Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Thời gian như con thoi đưa

Không biết từ bao giờ người dân Việt Nam mình có câu, "Thời gian như con thoi đưa,"? Cũng không biết từ bao giờ người ta dùng câu nói đó để chỉ việc thời gian trôi qua quá nhanh? Ngày hôm nay bật máy tính lên, nhìn lại đồng hồ trên máy tính mới biết là đã đến ngày thứ Sáu của tuần. Ngoảnh đi, ngoảnh lại thấy cả tuần mình chẳng làm được gì. Chẳng lẽ cả tuần qua chỉ có đi làm, ăn với ngủ? Mà nhìn vào cái bảng báo cáo tuần mình sắp viết thì hình như cũng chẳng làm được bao nhiêu(!?)

Thế mới biết phải thật quý trọng thời gian như thế nào, bởi nếu thời gian một khi đã qua đi là sẽ mãi mãi không bao giờ trở lại. Có lẽ mình nên tập thói quen vào mỗi cuối tuần phải viết lại xem trong tuần đó mình đã làm gì và chưa làm được gì, để tránh một tuần trôi qua không để lại kết quả gì đáng kể.

Lại quay lại chuyện thời gian và con thoi đưa. Hỏi mười người thì chín người nói không biết "con thoi đưa" thật ra là con gì và tại sao người ta lại ví von câu "Thời gian như con thoi đưa," để chỉ thời gian trôi qua nhanh. Riêng bản thân tôi thì nghĩ con thoi đưa gồm một vật nặng treo lên một sợi chỉ (dây cũng được). Con thoi đưa này sẽ được kéo lên rồi buông xuống để nó đung đưa qua lại. Đây có thể là một cách tính đơn vị thời gian của người xưa. Nếu theo giả thuyết này thì con thoi đưa được dùng làm đơn vị tính thời gian chứ không phải để nói việc thời gian trôi qua mau hay chậm.

Nếu giả thuyết của tôi là đúng thì câu "Thời gian như con thoi đưa," chỉ là câu dùng để chỉ thời gian chứ không phải để chỉ việc thời gian trôi. Như vậy không biết từ bao giờ câu nói này được dùng để ám chỉ thời gian trôi nhanh? Có phải đó chính là thói quen của chúng ta nói hàng ngày và rồi định kiến cho rằng câu nói trên gắn liền với tính chất của thời gian?

Trong cuộc sống này cũng có nhiều việc người ta quen với một điều gì đó rồi định kiến cho rằng điều đó là đúng. Cái hình lưỡi bò to đùng mà Trung Quốc vẽ ở biển Đông bao trùm gần như toàn bộ vùng biển của các nước lân cận rồi đem vào sách địa lý dạy học sinh ở trường. Đến thời điểm này hầu hết người Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền ở cái bản đồ mà họ tự vẽ bất chấp luật pháp quốc tế. Thế mới biết cái gọi là "thói quen" và "định kiến" nguy hiểm đến mức nào!

PS: Tôi không tin tất cả người Trung Quốc bị chi phối bởi định kiến hoặc thói quen. Tôi tin vẫn còn rất nhiều người Trung Quốc còn lương tâm: http://www.tienphong.vn/the-gioi/585198/Bien-tap-vien-Tan-Hoa-xa-phan-doi-thanh-pho-Tam-Sa-tpp.html.

20.7.2012
Hồ Quốc Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét