Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Sách: Rèn nghị lực để lập thân (+PRC)


Ai cũng biết muốn thành công trong cuộc đời ngắn ngủy này thì phải có ý chí và nghị lực. Người thành công hơn người thất bại là ở chỗ đó. Ông bà ta thường nói: "Có chí làm quan. Có gan làm giàu.", điều này nghe từ xưa tới giờ đã nhiều nhưng tôi tin là ít người hiểu được nó. Trong số một trăm người hiểu được ý nghĩa của câu nói đó cũng chỉ có một người làm được điều đó. Bạn tin không? Không tin cứ nhìn ra xã hội Việt Nam bây giờ thì biết. Trong số 90 triệu dân Việt Nam bây giờ có khoảng một triệu dân biết cách "làm quan" và biết cách "làm giàu" hay không? Có đủ bản lĩnh để đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không?

Đơn giản như việc học một ngoại ngữ, tiếng Anh chẳng hạn, qua biết bao nhiêu năm ngồi trên ghế nhà trường: thường thì bây giờ học sinh học tiếng Anh bắt đầu từ năm lớp sáu, cộng thêm bốn năm đại học nữa là mười năm nhưng đến khi ra trường thì hầu hết các nhà tuyển dụng đều kết luận rằng tiếng Anh của sinh viên Việt Nam rất yếu. Như vậy có phải do thiếu nghị lực học tập hay phương pháp mà năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam lại yếu như vậy? Có người đỗ lỗi cho giáo dục? Giáo dục cũng đúng nhưng cũng phải xem xét lại tư cách của học sinh Việt Nam. Chợt nhớ tới ông Phạm Công Thiện, mới 15 tuổi đã thông thạo năm ngoại ngữ. Tôi tin là ông làm được như vậy nhờ một chút khả năng và trí tuệ thiên phú còn lại là ý chí và nghị lực phi thường.

Nếu bàn về cách làm thế nào để rèn luyện nghị lực để đạt được những thành công mà bạn mong muốn có được, tôi nghĩ đây là một quyển sách xứng đáng để bạn dành một chút ít thời gian để đọc. Sách rất mỏng, nếu chịu khó đọc thì chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ là xong nhưng lợi ích thì có thể không cân, đo, đong, đếm được. Có người bảo những sách như thế này không thể nào tin được. Tôi có bảo bạn là đọc sách và tin 100% và làm theo 100% đâu? Đọc sách mà tin hoàn toàn vào sách và làm y như sách thì không khác nào đốt sách. Nó giống như là sau này bạn ra ngoài xã hội ai nói gì bạn cũng nghe và làm theo. Kiểu như "đẽo cày giữa đường". Đọc sách chỉ là trò chuyện cùng tác giả, đơn giản vậy thôi. Còn có nghe và làm theo hay không làm việc của bạn.

Link download file PRC sách Rèn nghị lực để lập thân của Nguyễn Hiến Lê: tại đây!

27/11/2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Phim 300 chiến binh: Bản hùng ca của người Sparta



Dựa trên bộ truyện tranh lịch sử nổi tiếng của nhà văn Frank Miller, 300 chiến binh là một thiên anh hùng ca kể về cuộc chiến Thermopylae lẫy lừng trong lịch sử Hi Lạp cổ đại chống lại quân Ba Tư.

Năm 480 trước công nguyên, vua Ba Tư là Xerxes đã chỉ huy một đạo quân lên đến một triệu quân đi thôn tính Hi Lạp. Khi đó, vua xứ Sparta là Leonidas đã cùng 300 chiến binh Sparta đã quyết tử đánh trả nhằm chặn đứng đường tiến quân cùng ý chí xâm lược của quân Ba Tư.

Phim ca ngợi ý chí chiến đấu của các chiến binh và chủ nghĩa anh hùng thường thấy trong các phim về lịch sử của người Hi Lạp.

26/11/1011
Hồ Quốc Nam

Bài thơ trên xương cụt

LTS: Nuocdenchan xin giới thiêu truyện viết sau của chàng Chinh Ba cách đây vài tuần, nếu không tính về năm.

Không thì cũng đã hơn 44 năm.

Hôm trước Cụ Hinh ghé thăm thấy Cụ Chinh Ba vẫn đang ngồi trước trang giấy trắng phau, đơn giản như một ngày trong cuộc đời.

http://nuocdenchan.com/2009/12/06/bai-th%C6%A1-tren-x%C6%B0%C6%A1ng-c%E1%BB%A5t/


¨¨¨¨
Sân gác bỗng rung lên khe khẽ. Tôi đoán chừng Trâm đến. Những bước chân êm ái đưa nhẹ về phía tấm vách lá. Ót tôi nóng ran lên một cảm giác khoan khoái: với đôi mắt đẹp như sao, nàng đang âu yếm nhìn tôi. Đốt một điếu thuốc, ngồi nhìn trang giấy đang viết dở, tôi hồi hộp chờ đợi đôi bàn tay nhỏ nhắn, mát rượi và tinh nghịch của nàng bất thần bịt ngang mắt.

Trời đứng gió, căn gác im vắng đến như tôi có thể đếm được từng hơi thở của Trâm.

Chợt có tiếng sột soạt nhỏ. Tiếp theo là tiếng chắp miệng, tiếng ho húng hắng, rồi một tràng tiếng nhai nhóc nhách đều đều.

Chỉ chừng đó thứ tiếng đủ làm tôi thất vọng. Kẻ vừa xâm nhập căn gác không phải Trâm, mà là bà Tư Ra-Dô, bà chủ nhà của tôi đó. Không cần quay lại, tôi cũng biết bà đang ghìm đầu vào vách, dõ mắt sang căn nhà bên cạnh. Đôi mắt ấy nhỏ, hơi lộ và láo liên như mắt chuột, để bà đặt vừa vặn vào các khe hở mà dòm ngó những cảnh hớ hênh của bốn phía láng giềng. Thế rồi cái miệng toang hoác của bà sẽ nói choèn choẹt cả ngày về những điều xấu xa mà bà đã dày công rình mò săn bắt được. Nhờ cái miệng đó, bà được gọi là “bà Tư Ra-Dô”. Bà chỉ nhận biệt danh ấy với một niềm kiêu hãnh vừa phải. Tuy vậy chẳng mấy ai ưa bà. Cho nên để xứng đáng với lòng ghét bỏ của mọi người, bà bèn đặt đúng chính giữa cặp lưỡng quyền nhọn hểu của mình một chiếc mũi két cong quắp. Trong ấy luôn luôn ló ra hai thỏi nước nhờn màu vàng đọt chuối. Bà sẽ hỉnh mũi hít khìn khịt hai thỏi nước đó vào mỗi khi muốn tỏ bày lòng thương cảm các nhân vật trong câu chuyện mách lẻo.

Ấy thế mà bà đến thay chỗ đứng của Trâm trong căn gác này, lúc 4 giờ chiều. Có lẽ để giải toả bớt nỗi bực dọc, tôi phóng cây bút xuống xấp giấy, rồi xô ghế đứng dậy, đi thẳng ra mái hiên. Tôi vừa tì người vào lan can thì tiếng khịt mũi của bà đã ở bên tai. Quay lại, tôi bắt gặp một cái mồm đang há to, và một ngón tay cộc cằn thò vào chỗ ấy móc ra một miếng bã trầu đỏ quạch. Đó là cách bà dọn mồm để nói một câu chuyện nhì nhằng:

-Cậu Tích à! Nguy cho cậu rồi! Con mẻ bồng cái con khỉ con của con mẻ về đó.

Tôi muốn quát lên: “Mặc người ta, bà cút ngay đi cho tôi yên”. Nhưng tôi không thể thốt lên như vậy, vì một lẽ rất đơn giản là tôi còn thiếu bà hai tháng tiền nhà, và bà thì đang cần một cơ hội tốt để hét to điều đó.

Thấy tôi có vẻ lơ là với câu chuyện, bà cười hì hì, nâng hai bàn tay lên ngang mặt, dùng tay phải bốc một ngón trong bàn tay trái, đưa sát vào mũi tôi:

-Nè, mẹ thì hát nè!

Bốc thêm một ngón nữa, bà tiếp:

-Con thì khóc nè!

Rồi bà buông thõng hai tay, mặt ngất lên trông rất thiểu não:

-Cậu làm sao chịu nổi chớ? Tôi hỏi cậu vậy hà!

Tôi không chịu nổi thật – với cách nói chuyện đó – vội đi lùi về cuối mái hiên. Bà nhẫn nại bước theo, xoè hai bàn tay ra trước bụng, giọng phân trần:

-Cậu tính tôi nói có sai đâu. Hồi con mẻ mới dọn về đây tôi đã nói rồi, không tin cậu đi hỏi hết cả xóm coi, tôi nói làm gì thằng chả cũng đá con mẻ một cái rụp mà.

Tuy chưa biết “con mẻ” và “thằng chả” đây là ai, nhưng nghĩ cho cùng thì cuộc đời tôi chẳng dính líu gì với hai nhân vật đó. Vậy mà bà Tư Ra-Dô cứ bức hiếp tôi phải nghe những chuyện lăng nhăng về họ, thì thật là một điều bất công mà tôi tưởng các nhà xã hội học cần nên lưu tâm đến.

-Úi chà, cậu Tích! Cậu ngó cái gì ở đẳng vậy? Cháy nhà hả?

Thấy bà có vẻ hăng quá, tôi e bà la “nhà cháy, nhà cháy” thì mệt cho cả xóm, nên vội khoa tay nói:

-Không, không! Tôi ngó con khỉ ngồi trên cây gòn của thầy Bảy Xáng đó.

-Ừ, cậu nói tới con khỉ tôi mới nhớ, để tôi nói cho cậu nghe, hồi con mẻ mới về đây, cái bụng còn lum lúp (hà). Đầu tháng Tư, đám giỗ ba con Thu nhà tôi, vợ chồng con mẻ đem qua hai chai la-de. Tới tháng mười thì con mẻ đẻ ra cái con khỉ nhỏ đó, nó khóc thôi… trường canh, không ai chịu nổi. Con chưa đầy tháng thì thằng chả quất ngựa chuối. Tụi “xướng ca vô loài” mà cậu, vui đâu chúc đó, chớ tình nghĩa gì. Vậy mà con mẻ ôm con đáo đế đi tìm thằng chả.

Bà dừng lại, kéo vạt áo quẹt bớt số nước trầu lộn với nước giãi đọng hai bên mép, rồi hối hả nói tiếp:

-Dữ ác hông! Bỏ cửa bỏ nhà đi từ đầu tháng Chạp tới tháng Năm, rồi cũng mang cái mạng mộc trở về.

Trước khi buông tha tôi, bà chằng miệng ra cười the thé, rồi tiếp tục mang cái chuỗi cười vô lý đó đi xuống thang gác. Chuỗi cười được chấm dứt hẳn, lúc bà cất tiếng gọi con đến lạc giọng:

-Thu ơi, Thu à!

Đêm đó, căn nhà tối tăm và vô chủ ở liền vách với căn gác tôi bắt đầu có ánh đèn và tiếng hát. Ánh đèn thì tù mù, tiếng hát thì buồn. Tôi tưởng như sự tối tăm, vắng lạnh của căn nhà hoang đã mở mắt và lên tiếng. Điệu hành vân áo não u trầm, mang cái buồn cổ kính của dĩ vãng, rỉ ngấm qua vách lá, làm ẩm ướt những giòng cảm nghĩ của tôi về cuộc sống. Để ý đến lời ca, tôi nhớ mang máng như đã từng nghe qua trong một vỡ tuồng cải lương nào của xa xưa:

-“Đoạn (cái) can tràng! (là) đoạn (cái) can tràng! Luỵ ngọc dầm chan. Ai ơi, có thấu mấy tiếng đây chăng! Duyên tóc kia (nó) lìa đoạn. Tơ tình vương vấn, rồi bình tan, ngọc vỡ khi không! Ly biệt này ai không đau lòng! Ly biệt này ai không đau lòng! Ôm sầu đoài đoạn…”.

Hết hành vân, tới tứ đại oán, lưu thuỷ trường, nam xuân, nam ai, lý con sáo, rồi vọng cổ. Thỉnh thoảng trong nỗi buồn miên viễn đó, bỗng bật lên tiếng khóc dạ đề của đứa trẻ. Điệu hát liền thay cung bậc, trở nên ấm áp, đằm thắm, ngọt ngào:

-Gió mùa thu, mẹ ru (mà) con ngủ. Năm canh chầy thức đủ vừa năm! Ớ chàng là chàng ơi! Ớ người là người ơi! Em nhớ tới chàng!…”

Có khi cái buồn không vơi, không nhẹ, không hao hớt vì ý nghĩa sai lạc, không hợp thời, hợp cảnh của lời ca:

-“Gió hiu hiu, lộc bình trôi riu riu. Anh đừng bận bịu bớ điệu chung tình! Con nhạn bay cao khó bắn, mà con cá ở ao quỳnh khó câu”.

Chẳng biết từ bao giờ, tôi đã đem lòng yêu cái buồn đó, cái buồn được phô diễn bằng những âm hưởng trong trẻo, dịu ngọt, thanh thoát, hồn nhiên và cởi mở, toả ra một cách dễ dàng từ giọng hát đặc biệt của người miền Nam. Điệu buồn trở nên thân thuộc như đã in hẳn trong tiềm thức tôi tự đời nào. Những bông hoa tình cảm tôi vươn lên trên đài cao và nở rộng với bao la. Những cáu bẩn làm nhơ bợn tâm hồn tôi từ khi bon chen vào cuộc sống bỗng quyện lấy nhau mà trầm lắng xuống đáy thẳm trong vực lòng.

Đêm đó tôi viết dễ dàng như tôi thở. Tôi gửi vào cuộc đời niềm tin yêu màu hồng.

Tôi nghĩ cái buồn đôi khi cũng cần thiết cho con người như chút phèn chua cần thiết cho một ly nước đục. Bởi vậy, thà mùa thu không có gió, chứ đêm khuya đừng vắng tiếng côn trùng. Những tâm hồn thao thức biết lấy gì mà thở nếu không có tiếng dế nỉ non, tiếng vạc kêu sương, tiếng từ quy khắc khoải, tiếng khóc của trẻ con, tiếng ru của bà mẹ bên hàng xóm!

Tôi có một định nghĩa hơi rộng rãi về người nghệ sĩ, nên qua một đêm gần gũi với sinh hoạt văn nghệ của người đàn bà mà bà Tư Ra-Dô gọi tắt là “con mẻ”, tôi gọi người đàn bà ấy là một nghệ sĩ. Sáng hôm sau, bà Tư lấy làm ngạc nhiên thấy tôi vồn vã với bà trong câu chuyện về “con mẻ”.

-Sao, con mẻ hát cả đêm mà cậu chịu nổi à?

Tôi mỉm cười, không trả lời thẳng vào câu hỏi:

-Con mẻ của bà hát hay quá!

Bà luôn luôn cố tỏ ra khôn lanh, hiểu biết nhiều, và đồng ý một cách nhiệt thành với người đối diện:

-Trời ơi! Tôi nói tôi mê con mẻ mà. Đào hát mà hát không hay sao được cậu! Út Lệ đó, hồi trước đi gánh Nam Giang đó, cậu không biết sao!

Út Lệ, cái tên nghe xa lạ quá. Nhưng tiếng hát và tâm hồn của người đàn bà ấy gần gũi với tôi biết chừng nào. Từ đó, những buổi trưa, những đêm tối, tôi thường nghe tiếng hát của Út Lệ. Hình như nàng sống để hát, và sống bằng chính tiếng hát của mình.

Bà Tư thường thóc mách với tôi nhiều điều xấu về Út Lệ. Điều bà cho rằng xấu nhất là Út Lệ không biết làm ăn buôn bán, không kiếm đủ sữa cho con bú, có đêm đã khuya còn xách chén qua xin cơm nguội của bà. Theo bà, sự thiếu ăn là cái quả của những tính xấu.

Một buổi trưa vắng tiếng hát Út Lệ, tôi đang ngồi đọc lại một bản thảo thì bà Tư Ra-Dô chạy đùng đùng lên thang gác. Mắt sáng quắc, bà nói khào khào vào tai tôi:

-Con mẻ đổi nghề rồi cậu ơi! Hồi nửa buổi có một thằng cha vác cái bản mặt cô hồn, vô nhà con mẻ. Hai người rủ rỉ rù rì gì suốt mấy giờ đồng hồ. Thằng chả vừa về là con mẻ đi mua nào là gạo nè, than nè, nước mắm nè, bánh mì nè,. Cái mặt con mẻ đang tươi roi rói, thấy tôi ngó tới cái thì sượng trân liền.

Rồi hai tay chắp sau lưng, đầu nghẹo sang một bên, mắt trừng trừng, bà dằn từng tiếng:

-Tôi hỏi cậu vậy chớ tiền đó ở đâu ra? Tiền đó là tiền gì chớ?

Bước tới cầu thang, bà còn ngoái cổ lại, cất giọng lảnh lót:

-Tôi nói vậy mà phải không cậu?

Tôi liền đứng dậy, chỉ cái khoảng trống chỗ thang gác, hỏi bà:

-Dì làm cho cháu một miếng bửng chỗ đó có được không?

-Chi vậy cậu?

Tôi thẳng thắn đáp:

-Để đậy cầu thang lại.

Bà ngó tôi bằng cái đuôi con mắt, rồi xuống hết thang gác bà mới nói vói lên:

-Cái đó dễ mà, hễ cậu trả tiền nhà thì tôi làm liền hà!

Bẵng đi hai ngày tôi được yên ổn làm việc. Đến ngày thứ ba, tôi vừa đi phố về, chưa kịp thay áo, đã thấy bà Tư thập thò chỗ cầu thang. Không nỡ để bà tiu nghỉu thối lui, tôi mở đường cho bà bằng một nụ cười khuyến khích. Tuy không được tự nhiên như những lần trước, nhưng mặt bà cũng đầy vẻ hớn hở với cái tin vừa săn được của Út Lệ:

-Con mẻ có chồng khác rồi cậu ơi! Cái thằng cha bữa hổm đó. Chiều nay thằng chả dọn về ở luôn với con mẻ. Cậu biết hông, tôi hỏi khéo một câu là con mẻ rút ruột ra nói hết trọi. Thằng chả hồi trước đi lính BX, bây giờ làm trong lò heo Chánh Hưng (á)! Mỗi tháng ba ngàn lận… Thôi, vậy cũng khoẻ cho hai mẹ con con mẻ, phải không cậu?

Bà cười hề hề rồi nói bô bô, phơi bày lòng tốt của mình:

-Tính tôi vậy đó cậu ơi! Không ích kỷ, thấy ai khá cũng mừng cho họ. Chớ nhiều người ớ nghen, thấy người ta ngóc đầu lên là ganh ghét, đâm bị thóc, thọc bị gạo. Như con mẹ Tám Chả-giò đó cậu, ông Trời ổng…

Tôi thiết nghĩ, nghe cho hết chuyện “con mẹ Tám Chả-giò” thì cũng chẳng ích lợi gì cho lắm, nên giả đò dòm ngoài lan can, nói một mình: “Ai như bà Tám vậy kìa!”. Bà Tư liền lật đật chạy xuống cầu thang, tự càu nhàu mình:

-Cơ khổ, nó rủ 12 giờ qua nhà nó đánh xiệp mà nói ba điều bốn chuyện nhè quên mất.

*

Chiều hôm đó, nhà Út Lệ có thêm một giọng đàn ông ồ ề. Giọng ồ ề đó cứ mỗi ngày một to dần, cho tới tuần sau thì trở thành cái loa làm náo động hết cả xóm. Con nít rủ nhau quần tụ trước nhà Út Lệ để xem lão Ba Lò Heo say rượu.

Lão xách dao rượt Út Lệ chạy quanh giường, đe sẽ cắt cho kỳ được cái lưỡi của vợ, chỉ vì chị vừa hát ru con bằng mấy câu này: “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi!…”.

Lão hét lên:

-Tao hỏi mầy, người xa người đây có phải là mầy xa nó không? Tao là chồng mầy, tao ở sờ sờ trước mắt đây mà mầy dám thở than thương tiếc thằng chồng cũ của mầy. Như vậy làm thân con đàn bà một dạ hai lòng như mầy thì thử hỏi có đáng thẻo cái lưỡi mầy đi, có đáng sả nát cái thân mầy ra không chớ?

Những tiếng sau cùng lão rít lên cùng một lúc với tiếng dao cheng chẻng chém xuống thanh giường. Lão la, lão hét thêm một hồi nữa rồi nằm vật xuống nền đất, ngáy khò khò.

Mấy tuần lễ sau, qua nhiều lần bình giảng thi văn bằng dao, bằng búa và bằng hơi men sặc sụa, lão kết luận rằng câu hát nào của Út Lệ cũng có ý than duyên trách phận, cũng có chút tình kín đáo nhắn gửi người chồng cũ. Cứ mỗi lần bình giảng như vậy, lão “bỏ” một câu hát của Út Lệ. Vì vậy mà cái vốn liếng văn nghệ của gia đình Út Lệ ngày càng sa sút nghèo nàn dần.

Cho đến một đêm, nhân lúc tỉnh trí, lão Ba Lò Heo dịu dàng cắt ngang một câu vọng cổ của vợ, rồi thỏ thẻ bày tỏ nỗi lòng mình:

-Em Út à, mỗi lần nghe em hát một bản cải lương là anh thấy khó chịu trong bụng quá sá! Em còn thương nó không? Em nói thiệt đi?

Giọng của Út Lệ nhỏ nhẹ, nhưng không giấu nổi chút bực dọc:

-Tôi lấy anh thì tôi thương anh chớ còn thương ai. Hỏi nghe kỳ hông!

-Vậy từ rày em đừng hát nữa có được hông?

Ba tiếng “có được hông” lão dằn mạnh với giọng vừa khuyên vừa doạ. Út Lệ khẩn khoản:

-Cái kiếp em là kiếp con hát, em hát từ nhỏ tới giờ quen rồi, không hát chịu không được!… Với lại không hát thì thằng Bình nó không ngủ, nó khóc hoài làm sao anh chịu được.

Rồi nhân lúc lão Ba còn đang lựa lời, Út Lệ năn nỉ thêm:

-Em hát là hát cho vui vậy chớ đâu có thương ai nhớ ai. Anh đừng ghen bóng ghen gió tội nghiệp em!

Lão Ba nổi nóng:

-Ghen, ghen cái con khỉ khô họ! Mầy hát mấy câu hát đưa em không được sao chớ? Cái đồ cải lương cải liếc, vọng cổ vọng kiếc đó là đồ… đồ dở ẹt. Tao biểu bỏ đi là bỏ đi!

Út Lệ còn cố níu chút hy vọng mong manh:

-Mấy câu đó anh cũng cấm rồi, đâu còn câu nào!

-Sao không còn! Tao nghe con mẹ Tư Ve chai hát cái câu gì mà có con két đó, nghe được quá chớ, sao không hát?

-Có một câu đó hát đi hát lại hoài sao?

-Còn cái câu “ví dầu ví dẫu, ví dâu” nữa chi!

Thế là đêm đó, nghệ sĩ Út Lệ chỉ được phép hát vỏn vẹn có hai câu:

“Chiều chiều bắt két nhổ lông
Két kêu bớ chị chị đừng ác nhơn”.

Và “Ví dầu ví dẫu ví dâu,
Ví dâu dâu chạy, ví trâu vô chuồng”

Cũng từ đó, tiếng hát của chị có giọng oán hờn thống trách, dần dà về sau lại đượm ý chán nản, liều lĩnh, khinh thị. Mỗi tiếng hát như một lát dao băm vào vết đau khổ trong lòng mình, và xỉa xói vào tâm can người nghe. Hai câu hát ngô nghê, lạt lẽo và vô nghĩa mà Út Lệ phải hát đi hát lại mãi, đã làm tôi khó chịu hơn cả những câu chuyện lăng nhăng, nhảm nhí của bà Tư Ra-Dô.

Chỉ trong vòng một tuần lễ, những tiếng “ví dầu” xoay tít trong ý nghĩ tôi, đánh nhịp theo bước đi của tôi. Và câu “bắt két nhổ lông” lúc đầu chỉ làm tôi tức cười cho cái cắc cớ của người đặt ra nó; nhưng về sau, cứ mỗi lần nghe Út Lệ thốt lên thì tóc tôi in tuồng dựng đứng dậy, một cảm giác ran ran đau nhức chạy luồn trong da đầu.

May thay tình trạng đó chỉ kéo dài trong vòng nửa tháng thì có một biến cố lớn trong gia đình Út Lệ. Biến chuyển đó bắt đầu bằng việc Út Lệ tự tiện sửa đổi câu “ví dầu” nguyên tác thành câu:

“Ví dầu, ví dẫu, ví dâu,
Ví dâu, ví dẫu, ví dâu, ví dầu”

Cứ thế chị hát giật giọng từng hai tiếng một. Giọng hát không còn buồn giận nữa. Chị đã dùng tài diễn tả của mình biến những âm thanh gần như vô nghĩa đó thành hàng loạt kim nhọn, rồi bình tĩnh và ngạo nghễ đẩy từng chiếc vào tim, vào óc lão Ba Lò Heo. Ngày đầu lão còn lặng lẽ chịu đựng cuộc phản công đó. Nhưng qua đêm hôm sau thì tôi đã nghe tiếng hét của lão:

-Mầy hát cái mửng gì mà đâm gan người ta quá vậy! Có câm họng lại không? Tao lột lưỡi mầy bây giờ!

Út Lệ xẵng giọng cãi lại, nhưng chính là cách kín đáo ca ngợi thắng lợi của mình:

-Ông biểu tôi hát câu nào thì tôi hát câu nấy. Trong câu hát có gươm có dao gì đâu mà ông nói tôi đâm gan ruột ông!

Lão Ba hồ đồ:

-Vậy mà… tao biểu mầy im thì mầy phải im. Lý sự thì tao vặn họng.

Không có tiếng hát, thắng Bình không chịu ngủ, ngoe ngoé khóc lên. Út Lệ lặng thinh, để mặc cho con khóc. Sự nín tiếng tuyệt đối đó thành một cách chống đối có hiệu quả. Chỉ nửa giờ sau, lão Ba phải đầu hàng:

-Mầy làm gan với tao hả? Sao không ru cái thằng quỷ con đó cho nó ngủ đi!

Út Lệ ung dung cất tiếng hát. Thế là con két bị đem ra nhổ lông:

-Ầu ơ…ơ… Chiều chiều bắt két nhổ lông, két kêu bớ chị, ờ…ơ… chị đừng ác nhơn…

Câu tiếp đáng lẽ là câu “ví dầu”, nhưng vừa bị cấm, Út Lệ phải hát lại câu “chiều chiều”. Để khỏi nhàm chán, chị không “bắt két nhổ lông” nữa, mà lại “bắt chó nhổ lông”:

-Ầu ơ… Chiều chiều bắt chó nhổ lông, chó kêu bớ chị ờ…ơ… chị đừng ác nhơn.

Rồi cứ theo cách đó, mỗi lần lặp lại câu hát, chị lại tìm một con chim hay con thú, có cái tên bằng thanh trắc để thế vào địa vị khốn nạn của con két.

-Ầu ơ… chiều chiều bắt ngỗng nhổ lông, ngỗng kêu bớ chị ờ… ơ… chị đừng ác nhơn… Ầu ơ… chiều chiều bắt chuột nhổ lông…

Đôi khi chị “nhổ lông” cả những con không có nổi một sợi lông như con rắn, con nhái, con cóc. Sau cùng, tới lúc chị hát: “Chiều chiều bắt ấy nhổ lông…Ấy kêu bớ chị…” thì lão Ba gầm một tiếng dữ tợn, đập phá một vài món đồ đạc trong nhà, rồi xách xe đạp đi thẳng.

*

Năm ngày sau tôi mới nghe lại tiếng nói của lão Ba. Lão về vào một buổi trưa, với một cân thịt quay, một cân bánh hỏi và một giải pháp cho tình trạng bế tắc của nền văn nghệ gia đình.

Sau khi ăn uống no nê, hể hả, lão Ba vui vẻ bảo Út Lệ:

-Em Út à! Cái lưng anh đây, bữa rày em muốn hát thì cứ tự do ngó vô đây mà hát cho phỉ tình.

Út Lệ sửng sốt:

-Uý trời! Anh xăm, anh vẽ nát cái lưng vầy đây hả?

-Thì còn xăm được chỗ nào nữa đâu mà không xăm cái lưng, hỏi kỳ hông! Trước bụng thì có con đầm; trên ngực thì có cặp rồng chầu, tay chơn thì có lân, có quy, có phụng. Đừng hỏi lôi thôi, đọc lên nghe thử coi nà!

-Mà ai xăm cho anh vậy chớ? Phải Tư Kiên hông?

Lão Ba cười to:

-Cái thằng đó mà biết xăm cái con khỉ mốc! Nó làm cho người ta sanh ghẻ sanh sẹo thì có. Thằng này là thằng Bảy Kền, bạn của anh hồi ở Nam Vang, em không biết nó đâu. Thôi, đọc hai bài thơ đó đi!

Út Lệ lẩm nhẩm đọc, bên này vách tôi chỉ nghe câu được câu mất:

“Nam vô tửu như kỳ vô phong
“Người mà không có rượu thì không phải người

……………………………………………

“Kể từ lúc ta vào làng đế
“Cái sự đời ta để sau lưng
“Men lên chí cả thêm lừng
“Công danh ta túm trong quần ta chơi…

Đọc xong hai bài thơ, Út Lệ lập lờ khen hay. Lão Ba khoái chí cười ngất. Giọng hí hửng, lão Ba bảo Út Lệ:

-Đâu, em Út hát lên cho anh nghe thử coi!

Út Lệ từ chối khéo:

-Phải thuộc mới hát được.

-Đây nè, học cho thuộc đi!

Út Lệ lúng túng:

-Hay thì hay đó… mà cái thứ thơ này học khó thuộc quá hà!

Lão Ba tức giận, nói gằn từng tiếng:

-Tao…biểu…mầy…phải…học…thuộc!

Tôi đang lo, không biết Út Lệ có nại ra được cớ gì để từ chối nữa không, thì đã nghe tiếng đọc đều đều của chị. Tôi tưởng tới nỗi khó chịu trong những ngày sắp tới, mỗi khi nghe Út Lệ miễn cưỡng hát ru con bằng những câu thơ kệch cỡm đó. Nhưng chỉ một lát thì Út Lệ ngưng đọc, chị thỏ thẻ nói với chồng:

-Anh Ba nè, sao đọc mấy câu này tôi nhớ ba thằng Bình quá hà!

Lão Ba đập tay xuống giường, ngồi bật dậy thét:

-Sao? Mầy nói sao?

Tin vào ngón đòn tâm lý của mình, Út Lệ bình thản đáp:

-Hồi đóng vai Uất Trì Cung, gã cũng nói lối mấy câu tương tự như vậy đó.

Ba Lò Heo chui mình xuống giường, giọng buông thõng:

-Thôi, thôi bỏ đi!

Út Lệ ỡm ờ:

-Tôi học thuộc rồi mà bỏ chi uổng vậy!

Ba Lò Heo cương quyết:

-Tao…biểu…bỏ…là…bỏ.

Ngoài chút tình thương cảm sẵn có với Út Lệ, bây giờ lòng tôi lại thêm mến phục chị. Người nghệ sĩ ấy đã thắng liên tiếp trong những điều kiện khó khăn. Nhưng có lẽ chị cũng như tôi đều không ngờ rằng Ba lò Heo còn thủ một miếng đòn tối hậu để giành lấy phần thắng sau cùng.

Lão nằm, ngẫm nghĩ, cười sằng sặc một mình rồi trổ miếng đòn bí hiểm đó ra:

-Em Út nè! Đâu, em trịch cái quần anh xuống một chút thử coi có cái gì, hà hà hà…

Thật là một câu lỗ mãng và tục tĩu mà chỉ có Ba Lò Heo mới thốt lên được một cách tự nhiên như vậy! Út Lệ im lặng, sự im lặng có nghĩa như một tiếng khóc nấc.

Lão Ba nói:

-Em thấy chưa? Ở trên chỗ xương cụt đó, thằng bảy Kền làm riêng bài thơ tặng anh. Học thuộc đi rồi hát cho anh nghe. Đừng có lôi thôi gì nữa hết.

Út Lệ vẫn im lặng. Bây giờ sự im lặng đọng lại thành một giọt nước trong khoé mắt tôi.

Bên kia vách, hình như men rượu đã ngấm đều vào máu Ba Lò Heo, lão rút con dao phay liếc rổn rảng trên vành lu.

-Đọc, tao biểu mầy đọc, không đọc thì bay đầu!

Út Lệ nghẹn ngào, đọc đi đọc lại bài thơ nằm ở chỗ kém sạch sẽ đó.

Trong đời tôi, tôi đọc thơ cũng khá nhiều, tôi nghe người ta ngâm thơ cũng bộn, nhưng tôi chỉ biết có một bài thơ làm cho người đọc phải vừa đọc vừa khóc vì tủi nhục, ấy là bài thơ trên xương cụt của Ba Lò Heo.

Hẳn có vị tò mò muốn biết bài thơ ấy hay ho như thế nào! Lúc đầu tôi đã toan ghi nó ra đây, nhưng e làm thế thì vô lễ với độc giả quá, nên lại thôi. Tuy vậy, nếu giấu đi cái phần độc đáo của bài thơ thì cũng tủi cho tác giả đã dùng một thứ kỹ thuật tân kỳ để làm cho những dục vọng của Ba Lò Heo được tẩm quất đều đều qua từng câu từng chữ. Những dục vọng ấy chỉ súc tích trong những hạng người thường ngứa ngáy chỗ xương cụt, mà không muốn tự mình gãi cho mình.

Nếu nói một cách khôi hài thì Ba Lò Heo đã định nghĩa văn nghệ là sự tẩm quất dục vọng hoặc là sự làm-đã-ngứa chỗ xương cụt; nên lão đã đặt cơ sở nền văn nghệ trên chiếc xương cụt của lão.

Nghệ sĩ Út Lệ không đồng ý như vậy, nên qua ngày hôm sau, thừa lúc lão Ba đi vắng, chị bồng đứa con riêng, bỏ nhà ra đi.

*

Út Lệ vắng nhà chưa đầy một tuần thì Ba Lò Heo đã có người đàn bà khác. Họ ăn ở với nhau có vẻ tương đắc lắm, trong nhà không hề có “tiếng bấc tiếng chì”. Người đàn bà ấy – theo bà Tư Ra-Dô cho biết – trẻ hơn Út Lệ, mặt mày khá sáng sủa, thân hình đầy đặn, làm việc giỏi, biết chiều chuộng chồng, không bao giờ ngồi lê đôi mách. Và người đàn bà ấy câm từ lúc mới lọt lòng mẹ.

Một hôm tình cờ đi ngang qua nhà Út Lệ – mà bây giờ là của lão Ba Lò Heo – tôi thấy lão đang săm se một tấm gương soi mới mua, khá lớn. Bỗng tôi đem lòng thương hại lão. Tôi nghĩ: những lúc buồn, có lẽ lão phải dùng tới tấm gương ấy để đọc bài thơ trên xương cụt của mình. Như vậy những chữ trong gương đều bị đảo ngược hết, thật khó lòng cho lão quá.

Kể từ đó, hễ nhìn bất cứ vào cái gì có hình chữ nhật – nhất là những trang giấy trắng trên bàn viết của tôi – thì tôi nghĩ đến tấm gương soi của lão Ba Lò Heo, và thấy nguyên cả một sự tục tĩu kèm với bài thơ trên xương cụt, thấy nguyên cả hiện tình văn nghệ tồi tàn của gia đình lão. Những đêm khuya, nhìn tấm vách lá, tôi lại nhớ tới tiếng hát của Út Lệ. Tôi tin rằng trong một thôn xóm nghèo nàn nào đó, dù đang đói rách, người nghệ sĩ ấy cũng đang được tự do hát những bài hát mà mình ưa thích.

Rốt cuộc Út Lệ đã thắng. Chị thắng nhờ biết sống đúng với phương châm:

“Ví dầu, ví dẫu, ví dâu
Ví dâu, ví dẫu, ví dâu, ví dầu”

¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨¨
Chinh Ba, tháng 10/1965.
 
26/11/2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Tâm sự của một người chị sắp lên xe hoa

Hằng
14/10/11


"Hoa trôi bèo-dạt đã đành,
Nay lần mai lựa, như tình chưa qua.
Vui là vui gượng kẻo mà,
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn."


Số phận mỗi con đã được trời định sẵn cho dù bạn có tin hay không. Những gì ta đang phải trải qua hiện tại như buồn, vui, may, rủi... là đều “thừa hưởng” từ kiếp trước để lại. Cho nên những gian truân, phiền muộn hiện nay đeo đuổi theo bạn hãy xem như mình đang phải trả nợ cho … kiếp trước! Đường tình duyên lận đận âu cũng là cái số!

Trước nay không phải bạn không có người để mắt đến, nhưng sự thực bạn chưa hoàn toàn vừa ý một ai, biết bao người muốn tiến gần bạn, nhưng do bạn chần chừ, xem xét, rồi cảm thấy chưa vừa ý, nên cứ tiếp tục dò xét… và rồi lần lượt bỏ lỡ nhiều cơ hội… xem như tình duyên chưa đến với mình vậy. Cũng có lúc bạn chấp nhận chuyện tình cảm với một người nào đó, mọi người chung quanh đều thấy bạn đang hạnh phúc… nhưng sự thật bạn cũng chưa hài lòng với người ấy cho lắm. Rồi chuyện gì đến sẽ phải đến, rồi cũng phải chia tay vì những cái… không hài lòng ấy. Bạn quên một điều mà cổ nhân thường nói: “nhân bất thập toàn”, không có gì hoàn hảo tuyệt đối cả.

“Nước non còn đợi hội mây rồng,
Đường mới lần đi luống ngại-ngùng.
Đò cắm sào, đợi chờ khách cũ!
Cuộc đời như thể một cơn-giông.”


Bạn đang đợi một cơ hội để thỏa lòng mong ước bấy lâu. Ở đây nói lên chuyện tình cảm, có nghĩa bạn đang mong ngóng được đến ngày sẽ gặp mặt, trùng phùng với người bạn hằng mơ ước, ngày rồng gặp mây… Nhưng bạn vẫn lo lắng liệu cuộc sống sau này với người đó có êm ấm như mong muốn của bạn không? Liệu có như thế này, liệu sẽ như thế kia hay không?... Bao câu hỏi, bao sự lo lắng cho duyên phận mình cứ liên tục xuất hiện trong tâm trí bạn mà chưa thể có câu giải đáp khiến bạn cảm thấy bồn chồn lo lắng…

Rồi bổng nhiên bạn lại nhớ về những kỷ niệm với người bạn đã quen trước đây, sự nuối tiếc, phải chi… phải chi… Nhưng những câu “phải chi” đó đã không còn cơ hội để thực hiện, nó đã là quá khứ cho dù bạn có mong mỏi cũng hoài công… bởi khách đã qua sông rồi có mấy ai quay trở lại bao giờ.

Nỗi niềm hoài tưởng đó khiến bạn sẽ phải khổ sở, dằn vặt bạn trong cuộc sống về sau nếu không nhanh chóng cất nó vào nơi sâu kín trong tâm tư con tim của bạn, bởi “cuộc đời như thể một cơn giông, mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn…” cố gắng vượt qua bạn nhé! Cuộc đời còn đó nhiều sóng gió mà đời người không thể lường trước được hãy để dành sức lực, sự tỉnh táo để đón nhận và vượt qua.

Chúc bạn tìm được hạnh phúc như mong muốn và luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống!

19.11.2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com/

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Làm sao để có việc làm phù hợp sau khi ra trường?

LTS: Bài viết dưới đây là bài phỏng vấn và trả lời giữa một em sinh viên năm 3 ngành báo chí và tôi. Bài phỏng vấn dự định đăng trên Nội san Đại học quốc gia TP.HCM. Đã lâu lắm rồi, tôi không thấy "nhà báo" cho hay là có đăng bày này hay không?; hoặc cô ta đã biên tập lại như thế nào? Không thấy nên tôi cứ để lại nguyên văn bảng hỏi và bài trả lời.

BẢNG HỎI:
 
"Anh Nam ơi!
Em đang làm trang phỏng vấn ý kiến của Bản tin ĐHQG đó anh.
Số này sẽ là một bạn sinh viên năm 3 đặt câu hỏi: Làm sao để có việc làm phù hợp sau khi ra trường, và không bị thất nghiệp quá lâu?
Anh có thể chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm cụ thể của anh không ah? cỡ 150 chữ anh nhé?
Em mong anh trả lời sớm giúp em vì chuyện này anh kinh nghiệm đầy mình mà, anh gửi cho em một ảnh thật đẹp của anh nữa nhé!
Em cảm ơn anh nhiều nhiều!"


TRẢ LỜI:

Chào Ánh!

Câu hỏi của em là: “Làm sao để có việc làm phù hợp sau khi ra trường, và không bị thất nghiệp quá lâu?” .

Câu hỏi của em cũng đã bao gồm ý trả lời luôn rồi đó em! Muốn có việc làm phù hợp thì mình phải có định hướng từ trước: ra trường mình sẽ làm gì?; thực tế của công việc khi ra trường đòi hỏi những gì?. Trả lời được hai câu hỏi đó là mình đã định hướng được tương lai của mình sau khi ra trường. Do đó mình cần tìm hiểu/nói chuyện trước với những người đang hoạt động trong lĩnh vực/ngành nghề mà sau này mình sẽ theo.

Còn theo kinh nghiệm cá nhân của anh và của một số anh/chị đi trước thì để biết được có thất nghiệp lâu hay không sau khi ra trường thì các bạn nên lưu ý một số điểm sau:

A. Khách quan: (đa phần chúng ta không quyết định được)

1. Đặc thù ngành em đang học: Có một số ngành rất dễ kiếm được việc làm do đó khi sinh viên ra trường sẽ không mất quá nhiều thời gian để xin việc. Một số ngành khó tìm được việc làm thì các bạn phải mất nhiều thời gian hơn để xin được một công việc vừa ý của mình.

B. Chủ quan: (thứ tự ưu tiên từ 1 – 4)

1. Kiến thức chuyên ngành: Anh nghĩ kiến thức trong trường rất quan trọng cho chúng ta khi đi làm vì đó là kiến thức nền tảng. Đa số những nhà tuyển dụng không đánh giá cao những con “mọt sách”, nhưng họ luôn luôn đánh giá cao những sinh viên có học lực khá giỏi và làm được việc. Nếu bạn tự tin là kiến thức trong trường của bạn không giỏi nhưng kiến thức công việc đòi hỏi trong thực tế bạn nắm vững thì đó cũng là một lợi thế khi đi xin việc.

2. Ngoại ngữ và tin học: Việc có được một ngoại ngữ khi đi xin việc là một lợi thế, đặc biệt là tiếng Anh. Nếu không có tiếng Anh mà em giỏi bất kì một ngoại ngữ nào khác thì cơ hội việc làm của em sẽ cao hơn những bạn không có một ngoại ngữ nào. Về Ngoại ngữ thì mình cũng không nên nói suông là, “Em giỏi ngoại ngữ này, em khá ngoại ngữ nọ,” mà nên có chứng chỉ để chứng minh. Ví dụ như Anh Văn thì mình cần những chứng chỉ được quốc tế công nhận như: TOEIC, IELTS, TOELF. Điểm của những chứng chỉ này không cần cao, bao nhiêu cũng được, có là tốt, không có thì em phải thể hiện bằng những hình thức khác: viết bài luận, đơn xin việc, CV hoặc chấp nhận phỏng vấn bằng tiếng Anh chẳng hạn. Tin học thì người ta không đòi hỏi nhiều lắm, chủ yếu là tin học văn phòng: word, excel là đủ.

3. Tinh thần ham học hỏi và cầu tiến: Mình mới ra trường thì kinh nghiệm thực tế chưa có nhiều do đó cần phải thể hiện mình là một người ham học hỏi và cầu tiến thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao mình. Ví dụ như trong giai đoạn thử việc, nếu có hai người làm tốt công việc gần như nhau, nhưng do yêu cầu công việc cần phải loại bỏ một người, người ta sẽ chọn người có tinh thần ham học hỏi và cầu tiến chứ không chọn người nhỉn hơn. Người có tinh thần ham học hỏi và cầu tiến thì khi đi đường dài sẽ luôn tiến xa hơn.

4. Kinh nghiệm thực tế: Không cần phải có nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng ít nhất mình cũng đã từng tham gia một số công việc có liên quan đến việc làm mà mình định hướng. Đó có thể là những việc làm thêm, những công việc bán thời gian… làm ít, làm nhiều không quan trọng nhưng anh nghĩ là nên có. Ví dụ như học Luật thì em nên có một số bài báo nghiên cứu khoa học về Luật hoặc tham gia một số vụ việc liên quan đến Luật Pháp; học Báo Chí thì nên có một số bài nhỏ đăng báo hoặc một số clip ngắn do em tự làm, hay hay không không quan trọng miễn sao mình có làm là được; học xây dựng thì các bạn nên đi làm những công trình nhỏ trước, các công trình này chỉ mất mấy tháng để làm nhưng cũng đủ để khẳng định là bạn đã có kinh nghiệm từ trước.

Anh có lời khuyên như thế này: Tìm được việc làm sớm hay muộn không quan trọng, quan trọng là các bạn phải chuẩn bị thật kỹ trước khi bước ra thực tế công việc. Việc có kiến thức chuyên ngành vững, ngoại ngữ tốt là đủ để đảm bảo cho bạn một công việc tốt sau khi ra trường. Mới ra trường mà chưa xin được việc, đặc biệt là giai đoạn khoảng sáu tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp, các bạn cũng không nên quá lo lắng, nếu không xin được việc làm lớn thì xin làm việc nhỏ, rồi từ từ, từng bước một chứng minh năng lực của mình!

PS: Bài viết này anh viết theo dạng chia sẻ kinh nghiệm. 150 chữ thì ngắn quá! Em cứ biên tập lại theo ý hiểu của em!

Chúc em thật sức khỏe và học thật giỏi!

16.11.2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Tai nạn trước mặt người Tây

Người phụ nữ đang chạy xe trên đường
Ầm...
Chị ngã xuống trước mặt người Tây
Đâu đó có người la lên
"Chết người rồi!"
Ánh mắt người Tây vẫn thản nhiên
Nếu biết nói
"Ô, lũ chúng mày... (Oh, you...)"
Một tiếng nấc làm nghẹn nơi cổ họng
...
Nỗi đau theo tôi cả một con đường dài

14.11.2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Phim về những người sáng lập Facebook


YOU DON'T GET TO 500 MILLION FRIENDS WITHOUT MAKING A FEW ENEMIES.

Câu tuyên bố trên hơi tàn nhẫn, vì những kẻ thù của Mark Zuckerberg - người đồng sáng lập Facebook - lại chính là những người đã chung vai sát cánh với anh ta vào những giai đoạn đầu khi nhen nhóm ý tưởng và cho ra đời mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay: FACEBOOK. Thực tế có đôi khi rất tàn nhẫn đằng sau ánh hào quang mà cả thế giới đã đặt lên vai của Mark, biến anh thành một trong những anh hùng của nhân loại, người đã có công thai đổi toàn bộ cách trao đổi thông tin, giao tiếp trên thế giới của chúng ta ngày hôm nay.

Nhân đọc một bài báo đăng trên Harvard Gazette đưa tin CEO của Facebook Mark Zuckerberg chính thức quay trở lại Harvard lần đầu tiên nhằm phục vụ cho một chính sách nhân sự (xem tại đây), tôi đã nãy ra ý tưởng nên xem một bộ phim tôi đã biết từ lâu làm về một trong những CEO tài năng nhất thế giới ngày nay. Phần vì tò mò, tôi đã đọc tiểu sử của Mark trên mạng nhiều lần, đã đọc nhiều bài báo về con người này và cũng thầm khâm phục ý chí của anh. Nhưng có lẽ, sau khi xem xong bộ phim được làm riêng cho anh, THE SOCIAL NETWORK, quan điểm và tình cảm của tôi dành cho anh thay đổi ít nhiều. 

Có lẽ, để trở thành một con người như hiện tại, một con người mà được cả hiệu trưởng trường Harvard kính trọng (xem trong bài báo), Mark phải đánh đổi rất nhiều, đó là tình bạn bè, bằng hữu của những người đã cùng anh đi trong những giai đoạn đầu khó khăn. Quan trọng hơn nữa là lòng tự trọng của chính con người này. Nhưng tôi nghĩ đó chính là sự khắc nghiệt của môi trường cạnh tranh trong kinh doanh, nơi không có chỗ cho những tình cảm bạn bè. Nếu có thời gian, xin mời bạn xem phim online tại đây!

9.11.2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Sách: Ý chí sắt đá (+PRC)


Đường dẫn download sách Ý Chí Sắt Đá (file PRC) tại đây: http://www.mediafire.com/file/bpsz71wp10h6f04/Y%20chi%20sat%20da%20-%20Nguyen%20Hien%20Le.prc

Ý Chí Sắt Đá là một quyển sách hay dành cho những người đam mê tìm hiểu những tấm gương kiên trì theo đuổi lý tưởng, mục tiêu sống trong cuộc đời mình. Thông qua quyển sách dài khoảng 400 trang, học giả Nguyễn Hiến Lê đã chịu khó sưu tập những tấm gương có ý chí kinh thiên động địa từ cổ chí kim cho đến những nhân vật trong thời cận hiện đại của chúng ta:  

1. Trần Huyền Trang với chuyến đi nghìn dặm thỉnh kinh từ thời cổ Trung Hoa. Hậu thế lấy cảm hứng từ chuyến đi của ông để viết nên tác phẩm Tây Du Ký;
2. Marco Polo: Một nhà mạo hiểm người Ý, làm quan đại thần ở Trung Hoa, sau trở về Ý viết một tác phẩm về phương Đông huyền bí và giàu có để 500 năm sau xuất bản;  
3. Magenllan: Nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha, nhân loại cho là người đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng tàu biển;  
4. Thomas Edward Lawrence: Vị vua không ngôi của Ả Rập, người suốt đời sống và chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước Ả Rập, nơi ông Lawrence xem như là quê hương thứ hai của mình. Cuối đời, ông chết vì cảm thấy hổ thẹn do đã không giữ lời hứa đem lại độc lập, tự do thật sự cho nhân dân Ả Rập;
5. Ông bà La Fayette: Ông suốt đời chiến đấu cho độc lập, tự do của Hoa Kỳ, thuở nước này còn chiến đấu dưới sự lãnh đạo của tổng thống Washington. Sau này, ông chiến đấu cho tự do của nhân Pháp, mong đem lại cho nhân dân Pháp sự tự do và hạnh phúc như ông hằng mong ước. Còn bà là một tấm gương sáng của phụ nữ trong thời hiện đại, suốt đời bà chung thủy, bao dung và kiên định ủng hộ chồng.

Kiên trì để đạt được những mục tiêu trong đời mình, các danh nhân trong tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê đã phải chịu rất nhiều cai đắng trên hành trình cuộc đời. Không có con đường nào bằng phẳng để trở thành một danh nhân. Độc giả sẽ có cơ hội cùng suy ngẫm và tìm hiểu hành trình cuộc đời của những vĩ nhân đã phần nào làm thay đổi tư tưởng, tầm nhìn nhân loại trong và sau giai đoạn họ đang sống. Chỉ với một quyển sách trên tay, bạn có cơ hội để tìm hiểu về tiểu sử của năm danh nhân mà Nguyễn Hiến Lê đã phải gọi là "Ý chí sắt đá", tôi e quyển sách còn quả mỏng!

08.11.2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Sách: Tự học - Một nhu cầu của thời đại (+PRC)

Đường dẫn download sách Tự học - Một nhu cầu của thời đại tại đây: 

Quyển sách Tự học - Một nhu cầu của thời đại được học giả Nguyễn Hiến Lê viết từ năm 1954. Đã gần 60 năm qua rồi, những phương pháp ông trình bài trong sách về những cách tự học vẫn còn hết sức mới mẻ. Có lẽ, khi viết quyển sách này Nguyễn Hiến Lê cũng không ngờ được rằng, 60 năm sau khi thời thế đã đổi thay nhiều, thế hệ bây giờ đang chứng kiến sự bùng nổ thông tin bằng kỷ nguyên công nghệ cao Internet. Thời buổi này có rất nhiều sách, báo, tạp chí, tiểu thuyết diễm tình... có thể nói là nhiều hơn gấp một nghìn lần thậm chí 100 nghìn lần thời Nguyễn Hiến Lê viết quyển sách, nhưng tư tưởng tự học và "tự học, tự học nữa, tự học mãi" để vươn lên thành một con người hoàn thiện của ông vẫn tươi mới.

Thời của Nguyễn Hiến Lê để lựa chọn những quyển sách nào đáng đọc trong biển kiến thức vô cùng mênh mông đã là khó, đến thời đại của chúng ta lại càng khó khăn nhiều hơn. Do đó nếu bạn quan tâm đến việc đọc sách và quan tâm đến làm thế nào để tự học: từ việc tạo động lực học; phương pháp để có thể bắt đầu một công việc vô cùng khó khăn là tự học như thế nào?; cho đến cách đọc các loại sách, báo, tạp chí, tiểu thuyết, văn, thơ... cho đến cả việc học một ngoại ngữ sẽ được Nguyễn Hiến Lê trình bày đầy đủ, ngắn gọn trong sách bằng một thứ văn phong của một học giả bác học nhưng bình dân.

Nếu bạn là một người ham mê việc đọc, ham mê và muốn tìm hiểu về những kỹ năng tự học, đồng thời đang tìm hướng để học một ngoại ngữ nào đó (trong sách này Nguyễn Hiến Lê bài cách học tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc)... thì đây đúng là quyển sách mà bạn nên đọc. Một số chương trong sách có vẻ ngày nay sẽ không còn hữu dụng đối với đa số bạn đọc như Học cách đọc chữ Hán thì bạn đọc cũng có thể bỏ qua mà không phải lo sợ về khả năng lĩnh ngộ cuốn sách.

Xin kết thúc bài giới thiệu về quyển sách này bằng lời mà Nguyễn Hiến Lê đã tự viết trong sách khi khuyến khích các em học sinh về sự tự học: “Qua đã cho các em một kho vàng mà nhiều kẻ quyền quí ở thời này có thể thèm muốn, một kho vàng mà không một nghịch cảnh nào có thể cướp của các em được, một kho vàng mà mỗi ngày tăng về giá trị và giữ chắc cho các em nhân phẩm cùng hành phúc trong suốt đời các em”.

05.11.2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Bùi Văn Nam Sơn

(Nguồn: Chungta.com dẫn lại từ Thanh niên Tuần san)


Nhà nghiên cứu triết học, dịch giả.

BÙI VĂN NAM SƠN: KẺ LỮ HÀNH THEO CHÂN CÁC TRIẾT GIA

Khi cuốn sách triết học Hiện tượng học tinh thần của Hegel, với bản dịch Việt ngữ (và chú giải) của Bùi Văn Nam Sơn ra mắt tại Việt Nam, thì khắp các trang điểm sách đều trang trọng loan tin, gọi đó là “sự kiện lớn” trong đời sống khoa học xã hội của nước nhà. Riêng giáo sư triết học Nguyễn Hữu Liêm đã gọi đây là “Một biến cố văn học lớn của Việt Nam”.

Biến cố này còn được tạo thành một vệt với bộ ba quyển phê phán nổi tiếng của nhà khai minh vĩ đại người Đức I.Kant: “Phê phán lý tính thuần túy”, “Phê phán lý tính thực hành”, “Phê phán năng lực phán đoán” (4 cuốn nói trên được xuất bản từ 2004 - 2007), “Khoa học logích của Hegel” - đang in.

Nhà thơ quái kiệt Bùi Giáng thuộc vai chú của nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn. Sinh thời, Bùi Giáng rất kính nể người cháu này, một trí thức định cư ở Đức từ năm 1968. Bùi Văn Nam Sơn đã làm gì, là người như thế nào mà đạt được sự kính nể đó của lão thi Bùi Giáng?

Tạo ra triết học Hegel, Kant bằng tiếng Việt

Tầm quan trọng của bản dịch Việt ngữ những tác phẩm then chốt nhất của hai nhà triết học kinh điển thế giới Hegel và I.Kant là nó cung cấp những bộ mã chìa để mở ra cánh cửa tri thức của nhân loại. Và chỉ khi anh tiếp thu, hòa được vào dòng chảy tri thức đó, thì anh mới có thể tạo ra và rao truyền những giá trị của mình.

Để có các bản dịch chính xác, ông đã đối chiếu nhiều bản dịch tiếng Anh, Pháp, Trung, và có công chú giải tác phẩm một cách nghiêm túc, cẩn trọng, bác học. Công lao của ông là “tạo ra triết học Hegel, Kant bằng tiếng Việt” (GS triết học Nguyễn Hữu Liêm), vì Việt ngữ chưa có một cộng đồng ý nghĩa và ngôn từ cho người học triết. Ông, một học giả với khả năng ngôn ngữ, được đào tạo về triết học khoa bảng, đã trở thành người Việt đầu tiên làm được công việc này. Bởi những lý do đó, bản dịch Phê phán lý tính thuần túy (dày 1.300 trang) đã được Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh và Đại học Quốc gia Hà Nội trao tặng giải thưởng Tinh hoa giáo dục quốc tế.

Xuất thân là người học triết (ông học triết học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn từ 1964 - 1968, sang Đức du học từ năm 1968), sau đấy là người dạy triết (ông định cư và giảng dạy triết tại Đức) và khi đã dứt nợ mưu sinh, ông trở thành người đưa tri thức (triết học) thế giới vào Việt Nam một cách có hệ thống.

Công việc này ông đã tiến hành độ 10 năm nay. Lý giải về động cơ của mình, ông nói: “Đối với nước ta, công cuộc tu thư ngày càng bức thiết để nhanh chóng lấp khoảng trống về học thuật, bù lại những quãng thời gian và cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhằm tiếp cận một cách toàn diện hơn, chính xác hơn các trào lưu tư tưởng và thành tựu khoa học trên thế giới. Việc dịch sách kinh điển là con đường ngắn nhất trong việc tiếp phát văn hóa”.

Nhìn xa, thấy rộng, tự trọng và dấn thân

Tìm gặp Bùi Văn Nam Sơn tại nhà, một căn biệt thự yên tĩnh ở cuối quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ở tuổi 61, trông ông nhanh nhẹn, hồn hậu và ân cần trong lời nói, cử chỉ; sôi nổi và nhiệt huyết khi nói về học thuật. Lời lẽ ông sáng rõ, giản dị, mạch lạc, súc tích, cố gắng diễn đạt những vấn đề triết học một cách ít trừu tượng nhất - một thứ ngôn ngữ đã được chưng cất qua chiều sâu trí tuệ của ông. Ông có một khuôn mặt ấn tượng với trán cao, rộng, mắt sâu, tinh nhạy và chiếc mũi lớn, khuôn miệng rộng, hay cười. Ông không tạo ra bất cứ sự rụt rè và mặc cảm nào cho người đối thoại, dù sự chênh lệch về hiểu biết trong đề tài được đề cập giữa hai người là khủng khiếp. Ông luôn biết cách cho một câu trả lời có giá trị ở tầm khái quát lớn ngay cả với một câu hỏi tầm thường.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông luôn gợi cho tôi hình ảnh của một thanh gươm mà ở đó, vẻ bề ngoài ôn hòa nồng hậu của ông là cái vỏ kiếm hiền dịu đã bao bọc, che chở cho một thanh gươm sáng quắc và lấp lánh là trí tuệ sắc bén của ông.

Ông nói nhiều về nỗi trăn trở, tự vấn của mình về sự suy nhược của nền khoa học xã hội - nhân văn nước nhà. Ông sốt ruột, mất ăn mất ngủ (theo cả nghĩa đen, mỗi ngày ông đều chong đèn làm việc đến khuya, làm việc liên tục, suốt ngày, suốt tháng, suốt năm, “như có cọp rượt sau lưng”) khi nhìn vào thư viện quốc gia, thấy vốn liếng sách vở của ta không bằng một thư viện trường đại học của người. Trong cơn bùng nổ của lý thuyết trên thế giới, ông hoảng hốt thấy sự thờ ơ và lãnh đạm của chúng ta.

“Phải biết giật mình, mất ăn mất ngủ khi so với các nước gần gũi như Hàn Quốc. Những năm 70 của thế kỷ trước, triết học họ kém hơn ta, họ tiếp xúc với triết học phương Tây muộn hơn ta. Giờ sau 40 năm nhìn vào thư viện của họ, toàn tập những tác phẩm lớn của những tác giả lớn về KHXH đã dịch ra tiếng Hàn. Hàn Quốc phát triển kinh khủng về học thuật, văn hóa, kinh tế. Trong 40 năm hòa bình, ta loay hoay làm đủ thứ chuyện thì họ làm việc đó. Ta tụt hậu kinh khủng, kể cả trong văn hóa tư tưởng - cái không tốn kém nhiều - lại tự hào vỗ ngực ta là “văn hiến chi bang” mà sách vở trống lổng. Không biết bao giờ mới tỉnh thức về việc này!? Người trí thức phải giật mình, tự vấn lương tâm: Ai là người chịu trách nhiệm đây? Làm nhanh đi trước khi quá muộn”.

Ông nói những lời tha thiết như vậy, và làm những việc thiết thực, khẩn trương. Ông tự quàng cho mình cái trách nhiệm của một người trí thức, theo quan niệm của ông: nhìn xa, thấy rộng, tự trọng và dấn thân. Ông cũng mong mỏi phải làm sao tạo điều kiện cho tầng lớp trí thức có căn bản học thức và phẩm hạnh đường hoàng.

Những đoạn trích dẫn lời ông ở trên và đoạn phỏng vấn thực hiện dưới đây, chỉ là 1/10 những gì ông đã nói với tất cả lòng nhiệt tâm và ưu phiền (Nguyễn Trãi: “Cổ kim thức tự đa ưu hoạn” – xưa nay kẻ biết chữ thường lắm lo phiền) mà ông đã bộc lộ trong cuộc phỏng vấn dài 3 tiếng trong một buổi chiều Sài Gòn liên tục chuyển mưa.

Đừng tự kỷ ta không có truyền thống triết học

Vì sao trong khi nói và viết, ông rất thường trích dẫn cụ Phan Châu Trinh, ngay như câu vừa rồi ông dẫn của cụ “Yêu nước thì tốt, nhưng biết đạo yêu nước còn tốt hơn”?

Tôi thường trích dẫn cụ vì Phan Châu Trinh lớn lắm, là nhân vật bản lề giữa xã hội cũ và mới, tượng trưng cho sự tỉnh thức của một dân tộc biết giật mình trước sự lạc hậu và thấy rõ sự quan trọng hàng đầu của văn hóa. Vì cụ biết có nó là có tất cả, gỡ được nó là gỡ được tất cả, mặc dù những chỗ khác có bức thiết hơn (trong khi thiên hạ thói thường “nóng đâu xoa đó”). Luận về người không luận về thành bại, mà luận về tầm nhìn, là cách đặt vấn đề của họ. Đặt vấn đề quan trọng hơn giải pháp, để không vay mượn tư tưởng, nô lệ tư tưởng của người khác. Độc lập văn hóa còn quan trọng hơn độc lập chính trị. Độc lập văn hóa là thấy được tầm quan trọng của văn hóa, giữ gìn, bồi đắp được nó, chứ không cho là văn hóa mình số 1!

Việt Nam là một nước có hay không có truyền thống suy tưởng triết học?

Bản thân người Việt có truyền thống suy tưởng hay không là vấn đề lớn nhưng có hai ý. Một, tố chất bẩm sinh: Người Việt có thể tiếp thu, nắm vững khoa học hiện đại, bằng chứng là ngôn ngữ tiếng Việt phát triển, không nghèo nàn. Bao lâu có một ngôn ngữ dân tộc phát triển và cập nhật thì dân tộc đó đủ năng lực tiếp thu và tư duy trước mọi vấn đề khoa học, không nên bi quan chỗ này. Tôi không tin người Nhật thì có óc triết học hơn người Việt.

Hai, thói quen: Lâu nay mình vẫn tiếp thu được những tư tưởng uyên thâm của Nho, Khổng (nhưng nay lạc hậu, xơ cứng. Mình vừa lòng với việc tiếp thu bề ngoài, không hiểu nguyên lý, phổ biến theo kiểu bí truyền, thầy dạy cho trò). Còn về việc không có những nhà đại khoa học, thì mình cũng chỉ là một trong hàng trăm nước như vậy, số nước có nhà đại khoa học chỉ đếm trên đầu ngón tay, không nên mặc cảm về chuyện này.

Không phải ta không có truyền thống. Truyền thống là do mình tạo ra. Do thói quen của một đất nước có nền giáo dục - khoa học lạc hậu, coi thường khoa học nhân văn không thiết thực, không làm ra của cải (mà không hiểu nó là nền tảng để làm ra của cải), chứ đừng tự kỷ ta không có truyền thống.

Từ việc xem nhẹ, coi thường khoa học xã hội lại ngộ nhận về tố chất, truyền thống của mình là cái nhìn vô cùng thiển cận.

Ông nhắc đi nhắc lại đừng công cụ hóa triết học một cách vội vã và dại dột. Vậy thì nhiệm vụ của triết học là gì?

Triết học, nhiệm vụ của nó là làm việc cho sự tự do của con người. Tự do nghĩa là mình làm chủ được - làm cho cái gì từng xa lạ trở nên quen thuộc với mình. Tự do là chính mình trong cái khác với mình. Muốn biến thế giới này thành một thế giới nhân đạo, quê hương để con người cư ngụ được, anh phải đủ năng lực tư duy để nắm bắt được nó. Mà anh suy nghĩ về thế giới là suy nghĩ bằng những phạm trù. Phạm trù anh vươn lên tới đâu, tự do của anh vươn lên tới đó. Nhưng, phải biết rằng không có tự do học thuật thì không có tự do tư duy.

Sự suy nhược (theo ông nhận định) của khoa học xã hội và nhân văn hiện nay tại Việt Nam nói lên điều gì và dẫn đến hậu quả gì?

Nói đến “khoa học” là nói đến tính khách quan, tính chính xác, tính chất khảo cứu, tính độc lập của tư tưởng, tính sáng tạo và mới mẻ trong quan niệm. Các tính chất ấy hiện ta đều thiếu cả. Đó là do sự “bao cấp về tư tưởng” trong nhiều năm, dẫn đến sự xem nhẹ vai trò của KHXH & NV, thậm chí ngộ nhận về chức năng của nó khi biến nó thành công cụ nhất thời và thiển cận. Và khi “công cụ” này tỏ ra không mấy hiệu quả, càng dễ xem nó là vô ích và nguy hiểm. Trong khi đó, kinh nghiệm lịch sử ở các nước cho thấy: nền KHXH & NV phát triển thường mở đường cho việc thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của toàn xã hội, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước. Nó không chỉ là môi trường tạo ra những nhà văn hóa, nhà tư tưởng mà còn dọn miếng đất phì nhiêu, thuận lợi cho việc phát triển các ngành khoa học, công nghệ một cách lành mạnh, và nói chung, cho một nền văn hóa và kinh tế bền vững, nhân đạo.

Tham vọng triết học của Bùi Văn Nam Sơn

Với tốc độ vận động như hiện nay, phải mất bao nhiêu năm để VN có một kho tàng kinh điển thế giới hoàn chỉnh? Và phải ưu tiên “nhập khẩu” những gì trong tình hình hiện nay?

“Hoàn chỉnh” thì khó nói, nhưng theo tôi, để có chút “vốn liếng” căn bản, có lẽ cần ít nhất vài mươi năm, nếu làm việc cật lực và bền bỉ. Ngoài việc phải nhanh chóng tiếp thu những thông tin mới mẻ về nhiều lĩnh vực thiết thân cho nhu cầu trước mắt, cần ưu tiên cho việc học tập và nghiên cứu cơ bản để có sức mà đi xa.

Công việc hiện nay của ông là góp phần đưa tri thức thế giới vào Việt Nam một cách có hệ thống. Ông nhìn thấy viễn cảnh nào cho công việc nhọc nhằn và riêng lẻ, cô đơn này?

Công việc đang đỡ “nhọc nhằn và cô đơn” vì ngày càng có nhiều bạn đồng hành. “Viễn cảnh” sẽ tốt đẹp khi nhiều người cùng thấy sốt ruột và tự giác làm việc.

Giấc mơ của Plato (nhà triết học cổ đại người Hy Lạp): Vua phải là triết gia và triết gia... phải làm vua. Cơ sở nào để Plato có giấc mơ này?

Vì Plato cho rằng triết gia là người nắm được chân lý! Và cũng vì ông đồng nhất hóa Chân-Thiện-Mỹ, nên triết gia không... làm vua, thì ai xứng đáng để làm? Trong lịch sử, không phải không có trường hợp vua được xem vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là giáo chủ, vừa là... con người đẹp nhất! Chỉ đến thời hiện đại, khi nhận ra rằng Chân (khoa học), Thiện (đạo đức) và Mỹ (sở thích, nghệ thuật) tuy gắn bó chặt chẽ và thúc đẩy lẫn nhau nhưng không phải là một; mỗi cái có phạm vi và quy luật riêng, không quy giản vào nhau được thì giấc mơ kia mới tỉnh mộng. Công đầu trong nhận thức ấy chính là nhà khai minh vĩ đại: I. Kant.

Vậy thì vua có cần biết triết học không?

Triết học sẽ giúp có “chính trị sáng suốt”, “chính trị lành mạnh”.

Thế còn giấc mơ của ông là gì?

Là ai lo việc nấy! Triết gia không phải... làm vua, còn vua thì không can thiệp vào các lĩnh vực chân, thiện, mỹ, ngoài thẩm quyền của mình.

Ông có tham vọng triết học nào không?

Vâng, có. Xin xem lại câu trả lời trên.

Nét chính trong tính cách của ông?

Cụ Khổng khuyên người học nên có hai tính cách: “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không biết chán, dạy người chẳng mỏi). Tôi xin phấn đấu theo lời cụ ở nửa câu trước. Tôi mong mỏi là suốt đời được làm một anh học trò già.

Triết học làm ta mất ngủ. Triết gia là những con người thao thức. Vậy nhà triết học thì thế nào?

Còn có thể làm gì ngoài việc tự nguyện thành kẻ lữ hành theo chân các triết gia? 

04.11.2011
Hồ Quốc Nam
(Khai sinh cho một chủ đề mới trên blog có tên "TRIẾT HỌC")

“Lục Lạc Vàng” có thêm bài hát mới

LTS: Bài viết được đăng trên báo Dân Trí tại đây. Bạn muốn xem bài cũ chưa được biên tập mời bấm vào đây.

(Dân Trí) Kể từ ngày 10/11/2011, bên cạnh bài hát “Tấm lòng Việt Nam” của nhạc sĩ Trần Tiến, chương trình "Lục Lạc Vàng - kết nối những miền quê" sẽ có thêm bài hát “Rung lên Lục Lạc Vàng” do nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác.

Chính thức kể từ ngày 10/11, bên cạnh bài hát Tấm lòng Việt Nam của nhạc sĩ Trần Tiến, chương trình Lục Lạc Vàng sẽ có thêm bài hát Rung lên Lục Lạc Vàng do nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác. Rung lên Lục Lạc Vàng sẽ là bài hát chủ đề trong phần Lễ trao tặng của chương trình.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác và thể hiện bài hát “Rung lên Lục Lạc Vàng”

Lục Lạc Vàng - Kết nối những miền quê là chương trình từ thiện, nhân đạo xã hội, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng nông thôn Việt Nam. Ở mỗi tỉnh Lục Lạc Vàng đi qua, chương trình phối hợp cùng với chính quyền địa phương lựa chọn hai huyện, mỗi huyện chọn ra hai xã, mỗi xã có sáu hộ dân được nhận 12 con bò của chương trình. Sau hơn bốn tháng phát sóng, Lục Lạc Vàng đã chính thức trao tặng hơn 200 con bò cho hơn 100 hộ nông dân trên khắp cả nước.

Đồng cảm với nghĩa cử cao đẹp và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho biết: “Tôi xem chương trình Lục Lạc Vàng phát sóng vào lúc 20 giờ 30 chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV1 và tôi đã rất xúc động về nghĩa cử của chương trình. Tôi nghĩ trong phạm vi hạn hẹp của một người nhạc sĩ, tôi có thể viết một ca khúc để thể hiện sự đồng cảm của mình đối với chương trình. Bài hát có tên là Rung lên Lục Lạc Vàng, tôi mong muốn mỗi khi tiếng Lục Lạc Vàng rung lên ở miền quê nào thì ở đó có những bà con đang gặp khó khăn sẽ được một đôi bò để nuôi. Tôi nghĩ đó cũng là lòng mong ước chung của tất cả các bạn khán giả”.

Chương trình truyền hình nhân đạo này đã giúp được nhiều gia đình vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn

“Khi nghe bài hát Rung Lên Lục Lạc Vàng lần đầu tiên, tôi đã xúc động và rơi nước mắt. Đó là tấm lòng của một nhạc sĩ đối với chương trình. Bài hát thể hiện sự đồng cảm của người nhạc sĩ, sự giao thoa giữa âm nhạc và thực tế cuộc sống của những người nông dân nghèo. Tôi đã trao đổi với những người thực hiện chương trình và quyết định đem bài hát Rung Lên Lục Lạc Vàng vào Lễ trao tặng của chương trình. Bài hát đã làm rung động con tim và đón nhận tình cảm rất nồng nhiệt của tất cả các bạn khán giả”, đạo diễn – NSND Việt Cường, tổng đạo diễn chương trình Lục Lạc Vàng nhận xét về bài hát.


Một số hình ảnh trong Lễ trao tặng của chương trình "Lục Lạc Vàng - kết nối những miền quê"

Sau hơn bốn tháng phát sóng, chương trình Lục Lạc Vàng đã tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng, GS. Trần Văn Khê sau khi xem xong chương trình đã chia sẻ: “Tôi rất khâm phục những người đã nghĩ và thực hiện chương trình Lục Lạc Vàng. Lục Lạc là cái thường thấy trên cổ của con trâu, con bò vốn gắn liền với người nông dân, Vàng ở đây chính là những tấm lòng Vàng của nhà tài trợ, nhà hảo tâm mang tới. Chương trình thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” của ông cha ta vì người nông dân chính là người đã tạo ra hạt cơm, hạt gạo chúng ta vẫn ăn hàng ngày.”

Tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội, Trung Ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần truyền thông Lasta - đơn vị nhận trách nhiệm sản xuất chương trình Lục Lạc Vàng, đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng chương trình Lục Lạc Vàng – Kết nối những miền quê.

Hồ Nam
04.11.2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Đọc hay không đọc: ấy mới là vấn đề

LTS: Bài viết dưới đây của nhà văn Lý Lan. Tôi đã xin ý kiến của chị để được quyền đem về đăng trên blog của mình. Nếu các bạn muốn xem blog của Lý Lan, xin mời bấm vào đây. Nếu các bạn muốn đọc bài này tại blog của Lý Lan, xin mời bấm vào đây. Xin trân trọng cám ơn nhà văn Lý Lan.

Tựa bài này hiển nhiên nhái theo câu văn trích trong vỡ kịch Hamlet của Shakespeare: “To be or not to be, that is the question.” Động từ to be của tiếng Anh giống như chữ “Đạo” của Lão Tử, giải nghĩa thì không còn nghĩa nữa. Chẳng hạn nói “to be rich” có thể dịch “để giàu”, nói “to be alone” có thể hiểu “một mình”, còn “to be myself” có nghĩa “là chính tôi”. Nguyên câu trích trên nếu dịch “là hay không là, đó là câu hỏi” nghe nôm na cạn nghĩa, giống như câu do máy dịch tự động của Google: “được hay không được, đó là câu hỏi”. Có người dịch “tồn tại hay không tồn tại, đó mới là vấn đề”, nghe có vẻ cao siêu, bác học. Càng cao siêu hơn khi người ta thay vế trước với những từ “hiện hữu hay không hiện hữu”, “hữu hay vô”, “hiện sinh hay phi hiện sinh”, “đạo hay bất đạo”,… Trải mấy trăm năm, câu tiếng Anh được trích nhiều nhất thế giới ấy, cũng bị nhái nhiều vô kể. “Yêu hay không yêu, đó mới là câu hỏi.” “Sống hay chết, đó mới là vấn đề.” Đại khái vậy. Khi người ta phân vân lưỡng lự như Hamlet.

Đọc hay không đọc? Đó không phải là câu hỏi khi tôi còn trẻ. Trong ngôn ngữ của cha tôi, đọc sách đồng nghĩa với học, là hành động hay ho nhứt của con người, đặc biệt cần thiết nếu muốn làm người tử tế tốt đẹp, vì “kẻ sĩ ba ngày không đọc sách, soi gương mặt mũi khó coi.” Vì vậy mỗi lần thấy tôi cầm sách nhìn vào thì cha tôi để tôi yên, dù ông định rầy rà hay muốn sai biểu tôi làm gì đó. Tôi biết tận dụng điều đó, lúc nào cũng kè kè cuốn sách để trốn việc, đôi khi trốn cả thực tế. Từ tuổi nhỏ tôi thấy cái lợi trước mắt của việc đọc sách, rồi đinh ninh đến lớn là đọc sách có lợi, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, không học được điều hay thì cũng trốn được việc nặng. Công bằng mà nói, giả bộ đọc riết rồi cũng đọc hiểu được chút đỉnh, gặp sách hay đọc cũng thích thú, đọc say sưa rồi thành thói quen đọc thực.

Nhớ ông Sơn Nam. Khi gặp ông lần đầu tôi còn là một sinh viên, đầy lòng ngưỡng mộ các bậc văn nhân lão thành, và rất hăm hở bộc lộ mình như một tài năng trẻ có triển vọng. Nên khi trò chuyện với ông tôi nói mình đã đọc sách này báo nọ, và mong ông có lời khuyên về việc đọc. Ông bảo “Bây giờ không nên đọc gì nữa, để giữ vệ sinh tinh thần.” Tôi đã phân vân lúc đó và ngẫm đi nghĩ lại câu hỏi ấy nhiều năm, đọc hay không đọc. Khi quen biết ông Sơn Nam nhiều hơn, tôi khẳng định điều mình nghi ngờ: Ông nói vậy, nhưng ông đọc rất nhiều. Cho đến tận lúc trên tám mươi tuổi, nằm liệt trên giường bệnh, ông vẫn đọc mỗi ngày, có thể như một thói quen, hay một nhu cầu. Chẳng lẽ ông là người già mà xúi dại người trẻ? Hay ông biết tỏng mấy đứa trẻ trẻ và hãnh tiến có xu hướng làm ngược lại hay làm quá đi lời khuyên của người già, nên “nói vậy mà không phải vậy”?

Nhưng đến giờ thì tôi ngẫm ra: ông nói vậy và ngụ ý đúng như vậy. Có những thời mà thông tin bị nhiễu đến nỗi, đối với những người chưa nhiều kinh nghiệm đọc, chưa đủ bản lĩnh phê phán gạn lọc, đọc ít tốt hơn đọc nhiều, đừng đọc còn tốt hơn đọc. Và “kỷ nguyên thông tin” chúng ta đang sống là một thời như vậy. Thì còn phân vân lưỡng lự gì nữa? Đừng đọc quách cho lành. Những gã sáng say chiều xỉn tối đánh bạc nhan nhản từ nông thôn đến thành thị đã bắt con bỏ học đi bán vé số chẳng hóa ra là những người sáng suốt thức thời? Cái khó là thông tin ngày nay không chỉ được truyền bằng chữ, mà còn bằng hình ảnh âm thanh sống động hấp dẫn. Người ta dầu bưng tai bịt mắt mà sống giữa đời này cũng không thể gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của các loại truyền thông, nhứt là những thứ tuyên truyền hay quảng cáo thương mại trá hình gọi là PR chẳng hạn. Đọc hay không đọc đều có thể bị ô nhiễm tinh thần.

Phương tiện nghe nhìn ngày nay nhờ hổ trợ của kỷ thuật tác động sâu và rộng hơn chữ nghĩa, mức độ gây ô nhiễm văn hóa đối với xã hội lớn hơn sách báo đơn thuần. Khổ một cái là “môi trường văn hóa” ở xứ phát triển và đang hăm hở phát triển hầu như được định dạng bằng các phương tiện truyền thông, chủ yếu bằng nghe nhìn. Một xã hội càng kém thông tin càng bị coi là tụt hậu, người thiếu thông tin dễ bị o ép, lợi dụng, bóc lột. Nên nhà nước nào cũng phải dạy dân biết chữ để đọc và biết sử dụng các phương tiện truyền thông khác để gạn lọc thông tin, tích lũy tri thức, hình thành quan điểm, biết phê phán hay sử dụng cái mình đọc, nghe , nhìn. Thông tin ngày nay là hàng hóa, có thiệt có giả, và đủ loại chất lượng. Thông tin cũng là cơ hội, thậm chí là tư bản, và còn là vũ khí. Xông pha trong trận mạc thương trường, chính trị, khoa học, nghệ thuật, người không có vũ khí hay vũ khí kém, vũ khí dỏm, thì hậu quả chỉ có từ chết tới bị thương.

Vậy chẳng phải là cần đọc, nghe, nhìn càng nhiều càng tốt? Tôi vẫn còn đầy nghi vấn như Hamlet. Sản phẩm văn hóa cũng giống thực phẩm bây giờ, tiềm ẩn đủ thứ chất độc hại, thức càng có vẻ ngon lành bổ dưỡng, quảng bá rầm rộ, càng chứa nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Nhưng chẳng lẽ không ăn? Mà không lẽ chỉ ăn gạo lức muối mè? Ăn cái gì, như thế nào, đến mức độ nào, là câu trả lời riêng của mỗi người. Chứ ăn hay không ăn, đó không phải là câu hỏi.

Đọc hay không đọc, ấy mới là câu hỏi. Trong xã hội nước ta ngày nay, chắc không khó cho mỗi người tìm thấy quanh mình tấm gương của kẻ “thành đạt” (nổi tiếng, giàu có) mà không đọc. Nhưng sao trong xã hội người ta (Nhật, Mỹ, Âu, Úc, Ấn, Hoa) những người có ảnh hưởng (không chỉ trong cộng đồng của họ, mà với cả thế giới, và có thể vượt ra ngoài trái đất) đều làm sách?

Lý Lan

03.11.2011
Hồ Quốc Nam

Sách: Sát thủ đầu mưng mủ

Mấy hôm nay, dư luận bàn nhiều về một quyển sách nghe cái tên khá lạ "Sát thủ đầu mưng mủ". Tôi tình cờ nhận được file PDF chia sẻ quyển sách này từ một người thân gửi email cho nhiều người, trong đó có tôi. Cũng tò mò và đọc thử xem nội dung của nó như thế nào mà có thể gây sự chú ý lớn như thế đến cộng đồng. Quả thật đã có nhiều ý kiến khen, chê và trung dung đối với một quyển sách có vẻ “không đáng làm to chuyện lắm” như quyển sách này.

Theo quan điểm của tôi, quyển sách này bản thân nó không có tội và những người thực hiện quyển sách cũng không nên bị cho là "tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy". Ngôn ngữ dùng trong sách đồng ý là ngôn ngữ đời thường của các bạn tuổi teen ngày hôm nay và hình ảnh minh họa cho những câu cửa miệng của các bạn cũng hết sức dí dỏm và dễ thương. Đó là ngôn ngữ giao tiếp và tiếng nói hàng ngày của giới trẻ. Chúng ta lẽ ra phải trân trọng điều đó bởi vì nó chính là ngôn ngữ đời thường, rất bình dân, không văn chương và thể hiện phần nhiều tâm lý của tuổi trẻ. Cần nhớ là trước khi quyển sách này ra đời thì những bạn tuổi teen cũng đã nói những câu cửa miệng đại loại như những câu trong quyển sách hàng ngày, hàng giờ.

Tôi không muốn mang tiếng là một người “tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy” và cũng không thể hiện thái độ ủng hộ quyển sách trên, nhưng tôi nghĩ tôi cần chia sẻ quyển sách cho những người cần đọc nó. Những người tải xuống quyển sách này có thể là những bạn rất trẻ; những bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường; những người đã đi làm như tôi và tôi tin là có cả những bậc cha mẹ; những người lớn tuổi;… Nói chung là có nhiều dạng người khác nhau nhưng tụ chung lại là những người muốn hiểu thêm về giới trẻ vì đây là một quyển sách “mang hơi thở của tuổi teen ngồn ngộn”.

Download (tải) file PDF của quyển sách về tại đây và xin mời bạn tự đưa ra nhận định của riêng mình:

03.11.2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Một lần hư hỏng

Một sáng thức dậy sau một đêm say bí tỉ vì đi dự sinh nhật của một người anh. Nhớ lại những sự kiện đã diễn ra đêm qua mà không khỏi rùng mình. Mình nhớ là đêm qua mình đã uống rất nhiều, khoảng 12 chai bia. Buổi chiều lại không ăn uống nên say quá không thấy trời đất là chuyện tất nhiên. Mình còn nhớ là mình đã nôn tại phòng karaoke. Hơi mất mặt, nhưng không sao vì trong đó toàn những người thân của mình.

Dĩ nhiên có những lần say như vậy mình mới rút ra được một bài học cho bản thân: Không bao giờ trách những thằng nhậu xỉn. Bởi vì khi xỉn lên rồi, mặc dù nó biết là mình đang làm gì nhưng không thể kiềm chế bản thân được. Cũng như mình đêm qua, uống nhiều quá rồi mà vẫn nhất định không cho người khác trở về nhà. Mình leo lên một chiếc xe tay ga. Cứ lên hết ga, nhấn hết số, chạy về nhà vèo vèo. 

Có lẽ, người nào vô tình trông thấy cảnh đó chắc phải rùng mình và lắc đầu. Mặc cho thằng bạn ngồi ở phía sau hồn bay phách lạc. Nó dùng cả hay tay bóp vào hông mình. Bóp rất mạnh và rất đau để khuyên mình chạy chậm. Mình biết là nó đang sợ nhưng vẫn rất thích làm. Đó là sự ngông cuồng, ngạo mạn của tuổi trẻ, muốn chứng tỏ mình, nhưng đó là một cách CỰC KỲ NGỐC NGHẾCH.

Cơ quan làm việc lúc 8h30 sáng nhưng đến 10h sáng mình mới lên đến cơ quan. Cũng không quẹt thẻ vì đi trễ như vậy thì quẹt làm gì cho mất công. Khỏi quẹt để phòng Nhân sự khỏi biết là mình đi trễ. Có khi còn đỗ thừa là em đã quẹt rồi nhưng máy quẹt thẻ không ghi nhận (lại thêm cái tội gian xảo). Mới lên tới cơ quan thì gặp ngay người bạn gái đạo diễn. Rủ cô ấy đi ăn sáng hay ăn trưa cũng không biết nữa vì lúc đó là 10h30 phút. Chia sẻ được nhiều với cô ta những gì mình đã làm đêm qua và mình tự nhận là: "Đêm qua tớ đã cực kỳ hư hỏng!". Nhận được phản hồi từ cô ấy: "Xời, tưởng gì! Chuyện của ốc!". Cũng vui vì thấy mình cũng không đến nỗi hư hỏng như mình nghĩ.

Nếu đêm qua mà vô tình cũng có một người chạy ẩu như mình thì có lẽ lúc này không thể viết được bài viết này vì đang bận... băng bó trong bệnh viện. Nhắn tin xin lỗi thằng bạn vì đêm qua đã làm cho nó sợ. Rút được một bài học lớn cho bản thân: KHÔNG NÊN SAY XỈN. Tự hứa với bản thân: KHÔNG ĐƯỢC SAY XỈN.

Thành thật xin lỗi những ai đã bị mình làm phiền, đã bị mình làm sợ đêm qua! Thành thật xin lỗi!

02.11.2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Một bài giảng hay của thầy Nguyễn Thành Nhân

Vô tình tìm tên thầy Nguyễn Thành Nhân trên mạng và cũng vô tình khám phá được một bài giảng rất hay của thầy. Bài giảng này tôi đã nghe chính thầy Nhân giảng trực tiếp rất nhiều lần nhưng mỗi lần nghe lại đều thấy rất xúc động và không cầm được nước mắt. Nay xin giới thiệu đến các bạn:


Đường dẫn trực tiếp tại đây: http://www.youtube.com/watch?v=P3xfkO54_f4

01.11.2011
Hồ Quốc Nam