I. SỰ KIỆN
1. Điều 23.1(b) của Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 (“Nghị Quyết 03”) (Xem https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thu-tuc-To-tung/Nghi-quyet-03-2012-NQ-HDTP-huong-dan-Bo-luat-to-tung-dan-su-da-duoc-sua-doi-193786.aspx?fbclid=IwAR2G2OxNyu-ovnoswfkU_ibAyVuQev6HR8ac6oyYGaSlyrdhIb4Rmv8f9fI) của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối Cao (“HĐTP TANDTC”) hướng dẫn về thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay tài sản như sau:
“Ngày 01-01-2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03-4-2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.”
2. Theo hướng dẫn nêu trên của HĐTP TANDTC, đối với tranh chấp dân sự liên quan đến hợp đồng vay tài sản—do cả A và B đều là cá nhân nên đây là vụ án dân sự—trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện thì: (i) Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện; và (ii) Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
3. Hướng dẫn nêu trên của HĐTP TANDTC đã được các Tòa án địa phương áp dụng trong thực tiễn xét xử. Ví dụ như tại Bản án phúc thẩm số 12/2021/DS/PT ngày 14/09/2021 của TAND Tỉnh Kon Tum về việc kiện đòi tàn sản (“Bản Án Phúc Thẩm 2021”) (Xem https://drive.google.com/file/d/10RGbDc39ka4WsQ-OtzdST1d7WvGk4UaZ/view?fbclid=IwAR16WMf5S8cbHX2XArY17AE87ov2Wh_ILNvZaFybkYTlHE5O7n3FFoDmLck). Tại Bản Án Phúc Thẩm 2021, TAND Tỉnh Kon Tum đã có quan điểm áp dụng Điều 23.1(b) của Nghị Quyết 03 để không chấp nhận yêu cầu tính lãi đến thời điểm xét xử sơ thẩm của nguyên đơn do hết thời hiệu khởi kiện (Đoạn 4, Trang 5 của Bản Án Phúc Thẩm 2021).
II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
4. Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành (“BLDS 2015”) quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 của BLDS 2015). Đối với hợp đồng vay tài sản, không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu hoàn trả khoản nợ gốc vì đây là yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu (Điều 155.3 của BLDS 2015).
III. BÌNH LUẬN ĐIỀU 23.1(B) CỦA NGHỊ QUYẾT 03
5. Theo nhận định của tôi, hướng dẫn của HĐTP TANDTC về thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay tài sản tại Điều 23.1(b) của Nghị Quyết 03 không bảo đảm quyền lợi của đương sự. Cụ thể, tại ví dụ được nêu tại Điều 23.1(b) của Nghị Quyết 03, HĐTP TANDTC đã nêu rõ tại hợp đồng cho vay của A đối với B, các bên đã có thỏa thuận về việc B có nghĩa vụ trả tiền lãi cho A. Tuy nhiên, HĐTP TANDTC lại hướng dẫn “[đ]ối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện”. Thực tế, các Tòa án địa phương, ví dụ như TAND Tỉnh Kon Tum đã áp dụng hướng dẫn này của HĐTP TANDTC vào việc xét xử các vụ án như đã được nêu tại Bản Án Phúc Thẩm 2021.
6. Hướng dẫn nêu trên của HĐTP TANDTC không bảo đảm quyền lợi của đương sự, bởi lẽ:
(a) HĐTP TANDTC đã không làm rõ “yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện” nên được áp dụng như thế nào? Cụ thể là không giải quyết toàn bộ hay chỉ giải quyết phần yêu cầu khởi kiện vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện;
(b) Tại ví dụ nêu trên của HĐTP TANDTC, có thể thấy, mặc dù thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi của A đã hết; tuy nhiên đối với các khoản lãi phát sinh trong thời hạn 02 năm theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật Dân sự 2005 (“BLDS 2005”); và 03 năm theo quy định tại Điều 429 của BLDS 2015 kể từ ngày A nộp Đơn khởi kiện trở về trước thì vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện; và
(c) Theo ví dụ của HĐTP TANDTC, lẽ ra HĐTP TANDTC phải hướng dẫn Tòa án phải chấp nhận đối với các khoản lãi phát sinh trong thời hạn 02 năm (theo Điều 427 của BLDS 2005) và 03 năm (theo Điều 429 của BLDS 2015) kể từ ngày A nộp Đơn khởi kiện trở về trước thì mới bảo đảm quyền lợi của A. Để cho dễ hiểu, các bạn có thể xem sơ đồ tôi tự vẽ và đính kèm theo bài viết này.
7. Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi cho A, HĐTP TANDTC phải hướng dẫn Tòa án theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện—nếu có—buộc B trả thêm khoản tiền lãi cho đến ngày Tòa án ban hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
IV. KIẾN NGHỊ
8. Theo nhận định của tôi, để bảo đảm quyền lợi của các đương sự, HĐTP TANDTC cần phải có hướng dẫn khác thay thế hướng dẫn tại Điều 23.1(b) của Nghị Quyết 03 theo hướng Tòa án vẫn chấp nhận khoản lãi phát sinh trong thời hiệu khởi kiện kể từ ngày đương sự nộp đơn khởi kiện trở về trước, và tiếp tục tính lãi cho đến ngày Tòa án ban hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Theo quan điểm của em, ở đây HĐTP xác định kể từ 2 năm (BLDS 2005) thì mất quyền khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay và do đó việc yêu cầu tranh chấp phần lãi cũng không được xem xét. Tuy nhiên BLDS 2005 lại xem tiền gốc là tài sản thuộc sở hữu của bên cho vay nên áp dụng quy định về thời hiệu của kiện đòi tài sản. Do đó, theo em hướng dẫn này của Tòa là phù hợp với BLDS 2005. Tuy nhiên trong bối cảnh BLDS 2015 đã có hiệu lực thì em không ủng hộ quan điểm đòi tài sản vì BLDS 2015 đã bỏ quy định về thời hiệu đòi tài sản; và tiền vay theo em đã được chuyển quyền sở hữu kể từ khi giao tiền. Mong được anh phản hồi ý kiến ạ.
Trả lờiXóaDear em, em có thể nói rõ hơn điểm này được không? "Tuy nhiên trong bối cảnh BLDS 2015 đã có hiệu lực thì em không ủng hộ quan điểm đòi tài sản vì BLDS 2015 đã bỏ quy định về thời hiệu đòi tài sản; và tiền vay theo em đã được chuyển quyền sở hữu kể từ khi giao tiền." Cụ thể em đang trích dẫn điều khoản nào của BLDS 2015? Và Điều 155 của BLDS 2015 có áp dụng trong trường hợp này hay không? Thanks, em!
Xóa