Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

“Pháp trị” – Một vài điều còn nhầm lẫn!

Nhiều bạn bè của tôi vẫn phủ nhận vai trò của Pháp luật để đảm bảo một xã hội có kỷ cương. Họ nói nhiều về “pháp trị”, “đức trị”, “nhân trị”… nhưng có vẻ không đủ kiến thức để thật sự hiểu những khái niệm rất căn bản của Luật học này. Dĩ nhiên tôi nói “không đủ kiến thức” không nhằm mục đích phê phán mà chỉ muốn làm rõ một số sự vật, hiện tượng, đưa nó về đúng bản chất của nó. Tôi cũng chẳng phải hay ho gì nhưng ít ra là người được đào tạo bài bản về Luật. Trong bài viết này, tôi sẽ nêu lên một vài điểm mà một số người còn nhầm lẫn.

Trong bài viết này, tôi xin tập trung nói về “pháp trị.” Khi nói đến “pháp trị”, chúng ta không thể bỏ qua một nhân vật cực kì quan trọng là Hàn Phi, học trò của Tuân Tử, sống vào cuối đời Chiến Quốc. Mặc dù Tuân Tử sùng bái Đạo Nho, vốn đề cao khí tiết Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của người quân tử để xây dựng một xã hội phong kiến thịnh trị thì Hàn Phi lại phủ định tính đạo đức của Đạo Nho. Ông tự sáng lập ra triết lý chính trị riêng, có giá trị rất đáng kể trong việc xây dựng học thuyết Pháp trị của nhà nước phong kiến Trung Hoa tập quyền. Học thuyết Pháp trị của Hàn Phi không những ảnh hưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc mà còn tạo được dấu ấn tại các nước lân bang như Triều Tiên, Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác trong đó có Việt Nam.

Học thuyết Pháp trị của Hàn Phi có ba điểm chính: Thứ nhất, mọi pháp luật đều do vua, quan ban ra và người dân phải tuân theo; thứ hai, thưởng phạt của cấp trên dành cho cấp dưới phải công minh dựa trên công và tội; thứ ba, pháp luật đại diện cho lẻ công bằng của xã hội và đại diện uy quyền tối thượng của nhà vua.

Hàn Phi

Học thuyết của Hàn Phi có nhiều mặt tích cực cũng như tiêu cực trong hoàn cảnh xã hội Trung Quốc đương thời có nhiều rối ren do sự tranh giành của các chư hầu. Để quy giang sơn về một mối và an nhiên thiên hạ sau một cuộc bể dâu của hơn 500 năm thời Xuân Thu và Chiến Quốc thì học thuyết của ông đã tỏ ra có giá trị. Người hâm mộ cuồng nhiệt nhất, áp dụng học thuyết của Hàn Phi một cách triệt để là Tần Thuỷ Hoàng. Sau khi diệt được các kình địch là Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Nguỵ, vua, quan nhà Tần đã đặt ra pháp luật một cách hà khắc để cai trị dân đen. Và hậu quả của nhà Tần ra sao thì chắc hậu thế cũng đã rõ.

Ngày nay, khi nhắc đến “pháp trị”, nhiều người còn lầm tưởng về một thời kỉ luật sắt với những thanh gươm dính đầy máu. Thực tế khi nhắc đến pháp trị ngày nay, người ta muốn đề cập đến những quốc gia có nền pháp trị ổn định, là những quốc gia có nền pháp luật được xây dựng dựa trên những giá trị tự do dân chủ thời hiện đại như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Đức…

Nền pháp trị hiện đại không dựa trên nền tảng sắt, máu của Hàn Phi Tử hơn 2.000 năm trước mà được xây dựng trên tư tưởng của các Triết gia về Pháp quyền hiện đại như Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau, Niccolò Machiavelli, John Locke, Thomas Hobbes, Denis Diderot… Học thuyết của các thuyết gia trên được Triết gia hậu bối là Max Weber tổng kết trong những ngôn từ thật ngắn gọn nhưng đầy đủ: “Ưu thế của luật pháp!.”

Montesquieu nổi tiếng với lý thuyết tam quyền phân lập

Để phân biệt hai khái niệm pháp trị của Hàn Phi Tử và các học giả về Triết học pháp quyền, các học giả phương Tây ngày nay chia pháp trị ra làm hai loại: Rule by Law (cai trị bằng pháp luật), đại diện tiêu biểu là Hàn Phi và Rule of Law (sự thống trị của pháp luật), đại diện là các học giả tiêu biểu mà tôi đã nêu. Sống dưới xã hội cai trị bằng pháp luật, người dân phải chịu đựng sự hà khắc của pháp luật mà vua, quan đặt ra. Luật pháp là ưu thế của nhà cầm quyền do giai cấp thống trị xã hội quyết định. Còn sống dưới một xã hội mà pháp luật thể hiện được vị trí thượng tôn của mình thì mọi người đều phải ở dưới pháp luật và chịu sự chi phối của pháp luật. Theo nghĩa thứ hai, pháp trị sẽ hoàn toàn mang ý nghĩa tốt đẹp vốn có của nó và đảm bảo ba chức năng: Thứ nhất: pháp trị là công cụ quản trị xã hội và là cán cân điều chỉnh quyền lực của nhà nước để tránh một chế độ độc tài, lạm quyền; thứ hai, pháp trị như là cán cân công lý và mọi người đều được bình đẳng; thứ ba, pháp trị là thẩm quyền tài phán phải được tuân thủ theo thủ tục tố tụng đã định trước trên nguyên tắc số đông.

Một vài người cho rằng chúng ta không thể xây dựng được một xã hội pháp trị tốt đẹp do dân ngu, dân hèn, dân dốt… Nói chung là họ đỗ mọi tội lỗi cho người dân. Đứng trên góc độ của một người học Luật, tôi cho rằng chúng ta sẽ xây dựng được xã hội dân sự đáng mơ ước, chỉ cần chúng ta xây dựng được cơ chế tốt cho việc lập pháp được diễn ra theo một cơ chế có khoa học dựa trên các học thuyết dân chủ hiện đại. Ở đó, hệ thống lập pháp sẽ như một cơ thể chính trị có khả năng tự miễn dịch, tự đào thải được những căn bệnh thăm căn cố đế của xã hội. Dĩ nhiên, để tạo được một cơ thể lập pháp tốt, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi rất nhiều những quốc gia tiến bộ hơn chúng ta cả trăm năm về trình độ lập pháp mà không cần phải “sáng tạo” như cách chúng ta vẫn đang làm. Nói đến đây, nhiều người lại cho rằng Việt Nam có những cái riêng biệt, cái đặc thù, tôi cho rằng đó là sự nông cạn do thiếu hiểu biết khi tự cho mình là ngoại lệ khi không tin vào các giá trị mang tính phổ quát của nhân loại.
 
04.9.2014
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét