Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh - Ảnh: Tân Hiệp Pháp |
I. Dẫn nhập
1. Hôm
nay có một chút thời gian, tôi tìm hiểu vụ án Ông Trần Quí Thanh – Chủ tịch Tập
đoàn Tân Hiệp Phát qua bài báo của Báo Tuổi Trẻ: “Đề nghị truy tố ba cha
con chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh do chiếm đoạt 767 tỉ”.
Thông tin được công khai trên mạng Internet liên quan đến hành vi cụ thể này cơ
bản là giống nhau. Tôi lấy bài báo của Báo Tuổi Trẻ để dẫn chứng và phân tích
theo quy định của pháp luật. Link bài báo của Báo Tuổi Trẻ: https://tuoitre.vn/de-nghi-truy-to-ba-cha-con-chu-tich-tap-doan-tan-hiep-phat-tran-qui-thanh-do-chiem-doat-767-ti-20231124115735033.htm.
Nhận định của tôi luôn có thể có sai sót―và tôi luôn hoan hỉ vì còn sai sót thì
mình còn có thể tiếp tục tiến bộ―nên có gì mong bạn đọc chỉ giáo thêm. Nếu có
phê phán hoặc quan điểm khác biệt, những mong đừng quá nặng lời.
II. Pháp
luật hình sự: Thế nào là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng
tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”?
2. Trước
tiên, cần hiểu quy định của pháp luật hình sự về thế nào là “lừa đảo chiếm
đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
3. Về
lý luận, “chiếm đoạt tài sản” là hành vi chuyển dịch, đoạt lấy, chiếm lấy
tài sản của người khác trái pháp luật, để nắm giữ, quản lý, sử dụng, định đoạt
(nhấn mạnh: “trái pháp luật”). Hành vi cố ý “chiếm đoạt tài sản” “trái
pháp luật” của người khác với mục đích chuyển quyền sở hữu tài sản từ người
khác sang mình hoặc sang người thứ ba có thể cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt
tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
4. Để
phân biệt “lừa đảo” và “lạm dụng” có thể dựa vào dấu hiệu: Nếu hành
vi gian dối xảy ra trước khi có hành vi chiếm đoạt thì có thể được xem là “lừa
đảo” (có yếu tố “dự mưu”). Nếu hành vi gian dối xảy ra sau khi có
hành vi chiếm đoạt thì có thể xem là “lạm dụng” (Hán Việt: Sử dụng quá mức
hoặc quá giới hạn đã được quy định) “tín nhiệm” (Hán Việt: sự tin tưởng).
Cả “lừa đảo” và “lạm dụng” đều phải đáp ứng được điều kiện có “hành
vi gian dối”. Và “hành vi gian dối” này, trong mọi trường hợp, không
thể được xác lập theo hình thức của giao dịch dân sự được Bộ luật Dân sự (2015)
thừa nhận. Tôi sẽ làm rõ vấn đề này ở các Đoạn tiếp theo.
III. Thông
tin cơ sở
5. Theo
bài báo, hành vi của ông Thanh được mô tả như sau:
“Kết quả điều tra xác định, lợi
dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp
Phát cùng hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đã cho một số người
vay lấy lãi “dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng”.
Khi cho vay, ông Thanh không làm
hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm
hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động
sản trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần so với thực tế.
Cơ quan điều tra cáo buộc khi
bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh chỉ
đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt
tài sản.
Mặc dù bên vay đã thực hiện
nghĩa vụ trả đầy đủ gốc và nợ lãi theo thỏa thuận nhưng ông Thanh vẫn dùng các
thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra các lý do để cố tình không trả lại tài sản và chiếm
đoạt tài sản.”
IV. Nhận
định và phân tích
6. Theo
những thông tin như được mô tả trong bài báo, tôi có quan ngại về việc cấu
thành tội phạm liên quan đến vụ án truy tố ba cha con Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp
Phát Trần Quí Thanh. Tôi cho rằng việc truy tố hình sự đối với ông Thanh có nhiều
vấn đề chưa thuyết phục, cần phải làm rõ theo quy định của pháp luật hình sự hiện
hành, có thể có dấu hiệu “hình sự hóa quan hệ kinh tế”.
7. Theo
mô tả trên, hành vi của ông Thanh thật ra không lạ đối với một số Luật sư tư vấn
giao dịch M&A và Nhân viên ngân hàng đầu tư (Investment Banker). Hình thức này
phổ biến trên thực tế khi các công ty tài chính thường sử dụng khi tài trợ vốn
cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư hoặc tài sản lớn. Một chuỗi các thỏa thuận
dân sự có thể được xác lập để thực hiện mô hình tài trợ vốn này có thể kể đến
như: (a) Hợp đồng vay; (b) Hợp đồng thế chấp; (c) Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần/dự
án; và (d) Cam kết mua lại/bán lại cổ phần/dự án tại mục (c).
8. Bản
chất của mô hình này là một chuỗi các giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận.
Trường hợp ông Thanh vi phạm Cam kết mua lại/bán lại cổ phần/dự án (nếu có)
thì rõ ràng đây là tranh chấp dân sự. Trong đó, mỗi hành vi giữa ông Thanh và
những người khác được cho là bị hại, thực chất là một giao dịch dân sự. Và chuỗi
hành vi của ông Thanh, thực chất là một chuỗi các giao dịch dân sự trong tổng
thể một cấu trúc giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận.
9. Trong
mọi trường hợp, không thể cho rằng hành vi vi phạm Cam kết mua lại/bán lại cổ
phần/dự án (nếu có) có dấu hiệu của vi phạm pháp luật hình sự, bởi lẽ Cam
kết mua lại/bán lại cổ phần/dự án là một giao dịch dân sự được pháp luật thừa
nhận. Trường hợp có tranh chấp liên quan đến việc mua lại/bán lại cổ phần/dự
án, đây thực chất là tranh chấp dân sự, cần căn cứ vào quy định tại Cam kết mua
lại/bán lại cổ phần/dự án và các quy định của pháp luật dân sự để xác định quyền
và nghĩa vụ của các bên để giải quyết tranh chấp.
10. Trên
thị trường chứng khoán cũng có một hình thức tương tự gọi là REPO (tiếng Anh:
Repurchase Agreement: A repurchase agreement, also known as a repo, RP, or sale
and repurchase agreement, is a form of short-term borrowing ). Hợp đồng REPO hay
còn gọi là Thỏa thuận mua lại là hợp đồng mua bán chứng khoán với cam kết của
người bán sẽ mua lại chứng khoán đó từ người mua với một mức giá cụ thể vào một
ngày cụ thể trong tương lai. Trường hợp người bán và/hoặc người mua vi phạm cam
kết thì đây được xem là tranh chấp dân sự.
V. Kết
luận
11. Từ những
lý do và nội dung như được trình bày bên trên, liên quan đến một phần vụ án
này―cha con ông Thanh còn bị truy tố về nhiều tội danh khác―tôi có quan ngại về
việc truy tố cha con ông Trần Quí Thanh chưa được thuyết phục, cần làm rõ thêm có
“hình sự hóa quan hệ kinh tế” đối với vụ án này hay không? Tôi có quan
điểm cho rằng, đối với một cấu trúc giao dịch, có thể đánh giá cụ thể, chi tiết
từng giao dịch dân sự cụ thể nhưng không được tách nó ra khỏi chuỗi giao dịch
dân sự này khi xem xét về mặt tổng thể. Trường hợp cấu trúc giao dịch này được
xác lập bằng một chuỗi các giao dịch dân sự thì nên và phải nhìn nhận tranh chấp
liên quan đến cấu trúc giao dịch này là tranh chấp dân sự, tránh “hình sự
hóa quan hệ kinh tế”.
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com