Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội

Thầy giáo hỏi: Trình bày ngắn gọn quan điểm cá nhân của anh/chị về sự khác nhau giữa nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội (bao gồm cả đảng cầm quyền). (Một câu hỏi thuộc học phần Pháp luật đại cương, bộ môn Luật Kinh doanh, khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế TP.HCM.)


Tôi trả lời: Tôi cho rằng giữa nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội khác nhau cơ bản ở các khía cạnh sau đây:

1. Về bản chất:
 - Nhà nước được thành lập dựa trên ý chí và nguyện vọng chung của toàn dân. Những người tham gia quản lý, lãnh đạo nhà nước do nhân dân tin tưởng bầu ra dựa trên các phương thức bầu cử dân chủ, minh bạch. Những người này sẽ đại diện nhân dân điều hành nhà nước trong một khoảng thời gian, phạm vi không gian nhất định.
- Tổ chức chính trị, xã hội do người/nhóm người lập ra, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người/nhóm người đó. Mọi cơ chế hoạt động của tổ chức chính trị, xã hội do các thành viên của nó tự thỏa thuận và không liên quan đến những người không thuộc tổ chức chính trị, xã hội đó.

2. Về công cụ quản lý:
- Nhà nước dùng pháp luật làm công cụ để quản lý xã hội. Pháp luật có phạm vi áp dụng đối với toàn bộ công dân của nước sở tại và các đối tượng khác có liên quan theo quy định trong Hiến pháp.
- Tổ chức chính trị, xã hội dùng cương lĩnh, nội quy, điều lệ... để quản lý thành viên của mình. Cương lĩnh, nội quy, điều lệ... của một tổ chức chính trị, xã hội không đủ cơ sở và sức mạnh pháp lý áp dụng cho những người không thuộc tổ chức chính trị, xã hội đó.

3. Về phạm vi quyền hạn, trách nhiệm:
- Nhà nước có quyền hạn, trách nhiệm đối với tất cả công dân của nước mình, bao gồm tất cả các đối tượng có liên quan được quy định trong Hiến pháp.
- Tổ chức chính trị, xã hội có quyền hạn, trách nhiệm đối với những thành viên thuộc tổ chức của mình. Mặc khác, thành viên của bất kỳ tổ chức chính trị, xã hội nào cũng có quyền hạn, trách nhiệm đối với tổ chức của mình theo như cam kết của họ với tổ chức đó.

Từ những sự khác biệt trên, tôi đi đến kết luận: 
1. Tổ chức chính trị, xã hội không thể đại diện cho nhà nước.
2. Tổ chức chính trị, xã hội không thể nhân danh nhân dân.
3. Tổ chức chính trị, xã hội không thể độc quyền quản lý xã hội.

Lưu ý:
1. Tất cả những điều tôi viết ra trên đây là quan điểm của tôi tại thời điểm này. Tôi không bảo đảm đó là quan điểm xuyên suốt cuộc đời tôi tính từ thời điểm hiện tại.
2. Trong toàn bộ quãng thời gian viết, đầu óc tôi hoàn toàn minh mẫn, không có ai đe dọa về sức khỏe, tính mạng như kề dao vào cổ, dí súng vào đầu.
3. Đây chỉ là những lời thô thiển, ai không đồng tình tôi mong nhận được những góp ý chân thành, mang tính xây dựng để mở mang tri kiến.

31.3.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Sách: Trở lại

  
Đối với Nguyễn Nhật Lâm quyển sách là "trở lại" nhưng theo tôi đối với nhiều người quyển sách là "bước đi," là sự khởi đầu một điều gì đó mới mẻ. Sách cho tôi thấy được khao khát sống mạnh mẽ của những bạn trẻ dám nghĩ, dám làm và dám dấn thân.

Tôi đọc quyển Trở Lại của Nguyễn Nhật Lâm và thấy một phần của con người mà mình đã không muốn (hay không dám?) trở thành trong đó. 

Sách kể về hành trình của một chàng trai trẻ, vốn tự ví mình như "một con ngựa bất kham." Để rồi cái tính háo thắng của chú ngựa non ấy đưa tác giả qua nhiều quốc gia lân cận Việt Nam, mà điểm đến đầu tiên là Trung Quốc, vòng xuống nhiều nước phía nam, tây nam và kết thúc ở Indonesia. Bạn sẽ thêm thấm thía câu nói của ông cha ta, "đi một ngày đàng, học một sàng khôn," sau khi đọc xong tác phẩm.

Tôi không mất quá nhiều thời gian để đọc xong quyển sách của anh, phần do sách khá mỏng, phần có lẽ cũng vì tôi và tác giả có mối quan hệ bạn bè ngoài đời. Dường như mỗi trang sách đã cuốn hút tôi hoàn toàn theo mạch truyện của anh. Câu chữ nhiều lúc còn ngô nghê do người viết không phải là dân chuyên về viết lách nhưng mạch truyện được xây dựng khá ổn theo diễn tiến không gian, thời gian. 

Tôi học được nhiều điều từ cách hành văn của tác giả. Và quan trọng nhất, tôi thích cách tư duy của anh cũng như về nhân sinh quan và các cách mà anh đã vượt qua khó khăn trong những hoàn cảnh tưởng như không có lối thoát.

Đọc toàn bộ quyển sách bạn sẽ được đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhiều lúc còn bật cười khanh khách bởi những chất liệu rất thật của cuộc sống được tác giả ghi nhận và khéo léo đưa vào tác phẩm.

Dù bạn là người già, người trẻ; người đam mê những chuyến phiêu lưu bụi bặm hay người thích cắm đầu vào sách vở thì đây cũng là một quyển sách đáng đọc.

30.3.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

PV kênh truyền hình Let's Việt 2013

LTS: Hôm nay các em khoa Báo chí khóa 2009 đến chỗ mình làm phỏng vấn. Thật nhiều cảm xúc. Cần lưu lại những hình ảnh này.

















22.3.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Chửi mắng và lời dạy của Đức Phật


Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:

- Cù-đàm có điếc không?
- Ta không điếc.
- Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
- Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai.
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.

* Người kêu tên Phật mà chửi. Ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh Ngài không chấp, không buồn. Còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên. Chúng ta tu là tập theo gương Phật, mọi tật xấu của mình phải bỏ, những hành động lời nói không tốt của người, đừng quan tâm, như thế mới được an vui.

Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Từ đây về sau quí vị có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui.

Tuy có chướng duyên bên ngoài mà chúng ta biết hóa giải, không thọ nhận, đó là tu. Không phải tu là cầu an suông, mà phải có người thử thách để có dịp coi lại mình đã làm chủ được mình chưa. Nếu còn buồn giận vì một vài lí do bất như ý bên ngoài. Đó là tu chưa tiến.

Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai, thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó là kẻ khờ, không phải người trí.

12.3.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com