ vốn của ông chỉ mới bắt đầu trong nằm 2011, và cần thời gian để biết hiệu quả như thế nào. Những người phản bác ý tưởng của Thiel cho rằng giao 100.000 đô cho những người 18 tuổi không có kinh nghiệm, không đủ trình độ học vấn, cầm như tiêu tùng vốn liếng, có khi làm hư hỏng chúng luôn. Thiel trả lời: Nếu sau hai năm làm ăn thất bại, chúng cắp sách đi học lại cũng chẳng muộn. Và lúc đó chúng sẽ hiểu hơn giá trị của học vấn. Ông rất hy vọng cuối cùng chúng sẽ thành công, cách này hay cách khác, hoặc bằng kinh nghiệm xương máu của chính mình. Thương trường cũng dạy người ta những bài học đáng giá.

Lý Lan

Đường dẫn bài viết: http://lylan.blogspot.com/2011/12/tien-si-hay-cu-li.html 

20.12.2011
Hồ Quốc Nam

Lịch sử thú vị của Hotmail

Quả là danh bất hư truyền. Hiện nay trên thế giới hầu như có trên 22 triệu người sử dụng hộp thư điện tử e-mail của Microsoft Company trong trình duyệt Internet Exlporer, mà ai ai cũng biết danh, chúng ta gọi là "Hotmail". Ai ai cũng thích danh từ: "Hot Meal" (thức ăn nóng hổi vừa thổi vừa ăn), dĩ nhiên ngon lành hơn "Cool Meal" (thức ăn nguội ngắt). Khi nhóm Internet Explorer được tung ra thị trường vi tính thì công ty Microsoft của Bill Gates từ hạng 5 nhảy lên hạng nhất rồi. Trước đó Microsoft phải nhường bước cho trình duyệt Web Netscape. Netscape vang danh thiên hạ nhờ phần gửi thư điện tử e-mail rất dễ dàng.

Rồi vật đổi sao dời, Microsoft nhào lên thị trường mà dịch vụ thu hoạch hàng năm về phần này lên đến cả chục tỉ USD... Hãy so sánh: Làm trùm những hạt kim cương lóng lánh, hãng De Beers tại Nam Phi có doanh thu hàng năm vẫn còn là một con số khiêm nhường, rất tốn công đào mỏ, rồi cắt gọt, rồi đánh bóng... Nhiều khi thị trường bị đứng lại rồi nhiều mỏ khai ra của nhiều tư nhân tại Brazil, Peru, Siberia Nga, Indonesia, v.v... Làm trùm sản xuất xăng dầu hiện nay là BP (British Petroleum) tuy đã đẩy đối thủ nhãn hiệu con sò Shell sang một bên, một góc vách tường, lợi tức cũng không phải dễ dàng đạt được như vậy.

Khi nhóm Internet Explorer của Microsoft tung ra chưởng độc địa mang tên là Hotmail, thì quần hùng đều kinh ngạc. Thư điện tử mang danh Hotmail này quả là tuyệt chiêu, thiên hạ vô địch. Bill Gates lúc đó đang sầu lo vì trên giang hồ có nhiều tay quá mạnh về công phu và chưởng lực như Yahoo!, AOL (American Online), Netscape, Oracle, Linux và tại Hàn Quốc, Tokyo, Singapore, Paris nữa và nữa... Họ ra đời lâu hơn mình, thiên hạ ai ai cũng nể phục còn mình thiên hạ chỉ nể phục về phần mềm Windows mà thôi. Khi mình mới nhảy vào thị trường vô tận Internet thì bị thiên hạ xúm nhau thưa kiện rồi. Mà quan tòa tại Washington DC đang có mòi không ưa bản mặt mình. Bạn bè mình nói không phải tại Explorer mà tại mình giàu quá. Rồi còn màn dịch vụ thư điện tử e-mail của mình bị thiên hạ complain quá nhiều đến nỗi quá tải. Nhóm technical support của ban Department Service trong công ty Microsoft ngày đêm ăn ngủ không yên vì phần e-mail của mình không ngon, có nhiều lỗ hổng chết thiên hạ. Nhiều khi chạy e-mail thì bị "hang" (bị treo giò) ngang xương. Phần "encryption" (mã hóa font chữ) hay bị xào xáo.

Bill Gates nhiều lúc ngao ngán: mình cho không (free) phần dịch vụ Internet gọi là Explorer cho thiên hạ mà vẫn chưa yên. Mặc dầu Netscape 4.0 đang tính tiền thiên hạ mà thiên hạ vẫn khoái. Mình nghe tại Việt Nam, bà con vẫn còn đang surf Web bằng Netscape 3.0, loại cụ cổ này vẫn còn linh nghiệm, trong khi mình tung Explorer ra tặng không thì bị dân Việt gửi thư than phiền là "thư đọc không được", vì phần View không chịu làm việc với thứ chữ vừa viết theo kiểu Latinh mà lại có dấu nữa. Nhưng khi bảo kiếm Hotmail ra đời thì tung hoành thiên hạ. Thiên hạ võ lâm bị chấn thương trầm trọng. Rồi nhiều tay "tin tặc" (hacker) trên quả địa cầu ráng tung virus hòng giết cho bằng được Hotmail cũng chưa nhằm nhò gì.

Vậy Hotmail là gì mà hay quá vậy?

Anh chàng da đen thui, người Ấn Độ mang tên khó đọc Sabeer Bhatia leo lên chiếc Boeing 747 của hãng Air India, bay ngót 22 tiếng đồng hồ, đáp xuống phi trường quốc tế Tom Bradley tại Los Angeles, California. Tưởng mọi người tung hô khi anh đáp xuống xứ lạ này nhưng tại sao thiên hạ vô tình với mình quá vậy? Hành lý của anh nhẹ hều trong đó có vài bộ áo quần cho hợp thời trang Tây Phương. Chớ tại Calcutta, anh dùng nhất bộ nhất phẩm là xà rông quanh năm màu trắng mà vẫn thấy văn minh như thường. Còn tại đây, cà vạt và bộ veste nhạt màu làm anh đổ mồ hôi, mặc dầu người Mỹ nói rằng vừa vào mùa Thu.

Sabeer khát nước, nhưng anh thấy góc tường có một thằng Mỹ đang đá ình ình vào cái máy bán nước ngọt rồi nó chưởi là "đồ ăn cướp tiền của tao". Máy bán nước ngọt Coca Cola có 3 cái ở góc tường, một cái đang bị đá ình ình, còn cái kia tắt điện, cái kia có điện sáng chói... nhưng anh Sabeer Bhatia đâu dám thọt tờ 100 đô của anh mà mua nước, lỡ máy nó giựt luôn... thì biết ai mà thưa kiện? Trong túi anh chỉ có 250 dollar và tờ giấy nhập học "không phải trả tiền học phí" mà cha mẹ anh gọi là "scholarship" của trường U.C.L.A cho anh học 2 năm mà thôi. Ngày mà anh đáp xuống phi trường Los Angeles, mọi chuyện bỡ ngỡ hết. Ngày đó là ngày 23 tháng 9 năm 1989. Anh vừa đúng 19 tuổi 3 tuần.

Sabeer vào học được 2 năm thì xong rồi, nhưng để lấy bằng Bachelor Science thì cần thêm 2 năm mới được. Môn mới ra đời là "Computer Science" rất ít người học, thầy giáo thì dạy đàng trời, học trò hiểu đàng nẻo. Anh đành phải làm giấy tờ vay tiền học phí mà học cho xong chớ bằng kỹ sư computer nửa vời 2 năm thì ai dám mướn? Phải 4 năm mới được chớ? Nhưng vì anh không phải là cư dân thường trú tại California, anh mang quốc tịch Cộng hòa Ấn Độ mà. Như vậy tiền học phí phải đắt gấp 2 lần cho sinh viên ngoại quốc như anh. Anh thầm nghĩ như vậy tụi Mỹ nó cho mình tay mặt rồi lấy lại tay trái rồi. Như vậy nợ nần rồi ai trả đây? Họ nói ra trường rồi trả không sao. Nhưng ra trường mình đâu có muốn ở lại đây? Mình được người cậu họ tại Bangalore (Ấn Độ) hứa dẫn mình vào một hãng vi tính nổi tiếng của tụi IBM ngay trung tâm thủ đô New Dehli rồi mà, nhưng nếu tính tiền nợ nần này và lương tại Ấn Độ thì mình trả đến 25 năm mới xong với điều kiện đừng lấy vợ. Lấy vợ có con thì không trả nổi đâu. Sao mà càng lúc càng thấy nguy quá vậy?

Rồi bốn năm sau, Sabeer Bhatia tốt nghiệp hạng... không rớt, nghĩa là hạng C là quá may mắn rồi. Anh học được, nhưng vì tụi UCLA bắt mình lấy môn thể thao nhiệm ý, mình không biết chọn môn nào vì mình thích đá banh từ nhỏ tới lớn là nghề của chàng, còn đây tụi Mỹ nó không đá banh mà nó ôm banh chạy, rồi bị chặn giò giật banh lại rồi thổi còi tu huýt đếm lại. Mà ôm banh giành banh, rồi chạy, rồi bị chặn giò, rồi thổi còi tu huýt tụ lại, rồi ôm banh giành chạy... như vậy đâu phải thể thao? Họ cho mình vào môn thể thao nhiệm ý gọi là "football" như vậy là thua rồi. Môn này bị thua, nó làm anh hao điểm ra trường hết sức. Cộng tới trừ lui anh được ra trường kỹ sư hạng C cũng là may lắm rồi. Nếu rớt thì bị rớt về môn football này, đem về tổ quốc thì không vinh quang tí nào đâu.

Sau cùng mọi chuyện cũng xong. Ra trường. Sabeer và anh bạn Alsavador Bohita người Mễ được hãng Apple mướn vào với lương vô cùng khiêm nhượng không dám khoe ai hết. Thung lũng Silicon anh được nghe rất nhiều. Nơi này biến nhiều người lọ lem thành hoàng hậu trong vòng một đêm, nhưng lọ lem là cô bé gái còn mình là anh chàng da đen thui nói tiếng Anh líu lo theo giọng Ấn Độ, nhiều người bạn nói tại "mày ăn càri quá cay, nên cái lưỡi của mày nóng quá, nói lẹ tụi tao nghe không kịp".

Sabeer và Alsavador làm chung một hãng, cùng nhau chia tiền phòng 2 bedroom tại Silicon Valley. Tiền nhà ở đây họ tính cho toàn tụi tỉ phú mướn mà tụi mình ăn uống rất khiêm tốn. Né hầu hết những tiệm Seafood Restaurant của dân Chinese tại San Francisco, còn thằng bạn mình Alsavador thì khoái ra mặt món hamburger, nó nói món này ăn bổ lắm, ai cũng thích hết. Còn mình không ăn được món này, vì mình "trọng" con bò mà. Đành ăn fried chicken mệt nghỉ luôn.

Hàng ngày tan sở thì thằng Mễ nói luôn miệng là sẽ làm sao mà thoát khỏi kiếp nghèo này mới được. Chẳng lẽ mướn apartment trọn đời? Còn làm kỹ sư cho một hãng lớn vô cùng như Apple nhiều sao bắc đẩu quá. Thằng sếp Chief Engineer của mình nó là thằng Việt Nam. Nó thường khoe là ngày xưa nó từng đánh giày tại Saigon, rồi nó chạy đại lên tàu chơi, nhưng không dè tàu không cho nó xuống mà sang Indonesia luôn. Nó phải làm lại từ đầu... Mình nghĩ cái thằng Việt Nam này sao mà xạo quá "nó có cái gì đâu mà làm lại từ đầu?" Nhưng mình phải nể thôi, trong sở nó có nhiều bằng sáng chế mà người ta gọi là "patent". Nó treo nhiều bằng patent như vậy trên vách tường văn phòng của nó. Nó có thư ký tóc vàng làm việc cho nó, còn mình thì làm chung phòng với thằng bạn và hai thằng Mỹ tóc đỏ khác. Nhà của thằng Việt Nam này đáng nể thật. Nó có lần tổ chức party mời cả Sếp Chúa hãng Apple đến dự sinh nhật con thứ năm của nó, chỉ còn thiếu sư tổ Apple là Steve Jobs là đủ bộ.

Thằng Việt Nam này nói cái nhà nó mua rất rẻ nhờ thằng bán nhà Realtor cũng là thằng "boat people" quen trên tàu... chớ người lạ thì trên 800 cũng không được. Mình biếu quà cho nó mà nó đâu có vui vì trùng quà rồi. Cái áo da mình thèm lắm, nhưng mua cái áo da đẹp cho nó thì thua hẳn cái áo da của các người bạn trong sở khác nên nó đâu có vui, vì đã trùng quà mà quà mình thì rẻ tiền mà! Xứ mình có ai mặc áo da đâu mà có kinh nghiệm toàn là ở trần quấn xà rông quanh năm suốt tháng trong nhà. Khi ra ngoài đường là mặc đại một cái áo vest dưới là xà rông, thiên hạ cũng nể rồi. Đó là tại India. Còn về nhà, Santa Clara, Cailfornia, về tổ ấm tạm thời thì thằng Mễ Alsavador luôn luôn nói "mình phải giàu mới được" nghe riết hết muốn vô sở luôn.

Một hôm, mình nhớ khoảng tháng 12 năm 1995 thì thằng Mễ gọi khẩn trong máy điện thoại là cần gặp mình gấp trong vòng 15 phút tại McDonald đường Euclid gần sở mới được. Bỏ sở, nói dối với Chief Engineer là mình "nhức đầu quá", nó OK. Nhưng mình biết nó đâu có tin, nó còn nói nheo nhéo "good luck". Bộ nó tưởng mình bỏ sở này nhảy sang sở khác sao? Kệ nó, nó nghĩ gì thì nghĩ mình phải theo thằng bạn luôn miệng nói "mình phải làm giàu mới được". Bạn mình Alsavador có từng nói sẽ làm một hộp thư dành cho tụi web surfer, nghĩa là tụi chơi Internet mới được. Nhiều đêm nó bật đèn sáng trong phòng, ngồi ngồi viết viết, hút thuốc lá liên miên, đi tới đi lui trong phòng, lẩm nhẩm như thằng điên làm mình không ngủ được, bỏ nó ra mướn riêng thì đâu có tiền. Còn ở chung thì cứ nghe nó nói mình phải làm giàu mới được, rồi nửa đêm thức dậy, đi tới đi lui... như vậy lá số Tử vi của mình đâu có may mắn đâu? Lo kiếm cơm chưa xong còn mong gì làm triệu phú nữa.

Gặp tại quán McDonald, nhìn nó ăn hamburger mà thèm, còn mình ăn french fried uống coca ừng ực. Nó nói rồi mình bàn, rồi phố lên đèn. Lúc đó tháng 12, trời mau tối lắm, ngoài đường thiên hạ đang nhộn nhịp mua quà Noel Christmas tấp nập. Không biết Noel năm nay mua quà loại gì cho thằng Chief Engineer Việt Nam này cho nó hài lòng? Sabeer và Alsavador bàn kế hoạch cho e-mail tương lai. Anh nói với Alsavador cần phải điều chỉnh vài phần command trong software này mới được. Và Sabeer kết luận mình cần phải có ít nhất là "300 ngàn đồng" mới được. Sabeer và Alsavador sáng hôm sau phone vào Sở Apple Corp cho Chief Engineer là "vẫn còn bị bệnh" thì được thằng Việt Nam này cười khì khì "good luck"... Sao thằng Việt Nam này nó khôn quá vậy?

Hai người lái xe đi khắp nơi, từ Silicon Valley, đến Santa Clara, đến North San Jose, South San Jose, đến tận San Francisco... gõ cửa hơn 35 hãng chuyên về phần mềm nhưng chỉ được một đống business card của họ đem về nhà mà thôi. Họ nói món e-mail này có nhiều người làm rồi, đâu cần nữa. Tụi Netscape làm e-mail này từ lâu rồi còn Yahoo! cho không, AOL (American On Line) cũng vậy.

Sau cùng hai người này gặp một tay chịu chơi tại vùng Vịnh San Francisco Bay, hãng này nhỏ không lớn, chuyên về phần mềm. Chủ hãng là anh chàng Mỹ tóc vàng trẻ tuổi, anh tên Steve Jurvetson. Anh này nghe hai người gần nửa buổi nhưng chưa chịu tâm phục khẩu phục ý kiến của mình. Sau cùng anh chịu cho mượn tiền 300 ngàn USD, nhưng phải chia cho hãng anh 30% thì mới OK. Hai người năn nỉ quá trời, thiếu điều muốn rớt nước mắt thì Steve Juvetson mới OK với 15%. Chủ công ty bấm chuông gọi cô thư ký tóc vàng người New Jersey đem chút bánh sandwich ham mà ăn chơi, rồi luôn tiện ký giao kèo luôn tại chỗ cho gọn.

Cầm check hết sức bự ghi là "Pay to order "Mr. Sabeer Bhatia and Alsavador Bohita" amount "$300,000.00. Three hundred thousand dollars only" dưới là ký tên đọc không được đem về nhà. Rồi sáng mai hai người làm bộ buồn rầu vào trình diện thằng Chief Engineer người Việt Nam là hai người muốn nghỉ sở một thời gian. Chief Engineer cười khì khì "Đó tui nói đâu có sai. Vậy tui mong hai người good luck nghen. Nhưng tôi hỏi thiệt, tụi nó mướn hai anh bao nhiêu tiền salary năm vậy? Hãng nào vậy? Sao mà hãng đó hay quá vậy?" Thây kệ thằng Chief Engineer nói móc gì thì nói miễn là Apple Corp trả đúng tiền lương đừng làm lộn là được rồi.

Hai người mướn một văn phòng rất nhỏ tại Freemont, cách sở độ 1 giờ 25 phút lái xe. Mướn tại Santa Clara đâu nổi giá tiền rent, đành chọn một nơi không nổi danh mà tìm danh vậy. Hai người có gọi 15 nhân viên trong hãng Apple vào làm chung với hãng mới ra lò của hai người với điều kiện là được chia phần hùn bù lại sở không trả lương. Chịu không? Kết quả có 4 người trong hãng Apple đồng ý vác cuốc đi tìm vàng tương lai lời ăn lỗ chịu là nếu bù trớt lỗ sặc máu là vác bản mặt vào Đại Công ty đứng xếp hàng mệt nghỉ mà xin tiền Đại Công Ty này. Đó là Sở Welfare (phúc lợi xã hội).

Đến tháng thứ 6 thì hai ông chủ bự hết sạch tiền, đành làm liều mà thôi. Nhóm anh có một công ty phần mềm tên là Dough Castile Company, tại Santa Clara, California muốn ứng cho tụi anh một số tiền nho nhỏ để được phần hùn lơn lớn. Hai anh không chịu đành phải làm liều là nhờ người làm giấy tờ vay một ngân hàng xa lạ là Shanghai Bank tại San Francisco với số tiền lời quá cao, muốn lời rẻ thì không ngân hàng nào cho mượn hết, họ đòi phải có giấy tờ 3 năm business thành công mới được. Sao mà tụi ngân hàng ngu quá vậy? Ba năm business thành công thì mượn tiền làm cóc khô gì cho mệt? Sau cùng Shanghai Bank của dân Chinese đồng ý cho mượn 100 ngàn lây lắt chờ sản phẩm Trí Tuệ chào đời trong tháng tới.

Hai người chọn một tên nghe nóng hổi cho sản phẩm trí tuệ của mình, vừa thổi vừa ăn là "Hotmail". Ngày lịch sử đã điểm, mang thai lâu ngày cách mấy rồi cũng phải sanh đẻ thôi. Ngày lịch sử đó là ngày "July 4th, 1996". Sở dĩ hai người chọn ngày này vì ngày này là Lễ Độc lập ra đời của United States of America. Phần mềm e-mail của hãng anh cái gọi là "Hotmail" là một bước cách mạng. Ai ai sử dụng Internet cũng đều biết e-mail là gì. Nhưng muốn được e-mail (dạng POP truyền thống) thì phải đăng ký vào một nhà cung cấp dịch vụ Internet (Internet Provider Services gọi tắt là IPS) thì họ mới cho một account mà có e-mail, nghĩa là cần máy vi tính và dính liền với tụi IPS trọn đời, nếu không trả tiền hay nghỉ chơi với tụi IPS thì... thơ e-mail sẽ bị vứt thùng rác.

Cái khó cho e-mail truyền thống là phải về sở hay về tận nhà mới đọc được e-mail, còn đi chơi hay vacation thì NO Mail. Còn nếu về đến sở hay nhà mở máy vi tính đọc e-mail rất lâu và toàn loại e-mail đọc xong muốn chưởi thề. Toàn là người ta mời mua hàng, mua máy sấy tóc, mua máy giặt hay mua tờ báo lạ lùng. Cái bất tiện của e-mail là ai muốn vào xả rác thì cứ tự tiện vì chủ hốt dùm rồi không hốt thì kẹt máy vi tính ráng chịu vì nó overload mà tụi IPS chỉ cho hộp thư e-mail rất nhỏ, vài ba cái quảng cáo như máy giặt, máy cắt cỏ... là chật cứng thùng thư rồi.

Muốn hộp thư e-mail to rộng rãi thì mua account loại Gold hay Silver đi, thay vì mỗi tháng 20 đồng thì trả 100 đồng đi, sẽ được hộp hư lớn gấp 5 lần hộp thư cũ. Đó là cái bất tiện của e-mail truyền thống. Còn Hotmail của nhóm anh thì không bị kẹt IPS, đi vacation hay nằm nhà thương mà có computer thì có thể đọc thư của mình dễ dàng. Lại có phần báo động cho chủ biết là thư nào cần đọc chậm rãi, thư nào không cần đọc chỉ cần delete vào thùng rác hay để software delete của phần Hotmail vào thẳng Trash bin cũng được. Hotmai của nhóm anh có thể chạy cho chương trình của tụi Netscape, tụi AOL, tụi Window Explorer cũng được mà không sợ hãi gì.

Sau đó nhóm của anh cho đăng trên báo Computer Readers Digest là Hotmail cho không tính tiền, hộp thư e-mail này rộng rãi và chận được tụi quảng cáo junkmail như quảng cáo máy giặt, máy cắt cỏ v.v.... Có ai bao giờ mở máy email mà mua máy cắt cỏ hay máy sấy tóc không? Tụi anh ban đầu có 100 khách hàng, sau đó lên 200... rồi lên đến 1.000 người. Anh gửi thư Hotmail hỏi thân chủ là họ biết nhờ học lóm bạn bè vả lại free không tốn tiền lại đọc thư chỗ nào cũng được không cần vào sở gặp sếp đâu. Hãng nho nhỏ 6 người cộng lại được công ty Doug gọi ngày đêm, nhưng hai người từ chối khéo. Lúc này hãng anh đã có 6 triệu khách hàng đăng ký rồi (lặp lại, sáu triệu nhân khẩu).

Bạn anh là Alsavador lỡ dại gọi chơi chơi vào tụi Microsoft Corp thì được họ hân hoan trả lời. Họ cho 8 luật sư danh tiếng, tổng cộng là 16 người, gồm đàn bà chủ Departments, gồm đàn ông chủ Department Development Software của Microsoft từ Seattle, Washington State xuống công ty hai anh mà thăm viếng. Chẳng lẽ họ đòi thăm hai người tại McDonald? Thế là thiếu ghế. Họ tới thật đông, áo quần màu đen tuyền, xe limousine đen bóng. Tổng cộng 6 xe limousine cho 16 người đi gặp một hãng mới gồm chủ thợ tổng cộng 6 người. Một màn chìa business card ra, say thank you rồi mời ngồi. Họ chăm chú nghe Sabeer trình bày sơ đồ rồi bảng báo cáo.

Họ không nói một lời. Chỉ lắng nghe, có người đang thu băng lại về cho chủ bự hãng Microsoft nghe lại, có máy quay phim của đoàn Microsoft nữa. Sau cùng, Head Team of Transaction là Kirl Thompson, môt người đứng tuổi, đẹp lão đứng lên cho biết ý định của hãng Microsoft "Chúng tôi hoàn toàn ngưỡng mộ những chuyện quý ông đã làm. Đây là một sự thành công vĩ đại cho công chúng ta. Thưa quý ông! Hãng chúng tôi đồng ý và xin mua đứt bản quyền sản phẩm Hotmail của công ty quý ông với giá là một trăm năm chục triệu dollar bằng tiền cash." Nghe cú đánh đầu tiên thì 4 nhân viên trong hãng của hai người, những người chịu hy sinh bỏ sở Apple Corp mà vào ăn mì gói uống nước lạnh không lương vào hãng Sabeer, đều ồ khoái trá, hân hoan ra mặt. Nhưng Sabeer Bhatia vẫn kềm xúc động giữ nguyên giá. Nguyên giá mà không một ai hiểu được ý tưởng của Sabeer ra con số bao nhiêu. Đoàn thương lượng Kirl Thompson lịch sự cúi chào 6 người rồi cùng toàn ban lên xe limousin ra phi trường San Jose ngay ngày hôm đó.

Qua ngày mai một điện thoại gọi từ Seattle, Cali đến cũng giọng của Kirl xin tăng giá lên: "Xin quý công ty chấp thuận đề nghị của chúng tôi, Microsoft Corp với số tiền cash là hai trăm năm chục triệu dollars". Nghĩa là trong vòng 24 giờ, công ty của hai người có thể "Make money" lên đến 100 triệu USD. Nhưng Sabeer nhã nhặn từ chối. Tuần sau họ được điện tín đánh vào Hotmail của họ tại Freemont lúc 9 giờ đêm, cũng chữ ký của Kirl Thompson là: "Ông chủ xin hẹn hai người tại nhà riêng của ông chủ, Redmont, Washingon State lúc sáng thứ hai. Chúng tôi sẽ đón hai người tại văn phòng của hai người tại Freemont, Cali lúc 8:30 AM."

Hai người đúng hẹn, ăn mặc cũng theo kiểu của họ là veston màu đen. Họ được limousine đón tại sở của họ đúng 8:30 AM. sáng thứ hai. Phi cơ rời phi trường San Jose đúng 9 giờ sáng Cali và đến Redmont trong vòng 35 phút sau đó. Nhà của Bill Gates quả là kỳ quan thiên hạ về cơ ngơi. Nhìn xuống mặt hồ nước màu xanh blue, sau lưng là cánh rừng thông và rừng phong maple lá vàng rực. Xa nữa là núi mờ xa... Hai người được ăn sáng chung với Bill Gates, trong phần ăn uống điểm tâm, tuyệt đối Bill Gates không nói điều gì đến software Hotmail mà Bill Gates chỉ nói chuyện các anh thích môn football của đội nào? Liệu năm nay đội Texas có thể thắng đội Illinois không? Dĩ nhiên hai anh chàng này, một anh thích ăn Taco một anh thích ăn Gà Chiên da giòn đành ấp úng bọc đuôi.

Sau phần điểm tâm, thì Bill Gates lịch sự mời hai người lên văn phòng làm việc. Văn phòng Bill Gates, người giàu nhất hành tinh Trái đất này rất đẹp chỉ thua văn phòng của Tổng thống Hoa Kỳ Goerge Bush tại Washingon DC mà thôi, mặc dầu hai người này chưa từng thấy văn phòng của Bush ra sao, họ chỉ thấy bằng hình mà thôi. Văn phòng Bill Gates có sẵn Kirl Thompson và một cô thư ký tóc vàng, cả hai người đó đều complet màu đen. Thấy 3 người từ phòng khách lên phòng làm việc của Bill Gates, thì hai người này đứng lên chào hỏi bắt tay nồng hậu. Họ gặp nhau lần trước tại văn phòng của Sabeer với ghế ngồi mượn thêm từ lối xóm.

Bill Gates hỏi chuyện với những chiến lược rất thông thường như họ đã từng nghe những công ty tại Silicon Valley nói chuyện hỏi chuyện họ, nghĩa là tầm thường mà thôi. Như vậy Sabeer và Alsavador bớt lo trong lòng. Nghĩa là Bill Gates không phải là siêu nhân như hai người thầm nghĩ, vẫn là một người Mỹ tóc vàng, cân thị bình thường như hàng triệu người Mỹ bình thường vậy. Bill Gates chưa phải là siêu nhân mà cái gì cũng biết hết. Bill Gates không phải là "Superman" như báo chí đồn đại. Nghĩa là người giàu nhất Trái đất về phần mềm cũng chưa thuộc bài của chúng tôi. Bill Gates sau cùng cười thật tươi: "Công ty chúng tôi ngỏ lời chào mừng quý công ty của hai anh về sự thành công vượt bực mà Microsoft chúng tôi phải ghen tị. Chúng tôi, và tôi Bill Gates xin đồng ý mua lại phần mềm Hotmail của công ty hai anh với giá "ba trăm năm chục triệu bằng tiền mặt". Anh chàng Alsavador lúc đó mặt tái nhợt, còn anh chàng Sabeer vì da đen thui Ấn Độ nên không biết anh tái hay không tái đây. Sabeer cười lịch sự: "Chúng tôi xin Ngài đừng bớt giá, vì đây là sản phẩm vô địch thiên hạ". Bill Gates vẫn tươi cười, xin hẹn gặp quý vị trong lần tới.

Trên đường bay về nhà Freemont, Cailifornia, anh chàng Alsavador còn bị bá thở vì con số tiền Bill Gates đưa ra là "350 triệu USD", một con số quá lớn nhất đời của anh. Alsavador không còn lảm nhảm câu nói quen thuộc của mình là "Tụi mình phải làm giàu mới được". Nhưng số tiền ba trăm hai chục triệu dollar do Bill Gates, chủ hãng Microsoft, chính miệng đề nghị có thư ký ghi chép. Thế mà "thằng Cà ry Ấn Độ" này nó say NO một cái rụp. Nếu Bill Gates không mua và thằng Ấn Độ không bán thì mình cưu mang 6 triệu khách hàng Hotmail đến bao giờ? Còn anh chàng gốc Calcutta, Ấn Độ tên là Sabeer Bhatia đêm về là ác mộng kinh hoàng. Tại sao lúc đó mình lại thích kênh-xì-po với Bill Gates làm chi vậy? Nó không mua thì mình làm sao sống đây? Sở Welfare thất nghiệp đâu có cho tiền mỗi tháng 450 USD cho dân ngoại quốc như mình đây? Còn trở lại hãng cũ Apple để gặp thằng Chief Engineer gốc Việt thì never... never... never... còn 4 thằng tình nguyện bỏ sở, bỏ benefit, bỏ profit sharing mà theo mình đến chân trời huy hoàng xán lạn mà Hotmail nếu Bill Gate không mua thì bán cho ai đây?

Tuần lễ trôi qua, nhóm 6 người vào sở tại Freemont thấy không vui, ăn cơm hết ngon rồi. Không ai nói với ai điều gì, và cũng không ai dám nhờ ai điều gì. Mạnh ai nấy đi đổ rác, mạnh ai nấy lau bàn ghế của mình... rồi ngồi ngáp. Lúc này có ai tỉnh trí mà chế tạo sản phẩm trí tuệ hay hơn Hotmail nữa không? Sáu người này như là sáu robot không trí não, không hồn vậy. Xem tivi thì thấy Dow Jon hay Nasdaq đang xuống thê thảm, như vậy Hotmail sản phẩm trí tuệ phần mềm mà Bill Gates nói vô cùng kính phục mà đem về nấu cháo heo cho rồi. Mai này không biết xếp hàng sở Welfare điền đơn xin trợ cấp thất nghiệp ra sao đây? Mình đâu phải bị chủ đuổi mà mình đuổi chủ mà? Nghỉ ngang xương vì lý do gia đình làm sao Welfare cho tiền mình được? Mỗi tháng họ cho tối đa là 450 đồng cho độc thân, và cho đến 6 tháng thì thôi luôn. Còn ba trăm hai chục triệu đô thì xài làm sao cho hết kiếp này đây?

Đến trưa thứ Ba, thì giọng nói của Kirl Thompson vẫn tươi cười gọi vào. Lúc đó 6 người đang ngáp vừa xong. Tất cả đều nghe trong telephone khuếch đại intercom là "Thứ Năm ông chủ chúng tôi xin gặp quý vị và đồng ý sự quyết định của quý vị về giá tiền nhượng lại sản phẩm Hotmail cho công ty chúng tôi. Xin quý vị đem theo luật sư chuyên về hợp đồng trong chuyến đi lên Redmont thứ Năm này. Xin quý vị cho chúng tôi biết ngày giờ, chuyến bay số mấy để ra phi trường đón quý vị." Nói xong Kirl Thompson chúc 6 người một Merry Christmas vui vẻ nhất.

Tất cả đều la chung một tiếng "Trời ơi!" (Oh! My God) rồi tim ai nấy đập hết ga hết cỡ. Thằng thì ngồi ủ rủ trong góc phòng, thằng thì ngồi lỳ trong toilet không chịu ra, thằng thì ra balcon trên lầu mà ngó ánh sáng mặt trời chói lọi trên cây... Như vậy điên hết rồi, mình điên hay là Bill Gates điên đây? Thế là hai anh chàng chạy đi tìm luật sư từ trước đến giờ chỉ có thằng Alsavador rành luật sư mà thôi, vì nó bị đụng xe năm ngoái. Xe đụng là một Jaguar đắt tiền, đụng đít mới ăn tiền chiếc xe Toyota Camry đời Bảo Đại chưa lên ngôi của nó, rờ còn muốn rớt cái cản xe bumper huống chi đụng mạnh, mà tay này lái Jaguar lại có mùi rượu nữa. Đền 100% cho nó kể luôn tiền đấm bóp vớ vẩn, lúc đó nó cho mình mượn vài trăm mà trả tiền student loan còn nhớ không?

Alsavador đến gặp luật sư chuyên về xe đụng của anh mà xin lên Redmont với anh vào thứ Năm đến. Anh chàng luật sư nghe xong liền từ chối một cái rụp "Chuyện ký giao kèo công tra một hiệp định trị giá trên ba trăm triệu dollar tôi làm hổng được. Nó quá lớn mà. Thôi được để tôi kêu thầy của tôi dùm cho anh nghe?" Kẹt quá mà Microsoft chỉ cho mình có 48 tiếng thì làm sao mà tìm cho ra luật sự hảo hạng đây? Sau cùng Alsavador đành gật đầu vậy bằng không lên tay không với thằng Ấn Độ cũng được, miễn là được ba trăm năm chục triệu là được rồi.

Tối thứ Ba thì thầy của luật sư xe đụng, xin lỗi luật sư chuyên lo vụ xe đụng, đến gõ cửa phòng apartment của hai anh. Thầy của luật sư từ New York bay một mạch đến San Jose mà không kịp thay đồ. Giao kèo Ba trăm năm chục triệu đôla đâu phải giỡn mặt, vả lại mình gặp ngang hàng với Bill Gates xem sao. Thế là chiều thứ Tư nhóm ba người, luật sư bậc thầy và hai anh chàng Hotmail báo cho văn phòng Bill Gates là thứ Năm, chuyến máy bay Lear Cessna loại nhỏ 8 chỗ ngồi sẽ đến phi trường Seattle lúc 9 giờ sáng. Thứ Năm 10 giờ sáng ngày 23 tháng 12 năm 1997, Microsoft và hai anh chàng Hotmail ký biên bản bán bản quyền với giá 450 triệu dollar tiền cash (xin lập lại Bốn trăm Năm chục triệu dollars tiền mặt).

Qua thứ Hai thì Microsoft loan báo lên thị trường chứng khoán New York Nasdaq là Internet Explorer của Microsoft có thêm phần miễn phí về dịch vụ e-mail mang tên Hotmail for Internet Explorer users. Giờ mở cửa gõ chuông của New York Stock Echange về phần Nasdaq lúc đó giá trị của Internet Explorer đinh giá là 6 tỉ USD, chiều 2 giờ gõ búa bế mạc thì trị giá stock của Internet Explorer lên đến 12 tỉ USD.

Anh chàng Ấn Độ Sabeer Bhatia và Alsavador đến gõ cửa công ty phần mềm do anh chàng trẻ tuổi chịu chơi là Steve Jurvetson một tấm check với con số "Pay to the order Mr. Steve Jurvetson for Seventy five million dollars only $75,000,000.00 USD". Trong vòng một năm 2 tháng công ty phần mềm Steve Jurvetson đưa ra 300 ngàn dollar và thu lại 75 triệu USD tương tự mỗi tháng công ty Steve Jurvetson làm ra được gần 6 triệu dollar. Còn anh chàng gốc Mễ hay gốc Peru gì đó, hết còn lảm nhảm câu nghe đáng ghét "mình phải làm giàu mới được".

Một lời từ chối trị giá Ba Trăm Năm Chục Triệu Dollar với Người Giàu Nhất Thế Giới quả đáng vào lịch sử về Mần Ăn Thương Lượng. Đại học Havard, Stanford, và Paris hay London đều có câu chuyện này, nhằm hâm nóng những sinh viên thích nói "mình phải làm giàu mới được."

Hotmail ngày nay dính liền với Internet Explorer như bóng với hình, thân chủ về e-mail chỉ tăng chớ không giảm, ngày nay Internet Explorer qua mặt Netscape và AOL một cái vù rất xa.

Silicon Valley Resident ghi lại

NGUYỄN HỮU THÀNH tìm chọn và chia sẻ

(Colorado 3-5-2010)

20.12.2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Nộp bằng đại học cho công ty


Hôm nay là ngày chính thức nộp bằng đại học cho công ty. Sau hơn tám tháng đi làm thì dường như cái bằng đại học đối với mình cũng không còn nhiều giá trị nữa. Đã có nhiều dự định cho thời gian sắp tới và phải cố gắng thực hiện cho được bằng mọi giá. Như vậy là thời gian quay lại ghế giảng đường đại học Kinh Tế - Luật đã ngày càng đến gần và đang được tính bằng một tháng, hai tháng, ba tháng ngắn ngủi. Khoảng tháng Ba năm sau, nếu có khóa tuyển sinh, mình sẽ nộp đơn vào đó học. Chuyên ngành mình lựa chọn để tiếp tục cày bừa trong khoảng thời gian ba năm sắp tới là Luật Kinh Tế. Mình nhất định sẽ dồn hết sức lực, thời gian và trí tuệ cho bằng đại học thứ hai và là bằng đại học cuối cùng trong cuộc đời của mình. Những lần sau, nếu mình còn học tiếp thì sẽ là bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Mình đặt mục tiêu là sau ba năm mình sẽ có một tấm bằng Cử Nhân Luật Kinh Tế loại giỏi. Mình sẽ thật kiên định và thật cố gắng để đạt được mục tiêu này vì đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhất, nền tảng nhất để mình thực hiện tiếp những dự định lớn lao hơn sau này.

Như vậy tính đến khoảng tháng Ba năm sau mình đã có một năm gắn bó với L.A.S.T.A (ngày mình vào L.A.S.T.A chính xác là 07/4/2010). Khoảng thời gian qua có nhiều kỷ niệm khi thực hiện ghi hình chương trình Lục Lạc Vàng. Đi làm Lục Lạc Vàng, mình có nhiều cơ hội được đi đây, đi đó trên khắp Việt Nam, được gặp nhiều người và biết nhiều người. Có thể nói, một năm ở L.A.S.T.A giúp mình trưởng thành về nhiều mặt: nhân cách sống; các mối quan hệ xã hội phức tạp và tình hình của đất nước, con người Việt Nam hiện tại. Qua từng chuyến đi, mình lại có nhiều suy nghĩ về những gì mình đã mắt thấy, tai nghe. Quan trọng hơn tất cả là mình còn rất trẻ để có thể tiếp tục học và tiếp tục thực hiện những dự định và ước mơ của mình. Đến giờ phút này, mình vẫn cảm thấy mình may mắn vì không phải ai mới vừa tốt nghiệp đại học như mình mà đã có thâm niên làm việc tám tháng tại một trong những công ty truyền thông lớn nhất nước và một trong những chương trình truyền hình lớn nhất, ý nghĩa nhất của Việt nam. Đây là khoảng thời gian mình đã trưởng thành nhanh nhất từ trước đến giờ cả về mặt nghề nghiệp lẫn con người.

Lại nói tại sao mình lại lựa chọn học Luật Kinh Tế. Mình có nhiều dự định đối với tấm bằng đại học này. Học Luật Kinh Tế để sau này ra đời làm kinh tế, kiếm thật nhiều tiền, không phải chỉ đơn giản để lo cho cuộc sống gia đình mình mà còn để lo cho những người thân, cho dòng họ còn quá nhiều người nghèo khổ. Nếu không có quá nhiều biến cố xảy ra, mình có thể sẽ là một chuyên gia về Luật pháp thật giỏi để giúp Việt Nam cải cách pháp luật. Đó là một con đường đầy gian lao nhưng cũng đầy vinh quang vì mình chọn cho mình con đường làm người trí thức. Nếu đi con đường đó mình phải có học vị tiến sĩ Luật và giành trọn cuộc đời cho việc học, nghiên cứu và viết sách để phổ biến kiến thức về Luật cho người Việt Nam. Hoặc mình có thể học hai năm thạc sĩ Luật Kinh Tế ở Singapore, sau đó đi làm ba năm để trả nợ. Sau năm năm ở Singapore, mình sẽ trở về Việt Nam để kinh doanh với tấm bằng thạc sĩ Luật Kinh Tế và thâm niên ba năm làm việc tại Singapore, mình tin với những điều kiện trên đủ để mình trở thành một doanh nhân thành đạt.

Mình biết đất nước này còn nhiều người nghèo lắm nhưng tự bản thân chúng ta phải lo cho những người thân của mình trước đã. Đức Khổng Tử nói người quân tử phải có và cần rèn những đức sau: “Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm; Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Vế đầu tiên: “Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm,” là để học làm người; vế thứ hai “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ,” là thể hiện ý chí của người quân tử cần có trong cuộc đời này. Mình sẽ luôn phấn đấu và rèn luyện không ngừng để thỏa được vế đầu tiên mà đức Khổng Tử đã dạy. Còn vế thứ hai mình sẽ phấn đấu để đạt được trong suốt cuộc đời này từng bước, từng bước một. 
 
19.12.2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Chia tay nhé rồi ngày vui gặp lại

by Xuplo Vu on Tuesday, December 13, 2011 at 2:35pm

Mình không có thói quen khi note lên mạng xã hội, phần vì lười và phần muốn giấu giếm cảm xúc cho “một mình mình biết, một mình mình hay”. Nhưng ngày mai lại là một ngày đặc biệt, nó vui như trẻ em chờ mẹ đi chợ về, nó bồn chồn như cô gái sắp lên xe bông, nó luyến tiếc như khi bạn chia tay người thân ở sân ga…tất cả những cảm xúc đó cứ đan xen lẫn lộn.

Mùa phượng cuối chất chứa những dấu ấn khó quên của ngày hè, của những mùa thi và cả mùa chia li, với mình thì phượng có mùi kỷ niệm, chao ôi buồn. Ngày mai, một ngày sẽ thật khác, sau nửa năm đi làm thì chắc chắn mình không háo hức vì cầm tấm bằng. Mà bởi được mặc bộ đồ khác thường ngày, được sống lại thời vô tư, được sự chứng kiến của gia đình người thân, được xôm tụ đầy đủ bạn bè, được tự hào vỗ ngực rằng mình trưởng thành nhưng thực tế vẫn còn khù khờ lắm lắm!.

Một người bạn từng nói, tốt nghiệp thì khi nào chẳng được, thích thì học vài ba trường nhưng ai giữ dùm mình tuổi 22 đây? sẽ không bao giờ có một thời vô tư lự “ngủ quên trên đồi” như thế nữa. Mùa hè cuối đời sinh viên, không bịn rịn như học sinh cấp 3, không háo hức như trẻ mẫu giáo mà là trăm thứ ngổn ngang chất chứa. Đẹp nhất thời sinh viên, vô tư nhất đời sinh viên, không có dấu ấn nào sâu đậm và làm người ta khó quên trong mỗi người là đời sinh viên.

Thi thoảng, lũ bạn tranh thủ tụ tập lại phàn nàn, than thở với nhau công việc, chuyện đời, chuyện người, chuyện mình rồi tự đặt câu hỏi “sao đi làm phải căng thẳng và bon chen như vậy?” Có lẽ, thời đi học, tụi mình cùng lứa tuổi, cùng suy nghĩ, cùng chí hướng nên nhận thấy mọi thứ đều đơn giản và yêu đời. Tuổi 20 đến 22 là lứa tuổi khủng hoảng, dễ chán nản, buông xuôi thậm chí nghĩ tới cái chết rất nhiều nhưng khi bạn vượt qua bỗng thấy những hành động trong quá khứ thiệt vớ vẩn và trẻ con đó.

Bốn năm chóng vánh, cảnh vẫn cũ và đứng yên, chỉ có lớp lớp người tới và đi trong lưu luyến. Mình đã có một gia đình nhỏ mà nơi ấy biết bao kỷ niệm vui buồn, từ ngày đầu gặp nhau xa lạ, đứa nào cũng e ngại, mắc cỡ, không dám hỏi tên nhau rồi ngày cuối xa nhau trong lưu luyến, tiếc nuối.

Gia tài bốn năm không gì khác hơn là kỷ niệm và tình bạn tứ phương. Nhớ những ngày xanh ở Bến tre, đi tình nguyện như đi du lịch, một lần làm đời lính khi mỗi sáng tinh thần thể dục lại hăng say, nhớ những chuyến thực tế với những đêm ngủ khách sạn ngàn sao, biển có, rừng có, núi có và nghĩa trang có.

Qua rồi cái thời đầu tháng ăn thịt, cuối tháng ăn mỳ, những đêm không tắm vì cúp nước, những khi chuyển trọ vì ồn ào hơn cái chợ, những khi ba bốn đứa dành nhau một ly kem. Nhớ những mùa thi học bài như tụng kinh, những đêm nước ngập phòng, sáng ra trôi mất dép…ôi nhớ rất nhiều.

Ngày mai, là ngày cuối rồi đó, từ đây mình không còn cái nôn nao mong đợi thu về để được gặp thầy, gặp bạn như bao mùa hạ trước. Cơn mưa hạ ập đến. Không lạnh! Nhưng lòng buồn khi chia tay mùa phượng cuối. Ở đó, mình có những người bạn đã để lại dấu ấn, dù thoáng qua hay sâu sắc nhưng tất cả mình đều cất làm “của để dành” cho riêng mình mà thôi.

Ngày đầu tiên làm thủ tục nhập học, người mình gặp đầu tiên là Ngọc Trâm người Bình Thuận, bạn da ngăm ngăm đen, hiền lành và ít nói. Mình chợt suy nghĩ, lớp mình ai cũng hiền như bạn này thì tha hồ bị mình bắt nạt cho xem, nhưng sự thực thì mình “rất hiền” đó thôi, hihi. Người thứ hai mình gặp ở kí túc xá là Hoàng Hường (Thanh Hóa), Hường là người nhiệt tình, nói nhiều, dù mới gặp thôi nhưng sẵn sàng xách xe đạp chở mình từ ký túc xá về trường. Ngày đầu lớp gặp nhau ở dãy nhà C2, người mình nói chuyện là Thảo đen, Đức Hạnh, Đinh Nga, nhưng mấy đứa cũng chỉ dừng lại ở mức hỏi quê quán và tên tuổi, có lẽ e ngại, cái ngại của tân sinh viên đó. Ngày gặp gỡ khoa Báo Chí Truyền Thông, người mình ngồi cạnh là Hoài Nhân, Quốc Việt, Bảo Toàn, hồi đó mình ấn tượng Nhân bởi dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc “nam tính” và nói thì ôi thôi nhanh như gió.

Bây giờ cũng chẳng có gì để giấu giếm, mình thú nhận là hồi đó có hai bạn nam lọt vào danh sách “đẹp chai” của mình là Anh Tú và Quốc Nam, nếu tình cờ đọc được thì hai bạn cũng đừng mất ngủ nhé và cũng đừng trách mình sao bây giờ mới nói, haha.

Dành một chút cho nhóm Hội Mì, có lẽ t được xem là khách mời đặc biệt của tụi bây vì không biết “xông pha biết bao trận mạc” và có không ít kỷ niệm, có ngồi viết sang ngày mai cũng không hết. Họ là những người bạn nhiệt tình, thân thiện. Nhất là Tuyết, một người chu đáo, tâm lý, luôn mang cảm giác yên tâm cho mọi người. Lần đầu ở phòng chung với Mến, Vân, thi thoảng Thư chạy sang góp cổ phần, cứu trợ cho bọn mình bữa cơm thịnh soạn, mấy đứa chắc còn giữ tấm hình đó chứ nhỉ. Còn nhớ hôm tính thuê phòng chung, mấy đứa rủ đi uống trà sữa thay cho “cắt máu ăn thề” nữa không? Thời gian ở Cầu Sơn, đó là lúc t, Vân, Mến, An (Quảng Bình) thấy vương giả nhất, sáng sáng xem phim, tối tối luyện phim, cả ngày chỉ biết phim với truyện, muốn nói gì thì buzz qua yahoo “mi đi nhầm dép của tau à?”. Thời gian ở Hàng Xanh hoa lệ, có chuyện gì buồn mấy đứa lại rủ nhau lên lầu 7 “chém gió”, sống sang trọng nhưng ăn đạm bạc, Tuyết, Dương và mấy đứa còn nhớ đêm cuối cùng trước khi bị trục xuất khỏi chốn hoa lệ đó không, đêm đó buồn nhưng thật vui, vịt lộn và 2 xị. Nhớ món khô quẹt của Dương, cám ơn Thiên IT vì đã làm phim dùm, nhớ những lần đi công viên với Vân, tình bạn lớn lên từ đó, dù xa nhưng thỉnh thoảng vẫn nhớ về những ngày hai đứa cuồng kem ốc quế và snack ở khu trọ MK đó.

Nhóm bạn thực tập, Mê Linh, Thúy An, H Rila, Quốc Nam: Nếu yêu nhau cũng bởi chữ Duyên thì tình bạn cũng nhờ chữ Duyên đó, ba tháng thực tập, thời gian tuy ngắn nhưng thời gian đó 5 đứa thực sự như một gia đình. Mê Linh Quốc Nam còn nhớ café Cát Và Gió, nơi mà 3 đứa cùng mít ướt với nhau rồi bật cười vì thấy mình thật trẻ con nữa không? Để rồi cuối ngày tổng kết thực tập, đức nào cũng ngạc nhiên vì kết quả không làm mình thất vọng. Cám ơn RiLa vì món quà trong ngày sinh nhật, trong nhóm, bà ít nói nhất, ai biểu bà hiền làm chi cho tui có cơ hội bắt nạt bà. Hihi. Vài chữ cho Thúy An, có lẽ không phải nói nhiều mi hè vì biết nói từ đâu đây, chỉ cần biết những lúc ta buồn thì người ta cần tìm đến để “xả rác” là mi đó, haha.

Lệ Võ và mình có cùng điểm chung là ẩm thực, hai tâm hồn lớn gặp nhau, thi thoảng cuối tuần lại điểm danh ở Nông Lâm rồi lê lết sang Thủ Đức cho đến khi nào bụng to hơn cái đầu mới chịu rút quân. Hồi ở dãy trọ cũ của ông Minh hói, chẳng khi nào thấy con bé chạy sang phòng mình chơi mà chỉ có mình sang nó, bị nó rủ rê từ quán chè sang bánh xèo ở bến xe bus. Không biết con bé còn nhớ những ngày leo rào đi học anh văn ở nhà VHTN nữa không, những lần nó gục đầu tựa vai mình nữa không?hihi.

Nhóm bạn Sùng, Lưu manh, Lộc tồ, Róm Lụa, Anh Sơn: Cho đến bây giờ, mỗi khi gặp Róm, mình vẫn cứ muốn nhắc đi nhắc lại món quà nó dành cho mình trong ngày sinh nhật ở Bến Tre, hôm đó trời mưa nhưng nó vẫn đạp xe chở mình mua bánh kem, cảm động lắm Róm. Tình bạn của mình bắt đầu với họ từ những ngày học quân sự với nhiều kỷ niệm tụ tập, đàn đúm, sinh nhật và mới đây nhất là phượt Long An. Hehe

Quỳnh Trang: Mi từng nói với ta là mi thích một tình bạn tự nhiên và đúng là ta với mi đã quen nhau trong hoàn cảnh đó, còn nhớ buổi học thể dục khi ta chạy lại hỏi mi “bạn học báo chí phải không?”. Bây giờ thì ta sẽ thú nhận một điều, hồi năm nhất, năm hai, ta cực kỳ thích phong cách của mi, từ ăn mặc cho đến tóc tai và hồi đó ta cũng có phần bắt chước, ê, đừng nghĩ ta thần tượng mi nha, còn lâu đó, chỉ là hội nhập chứ không hòa tan ấy mà. Nhưng bây giờ thì hem có chuyện đó nữa đâu, ta hứa ngày trọng đại của mi, sẽ có mặt ở Đà Nẵng, hẹn gặp mi ngày gần nhất.

Nguyệt “ôm phản lao ra biển”: giờ mi sẽ biết ta quen mi vào một đêm mưa gió bập bùng như thế nào, hehe, chuyện là thế này, vào sáng 20.10 của năm hai, lớp mình tụ tập ở Thác Giang Điền – Đồng Nai, đó là nơi bắt đầu cuộc nói chuyện giữa tau và mi, còn nội dung cuộc nói chuyện chỉ là xoay quanh những từ địa phương ở miền Trung. Sống chung một nhà, giang sơn không thể có hai sư tử, nhưng mi yên tâm, ta không “hám danh, hám lợi”, mọi đại sự đều đề bạt mi làm “chúa muôn loài đó”, hehe.

Công tôm: Tui vẫn còn giữ tấm thiệp ông tặng tui với nét chữ “xinh xinh thẳng hàng đó”, trong đó ấn tượng nhất vẫn là dòng chữ “chúc cho tình bạn của chúng ta ngày càng khởi sắc”. Mặc dù sau đó tui hốt hoảng và có phần tức như con mực khi bóc quà do ông và thằng bạn chí cốt phối hợp, nhưng mà không sao, tui vui tánh mà, món quà đặc biệt đó chứ, cám ơn ông. Hehe

Kim Anh: ta nhớ hồi tháng tư mi tự hỏi là không biết quen ta từ khi nào, nhưng ta thì biết rõ đó, ta còn nhớ câu đầu tiên mi hỏi ta là gì nữa cơ, nhưng vì một số lý do tế nhị mà ta không tiện nói ra trên đây. Tất nhiên ta thừa biết mi sẽ tò mò và sẽ cố gặng hỏi lý do nhưng sở thích của ta là “trêu ngươi” người khác mi à, thông cảm cho ta nhé, hehe.

Còn rất nhiều người mình muốn kể, muốn nhắc tên, muốn cám ơn thật nhiều như Chị Duyên, người chị sâu sắc, luôn động viên mình trong những ngày thi anh văn, là Tuấn Việt “người thầy” giúp đỡ mình làm quen với dựng phim, rất nhiều rất nhiều nữa nhưng thời gian không cho phép khi giờ làm việc buổi chiều làm cụt hứng hết mọi cảm xúc. Ngày mai, chúc các bạn thành công với những dự định phía trước, lớn lên chứ không già đi nhé, chia tay hôm nay nhưng ngày vui sẽ còn gặp lại.

Muốn ngắm từng khuôn mặt thân quen, muốn nắm từng bàn tay, muốn nói với các bạn thật nhiều.
 

15.12.2011
Hồ Quốc Nam

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

An unusal day of Sara

Truth be told, yesterday Sara had a terrible day indeed. She usually wakes up at 8 o'clock but yesterday she woke up at 9:15 AM because something went wrong: her alarm clock didn't ring. Til she heard a weird noise outside her window and thanks to the noise she woke up. She glanced at the clock and realized that she was going to be late for her school time. After that she immediately got dressed. She didn't have enough time to have breakfast. She desperately ran to school but she was still late for her school time. And of course, her teacher was really upset.

That day was bad enough but everything bad still didn't stop. At lunch time, she went to the cafeteria and made herself dishes. She went to a table and chose a desk herself. But on the way, she dropped her tray and her dishes badly broke. Then she returned to the cafeteria line to took her meal. She paid money again. This time, she chose a place at a corner. She sat silently. It seemed that the day could not be worse but the worst still didn't happen.

After class time, she went home. She accidentally met a friend and he invited her to sit under a  shadow of  a tree. They talked and studied together for two hours then she said goodbye. When she left him, she didn't notice a hole on her way, she fell and broke ankle. Her friend took her to the nearest hospital immediately. After one hour, a doctor put a bandage on her injured foot. Her friend took her home. She couldn't get upstairs without her friend's help.

When arriving at her home, she recognized that she lost her room key. She searched in her purse and her pockets but she found no key. She had to wait for her roommate. After two hours sitting at the room door alone, her friend got back to home and opened the door and let her in. She slept for ten hours that night and hoped the day after would be better. Bless Sara!

December 4th, 2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

So You Want to Write a Fugue


So you want to write a fugue.
You got the urge to write a fugue.
You got the nerve to write a fugue.
So go ahead, so go ahead and write a fugue.
Go ahead and write a fugue that we can sing.

Pay no heed, Pay no mind.
Pay no heed to what we tell you,
Pay no mind to what we tell you.
Cast away all that you were told
And the theory that you read.
As we said come and write one,
Oh do come and write one,
Write a fugue that we can sing.

Now the only way to write one
Is to plunge right in and write one.
Just forget the rules and write one,
Just ignore the rules and try.

And the fun of it will get you.
And the joy of it will fetch you.
Its a pleasure that is bound to satisfy.
When you decide that John Sebastian must have been a very personable guy.

Never be clever
for the sake of being clever,
for the sake of showing off.

For a canon in inversion is a dangerous diversion,
And a bit of augmentation is a serious temptation,
While a stretto diminution is an obvious allusion.

For to try to write a fugue that we can sing.

And when you finish writing it
I think you will find a great joy in it.

or so...
Nothing ventured, nothing gained they say
But still it is rather hard to start.

Well let us try right now.
Now we are going to write a fugue.
We are going to write a good one.
We are going to write a fugue ... right now.

Its a fun song. Gould recorded the first nine of fifteen fugues from Bach's great treatise on fugue composition, The Art of the Fugue in 1962 on the organ of All Saints's Church at Kingsway, Toronto which established him as somewhat of an expert in this area. So You Want To Write a Fugue was conceived as the finale to a 1963 Canadian Broadcasting Corporation televison show entitled "The Anatomy of Fugue." The following year the standard version was recorded and appeared in the form of a flexible film record in a special edition devoted to Baroque music in the magazine Hi-Fi Stereo Review. (That would be a nice piece of Gouldinailia.) It was published in 1964 by G. Schirmer in New York for piano or string accompaniment. The song was reissued on The Glenn Gould Silver Jubilee Album of 1980.

Bach composed The Art of the Fugue during the last two years of his life and died before completing it 1750. The Art of the Fugue tries to teach by example some of the basic precepts of fugal composition. The organ was somewhat an uncharacteristic instrument for Gould although he studied it since his childhood. His recording of The Art of the Fugue using and organ, and his composition of this song using fugue motifs highlights an on-going academic question about whether or not Bach's Art of the Fugue was developed with keyboard instruments in mind or whether it was more general than that.

The song is in the form of a fugue and uses fugue devices in its composition. The theme on which the fugue is constructed, in this case "So you want to write a fugue" is the subject. The fugal answer, where the subject is repeated with different emphasis, is the imperative "So write a fugue that we can sing." The counter-answer, the continuation of the original subject are heard in new stanza's sung behind the answer.

Four traditional devices for composers to add interest to a fugue are mentioned in it. Inversion refers to a device where the composer repeats a phrase in the fugue, but inverts the notes - where the listener expects a note to go up two tones, it goes down two tones and so on for each note in the phrase. The rhythm stays the same. The result is a theme which is unfamiliar but familiar. Diminution is doubling the playing speed of a section while augmentation is halving the speed of a section. Stretto means to start the answer before the subject is finished, that is, to begin the echoing response of the original fugue theme or subject, before that subject is finished.

So You Want to Write a Fugue is sung in a madrigal-type round with four singers all repeating small variations of the base lyrics. The careful listener of the polyphony can likely pick out variants to the above lyrics as the singers repeat and repeat again their lyrics. Its another example of his multiple layered "voiced-over" pieces where the listener is expected to follow two or three lines of sound at once.

The singers on the original version were Elizabeth Benson-Guy, Sopranon; Anita Darian, Mezzo-Soprano; Charles Bressler, Tenor; Donald Gramm, Baritone; The Juliard Quartet played the instrumental background. Robert Mann, First Violin; Isidore Cohen, Second Violin; Raphael Hillyer, Viola; Claus Adam, Cello; Vladimir Golschmann, Conductor. 
 
Source: http://aix1.uottawa.ca/~weinberg/fugue.html

December 1st, 2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Sách: Rèn nghị lực để lập thân (+PRC)


Ai cũng biết muốn thành công trong cuộc đời ngắn ngủy này thì phải có ý chí và nghị lực. Người thành công hơn người thất bại là ở chỗ đó. Ông bà ta thường nói: "Có chí làm quan. Có gan làm giàu.", điều này nghe từ xưa tới giờ đã nhiều nhưng tôi tin là ít người hiểu được nó. Trong số một trăm người hiểu được ý nghĩa của câu nói đó cũng chỉ có một người làm được điều đó. Bạn tin không? Không tin cứ nhìn ra xã hội Việt Nam bây giờ thì biết. Trong số 90 triệu dân Việt Nam bây giờ có khoảng một triệu dân biết cách "làm quan" và biết cách "làm giàu" hay không? Có đủ bản lĩnh để đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không?

Đơn giản như việc học một ngoại ngữ, tiếng Anh chẳng hạn, qua biết bao nhiêu năm ngồi trên ghế nhà trường: thường thì bây giờ học sinh học tiếng Anh bắt đầu từ năm lớp sáu, cộng thêm bốn năm đại học nữa là mười năm nhưng đến khi ra trường thì hầu hết các nhà tuyển dụng đều kết luận rằng tiếng Anh của sinh viên Việt Nam rất yếu. Như vậy có phải do thiếu nghị lực học tập hay phương pháp mà năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam lại yếu như vậy? Có người đỗ lỗi cho giáo dục? Giáo dục cũng đúng nhưng cũng phải xem xét lại tư cách của học sinh Việt Nam. Chợt nhớ tới ông Phạm Công Thiện, mới 15 tuổi đã thông thạo năm ngoại ngữ. Tôi tin là ông làm được như vậy nhờ một chút khả năng và trí tuệ thiên phú còn lại là ý chí và nghị lực phi thường.

Nếu bàn về cách làm thế nào để rèn luyện nghị lực để đạt được những thành công mà bạn mong muốn có được, tôi nghĩ đây là một quyển sách xứng đáng để bạn dành một chút ít thời gian để đọc. Sách rất mỏng, nếu chịu khó đọc thì chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ là xong nhưng lợi ích thì có thể không cân, đo, đong, đếm được. Có người bảo những sách như thế này không thể nào tin được. Tôi có bảo bạn là đọc sách và tin 100% và làm theo 100% đâu? Đọc sách mà tin hoàn toàn vào sách và làm y như sách thì không khác nào đốt sách. Nó giống như là sau này bạn ra ngoài xã hội ai nói gì bạn cũng nghe và làm theo. Kiểu như "đẽo cày giữa đường". Đọc sách chỉ là trò chuyện cùng tác giả, đơn giản vậy thôi. Còn có nghe và làm theo hay không làm việc của bạn.

Link download file PRC sách Rèn nghị lực để lập thân của Nguyễn Hiến Lê: tại đây!

27/11/2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Phim 300 chiến binh: Bản hùng ca của người Sparta



Dựa trên bộ truyện tranh lịch sử nổi tiếng của nhà văn Frank Miller, 300 chiến binh là một thiên anh hùng ca kể về cuộc chiến Thermopylae lẫy lừng trong lịch sử Hi Lạp cổ đại chống lại quân Ba Tư.

Năm 480 trước công nguyên, vua Ba Tư là Xerxes đã chỉ huy một đạo quân lên đến một triệu quân đi thôn tính Hi Lạp. Khi đó, vua xứ Sparta là Leonidas đã cùng 300 chiến binh Sparta đã quyết tử đánh trả nhằm chặn đứng đường tiến quân cùng ý chí xâm lược của quân Ba Tư.

Phim ca ngợi ý chí chiến đấu của các chiến binh và chủ nghĩa anh hùng thường thấy trong các phim về lịch sử của người Hi Lạp.

26/11/1011
Hồ Quốc Nam

Bài thơ trên xương cụt

LTS: Nuocdenchan xin giới thiêu truyện viết sau của chàng Chinh Ba cách đây vài tuần, nếu không tính về năm.

Không thì cũng đã hơn 44 năm.

Hôm trước Cụ Hinh ghé thăm thấy Cụ Chinh Ba vẫn đang ngồi trước trang giấy trắng phau, đơn giản như một ngày trong cuộc đời.

http://nuocdenchan.com/2009/12/06/bai-th%C6%A1-tren-x%C6%B0%C6%A1ng-c%E1%BB%A5t/


¨¨¨¨
Sân gác bỗng rung lên khe khẽ. Tôi đoán chừng Trâm đến. Những bước chân êm ái đưa nhẹ về phía tấm vách lá. Ót tôi nóng ran lên một cảm giác khoan khoái: với đôi mắt đẹp như sao, nàng đang âu yếm nhìn tôi. Đốt một điếu thuốc, ngồi nhìn trang giấy đang viết dở, tôi hồi hộp chờ đợi đôi bàn tay nhỏ nhắn, mát rượi và tinh nghịch của nàng bất thần bịt ngang mắt.

Trời đứng gió, căn gác im vắng đến như tôi có thể đếm được từng hơi thở của Trâm.

Chợt có tiếng sột soạt nhỏ. Tiếp theo là tiếng chắp miệng, tiếng ho húng hắng, rồi một tràng tiếng nhai nhóc nhách đều đều.

Chỉ chừng đó thứ tiếng đủ làm tôi thất vọng. Kẻ vừa xâm nhập căn gác không phải Trâm, mà là bà Tư Ra-Dô, bà chủ nhà của tôi đó. Không cần quay lại, tôi cũng biết bà đang ghìm đầu vào vách, dõ mắt sang căn nhà bên cạnh. Đôi mắt ấy nhỏ, hơi lộ và láo liên như mắt chuột, để bà đặt vừa vặn vào các khe hở mà dòm ngó những cảnh hớ hênh của bốn phía láng giềng. Thế rồi cái miệng toang hoác của bà sẽ nói choèn choẹt cả ngày về những điều xấu xa mà bà đã dày công rình mò săn bắt được. Nhờ cái miệng đó, bà được gọi là “bà Tư Ra-Dô”. Bà chỉ nhận biệt danh ấy với một niềm kiêu hãnh vừa phải. Tuy vậy chẳng mấy ai ưa bà. Cho nên để xứng đáng với lòng ghét bỏ của mọi người, bà bèn đặt đúng chính giữa cặp lưỡng quyền nhọn hểu của mình một chiếc mũi két cong quắp. Trong ấy luôn luôn ló ra hai thỏi nước nhờn màu vàng đọt chuối. Bà sẽ hỉnh mũi hít khìn khịt hai thỏi nước đó vào mỗi khi muốn tỏ bày lòng thương cảm các nhân vật trong câu chuyện mách lẻo.

Ấy thế mà bà đến thay chỗ đứng của Trâm trong căn gác này, lúc 4 giờ chiều. Có lẽ để giải toả bớt nỗi bực dọc, tôi phóng cây bút xuống xấp giấy, rồi xô ghế đứng dậy, đi thẳng ra mái hiên. Tôi vừa tì người vào lan can thì tiếng khịt mũi của bà đã ở bên tai. Quay lại, tôi bắt gặp một cái mồm đang há to, và một ngón tay cộc cằn thò vào chỗ ấy móc ra một miếng bã trầu đỏ quạch. Đó là cách bà dọn mồm để nói một câu chuyện nhì nhằng:

-Cậu Tích à! Nguy cho cậu rồi! Con mẻ bồng cái con khỉ con của con mẻ về đó.

Tôi muốn quát lên: “Mặc người ta, bà cút ngay đi cho tôi yên”. Nhưng tôi không thể thốt lên như vậy, vì một lẽ rất đơn giản là tôi còn thiếu bà hai tháng tiền nhà, và bà thì đang cần một cơ hội tốt để hét to điều đó.

Thấy tôi có vẻ lơ là với câu chuyện, bà cười hì hì, nâng hai bàn tay lên ngang mặt, dùng tay phải bốc một ngón trong bàn tay trái, đưa sát vào mũi tôi:

-Nè, mẹ thì hát nè!

Bốc thêm một ngón nữa, bà tiếp:

-Con thì khóc nè!

Rồi bà buông thõng hai tay, mặt ngất lên trông rất thiểu não:

-Cậu làm sao chịu nổi chớ? Tôi hỏi cậu vậy hà!

Tôi không chịu nổi thật – với cách nói chuyện đó – vội đi lùi về cuối mái hiên. Bà nhẫn nại bước theo, xoè hai bàn tay ra trước bụng, giọng phân trần:

-Cậu tính tôi nói có sai đâu. Hồi con mẻ mới dọn về đây tôi đã nói rồi, không tin cậu đi hỏi hết cả xóm coi, tôi nói làm gì thằng chả cũng đá con mẻ một cái rụp mà.

Tuy chưa biết “con mẻ” và “thằng chả” đây là ai, nhưng nghĩ cho cùng thì cuộc đời tôi chẳng dính líu gì với hai nhân vật đó. Vậy mà bà Tư Ra-Dô cứ bức hiếp tôi phải nghe những chuyện lăng nhăng về họ, thì thật là một điều bất công mà tôi tưởng các nhà xã hội học cần nên lưu tâm đến.

-Úi chà, cậu Tích! Cậu ngó cái gì ở đẳng vậy? Cháy nhà hả?

Thấy bà có vẻ hăng quá, tôi e bà la “nhà cháy, nhà cháy” thì mệt cho cả xóm, nên vội khoa tay nói:

-Không, không! Tôi ngó con khỉ ngồi trên cây gòn của thầy Bảy Xáng đó.

-Ừ, cậu nói tới con khỉ tôi mới nhớ, để tôi nói cho cậu nghe, hồi con mẻ mới về đây, cái bụng còn lum lúp (hà). Đầu tháng Tư, đám giỗ ba con Thu nhà tôi, vợ chồng con mẻ đem qua hai chai la-de. Tới tháng mười thì con mẻ đẻ ra cái con khỉ nhỏ đó, nó khóc thôi… trường canh, không ai chịu nổi. Con chưa đầy tháng thì thằng chả quất ngựa chuối. Tụi “xướng ca vô loài” mà cậu, vui đâu chúc đó, chớ tình nghĩa gì. Vậy mà con mẻ ôm con đáo đế đi tìm thằng chả.

Bà dừng lại, kéo vạt áo quẹt bớt số nước trầu lộn với nước giãi đọng hai bên mép, rồi hối hả nói tiếp:

-Dữ ác hông! Bỏ cửa bỏ nhà đi từ đầu tháng Chạp tới tháng Năm, rồi cũng mang cái mạng mộc trở về.

Trước khi buông tha tôi, bà chằng miệng ra cười the thé, rồi tiếp tục mang cái chuỗi cười vô lý đó đi xuống thang gác. Chuỗi cười được chấm dứt hẳn, lúc bà cất tiếng gọi con đến lạc giọng:

-Thu ơi, Thu à!

Đêm đó, căn nhà tối tăm và vô chủ ở liền vách với căn gác tôi bắt đầu có ánh đèn và tiếng hát. Ánh đèn thì tù mù, tiếng hát thì buồn. Tôi tưởng như sự tối tăm, vắng lạnh của căn nhà hoang đã mở mắt và lên tiếng. Điệu hành vân áo não u trầm, mang cái buồn cổ kính của dĩ vãng, rỉ ngấm qua vách lá, làm ẩm ướt những giòng cảm nghĩ của tôi về cuộc sống. Để ý đến lời ca, tôi nhớ mang máng như đã từng nghe qua trong một vỡ tuồng cải lương nào của xa xưa:

-“Đoạn (cái) can tràng! (là) đoạn (cái) can tràng! Luỵ ngọc dầm chan. Ai ơi, có thấu mấy tiếng đây chăng! Duyên tóc kia (nó) lìa đoạn. Tơ tình vương vấn, rồi bình tan, ngọc vỡ khi không! Ly biệt này ai không đau lòng! Ly biệt này ai không đau lòng! Ôm sầu đoài đoạn…”.

Hết hành vân, tới tứ đại oán, lưu thuỷ trường, nam xuân, nam ai, lý con sáo, rồi vọng cổ. Thỉnh thoảng trong nỗi buồn miên viễn đó, bỗng bật lên tiếng khóc dạ đề của đứa trẻ. Điệu hát liền thay cung bậc, trở nên ấm áp, đằm thắm, ngọt ngào:

-Gió mùa thu, mẹ ru (mà) con ngủ. Năm canh chầy thức đủ vừa năm! Ớ chàng là chàng ơi! Ớ người là người ơi! Em nhớ tới chàng!…”

Có khi cái buồn không vơi, không nhẹ, không hao hớt vì ý nghĩa sai lạc, không hợp thời, hợp cảnh của lời ca:

-“Gió hiu hiu, lộc bình trôi riu riu. Anh đừng bận bịu bớ điệu chung tình! Con nhạn bay cao khó bắn, mà con cá ở ao quỳnh khó câu”.

Chẳng biết từ bao giờ, tôi đã đem lòng yêu cái buồn đó, cái buồn được phô diễn bằng những âm hưởng trong trẻo, dịu ngọt, thanh thoát, hồn nhiên và cởi mở, toả ra một cách dễ dàng từ giọng hát đặc biệt của người miền Nam. Điệu buồn trở nên thân thuộc như đã in hẳn trong tiềm thức tôi tự đời nào. Những bông hoa tình cảm tôi vươn lên trên đài cao và nở rộng với bao la. Những cáu bẩn làm nhơ bợn tâm hồn tôi từ khi bon chen vào cuộc sống bỗng quyện lấy nhau mà trầm lắng xuống đáy thẳm trong vực lòng.

Đêm đó tôi viết dễ dàng như tôi thở. Tôi gửi vào cuộc đời niềm tin yêu màu hồng.

Tôi nghĩ cái buồn đôi khi cũng cần thiết cho con người như chút phèn chua cần thiết cho một ly nước đục. Bởi vậy, thà mùa thu không có gió, chứ đêm khuya đừng vắng tiếng côn trùng. Những tâm hồn thao thức biết lấy gì mà thở nếu không có tiếng dế nỉ non, tiếng vạc kêu sương, tiếng từ quy khắc khoải, tiếng khóc của trẻ con, tiếng ru của bà mẹ bên hàng xóm!

Tôi có một định nghĩa hơi rộng rãi về người nghệ sĩ, nên qua một đêm gần gũi với sinh hoạt văn nghệ của người đàn bà mà bà Tư Ra-Dô gọi tắt là “con mẻ”, tôi gọi người đàn bà ấy là một nghệ sĩ. Sáng hôm sau, bà Tư lấy làm ngạc nhiên thấy tôi vồn vã với bà trong câu chuyện về “con mẻ”.

-Sao, con mẻ hát cả đêm mà cậu chịu nổi à?

Tôi mỉm cười, không trả lời thẳng vào câu hỏi:

-Con mẻ của bà hát hay quá!

Bà luôn luôn cố tỏ ra khôn lanh, hiểu biết nhiều, và đồng ý một cách nhiệt thành với người đối diện:

-Trời ơi! Tôi nói tôi mê con mẻ mà. Đào hát mà hát không hay sao được cậu! Út Lệ đó, hồi trước đi gánh Nam Giang đó, cậu không biết sao!

Út Lệ, cái tên nghe xa lạ quá. Nhưng tiếng hát và tâm hồn của người đàn bà ấy gần gũi với tôi biết chừng nào. Từ đó, những buổi trưa, những đêm tối, tôi thường nghe tiếng hát của Út Lệ. Hình như nàng sống để hát, và sống bằng chính tiếng hát của mình.

Bà Tư thường thóc mách với tôi nhiều điều xấu về Út Lệ. Điều bà cho rằng xấu nhất là Út Lệ không biết làm ăn buôn bán, không kiếm đủ sữa cho con bú, có đêm đã khuya còn xách chén qua xin cơm nguội của bà. Theo bà, sự thiếu ăn là cái quả của những tính xấu.

Một buổi trưa vắng tiếng hát Út Lệ, tôi đang ngồi đọc lại một bản thảo thì bà Tư Ra-Dô chạy đùng đùng lên thang gác. Mắt sáng quắc, bà nói khào khào vào tai tôi:

-Con mẻ đổi nghề rồi cậu ơi! Hồi nửa buổi có một thằng cha vác cái bản mặt cô hồn, vô nhà con mẻ. Hai người rủ rỉ rù rì gì suốt mấy giờ đồng hồ. Thằng chả vừa về là con mẻ đi mua nào là gạo nè, than nè, nước mắm nè, bánh mì nè,. Cái mặt con mẻ đang tươi roi rói, thấy tôi ngó tới cái thì sượng trân liền.

Rồi hai tay chắp sau lưng, đầu nghẹo sang một bên, mắt trừng trừng, bà dằn từng tiếng:

-Tôi hỏi cậu vậy chớ tiền đó ở đâu ra? Tiền đó là tiền gì chớ?

Bước tới cầu thang, bà còn ngoái cổ lại, cất giọng lảnh lót:

-Tôi nói vậy mà phải không cậu?

Tôi liền đứng dậy, chỉ cái khoảng trống chỗ thang gác, hỏi bà:

-Dì làm cho cháu một miếng bửng chỗ đó có được không?

-Chi vậy cậu?

Tôi thẳng thắn đáp:

-Để đậy cầu thang lại.

Bà ngó tôi bằng cái đuôi con mắt, rồi xuống hết thang gác bà mới nói vói lên:

-Cái đó dễ mà, hễ cậu trả tiền nhà thì tôi làm liền hà!

Bẵng đi hai ngày tôi được yên ổn làm việc. Đến ngày thứ ba, tôi vừa đi phố về, chưa kịp thay áo, đã thấy bà Tư thập thò chỗ cầu thang. Không nỡ để bà tiu nghỉu thối lui, tôi mở đường cho bà bằng một nụ cười khuyến khích. Tuy không được tự nhiên như những lần trước, nhưng mặt bà cũng đầy vẻ hớn hở với cái tin vừa săn được của Út Lệ:

-Con mẻ có chồng khác rồi cậu ơi! Cái thằng cha bữa hổm đó. Chiều nay thằng chả dọn về ở luôn với con mẻ. Cậu biết hông, tôi hỏi khéo một câu là con mẻ rút ruột ra nói hết trọi. Thằng chả hồi trước đi lính BX, bây giờ làm trong lò heo Chánh Hưng (á)! Mỗi tháng ba ngàn lận… Thôi, vậy cũng khoẻ cho hai mẹ con con mẻ, phải không cậu?

Bà cười hề hề rồi nói bô bô, phơi bày lòng tốt của mình:

-Tính tôi vậy đó cậu ơi! Không ích kỷ, thấy ai khá cũng mừng cho họ. Chớ nhiều người ớ nghen, thấy người ta ngóc đầu lên là ganh ghét, đâm bị thóc, thọc bị gạo. Như con mẹ Tám Chả-giò đó cậu, ông Trời ổng…

Tôi thiết nghĩ, nghe cho hết chuyện “con mẹ Tám Chả-giò” thì cũng chẳng ích lợi gì cho lắm, nên giả đò dòm ngoài lan can, nói một mình: “Ai như bà Tám vậy kìa!”. Bà Tư liền lật đật chạy xuống cầu thang, tự càu nhàu mình:

-Cơ khổ, nó rủ 12 giờ qua nhà nó đánh xiệp mà nói ba điều bốn chuyện nhè quên mất.

*

Chiều hôm đó, nhà Út Lệ có thêm một giọng đàn ông ồ ề. Giọng ồ ề đó cứ mỗi ngày một to dần, cho tới tuần sau thì trở thành cái loa làm náo động hết cả xóm. Con nít rủ nhau quần tụ trước nhà Út Lệ để xem lão Ba Lò Heo say rượu.

Lão xách dao rượt Út Lệ chạy quanh giường, đe sẽ cắt cho kỳ được cái lưỡi của vợ, chỉ vì chị vừa hát ru con bằng mấy câu này: “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi!…”.

Lão hét lên:

-Tao hỏi mầy, người xa người đây có phải là mầy xa nó không? Tao là chồng mầy, tao ở sờ sờ trước mắt đây mà mầy dám thở than thương tiếc thằng chồng cũ của mầy. Như vậy làm thân con đàn bà một dạ hai lòng như mầy thì thử hỏi có đáng thẻo cái lưỡi mầy đi, có đáng sả nát cái thân mầy ra không chớ?

Những tiếng sau cùng lão rít lên cùng một lúc với tiếng dao cheng chẻng chém xuống thanh giường. Lão la, lão hét thêm một hồi nữa rồi nằm vật xuống nền đất, ngáy khò khò.

Mấy tuần lễ sau, qua nhiều lần bình giảng thi văn bằng dao, bằng búa và bằng hơi men sặc sụa, lão kết luận rằng câu hát nào của Út Lệ cũng có ý than duyên trách phận, cũng có chút tình kín đáo nhắn gửi người chồng cũ. Cứ mỗi lần bình giảng như vậy, lão “bỏ” một câu hát của Út Lệ. Vì vậy mà cái vốn liếng văn nghệ của gia đình Út Lệ ngày càng sa sút nghèo nàn dần.

Cho đến một đêm, nhân lúc tỉnh trí, lão Ba Lò Heo dịu dàng cắt ngang một câu vọng cổ của vợ, rồi thỏ thẻ bày tỏ nỗi lòng mình:

-Em Út à, mỗi lần nghe em hát một bản cải lương là anh thấy khó chịu trong bụng quá sá! Em còn thương nó không? Em nói thiệt đi?

Giọng của Út Lệ nhỏ nhẹ, nhưng không giấu nổi chút bực dọc:

-Tôi lấy anh thì tôi thương anh chớ còn thương ai. Hỏi nghe kỳ hông!

-Vậy từ rày em đừng hát nữa có được hông?

Ba tiếng “có được hông” lão dằn mạnh với giọng vừa khuyên vừa doạ. Út Lệ khẩn khoản:

-Cái kiếp em là kiếp con hát, em hát từ nhỏ tới giờ quen rồi, không hát chịu không được!… Với lại không hát thì thằng Bình nó không ngủ, nó khóc hoài làm sao anh chịu được.

Rồi nhân lúc lão Ba còn đang lựa lời, Út Lệ năn nỉ thêm:

-Em hát là hát cho vui vậy chớ đâu có thương ai nhớ ai. Anh đừng ghen bóng ghen gió tội nghiệp em!

Lão Ba nổi nóng:

-Ghen, ghen cái con khỉ khô họ! Mầy hát mấy câu hát đưa em không được sao chớ? Cái đồ cải lương cải liếc, vọng cổ vọng kiếc đó là đồ… đồ dở ẹt. Tao biểu bỏ đi là bỏ đi!

Út Lệ còn cố níu chút hy vọng mong manh:

-Mấy câu đó anh cũng cấm rồi, đâu còn câu nào!

-Sao không còn! Tao nghe con mẹ Tư Ve chai hát cái câu gì mà có con két đó, nghe được quá chớ, sao không hát?

-Có một câu đó hát đi hát lại hoài sao?

-Còn cái câu “ví dầu ví dẫu, ví dâu” nữa chi!

Thế là đêm đó, nghệ sĩ Út Lệ chỉ được phép hát vỏn vẹn có hai câu:

“Chiều chiều bắt két nhổ lông
Két kêu bớ chị chị đừng ác nhơn”.

Và “Ví dầu ví dẫu ví dâu,
Ví dâu dâu chạy, ví trâu vô chuồng”

Cũng từ đó, tiếng hát của chị có giọng oán hờn thống trách, dần dà về sau lại đượm ý chán nản, liều lĩnh, khinh thị. Mỗi tiếng hát như một lát dao băm vào vết đau khổ trong lòng mình, và xỉa xói vào tâm can người nghe. Hai câu hát ngô nghê, lạt lẽo và vô nghĩa mà Út Lệ phải hát đi hát lại mãi, đã làm tôi khó chịu hơn cả những câu chuyện lăng nhăng, nhảm nhí của bà Tư Ra-Dô.

Chỉ trong vòng một tuần lễ, những tiếng “ví dầu” xoay tít trong ý nghĩ tôi, đánh nhịp theo bước đi của tôi. Và câu “bắt két nhổ lông” lúc đầu chỉ làm tôi tức cười cho cái cắc cớ của người đặt ra nó; nhưng về sau, cứ mỗi lần nghe Út Lệ thốt lên thì tóc tôi in tuồng dựng đứng dậy, một cảm giác ran ran đau nhức chạy luồn trong da đầu.

May thay tình trạng đó chỉ kéo dài trong vòng nửa tháng thì có một biến cố lớn trong gia đình Út Lệ. Biến chuyển đó bắt đầu bằng việc Út Lệ tự tiện sửa đổi câu “ví dầu” nguyên tác thành câu:

“Ví dầu, ví dẫu, ví dâu,
Ví dâu, ví dẫu, ví dâu, ví dầu”

Cứ thế chị hát giật giọng từng hai tiếng một. Giọng hát không còn buồn giận nữa. Chị đã dùng tài diễn tả của mình biến những âm thanh gần như vô nghĩa đó thành hàng loạt kim nhọn, rồi bình tĩnh và ngạo nghễ đẩy từng chiếc vào tim, vào óc lão Ba Lò Heo. Ngày đầu lão còn lặng lẽ chịu đựng cuộc phản công đó. Nhưng qua đêm hôm sau thì tôi đã nghe tiếng hét của lão:

-Mầy hát cái mửng gì mà đâm gan người ta quá vậy! Có câm họng lại không? Tao lột lưỡi mầy bây giờ!

Út Lệ xẵng giọng cãi lại, nhưng chính là cách kín đáo ca ngợi thắng lợi của mình:

-Ông biểu tôi hát câu nào thì tôi hát câu nấy. Trong câu hát có gươm có dao gì đâu mà ông nói tôi đâm gan ruột ông!

Lão Ba hồ đồ:

-Vậy mà… tao biểu mầy im thì mầy phải im. Lý sự thì tao vặn họng.

Không có tiếng hát, thắng Bình không chịu ngủ, ngoe ngoé khóc lên. Út Lệ lặng thinh, để mặc cho con khóc. Sự nín tiếng tuyệt đối đó thành một cách chống đối có hiệu quả. Chỉ nửa giờ sau, lão Ba phải đầu hàng:

-Mầy làm gan với tao hả? Sao không ru cái thằng quỷ con đó cho nó ngủ đi!

Út Lệ ung dung cất tiếng hát. Thế là con két bị đem ra nhổ lông:

-Ầu ơ…ơ… Chiều chiều bắt két nhổ lông, két kêu bớ chị, ờ…ơ… chị đừng ác nhơn…

Câu tiếp đáng lẽ là câu “ví dầu”, nhưng vừa bị cấm, Út Lệ phải hát lại câu “chiều chiều”. Để khỏi nhàm chán, chị không “bắt két nhổ lông” nữa, mà lại “bắt chó nhổ lông”:

-Ầu ơ… Chiều chiều bắt chó nhổ lông, chó kêu bớ chị ờ…ơ… chị đừng ác nhơn.

Rồi cứ theo cách đó, mỗi lần lặp lại câu hát, chị lại tìm một con chim hay con thú, có cái tên bằng thanh trắc để thế vào địa vị khốn nạn của con két.

-Ầu ơ… chiều chiều bắt ngỗng nhổ lông, ngỗng kêu bớ chị ờ… ơ… chị đừng ác nhơn… Ầu ơ… chiều chiều bắt chuột nhổ lông…

Đôi khi chị “nhổ lông” cả những con không có nổi một sợi lông như con rắn, con nhái, con cóc. Sau cùng, tới lúc chị hát: “Chiều chiều bắt ấy nhổ lông…Ấy kêu bớ chị…” thì lão Ba gầm một tiếng dữ tợn, đập phá một vài món đồ đạc trong nhà, rồi xách xe đạp đi thẳng.

*

Năm ngày sau tôi mới nghe lại tiếng nói của lão Ba. Lão về vào một buổi trưa, với một cân thịt quay, một cân bánh hỏi và một giải pháp cho tình trạng bế tắc của nền văn nghệ gia đình.

Sau khi ăn uống no nê, hể hả, lão Ba vui vẻ bảo Út Lệ:

-Em Út à! Cái lưng anh đây, bữa rày em muốn hát thì cứ tự do ngó vô đây mà hát cho phỉ tình.

Út Lệ sửng sốt:

-Uý trời! Anh xăm, anh vẽ nát cái lưng vầy đây hả?

-Thì còn xăm được chỗ nào nữa đâu mà không xăm cái lưng, hỏi kỳ hông! Trước bụng thì có con đầm; trên ngực thì có cặp rồng chầu, tay chơn thì có lân, có quy, có phụng. Đừng hỏi lôi thôi, đọc lên nghe thử coi nà!

-Mà ai xăm cho anh vậy chớ? Phải Tư Kiên hông?

Lão Ba cười to:

-Cái thằng đó mà biết xăm cái con khỉ mốc! Nó làm cho người ta sanh ghẻ sanh sẹo thì có. Thằng này là thằng Bảy Kền, bạn của anh hồi ở Nam Vang, em không biết nó đâu. Thôi, đọc hai bài thơ đó đi!

Út Lệ lẩm nhẩm đọc, bên này vách tôi chỉ nghe câu được câu mất:

“Nam vô tửu như kỳ vô phong
“Người mà không có rượu thì không phải người

……………………………………………

“Kể từ lúc ta vào làng đế
“Cái sự đời ta để sau lưng
“Men lên chí cả thêm lừng
“Công danh ta túm trong quần ta chơi…

Đọc xong hai bài thơ, Út Lệ lập lờ khen hay. Lão Ba khoái chí cười ngất. Giọng hí hửng, lão Ba bảo Út Lệ:

-Đâu, em Út hát lên cho anh nghe thử coi!

Út Lệ từ chối khéo:

-Phải thuộc mới hát được.

-Đây nè, học cho thuộc đi!

Út Lệ lúng túng:

-Hay thì hay đó… mà cái thứ thơ này học khó thuộc quá hà!

Lão Ba tức giận, nói gằn từng tiếng:

-Tao…biểu…mầy…phải…học…thuộc!

Tôi đang lo, không biết Út Lệ có nại ra được cớ gì để từ chối nữa không, thì đã nghe tiếng đọc đều đều của chị. Tôi tưởng tới nỗi khó chịu trong những ngày sắp tới, mỗi khi nghe Út Lệ miễn cưỡng hát ru con bằng những câu thơ kệch cỡm đó. Nhưng chỉ một lát thì Út Lệ ngưng đọc, chị thỏ thẻ nói với chồng:

-Anh Ba nè, sao đọc mấy câu này tôi nhớ ba thằng Bình quá hà!

Lão Ba đập tay xuống giường, ngồi bật dậy thét:

-Sao? Mầy nói sao?

Tin vào ngón đòn tâm lý của mình, Út Lệ bình thản đáp:

-Hồi đóng vai Uất Trì Cung, gã cũng nói lối mấy câu tương tự như vậy đó.

Ba Lò Heo chui mình xuống giường, giọng buông thõng:

-Thôi, thôi bỏ đi!

Út Lệ ỡm ờ:

-Tôi học thuộc rồi mà bỏ chi uổng vậy!

Ba Lò Heo cương quyết:

-Tao…biểu…bỏ…là…bỏ.

Ngoài chút tình thương cảm sẵn có với Út Lệ, bây giờ lòng tôi lại thêm mến phục chị. Người nghệ sĩ ấy đã thắng liên tiếp trong những điều kiện khó khăn. Nhưng có lẽ chị cũng như tôi đều không ngờ rằng Ba lò Heo còn thủ một miếng đòn tối hậu để giành lấy phần thắng sau cùng.

Lão nằm, ngẫm nghĩ, cười sằng sặc một mình rồi trổ miếng đòn bí hiểm đó ra:

-Em Út nè! Đâu, em trịch cái quần anh xuống một chút thử coi có cái gì, hà hà hà…

Thật là một câu lỗ mãng và tục tĩu mà chỉ có Ba Lò Heo mới thốt lên được một cách tự nhiên như vậy! Út Lệ im lặng, sự im lặng có nghĩa như một tiếng khóc nấc.

Lão Ba nói:

-Em thấy chưa? Ở trên chỗ xương cụt đó, thằng bảy Kền làm riêng bài thơ tặng anh. Học thuộc đi rồi hát cho anh nghe. Đừng có lôi thôi gì nữa hết.

Út Lệ vẫn im lặng. Bây giờ sự im lặng đọng lại thành một giọt nước trong khoé mắt tôi.

Bên kia vách, hình như men rượu đã ngấm đều vào máu Ba Lò Heo, lão rút con dao phay liếc rổn rảng trên vành lu.

-Đọc, tao biểu mầy đọc, không đọc thì bay đầu!

Út Lệ nghẹn ngào, đọc đi đọc lại bài thơ nằm ở chỗ kém sạch sẽ đó.

Trong đời tôi, tôi đọc thơ cũng khá nhiều, tôi nghe người ta ngâm thơ cũng bộn, nhưng tôi chỉ biết có một bài thơ làm cho người đọc phải vừa đọc vừa khóc vì tủi nhục, ấy là bài thơ trên xương cụt của Ba Lò Heo.

Hẳn có vị tò mò muốn biết bài thơ ấy hay ho như thế nào! Lúc đầu tôi đã toan ghi nó ra đây, nhưng e làm thế thì vô lễ với độc giả quá, nên lại thôi. Tuy vậy, nếu giấu đi cái phần độc đáo của bài thơ thì cũng tủi cho tác giả đã dùng một thứ kỹ thuật tân kỳ để làm cho những dục vọng của Ba Lò Heo được tẩm quất đều đều qua từng câu từng chữ. Những dục vọng ấy chỉ súc tích trong những hạng người thường ngứa ngáy chỗ xương cụt, mà không muốn tự mình gãi cho mình.

Nếu nói một cách khôi hài thì Ba Lò Heo đã định nghĩa văn nghệ là sự tẩm quất dục vọng hoặc là sự làm-đã-ngứa chỗ xương cụt; nên lão đã đặt cơ sở nền văn nghệ trên chiếc xương cụt của lão.

Nghệ sĩ Út Lệ không đồng ý như vậy, nên qua ngày hôm sau, thừa lúc lão Ba đi vắng, chị bồng đứa con riêng, bỏ nhà ra đi.

*

Út Lệ vắng nhà chưa đầy một tuần thì Ba Lò Heo đã có người đàn bà khác. Họ ăn ở với nhau có vẻ tương đắc lắm, trong nhà không hề có “tiếng bấc tiếng chì”. Người đàn bà ấy – theo bà Tư Ra-Dô cho biết – trẻ hơn Út Lệ, mặt mày khá sáng sủa, thân hình đầy đặn, làm việc giỏi, biết chiều chuộng chồng, không bao giờ ngồi lê đôi mách. Và người đàn bà ấy câm từ lúc mới lọt lòng mẹ.

Một hôm tình cờ đi ngang qua nhà Út Lệ – mà bây giờ là của lão Ba Lò Heo – tôi thấy lão đang săm se một tấm gương soi mới mua, khá lớn. Bỗng tôi đem lòng thương hại lão. Tôi nghĩ: những lúc buồn, có lẽ lão phải dùng tới tấm gương ấy để đọc bài thơ trên xương cụt của mình. Như vậy những chữ trong gương đều bị đảo ngược hết, thật khó lòng cho lão quá.

Kể từ đó, hễ nhìn bất cứ vào cái gì có hình chữ nhật – nhất là những trang giấy trắng trên bàn viết của tôi – thì tôi nghĩ đến tấm gương soi của lão Ba Lò Heo, và thấy nguyên cả một sự tục tĩu kèm với bài thơ trên xương cụt, thấy nguyên cả hiện tình văn nghệ tồi tàn của gia đình lão. Những đêm khuya, nhìn tấm vách lá, tôi lại nhớ tới tiếng hát của Út Lệ. Tôi tin rằng trong một thôn xóm nghèo nàn nào đó, dù đang đói rách, người nghệ sĩ ấy cũng đang được tự do hát những bài hát mà mình ưa thích.

Rốt cuộc Út Lệ đã thắng. Chị thắng nhờ biết sống đúng với phương châm:

“Ví dầu, ví dẫu, ví dâu
Ví dâu, ví dẫu, ví dâu, ví dầu”

¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨
Chinh Ba, tháng 10/1965.
 
26/11/2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Tâm sự của một người chị sắp lên xe hoa

Hằng
14/10/11


"Hoa trôi bèo-dạt đã đành,
Nay lần mai lựa, như tình chưa qua.
Vui là vui gượng kẻo mà,
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn."


Số phận mỗi con đã được trời định sẵn cho dù bạn có tin hay không. Những gì ta đang phải trải qua hiện tại như buồn, vui, may, rủi... là đều “thừa hưởng” từ kiếp trước để lại. Cho nên những gian truân, phiền muộn hiện nay đeo đuổi theo bạn hãy xem như mình đang phải trả nợ cho … kiếp trước! Đường tình duyên lận đận âu cũng là cái số!

Trước nay không phải bạn không có người để mắt đến, nhưng sự thực bạn chưa hoàn toàn vừa ý một ai, biết bao người muốn tiến gần bạn, nhưng do bạn chần chừ, xem xét, rồi cảm thấy chưa vừa ý, nên cứ tiếp tục dò xét… và rồi lần lượt bỏ lỡ nhiều cơ hội… xem như tình duyên chưa đến với mình vậy. Cũng có lúc bạn chấp nhận chuyện tình cảm với một người nào đó, mọi người chung quanh đều thấy bạn đang hạnh phúc… nhưng sự thật bạn cũng chưa hài lòng với người ấy cho lắm. Rồi chuyện gì đến sẽ phải đến, rồi cũng phải chia tay vì những cái… không hài lòng ấy. Bạn quên một điều mà cổ nhân thường nói: “nhân bất thập toàn”, không có gì hoàn hảo tuyệt đối cả.

“Nước non còn đợi hội mây rồng,
Đường mới lần đi luống ngại-ngùng.
Đò cắm sào, đợi chờ khách cũ!
Cuộc đời như thể một cơn-giông.”


Bạn đang đợi một cơ hội để thỏa lòng mong ước bấy lâu. Ở đây nói lên chuyện tình cảm, có nghĩa bạn đang mong ngóng được đến ngày sẽ gặp mặt, trùng phùng với người bạn hằng mơ ước, ngày rồng gặp mây… Nhưng bạn vẫn lo lắng liệu cuộc sống sau này với người đó có êm ấm như mong muốn của bạn không? Liệu có như thế này, liệu sẽ như thế kia hay không?... Bao câu hỏi, bao sự lo lắng cho duyên phận mình cứ liên tục xuất hiện trong tâm trí bạn mà chưa thể có câu giải đáp khiến bạn cảm thấy bồn chồn lo lắng…

Rồi bổng nhiên bạn lại nhớ về những kỷ niệm với người bạn đã quen trước đây, sự nuối tiếc, phải chi… phải chi… Nhưng những câu “phải chi” đó đã không còn cơ hội để thực hiện, nó đã là quá khứ cho dù bạn có mong mỏi cũng hoài công… bởi khách đã qua sông rồi có mấy ai quay trở lại bao giờ.

Nỗi niềm hoài tưởng đó khiến bạn sẽ phải khổ sở, dằn vặt bạn trong cuộc sống về sau nếu không nhanh chóng cất nó vào nơi sâu kín trong tâm tư con tim của bạn, bởi “cuộc đời như thể một cơn giông, mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn…” cố gắng vượt qua bạn nhé! Cuộc đời còn đó nhiều sóng gió mà đời người không thể lường trước được hãy để dành sức lực, sự tỉnh táo để đón nhận và vượt qua.

Chúc bạn tìm được hạnh phúc như mong muốn và luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống!

19.11.2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com/

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Làm sao để có việc làm phù hợp sau khi ra trường?

LTS: Bài viết dưới đây là bài phỏng vấn và trả lời giữa một em sinh viên năm 3 ngành báo chí và tôi. Bài phỏng vấn dự định đăng trên Nội san Đại học quốc gia TP.HCM. Đã lâu lắm rồi, tôi không thấy "nhà báo" cho hay là có đăng bày này hay không?; hoặc cô ta đã biên tập lại như thế nào? Không thấy nên tôi cứ để lại nguyên văn bảng hỏi và bài trả lời.

BẢNG HỎI:
 
"Anh Nam ơi!
Em đang làm trang phỏng vấn ý kiến của Bản tin ĐHQG đó anh.
Số này sẽ là một bạn sinh viên năm 3 đặt câu hỏi: Làm sao để có việc làm phù hợp sau khi ra trường, và không bị thất nghiệp quá lâu?
Anh có thể chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm cụ thể của anh không ah? cỡ 150 chữ anh nhé?
Em mong anh trả lời sớm giúp em vì chuyện này anh kinh nghiệm đầy mình mà, anh gửi cho em một ảnh thật đẹp của anh nữa nhé!
Em cảm ơn anh nhiều nhiều!"


TRẢ LỜI:

Chào Ánh!

Câu hỏi của em là: “Làm sao để có việc làm phù hợp sau khi ra trường, và không bị thất nghiệp quá lâu?” .

Câu hỏi của em cũng đã bao gồm ý trả lời luôn rồi đó em! Muốn có việc làm phù hợp thì mình phải có định hướng từ trước: ra trường mình sẽ làm gì?; thực tế của công việc khi ra trường đòi hỏi những gì?. Trả lời được hai câu hỏi đó là mình đã định hướng được tương lai của mình sau khi ra trường. Do đó mình cần tìm hiểu/nói chuyện trước với những người đang hoạt động trong lĩnh vực/ngành nghề mà sau này mình sẽ theo.

Còn theo kinh nghiệm cá nhân của anh và của một số anh/chị đi trước thì để biết được có thất nghiệp lâu hay không sau khi ra trường thì các bạn nên lưu ý một số điểm sau:

A. Khách quan: (đa phần chúng ta không quyết định được)

1. Đặc thù ngành em đang học: Có một số ngành rất dễ kiếm được việc làm do đó khi sinh viên ra trường sẽ không mất quá nhiều thời gian để xin việc. Một số ngành khó tìm được việc làm thì các bạn phải mất nhiều thời gian hơn để xin được một công việc vừa ý của mình.

B. Chủ quan: (thứ tự ưu tiên từ 1 – 4)

1. Kiến thức chuyên ngành: Anh nghĩ kiến thức trong trường rất quan trọng cho chúng ta khi đi làm vì đó là kiến thức nền tảng. Đa số những nhà tuyển dụng không đánh giá cao những con “mọt sách”, nhưng họ luôn luôn đánh giá cao những sinh viên có học lực khá giỏi và làm được việc. Nếu bạn tự tin là kiến thức trong trường của bạn không giỏi nhưng kiến thức công việc đòi hỏi trong thực tế bạn nắm vững thì đó cũng là một lợi thế khi đi xin việc.

2. Ngoại ngữ và tin học: Việc có được một ngoại ngữ khi đi xin việc là một lợi thế, đặc biệt là tiếng Anh. Nếu không có tiếng Anh mà em giỏi bất kì một ngoại ngữ nào khác thì cơ hội việc làm của em sẽ cao hơn những bạn không có một ngoại ngữ nào. Về Ngoại ngữ thì mình cũng không nên nói suông là, “Em giỏi ngoại ngữ này, em khá ngoại ngữ nọ,” mà nên có chứng chỉ để chứng minh. Ví dụ như Anh Văn thì mình cần những chứng chỉ được quốc tế công nhận như: TOEIC, IELTS, TOELF. Điểm của những chứng chỉ này không cần cao, bao nhiêu cũng được, có là tốt, không có thì em phải thể hiện bằng những hình thức khác: viết bài luận, đơn xin việc, CV hoặc chấp nhận phỏng vấn bằng tiếng Anh chẳng hạn. Tin học thì người ta không đòi hỏi nhiều lắm, chủ yếu là tin học văn phòng: word, excel là đủ.

3. Tinh thần ham học hỏi và cầu tiến: Mình mới ra trường thì kinh nghiệm thực tế chưa có nhiều do đó cần phải thể hiện mình là một người ham học hỏi và cầu tiến thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao mình. Ví dụ như trong giai đoạn thử việc, nếu có hai người làm tốt công việc gần như nhau, nhưng do yêu cầu công việc cần phải loại bỏ một người, người ta sẽ chọn người có tinh thần ham học hỏi và cầu tiến chứ không chọn người nhỉn hơn. Người có tinh thần ham học hỏi và cầu tiến thì khi đi đường dài sẽ luôn tiến xa hơn.

4. Kinh nghiệm thực tế: Không cần phải có nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng ít nhất mình cũng đã từng tham gia một số công việc có liên quan đến việc làm mà mình định hướng. Đó có thể là những việc làm thêm, những công việc bán thời gian… làm ít, làm nhiều không quan trọng nhưng anh nghĩ là nên có. Ví dụ như học Luật thì em nên có một số bài báo nghiên cứu khoa học về Luật hoặc tham gia một số vụ việc liên quan đến Luật Pháp; học Báo Chí thì nên có một số bài nhỏ đăng báo hoặc một số clip ngắn do em tự làm, hay hay không không quan trọng miễn sao mình có làm là được; học xây dựng thì các bạn nên đi làm những công trình nhỏ trước, các công trình này chỉ mất mấy tháng để làm nhưng cũng đủ để khẳng định là bạn đã có kinh nghiệm từ trước.

Anh có lời khuyên như thế này: Tìm được việc làm sớm hay muộn không quan trọng, quan trọng là các bạn phải chuẩn bị thật kỹ trước khi bước ra thực tế công việc. Việc có kiến thức chuyên ngành vững, ngoại ngữ tốt là đủ để đảm bảo cho bạn một công việc tốt sau khi ra trường. Mới ra trường mà chưa xin được việc, đặc biệt là giai đoạn khoảng sáu tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp, các bạn cũng không nên quá lo lắng, nếu không xin được việc làm lớn thì xin làm việc nhỏ, rồi từ từ, từng bước một chứng minh năng lực của mình!

PS: Bài viết này anh viết theo dạng chia sẻ kinh nghiệm. 150 chữ thì ngắn quá! Em cứ biên tập lại theo ý hiểu của em!

Chúc em thật sức khỏe và học thật giỏi!

16.11.2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com