Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

BÀI HỌC VỀ TÌNH YÊU THƯƠNG

Tôi quan sát chăm chú khi đứa em trai của tôi bị bố bắt gặp nó đang dùng bút viết nghuệch ngoạc lên trên quyển sách thánh ca mới tinh của bố. Đứa em trai tôi đang ngồi trong một góc của phòng khách, một tay cầm một cây bút, tay kia là quyển sách thánh ca. Nó run rẩy khi bố bước vào phòng khách, nó ý thức được mình đã làm một điều gì đó sai.

Tôi thấy nó đã mở quyển thánh ca của bố và viết nghuệc ngoạc lên toàn bộ trang đầu tiên của quyển sách. Bây giờ, nó nhìn bố tôi một cách sợ hãi, nó và tôi, cả hai đều chờ đợi sự trừng phạt của bố. Và trong khi chúng tôi chờ đợi, chúng tôi không biết rằng bố đang sắp dạy chúng tôi một bài học hết sức sâu sắc về cuộc sống và gia đình, một bài học ngày càng rõ ràng hơn qua năm tháng.

Bố tôi nhặt quyển sách thánh ca hết sức giá trị của ông lên, ngắm nhìn nó một cách hết sức tỉ mỉ, và rồi ngồi xuống không nói một lời nào. Đối với bố thì những quyển sách là một thứ tài sản hết sức quý giá; bố là một mục sư và là một người nắm giữ rất nhiều chức vụ quan trọng. Đối với bố, sách là kiến thức và bố cũng yêu chúng tôi. Những gì bố làm tiếp theo trong câu chuyện mà tôi sắp kể là những điều mà mãi mãi chúng tôi sẽ không bao giờ quên được.

Thay vì trừng phạt em trai tôi, thay vì rầy la, la hét hay la mắng, bố ngồi xuống, lấy cây bút từ trên tay em trai tôi, và rồi tự tay mình viết lên quyển sách, dọc theo những dòng nghuệch ngoạc do em trai tôi viết: Đây là công trình của John, 1959, năm hai tuổi. Đã rất nhiều lần bố nhìn vào khuôn mặt xinh đẹp như thiên thần của con; đã rất nhiều lần bố nhìn vào đôi mắt ấm áp, nhanh nhạy của một thiên thần, người vừa viết những dòng nghuệch ngoạc vào quyển sách thánh ca của bố. Cảm ơn chúa vì đã ban cho bố một thiên thần. Con trai của bố đã làm cho quyển sách thêm giá trị, như là anh trai và chị gái của con đã từng làm rất nhiều cho cuộc sống của bố vậy.

“Ồ,” tôi nghĩ. “Đó có phải là một sự trừng phạt?”

Năm tháng trôi qua, rất nhiều quyển sách đã đến và đã đi. Gia đình chúng tôi trải qua những gì mà tất cả các gia đình khác trải qua và có lẽ chúng tôi mai mắn hơn họ một chút: chiến thắng và bi kịch, thành đạt và mất mát, nụ cười và những giọt nước mắt. Chúng tôi đã có những đứa cháu, chúng tôi mất một người con trai. Chúng tôi biết rằng bố mẹ vẫn luôn yêu thương chúng tôi và một trong những bằng chứng của tình yêu thương của họ là quyển sách thánh ca nằm bên cạnh cây đàn piano. Cứ mỗi lần mở quyển thánh ca, nhìn lên những dòng nghuệch ngoạc, đọc những dòng mà bố tôi đã viết, tôi lại cảm thấy mình thật hạnh phúc.

Thông qua một hành động đơn giản, bố đã dạy chúng tôi bao giờ những sự việc trong cuộc sống cũng có mặt tích cực của nó – nếu chúng ta được chuẩn bị để nhìn nó từ một góc cạnh khác – và thật là giá trị khi cuộc sống chúng ta được nâng niu bởi những bàn tay nhỏ bé. Bố cũng đã dạy chúng tôi về những thứ thật sự cần thiết trong cuộc sống: là con người, chứ không phải đồ vật; sự khoan dung, chứ không phải là trừng phạt; tình yêu, chứ không phải là sự giận giữ.

Bây giờ tôi cũng đã là một người bố, và cũng như bố tôi, tôi cũng là một mục sư, một người nắm giữ rất nhiều chức vị. Nhưng không giống như bố của tôi, tôi không chờ những đứa con gái của tôi bí mật lấy những cuốn sách của tôi từ kệ sách xuống và rồi viết nguệch ngoạc lên chúng. Nhiều lần tự tay tôi đã lấy chúng xuống từ kệ sách – không chỉ là những quyển sách bìa giấy mềm rẻ tiền mà là một quyển sách tôi phải mất nhiều năm mới có được, tôi đem nó cho những đứa con của tôi viết nghuệch ngoạc tên của chúng lên. Tình yêu bố đã dành cho chúng tôi và bây giờ tôi dành tình yêu đó cho những đứa con của tôi – tình yêu rất sâu đậm của một gia đình.

Tôi nghĩ về những điều mà bố đã dạy cho tôi và mĩm cười. Rồi tôi thì thầm, “Cảm ơn Bố.”
 
(dịch)
27/7/2010
Arthur Bowler
Hồ Quốc Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét