Labels (CÁC THỂ LOẠI):
Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022
BÌNH LUẬN NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TAND TỐI CAO HƯỚNG DẪN THỜI HIỆU KHỞI KIỆN HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022
DỊCH COVID-19 LẦN ĐẦU TIÊN ĐƯỢC TÒA ÁN XEM LÀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG
I. SỰ KIỆN
1. Gần đây TAND Cấp cao tại Đà Nẵng (“Tòa Án”) đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 48/2022/DS-GĐT ngày 09/09/2022 về tranh chấp hợp đồng thuê nhà (“Quyết Định Giám Đốc Thẩm”). Theo đó, Tòa Án đã thừa nhận dịch Covid-19 là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trường được để loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong giao dịch dân sự (Xem: (i) https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/quyet-dinh-giam-doc-tham-ve-tranh-chap-hop-dong-thue-nha-so-482022dsgdt-253501; và (ii) https://plo.vn/1-an-le-xem-dich-covid-19-la-yeu-to-khach-quan-post705783.html).
II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
2. Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành (“BLDS”) có quy định trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 351.2 của BLDS). Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (Điều 156.1 của BLDS). Với Quyết Định Giám Đốc Thẩm nêu trên, Tòa Án đã lần đầu tiên thừa nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng theo quy định tại BLDS trong công tác xét xử.
III. PHÂN TÍCH QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM
3. Tại Quyết Định Giám Đốc Thẩm, Tòa Án đã tách dịch Covid-19 thành ra 02 lớp (2 layers): (a) Layer 1: Dịch bệnh Covid-19 không phải là điều kiện cần và đủ là sự kiện bất khả kháng; mà (b) Layer 2: Tòa Án đang có ý các Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg—và sau này là các quyết định của UBND Tỉnh Quảng Nam căn cứ trên các Chỉ thị này liên quan đến giãn cách xã hội và tạm dừng hoạt động một số cơ sở sản xuất kinh doanh—là, trên cơ sở của Layer 1, điều kiện đủ để dịch Covid-19 được xem là sự kiện bất khả kháng.
4. Cụ thể, khi xác định thời điểm bắt đầu của sự kiện bất khả kháng làm cơ sở cho Quyết Định Giám Đốc Thẩm, Tòa Án đã căn cứ vào các thời điểm có hiệu lực của các quyết định của UBND Tỉnh Quảng Nam—căn cứ trên các Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg—để xác định thời điểm bắt đầu của sự kiện bất khả kháng—xem phần Nhận định của Tòa Án, Trang 6, Trang 7 của Quyết Định Giám Đốc Thẩm.
IV. NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC ĐỘNG CỦA QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM ĐỐI VỚI CÔNG TÁC XÉT XỬ CHUNG CỦA NGÀNH TÒA ÁN
5. Mặc dù Quyết Định Giám Đốc Thẩm chưa phải là án lệ nhưng theo nhận định riêng của tôi, Quyết Định Giám Đốc Thẩm nên được lựa chọn phát triển thành án lệ bởi lẽ Quyết Định Giám Đốc Thẩm đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn án lệ như: (a) Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý, i.e., dịch Covid-19, và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; (b) Có tính chuẩn mực; và (c) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
6. Về việc có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử của Quyết Định Giám Đốc Thẩm, tôi cho rằng thời gian qua đã có rất nhiều vụ án liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng thuê nhà—trong đó có nhiều vụ án liên quan đến việc xác định chấm dứt đúng hay không đúng khi bên yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà nại lý do dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng—tuy nhiên, đường lối xét xử của các tòa án có thể đã không được thống nhất và đã tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Các luật sư tranh tụng có thể viện dẫn Quyết Định Giám Đốc Thẩm để yêu cầu tòa án xét xử theo quan điểm của Tòa Án đã được thể hiện tại Quyết Định Giám Đốc Thẩm, đồng thời viện dẫn thêm nghĩa vụ của tòa án phải “[b]ảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử” (Điều 2.8 của Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014). Tuy nhiên, các lập luận này của các luật sư tranh tụng không phải lúc nào cũng được hội đồng xét xử chấp nhận, nên theo quan điểm của cá nhân tôi, Quyết Định Giám Đốc Thẩm vẫn nên được phát triển thành án lệ để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
7. Thực tế, Quyết Định Giám Đốc Thẩm sẽ có nhiều tác động sâu rộng đến công tác xét xử của ngành tòa án, kể cả đối với những tranh chấp đang phát sinh hoặc vụ án đang trong quá trình xét xử, và những vụ án đã có bản án, quyết định của tòa án đã hiệu lực pháp luật. Đối với những tranh chấp đang phát sinh hoặc vụ án đang trong quá trình xét xử, các bên có liên quan và tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án ít nhiều sẽ bị tác động bởi nội dung của Quyết Định Giám Đốc Thẩm đối với việc xác định hướng giải quyết tranh chấp và đường lối xét xử của vụ án. Ngoài ra, đối với những vụ án đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì Quyết Định Giám Đốc Thẩm có thể được xem là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bởi đã “[c]ó sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” (Điều 326.1(c) của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
8. Theo nhận định của tôi, trong thời gian tới, có thể sẽ có hàng loạt bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm căn cứ theo nội dung của Quyết Định Giám Đốc Thẩm. Vấn đề này có thể rất nghiêm trọng và sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người đang làm công tác xét xử, nhưng biết sai, sửa sai là điều cần thiết vào lúc này để công tác xét xử ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm công bằng cho người dân.