Làm báo, viết kịch bản mấy năm qua, tôi dần nhận ra rằng cái nghề của mình gần giống như nghề của một thợ nặn đất sét. Theo đó, công việc nhìn chung đại khái là thấy chỗ nào thiếu tôi lấy đất đắp thêm vào, chỗ nào thừa tôi lấy bớt đất ra. Trong đầu mình định hình cục đất sét nhão nhẹt sẽ thành thứ gì thì với một đôi bàn tay khéo léo và sự cần mẫn cần thiết nó sẽ thành hình đó.
Nhưng cũng có một số bí quyết nhỏ từ một người thợ nhỏ như tôi: 1. Bạn phải có đủ số lượng đất sét cần thiết (thông qua việc đọc, nghe, rèn luyện ngữ pháp và ngôn từ); 2. Bạn phải giỏi biến đất sét của người khác (chất liệu) và những hình dạng (hiện thực) của người khác thành cái của mình và phải khéo léo che đậy điều đó (nếu để người khác biết bạn sẽ bị cho là đạo văn, là copy – paste thuần túy); 3. Nếu bạn đủ giỏi thì bỏ qua bí quyết thứ hai và áp dụng bí quyết thứ tư; 4. Viết bằng hiểu biết và con tim của bạn.
Cái bí quyết thứ hai tôi mượn tứ của Umberto Eco, nhà văn, nhà triết học người Ý: “Không có gì mới dưới ánh mặt trời,” và của thầy Nguyễn Ngọc Trân, khoa Báo trường Nhân văn, dạy môn Tường thuật chuyên ngành Kinh tế: “Nghề báo là nghề đi nói thay cho người khác.” Kinh nghiệm viết lách cũng cho tôi những trải nghiệm thú vị. Tôi hiện chỉ mới áp dụng được bí quyết số 1 và số 2.
Xin mời các thầy/bạn có kinh nghiệm viết lách chia sẻ để những học trò/những người anh em có được cơ hội học hỏi!
28.02.2012
Hồ Quốc Nam