Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

TÔI PHẢN ĐỐI NHÀ BÁO THANH PHƯƠNG VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG PHÁP LUẬT VÀ XÂM PHẠM NGHIÊM TRỌNG QUYỀN CỦA BỊ CÁO NGUYỄN HUỲNH TÚ TRINH

Nhà báo Thanh Phương có bài báo với tựa đề: “Nữ nhân viên Alibaba khai báo quanh co tại tòa”. Xem tại: https://vietnamnet.vn/nu-nhan-vien-dia-oc-alibaba-khai-bao-quanh-co-tai-toa-2089625.html?fbclid=IwAR0mvxWg3Rs0D6tC-HKrzfhynHpg8YBgGJCsdzQ55cIpIAFdNaIHBcIP8_M.  Đối với bài báo này, tôi phản đối Nhà báo Thanh Phương đã: (i) Vi phạm nghiêm trọng pháp luật; và (ii) Xâm phạm nghiêm trọng quyền của bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh.

Bằng các nhận định mang nặng tính chủ quan và buộc tội bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh như “khai báo quanh co tại tòa”, "quanh co chối tội", Nhà báo Thanh Phương đã vi phạm nghiêm trọng: (i) Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, như được sửa đổi, bổ sung (“BLTTHS 2015”); và (ii) Luật Báo chí năm 2016, như được sửa đổi, bổ sung (“Luật Báo chí 2016”).  Cụ thể:

1. Nhà báo Thanh Phương đã xâm phạm nghiêm trọng quyền tự bào chữa của bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh trong vụ án hình sự (Điều 61.2(g) của BLTTHS 2015).  Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh còn có quyền khai báo theo hướng có lợi cho mình và/hoặc giữ quyền im lặng ("right to remain silent"); và không một ai có quyền buộc bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (Điều 61.2(h) của BLTTHS 2015).  [Quyền im lặng của bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh đã được pháp luật quy định và bảo vệ, đơn cử như tại Điều 309.3 của BLTTHS 2015: Trường hợp bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.  Hiện nay, việc giữ quyền im lặng không bị xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 52.1 của Bộ luật Hình sự năm 2015, như được sửa đổi, bổ sung.];

2. Nhà báo Thanh Phương đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh trong vụ án hình sự khi cho rằng bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh khai báo quanh co để chối tội tại tòa (Điều 13 của BLTTHS 2015).  Không những vậy, các nhận định bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh “khai báo quanh co tại tòa”, "quanh co chối tội" của Nhà báo Thanh Phương còn vi phạm nguyên tắc xác định sự thật của vụ án: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chứ không phải là của người bị buộc tội (Điều 15 của BLTTHS 2015); và

3. Ngoài ra, Nhà báo Thanh Phương còn vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Báo chí 2016 khi có hành vi “quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án” (Điều 9 của Luật Báo chí 2016).  Cần phải lưu ý rằng, bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh vẫn là người không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS 2015 quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 13 của BLTTHS 2015).


Việc phản đối của tôi có thể không có nhiều có ý nghĩa khi Nhà báo Thanh Phương có thể không bao giờ đọc được bài viết này của tôi.  Nhưng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng phản đối trên tinh thần xây dựng khi nào vẫn còn nhìn thấy những chuyện bất công.  Quan điểm cá nhân của tôi, điều tệ hại nhất trong xã hội không phải là tội ác không bị trừng trị, mà là chúng ta im lặng trước những bất công, và cho rằng hành vi đáng lẽ ra phải bị lên án đó không phải là tội ác. 


11/12/2022

Hồ Quốc Nam

http://hoquocnam.blogspot.com