Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Cái nghèo của người dân Bình Phước

Đến với Bình Phước, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt những người từ xa tới đây là những cánh rừng cao su trải dài tít tắp. Những năm gần đây nhà nước đẩy mạnh trồng cây cao su để xuất khẩu. Cao su mang lại giá trị kinh tế cao do đó còn được mệnh danh là "vàng trắng". Thế nhưng cũng không hiểu vì sao ở đây lại còn quá nhiều người dân nghèo có thu nhập dưới 400 nghìn/người/tháng (theo chuẩn của nhà nước).

Khi chúng tôi đến hỏi thăm những người dân sống lâu năm ở đây, họ đã không ngần ngại trả lời chúng tôi. Đa số những người nghèo nơi đây không thể xin vào làm việc ở nông trường cao su vì họ là những người không có người thân, bạn bè làm việc tại đây. Để vào làm việc trong nông trường, nếu không có họ hàng thân thiết, mỗi công nhân phải bỏ ra cái giá vài chục triệu đồng là việc bình thường. Lương công nhân cao su cũng thuộc vào hàng cao, có thể lên đến 7 - 8 triệu mỗi tháng. Công việc ở nông trường cao su cũng không nhàn nhã gì. Thường những người cạo mủ cao su phải đi cạo mủ từ khuya cho đến sáng vì vào khoảng thời gian đó cây cao su cho nhiều mủ nhất. Những người công nhân nào có sức khỏe không vững chắc lập tức sẽ bị đào thải ngay khỏi nông trường cao su. Điều đó tạo ra một cuộc chiến âm thầm nhưng vô cùng dữ dội trong những nông trường cao su tưởng chừng như yên bình.


Những người đã có được chỗ làm vững chãi trong nông trường cao su và được quyền đuổi việc hay nhận công nhân vào nông trường thường tìm cách moi tiền của những công nhân cao su bằng cách cố gắng đuổi họ ra khỏi vị trí làm việc của mình. Một lỗi mà công nhân cao su gặp phải dù lớn, nhỏ đều có thể dẫn đến mất việc. Mỗi lần có một công nhân mất việc thì nông trường phải tuyển thêm người mới để thay thế vào chỗ của người đã bị mất việc. Nếu người mới vào không có bà con, họ hàng thân thiết gì với những người có tiếng nói trong nông trường cao su thì để có được vị trí làm cùng với đồng lương như mong muốn, những người công nhân lại phải bỏ tiền ra đút lót cho những người này.

Thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nay trong những nông trường cao su Bình Phước. Thực tế ấy cũng là thực tế cuộc sống hàng ngày mà chúng ta phải trải qua trong xã hội này. Tất cả mọi người đều đang cố gắng tranh giành nhau những món lợi lộc dù là nhỏ nhất. Mỗi hành đồng, việc làm của con người ngày càng dính vào một thứ mà tôi gọi là "lợi ích cốt lõi." Nghĩa là nếu con người nào đó hành động dựa vào "lợi ích cốt lõi," thì từng hành động của họ đều làm sao để mang đến ích lợi nhiều nhất cho mình. Càng ngày càng thấy cuộc đời này quả là không dễ sống như tôi đã từng nghĩ. Thế nhưng đó mới là cuộc đời và chúng ta càng ngày càng phải "tính toán" với nhau nhiều hơn.

09.01.2012
Hồ Quốc Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét