Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Mô thức lãnh đạo tâm và tài

LTS: Trong hai ngày 05 & 06/4/2013, tôi có tham gia khóa huấn luyện “Middle Manager & Leader Mindset.” Sau đây là một số cảm nhận của tôi có liên quan đến khóa học này. Riêng thông tin về khóa học, các bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.

Từ mô thức lãnh đạo tâm và tài

Thời gian đầu tiên đến với khóa học, chúng tôi được trải nghiệm cảm giác của một người mù. Việc dùng một chiếc khăn bịt mắt bạn lại, chỉ với tiếng nhạc làm phương hướng, bạn phải tìm đến phòng học của mình là một thử thách vô cùng thú vị cho bất kỳ ai trong chúng ta. Qua trải nghiệm đó, bạn sẽ hiểu và thông cảm được với những người không may mắn mất đi ánh sáng cuộc đời để thấy bạn còn may mắn hơn biết bao nhiêu người.

Nhưng có lẽ tôi ấn tượng mạnh nhất vào buổi sáng đầu tiên tham gia khóa học là phương pháp thôi miên bằng bóng tối và âm thanh. Khi bạn bị hạn chế một giác quan nào đó thì các giác quan còn lại của bạn bắt buộc phải hoạt động mạnh mẽ hơn. Trong trường hợp này, khi thị giác của bạn bị hạn chế thì thính giác và xúc giác của bạn trở nên cực kỳ nhạy cảm. Bạn sẽ dễ dàng bị tác động mạnh mẽ bởi âm thanh, những va chạm liên quan đến da. Từ đó, những ký ức đôi khi đã vùi sâu trong tâm trí bạn sẽ trở về nhanh và mạnh hơn bao giờ hết.

Tôi có thể khẳng định, toàn bộ buổi sáng đầu tiên của khóa học chỉ nhằm mục đích duy nhất là hướng bạn về với nền tảng gia đình. Với phương châm gia đình là tế bào của xã hội và bệ phóng cho mọi cá nhân, những người nghĩ ra chương trình đã thành công khi đưa được người tham gia khóa học quay về với những giá trị đạo đức cơ bản nhất của người phương Đông. Hướng con người ta quay về với gia đình là một mô thức không có gì mới lạ. Từ xa xưa, Khổng Tử, người được xem là sáng tạo ra Nho giáo đã gói gọn cuộc đời mình chỉ trong vài chữ: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Giá trị cốt lõi mà buổi học muốn hướng đến cũng không có gì ngoài hai chữ “tề gia” – lo lắng việc gia đình chu toàn. Điều này không có gì mới, đã được Khổng Tử và các học trò nói đi, nói lại hơn 2.500 năm nay. Điều đáng khen của khóa học là nó đã vận dụng khéo léo tư tưởng này để nâng tầm người lãnh đạo.



Học thuyết lãnh đạo hiện đại ngày càng gần với Khổng Tử.

Đến nâng tầm người lãnh đạo

Khóa học dùng những mô thức đã được xây dựng thành công thức để nâng tầm người lãnh đạo. Hầu hết các mô thức này bạn có thể tìm thấy trong các loại sách được dịch từ các nguồn tài liệu nước ngoài. Tôi hoàn toàn không thấy nhiều điều mới mẻ từ các bài học lý thuyết bởi tất cả những thứ đó tôi ít nhất một lần được làm quen khi đọc các loại sách dịch “self-help.” Các mớ lý thuyết này vốn xuất phát từ vài giá trị cơ bản sau đó được hết người này tới người nọ mỗi người phát triển theo một hướng khác nhau. Thành ra hết người này hô hào đến người khác hô hào nhưng cuối cùng chẳng ai dám phủ nhận ai cả. Họ chỉ quanh quẩn vài từ như: “chăm chỉ”, “nhiệt thành”, “chiến lược”, “sáng tạo”, “dẫn đầu”, “đột phá”… Tất cả những từ trên về nội hàm thì muôn hình, vạn trạng nhưng về ngoại diên thì cũng không thể vượt qua được từ “trách nhiệm.” Chỉ cần có “trách nhiệm”, bạn sẽ bắt buộc mình có tất cả những thứ còn lại. Nhưng nói như vậy cũng có nghĩa là bạn lại quay về với Khổng Tử và các học trò của ông hơn 2.500 năm về trước: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Đấy cũng chỉ là cách nói để làm bạn có trách nhiệm với bản thân mình, gia đình mình, đất nước mình, thế thôi. Thành ra, một cây dù có cành lá xum xuê đến mấy thì bộ phận nuôi dưỡng nó, giúp nó trụ và đứng vững được cũng là bộ rễ, là thứ mà chúng ta không dễ gì nhìn thấy được. Khổng Tử bàn về con người là bàn về bộ rễ, còn những điều bạn học được từ khóa học này chỉ là cành lá xum xuê.

Tất cả những mô thức tôi được học trong khóa học này được đúc kết, rút tỉa theo phương pháp thống kê để cho chúng ta học theo. Nhưng nếu bạn tin rằng học theo những thứ này đến một ngày nào đó bạn sẽ thành công thì bạn thật sự là người lầm lẫn giữa nguyên nhân và kết quả. Điều đó cũng tương tự như việc bạn cho rằng đa số những ai tốt nghiệp trường Đại học Harvard ra đều thành công, có vị trí cao trong xã hội thì bạn thật sự là lầm lẫn bởi trước khi vào được Harvard thì họ đều đã là tinh hoa của giới học thuật nước Mỹ. Bạn cần định hình lại tư tưởng, những người giỏi mới vào được được Harvard do đó Harvard nhìn một mặt nào đó chỉ là thương hiệu của họ mà thôi. Còn giỏi thì họ đã giỏi sẵn rồi. Không cần Harvard thì họ vẫn thành công. Harvard chỉ là bước đệm, không phải là đôi cánh. Hai cựu sinh viên nổi tiếng nhất của Harvard hiện nay là Bill Gate và Mark Zuckerberg là hai người bỏ Harvard từ rất sớm. Hai người này, người đầu tiên thì đã nổi tiếng hơn, giàu có hơn tất cả tổng thống Mỹ từng sinh sống còn người thứ hai thì có khả năng làm được điều đó.

Tuy nhiên cũng không nên phủ nhận toàn bộ công sức của những người xây dựng khóa học khi họ đã có công hệ thống lại những thông tin, những giá trị chung mà đa số các lãnh đạo thành công trên thế giới có được. Mặc dù vậy tôi cũng không tin rằng đây là những mô thức hoàn toàn đúng đắn, nếu tin và làm theo chúng bạn cũng chỉ có thể là những lãnh đạo thường thường, bậc trung, đạt từ 5 đến 6 trên thang điểm 10. Tại sao? Theo tôi, bạn đã tự động triệt tiêu đi khả năng sáng tạo kèm theo đó là sự khác biệt của bản thân mình. Trong một thế giới cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, những mô thức chung chung, những cá nhân có ít điểm dị biệt rồi sẽ không tồn tại được.

Vậy khóa học này chẳng có lợi ích gì cho việc nâng tầm lãnh đạo của bạn? Không hẳn như vậy! Một vài trải nghiệm bằng các trò chơi đó là những trải nghiệm đặc biệt giúp bạn học được vài giá trị cốt lõi trong công việc như tinh thần trách nhiệm (phạt người lãnh đạo của bạn hít đất khi bạn làm sai); bước trên gai hoa hồng, giữ thẳng tay và cầm tờ giấy trong 20 phút (khả năng và sự chịu đựng của bạn cao hơn mức bạn tưởng)… đều giúp bạn nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với nhóm của mình cũng như nâng cao sức mạnh của bản thân trong giải quyết công việc.

Vậy để tổ chức đi lên cần những gì?

Theo tôi, để công ty chúng ta nói chung và phòng chúng ta nói riêng đi lên thì cần áp dụng hai chính sách sau:

1. Ban giám đốc, Trưởng phòng cần chăm lo đời sống anh em trong hạn định cho phép: Một khi anh em thấy ban giám đốc, trưởng phòng đã chăm lo đời sống cho mình tốt (trong khả năng cho phép) thì không ai dại gì mà đứng núi này trông núi nọ. Điều này đã được ban lãnh đạo Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Lát-sa-ta thực hiện rất tốt trong năm 2012, đầu năm 2013.

2. Thanh lọc bộ máy nhân sự theo định kỳ, theo đó những cá nhân không còn phù hợp với công ty phải xuống xe: không phù hợp về trình độ tay nghề, không phù hợp về tư tưởng, có khác mục đích, nhìn khác hướng… Đề xuất mỗi năm nên có từ 5 – 10% người rời khỏi công ty, không phân biệt số năm làm việc tại công ty. Con số 5 – 10% những người mới được tuyển vào sẽ mang đến một luồng gió mới, với những con người trẻ lao động hăng say hơn cho tập thể.

09.4.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét