Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Bút lực

Gần đây, sức viết của mình bắt đầu trì trệ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trực tiếp, sâu xa nhất thì chính mình mới hiểu. Đó là sự trì trệ về cả tâm hồn lẫn thể xác, về những mối quan tâm vô bổ, không tập trung, không đóng góp thiết thực cho sự phát triển về nhân cách, tinh thần một cách lâu dài.

Khi chúng ta sống không như một người đàn ông, một người có trách nhiệm thực sự thì đừng mong gì những bài viết chứa đựng nhiều kiến thức, những việc tầm thường nhất chúng ta cũng sẽ làm không xong. Mình rơi vào trạng thái đó cũng đã khá lâu khi công tâm nhìn lại những bài viết của mình trong thời gian vừa qua.

Phải tự đánh thức mình dậy, phải tự lấy lại cân bằng trong cuộc sống, sống như một người đàn ông thực thụ có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Những điều mình vừa nói nghĩ có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được nó phải mất cả một đời người.

Mình còn nhiều ước mơ, dự định thật đẹp phía trước!
 
Cố lên!

24.7.2014
Hồ Quốc Nam

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Môn Văn học và cây bàng mùa đông

Nghe lời than thở của đứa em vừa thi xong môn Văn, đại học khối D, chợt nhớ đến câu nói của thầy Vũ Thành Tự Anh: “Nếu học sinh được phép tả cây bàng mùa đông đúng như chúng quan sát thì có thể chúng ta đã có một nền giáo dục khác.”

Gọi điện cho đứa em vừa thi đại học xong hỏi làm bài như thế nào, nó trả lời Văn không làm được do thầy cô ôn không trúng đề. Hôm qua nghe Toán, Anh làm được thấy mừng mừng – mặc dù đề Toán, Anh năm nay được đánh giá khá cam go - hôm nay nghe không làm được cũng tội nghiệp con nhỏ.

Đêm qua trước khi thi mình đã dặn nó môn Văn nghĩ như thế nào thì viết như thế nấy. Lập dàn bài cho kỹ càng để cho ý tứ, cách triển khai vấn đề mạch lạc là được. Mình thắc mắc, học Văn mà ôn theo tủ, theo dạng đề là chết chắc. Vì môn Văn chỉ cần sửa vài chữ là chúng ta đã có một cách ra đề, một dạng đề mới.

Theo mình nghĩ môn Văn thì không có đúng, sai, miễn sao các em trình bày bài viết, quan điểm của mình một cách rõ ràng, lô-gíc là được. Thầy cô nên tập cho học sinh phân tích, bình luận vấn đề để mở rộng tư duy, đào sâu suy nghĩ hơn là cứ nhại đi, nhại lại theo văn mẫu.

Có vẻ đó là thực tế đúng khi hầu hết cử nhân các ngành như Báo Chí, Ngữ Văn, Sư phạm Văn, Luật… những ngành được xem là hổ báo môn Văn học - vì các em này thi khối C, D và trong bốn năm ở giảng đường đại học các em sử dụng kỹ năng viết lách khá nhiều - đến khi ra trường bảo viết bài bình luận 1.000 chữ về một vấn đề xã hội làm cũng không xong.

Lướt qua đề thi môn Văn khối D năm nay mình thấy đề thi ra khá hay, không ép học sinh phải học thuộc lòng mà tập trung vào kỹ năng phân tích, triển khai vấn đề của các em. Đề thi năm nay đã theo hơi hướng cách ra đề của đề thi tốt nghiệp Phổ thông trung học của Pháp và đề thi đại học của Hoa Kỳ mà mình đọc được. Đề thi của Pháp có thể xem ở đây: http://triethoc.edu.vn/vi/ban-tin-triet-hoc/thoi-su-triet-hoc/thi-thpt-2014-cac-chu-de-triet-hoc_383.html. Còn đây là đề thi của Hoa Kỳ: http://hocthenao.vn/2014/06/26/de-thi-dai-hoc-co-le-la-kho-nhat-the-gioi-tran-tuan-minh/.

Có lẽ do cách dạy và học Văn như hiện nên ngữ pháp, chính tả, đặc biệt là cách triển khai, nhìn nhận vấn đề của các tân cử nhân cực kì kém. Đọc văn bản của một số bạn mình không thể hiểu với kiến thức hổ lốn như thế thì làm sao các em có thể thi đậu đại học khi ngành học đòi hỏi phải thi đầu vào môn Văn.

Mặc dù nêu ra một số điểm còn hạn chế về cách dạy và học Văn của chúng ta nhưng mình vẫn lạc quan về nền giáo dục nước nhà. Nhớ lại từ lúc mình thi đại học năm 2007, đến nay đã bảy năm, theo mình chúng ta đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Mình lạc quan là với tốc độ phát triển như hiện tại, khoảng 100 năm nữa – gần bằng 1/20 khoảng thời gian từ lúc chúa Giêsu ra đời đến nay - trình độ giáo dục của Việt Nam sẽ bằng với Hàn Quốc, Singapore ngày… hôm nay. Được như vậy theo mình đã là quý lắm rồi! Một số bạn cho rằng mình bi quan nhưng mình cho rằng mình và bạn cùng lạc quan nhưng bạn lạc quan nhiều hơn mình.

http://hoquocnam.blogspot.com
Hồ Quốc Nam
10.07.2014