Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Phim Roman Holiday: Phim của người làm báo

Một số phần trong bài viết này:
1. Giới thiệu khái quát về bộ phim Roman Holiday, những thành tựu phim đạt được.

2. Cuộc đời thường của nàng công chúa Princess Anne.

3. Roman Holiday: Lãng mạng hay hiện thực?

4. Roman Holiday: Công chúa và đời thật.

5. Nhà báo: Tình yêu và nghề nghiệp.

6. Lát cắt về nhà báo trong Roman Holiday.

7. Đánh giá về những hiệu quả truyền thông của Roman Holiday.

Mỗi phần (được đánh số từ 1 đến 7) trong bài viết này là một góc cạnh rất nhỏ xoay quanh bộ phim Roman Holiday, do đó khi đọc các bạn có thể đọc không theo thứ tự như khi viết. Dù sao đi nữa thì bài viết giới thiệu vẫn là bài viết giới thiệu, các bạn nếu muốn biết bộ phim thật sự hay như thế nào xin hãy xem qua bộ phim. Đây chỉ là ý kiến đóng góp của tôi sau khi xem qua bộ phim này.

Mặc dù cồ gắng hết sức nhưng chắc chắn bài viết này sẽ còn nhiều sai sót. Mọi ý kiến đóng góp xin liên hệ qua địa chỉ email: tentolanam@gmail.com.

Xin chân thành cảm ơn!
Hồ Quốc Nam

1. Những thành tựu quan trọng của Roman Holiday

Nhóm thực hiện:

Audrey Hepburn và Gregory Peck trong một cảnh phim

- Audrey Hepburn trong vai Princess Anne.

- Gregory Peck trong vai Joe Bradley (phóng viên).

- Đạo diễn : William Wyler.

- Diễn viên : Eddie Albert, Hartley Power, Harcourt Williams, Margaret Rawlings....

- Kịch bản: Dalton Trumbo, Ian McLellan Hunter.

- Hãng sản xuất : Paramount Pictures.

Giải thưởng:

- 1954 Oscar Winner for: Best Actress in a Leading Role (Audrey Hepburn), Best Costume Design/Black-and-White, Best Writing - Motion Picture Story (Ian McLellan Hunter, Dalton Trumbo). 1954 BAFTA awards winner for: Best British Actress (Audrey Hepburn).

- Golden Globe winner for: Best Motion Picture Actress - Drama (Audrey Hepburn).

Độ dài: 118 phút.

Nhận xét:

Với cách diễn xuất hài hước và không kém phần già dặn của hai diễn viên chính đã giúp cho bộ phim đoạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Với Roman Holiday, Audrey Hepburn - nữ diễn viên chính trong phim đã trở thành huyền thoại và mang lại cho cô giải Oscar duy nhất trong sự nghiệp điện ảnh của mình.

2. Cuộc đời thường của một nàng công chúa
Công chúa Princess Anne do Audrey Hepburn thủ vai

Công chúa Anne (Audrey Hepburn) chán ngấy với cuộc sống cung đình nên quyết định trốn ra ngoài du ngoạn thành Rome trong một ngày. Joe Bradley (Gregory Peck) - một phóng viên người Mĩ đã quyết định đưa cô đi thăm thú với ý định viết một bài phóng sự thật đặc biệt về công chúa. Nhưng điều cả hai không ngờ tới là một tình cảm đã nảy sinh giữa họ.

Roman Holiday - Bộ phim kinh điển lãng mạn nhất mọi thời đại với sự tham gia diễn xuất của huyền thọai Audrey Hepburn đã mang lại cho cô giải Oscar duy nhất trong sự nghiệp điện ảnh của mình. Cốt truyện đơn giản nhưng với sự đạo diễn tài hoa của William Wiler đã biến Roman Holiday thành phim hài kịch lãng mạn sau 54 năm vẫn còn trong tâm trí người yêu phim kinh điển.

Công chúa Anne thực hiện một chuyến công du vòng quanh các nước Châu Âu. Khi đến Rome, nàng bắt đầu phản kháng và muốn tìm cách thoát khỏi lịch trình làm việc dày đặc và cứng nhắc của một nàng công chúa. Một tối nọ, sau khi bị tiêm thuốc an thần để ngủ, nàng tìm cách trốn khỏi phòng, nấp trong một chiếc xe tải và ra khỏi tòa đại sứ. Tuy nhiên, vì thuốc đã ngấm nên nàng nhanh chóng ngủ gật trên một chiếc ghế đá công cộng và gặp được Joe Bradley, một phóng viên người Mỹ. Chàng đưa nàng về nhà trọ của mình. Sáng hôm sau, Joe thức dậy trễ và để lỡ cuộc họp báo với công chúa Anne. Khi chợt nhận ra người thiếu nữ đang ngủ say trong phòng mình là nàng công chúa cao sang quyền quý kia, Joe liền hứa với vị tổng biên tập là mình sẽ viết được một bài phóng sự đặc biệt về nàng và mọi chuyện bắt đầu…

3. Roman Holiday: Lãng mạn hay hiện thực?

Có hay không một câu chuyện cổ tích giữa đời thường?

Tựa phim là Roman Holiday nghĩa là “Kỳ nghĩ ở Rome” nhưng tôi cảm thấy đây quả là Romance Holiday (kỳ nghĩ lãng mạn) và không thể nào quên được.

Bộ phim Roman Holiday dành cho những người yêu điện ảnh kinh điển, cốt truyện đơn giản, lãng mạn, kết hợp với những pha hành động kịch tính hài hước. Bộ phim là những lát cắt và nghề báo và đời sống của hoàng gia.

Bộ phim lấy bối cảnh châu âu vào những năm 50 của thế kỷ trước. Sau 54 năm nhưng nó vẫn còn có giá trị cho tới ngày nay và được nhiều thế hệ những người xem điện ảnh yêu thích.

Roman Holiday thu hút khán giả ngay từ những phút giây đầu. Đây là một bộ phim đề cập nhiều đến đời sống cung đình của giới quý tộc, đề cập đến cuộc sống của những nhà báo, về cách sống của họ, cách lấy tin và cách họ đã làm như thế nào để có được một tin “không đụng hàng”.

Roman Holiday hấp dẫn khán giả không những bởi những vấn đề mà bộ phim nêu ra gợi mở cho chúng ta nhiều vấn đề. Mà nó còn đề cập đến cuộc sống của giới quý tộc, hoàng gia cung đình. Khi mà trong xã hội lúc bấy giờ tầng lớp đó vẫn tồn tại và được xem như là một tầng lớp trên của xã hội. Cuộc sống của những phóng viên báo chí như Joe Bradley.

Ngay từ những phút đầu của bộ phim khác giả đã tự hỏi câu chuyện của phóng viên Joe Bradley và Princess Anne sẽ đi về đâu khi mà bên cạnh một công chúa quyền cao chức trọng lại là một anh chàng phóng viên luôn muốn tìm mọi cách để lấy được những hình ảnh “độc nhất vô nhị” về công chúa Anne, tham vọng thực hiện một cuộc phỏng vấn nhầm lấy được số tiền thưởng khá lớn 5000$.

Vậy giữa cuộc sống của một nàng công chúa cung đình và một nhà báo có gì giống và khác nhau? Giữa họ có những điểm tương đồng như thế nào để hai con người này đã gặp nhau ở Roman Holiday? Có lẽ nên để phần tranh luận xem Roman Holiday là một bộ phim lãng mạn hay hiện thực dành lại cho những khán giả xem phim hơn là bàn luận!

4. Roman Holiday – Công chúa và đời thật


Có thể nói thời lượng 20 phút đầu của bộ phim Roman Holiday là một lát cắt tinh xảo về đời sống hoàng gia. Công chúa Anne hiện ra trước mặt các vị khách quý là một công chúa quyền cao chức trọng, là người sẽ nối ngôi nữ hoàng tương lai. Nhưng chỉ có những người thân cận nhất của công chúa mới có thể hiểu rõ được công chúa. Về những công việc quốc gia đại sự mà trọng trách của quốc gia đã đè nặng lên vai của nữ hoàng tương lai, những công việc đó đối với một phụ nữ ở tuổi Anne là quá sức chịu đựng. Công chúa xuất hiện ở đầu bộ phim theo cảm nhận của khán giả cô là một công chúa trẻ con, công chúa biết nũng nịu với người vú già, công chúa biết ăn bánh, uống sữa. Trách nhiệm đối với quốc gia đã khiến cô quá mệt mỏi, cuối cùng do không chịu đựng được nữa nên cô đã tìm cách trốn ra ngoài trên một chiếc xe tải, từ đó cũng là bắt đầu cuộc phiêu lưu của công chúa…

Thời lượng chủ yếu của phim dành cho những cảnh quay tại thủ đô Rome của Italia, công chúa Anne và chàng phóng viên Joe Bradley chu du trên chiếc xe Vespa cổ vòng quanh đường phố Rome. Thật ra đây là việc dàn dựng của anh chàng phóng viên và một người bạn nhà báo nhầm lấy được những tấm ảnh “không đụng hàng” về công chúa Anne, mục tiêu mà giới báo chí Italia và báo chí thế giới lúc này không ngừng săn đón. Nếu thực hiện được cuộc phỏng vấn đặc biệt này, ông chủ của tòa soạn nơi phóng viên Joe Bradley làm việc hứa sẽ trả anh nhuận bút 5000$, một khoảng tiền rất lớn vào thời đó, đặc biệt là với một phóng viên như anh.

Phần còn lại của thời lượng bộ phim được quay trong cung điện, nơi công chúa Anne cùng các cận thần hội hợp, đón chào các vị khác quý. Ở phần đầu tiên của bộ phim, khung cảnh xuất hiện thật hoành tráng. Công chúa Anne xuất hiện với một đoàn người ngựa, cận thần cùng cận vệ với sự chào đón nhiệt tình của nhân dân Rome, cho ta thấy được tình cảm mà nhân dân Rome dành cho một người đặc biệt như công chúa. Tiếp theo sau đó là khung cảnh cung đình với những buổi hợp trang nghiêm, những buổi tiệc cung đình linh đình, nhảy đầm.

Với 118 phút thời lượng phim, và 3 ngày trong thực tế (ngày đầu công chúa ở cung điện, ngày 2 công chúa cùng phóng viên Joe Bradley chu du trên chiếc Vespa cổ vòng quanh đường phố Rome, ngày thứ 3 công chúa với buổi hợp mặt), nhưng thời gian chủ yếu của bộ phim là dành cho ngày thứ 2. Ngày thứ 2 có thể được xem là ngày chủ chốt, quan trọng nhất của bộ phim khi nó dường như đã thể hiện hầu hết nội dung mà những người làm bộ phim muốn chuyển tải.

Nhưng cuộc phiêu lưu của chàng phóng viên Joe Bradley và công chúa Anne đã chiếm phần lớn thời gian của bộ phim. Vậy giữa con người thực tế (công chúa) và cô gái say rượu ngủ ngoài đường được cứu giúp thì đâu là hình ảnh mà những người làm phim chú ý nhiều hơn?

5. Nhà báo: Tình yêu và nghề nghiệp


Roman Holiday không phải là một câu chuyện cổ tích của phương Đông với những phép màu biến hóa hay những câu chuyện hoàng tử cứu công chúa rồi lập nên chiến công hiển hách của các nước phương tây. Đầu tiên tình cảm của họ có phải chỉ đơn giản là “vụ lợi”? Phóng viên Joe Bradley tình cờ gặp một cô gái say rượu ngoài đường, do không còn cách nào khác anh đành để cho cô gái kia ngủ trong nhà mình một đêm, chờ khi cô tỉnh lại sẽ đi.

Nhưng rồi do tình cờ nên anh phát hiện ra được người phụ nữ mà ngủ trong nhà anh đêm qua chính là Princess Anne. Từ đó trở về sau anh tìm mọi cách để thể làm được công việc “tác nghiệp” của mình. Câu chuyện tưởng như hết sức bình thường nhưng lại chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. “Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng như trong mơ?”, cơ hội sẽ đến với mọi người nhưng quan trọng hơn là có nắm bắt được cơ hội đó hay không? Joe Bradley đã rất vui mừng và tìm mọi cách để nắm bắt tốt cơ hội dành cho mình.

Khi phát hiện ra người phụ nữ đó chính là Princess Anne, Joe Bradley đã cố gắng thực hiện được “nhiệm vụ” của anh. Ban đầu anh chỉ hành động theo bản năng của một nhà báo, anh muốn công chúng có được những thông tin và hình ảnh “hot” nhất về Princess Anne, con người là đề tài cũng như mục tiêu săn đuổi của giới truyền thông trong thời gian hiện tại.

Phóng viên Joe Bradley không đáng khen khi anh đi với công chúa là một hành động có toan tính và vụ lợi, nhưng anh đáng khen khi ngoài bổn phận là một nhà báo, một con người của công chúng, làm việc cho công chúng, anh phải đem đến cho công chúng những cái họ cần. Lương tâm của một nhà báo không cho Joe Bradley bỏ qua thông tin một cách uổng phí, và đầu tiên anh đã hành động theo bản năng của mình, bản năng của một nhà báo.

Nhưng rồi càng về cuối cùng của bộ phim ta càng thêm yêu quý Joe Bradley, bởi anh đã dám hi sinh những lợi ích của bản thân, lợi ích sẽ trở thành một nhà báo nổi tiếng vì đã có những thông tin sốt dẻo nhất cùng với khoản tiền kếch xù 5000$. Phóng viên Joe Bradley đã hành động theo tình cảm của một con người chân chính, anh cảm thấy khi những thông tin mà anh đã có được nếu đưa lên mặt báo sẽ gây ra tổn thất danh dự cho công chúa Anne hay chính tình yêu với công chúa đã không cho anh làm điều đó? Mặc dù công sức của anh bỏ ra là xứng đáng và nó hoàn toàn hợp với “đạo đức nghề báo”…

6. Lát cắt về nghề báo trong Roman Holiday

Joe Bradley đang nghĩ gì? Tình yêu hay nghề nghiệp?

Roman Holiday đã cho ta có cái nhìn khái quát hơn về nghề báo. Nhà báo có thể làm mọi cách để có được thông tin, điều đó hoàn toàn đúng và đáng khen vì nhà báo là người của công chúng, công chúng có quyền đòi hỏi ở nhà báo những điều như thế. Nhưng rồi chính Joe Bradley đã từ bỏ cơ hội được trở thành một nhà báo nổi tiếng cộng với một khoản tiền thưởng kếch xù, không đưa những thông tin trị giá hàng nghìn USD lên mặt báo, những thông tin mà anh khó khăn lắm anh mới có được chỉ nhằm một thứ duy nhất: “Tình yêu của anh và Princess Anne”.

Khung cảnh cuối cùng của bộ phim Roman Holiday khép lại bằng hình ảnh phóng viên Joe Bradley đi một mình ra ngoài cung điện với nét mặt đăm chiêu, không một ai bên cạnh anh lúc đó? Là một nhà báo chân chính Joe Bradley đã thất bại hay thành công? Bộ phim với một kết thúc mở gợi cho ta nhiều dòng suy nghĩ. Nếu Joe Bradley chấp nhận bán những hình ảnh mà anh khó khăn lắm mới có được cho tòa soạn nơi mà anh đang làm việc để đổi lấy sự nổi tiếng và khoảng tiền thưởng 5000$. Có lẽ bọ phim sẽ đi vào một kết cục buồn chán nếu như Joe Bradley quyết định bán những thông tin mà mình có cho tòa soạn, nhưng cũng như cách Joe Bradley có được thông tin như thế nào thì cách anh giữ “kín” thông tin cũng khó khăn như thế ấy.

Joe Bradley đã hơn một lần làm ngã người bạn đồng nghiệp của mình nhầm tránh thông tin bị lộ ra. Anh cũng đã tìm đủ mọi cách để từ chối với ông chủ tòa soạn về việc cung cấp các hình ảnh mà mình có được. Đối với công chúng, Joe Bradley là người có lỗi khi anh chưa làm tròn nghĩa vụ của mình đối với công chúng. Bản thân là một nhà báo Joe Bradley hiển nhiên hiểu được giá trị những tấm ảnh mà khó khăn lắm anh mới có được, nhưng anh đã chọn một giải pháp cho mình, giao trả tất cả các tấm ảnh mà mình và người bạn có được cho Princess Anne. Đó có lẽ là một món quà mà công chúa khi nhìn thấy sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm mà mình đã có với thành Rome. Princess Anne đã nói: “Mỗi thành phố đều có một vẻ đẹp riêng, và những kỷ niệm mà tôi đã có với thành phố Rome sẽ không bao giờ quên được” (trích trong Roman Holiday).

Có lẽ ta ta nên hài hước một chút khi gợi ý đưa bộ phim Roman Holiday vào trình chiếu cho Sinh viên báo chí xem trong học phần chuyên ngành về “Đạo đức nghề báo”. Bản thân là một nhà báo, chúng ta còn là một con người, thông tin là vàng bạc, ta có thể bằng mọi cách để có được thông tin nhưng việc đưa thông tin đó lên mặt báo cần được cân nhắc cụ thể. Joe Bradley đã chọn một con đường, con đường mà có lẽ khó ai có thể làm được như anh!

7. Đánh giá về hiệu quả truyền thông của bộ phim Roman Holiday

Bộ phim Roman Holiday là một tác phẩm kinh điển được nhiều thế hệ khán giả trên khắp thế giới yêu mến.

Roman Holiday không phải là một tác phẩm giải trí ăn theo mô-típ của các nhà làm phim trong xã hội đương đại. Xem xong bộ phim ta có cảm giác trong phim có những chi tiết rất thật, rất sống động gần gũi với những sự vật, hiền tượng đang xảy ra trong xã hội đương thời.

Có thể nói Roman Holiday là một tác phẩm hiện thực và lãng mạn đang xen. Nó không phải là một câu chuyện với những mô-típ quen thuộc từ trước tới nay. Ở đó không có những tình yêu xét đánh, những nhân vật trong phim gặp nhau như những người xa lạ, đầu tiên không có một tình cảm nào thân thiết với nhau, không có một sợi dây nào kết nối họ với nhau. Sau đó do những điều kiện khách quan và chủ quan họ đã sát cánh bên nhau và tình cảm cũng nãy sinh từ đó.

Đầu tiên mối quan hệ của họ có thể được nói là “vụ lợi”, họ lợi dụng lẫn nhau. Hai anh nhà báo đi theo Princess Anne vì biết cô chính là công chúa, là đối tượng mà giới truyền thông hiện tại đang săn đón. Họ có thể vì sự nổi tiếng, vì tiền hay cũng có thể là vì muốn chiếm được tình cảm của Princess Anne. Họ hành động trước tiên nhất là theo bản chất của nhà báo, những con người tìm kiếm thông tin và đem thông tin đó phục vụ công chúng. Nếu đem Roman Holiday đi so với các tác phẩm điện ảnh đương đại thì Roman Holiday có lẽ hơn những bộ phim khác một bậc ở chất hiện thực.

Vẫn là đề cập đến những vấn đề thời sự nóng bỏng như việc thành lập Liên minh châu Âu EU, bộ phim cũng đề cập đến cuộc sống của những nhà báo và hoàng gia nên nó đã hấp dẫn khán giả ngay từ những phút giây đầu tiên. Bộ phim ca ngợi tình yêu trong sáng, đan xen những chi tiết rất hài hước phim cũng có những chi tiết hành động không kém phần hấp dẫn. Có thể nói Roman Holiday ra đời định hướng cho những tác phẩm điện ảnh sau này ra đời sau nó.

Roman Holiday còn là lát cắt về nghề báo và đời sống hoàng gia, bộ phim giúp khán giả tiếp cận được với cuộc sống của giới nhà báo và giới quý tộc, những tầng lớp khá “đặc biệt” trong xã hội. Roman Holiday có thể được sử dụng trong giáo trình đào tạo Báo chí về “Đạo đức nhà báo” vì những chuyện mà phim đề cập rất thật, rất gần gụi, những chuyện ấy những “nhà báo tương lai” hoàn toàn có thể gặp trong thực tế.


17/9/2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét