Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

10 tuổi đọc V.I.Lênin toàn tập cũng không có gì đáng ngại nếu biết phản tư


Gần đây có nhiều người phê phán việc một cậu bé 10 tuổi đọc V.I.Lênin toàn tập—theo nhiều nguồn thì khoản 55 tập chính và hai (02) tập tra cứu. Với một tác phẩm đồ sộ như vậy thì một người bình thường đọc chăm chú thì cũng phải mất bốn đến năm năm. Người lười biếng thì có khi cả đời cũng không thể nào đọc hết một tập. Tôi cho rằng không nhất thiết phải phê phán như vậy vì bản thân mỗi con người vốn có quá trình tự thân và phản tư. Giả sử một con người không có tự thân và phản tư, thì việc có hoặc không đọc V.I.Lênin toàn tập cũng sẽ mang đến một kết quả như nhau. Việc đọc mà thiếu phản tư giống như việc bạn scan hàng triệu quyển sách để lưu trữ vào máy vi tính, việc làm này không thể giúp máy vi tính biết suy nghĩ, mà chỉ đơn giản là chúng ta đang làm đầy bộ lưu trữ của nó.

Mạnh Tử nói: “Hoàn toàn tin sách, thà chẳng có sách còn hơn”. Có thể hiểu, đọc sách mà không biết phản tư thì cũng giống như đang tự hại chết bản thân mình—thực tiễn, tôi đã thấy nhiều người, thậm chí một vài dân tộc, đất nước đã tự đào hố chôn mình khi chỉ biết “hoàn toàn tin sách”. Sách vở, bản thân nó cũng giống như một con người, một công nghệ, một cỗ máy; hay giản đơn hơn, thay đổi nhanh và liên tục hơn như một phần mềm vi tính lập trình. Thực tiễn cho thấy—chỗ này nhiều người có thể tự liên hệ với thực tiễn của mình để tự tìm hiểu và chứng minh—một công nghệ, một cỗ máy, một phần mềm càng tân tiến và hữu dụng thì những người tạo ra cần liên tục cải tiến và phát triển chúng. Hay nói cách khác, khi nói không với sự cải tiến và phát triển thì đồng thời cũng là nói có với sự lạc hậu và thất bại. Không thể nào có cái gọi là hoàn hảo, bất khả xâm phạm, mà mọi thứ phải được tiếp thu, sửa chữa, và thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và sự tiến bộ chung của những giá trị phổ quát của nhân loại. Sách vở, do vậy, nếu thiếu sự phê phán, thì cũng giống như độc dược làm hư hại và hao tổn sức khỏe tinh thần.


Khi đọc “Thép Đã Tôi Thế Đấy”, tôi có nhiều điểm không đồng tình với Pavel Korchagin—nhân vật chính của tác phẩm, và những câu chuyện, suy nghĩ của anh cũng là chủ đề của tác phẩm. Pavel Korchagin có xu hướng đánh đồng những người giàu có, nhiều đất đai vào thời của anh ta là những kẻ xấu, độc ác, và cần phải bị tiêu diệt. Từ đó, anh ta cho rằng cần phải thực hiện cách mạng triệt để nhằm tiêu diệt họ, thay thế họ bằng một tầng lớp công-nông mới. Về mặt tư tưởng, tôi cho rằng nhiều lối suy nghĩ của Pavel Korchagin có xu hướng bạo lực, tiểu nông, ích kỷ, và chống lại sự tiến bộ chung của loài người. Dù có đặt “Thép Đã Tôi Thế Đấy” trong bối cảnh thời đại của tác phẩm cũng khó có thể thông cảm được quan điểm cho rằng hễ giàu có, sung túc, có nhiều đất đai là đi liền với sự bóc lột, cái xấu, và cái ác; dù có thể có sự tương quan, tuy nhiên không thể đánh đồng tất cả bằng một mẫu số chung, việc làm đó thể hiện sự tùy tiện, cào bằng, làm triệt tiêu tư tưởng tiến bộ về quyền tư hữu mà phải mất rất lâu—có thể nói là kể từ khi con người bắt đầu biết suy nghĩ—nhân loại mới dần thừa nhận và tôn trọng.

Tôi có được những nhận định của riêng mình về tác phẩm “Thép Đã Tôi Thế Đấy” bởi vì chính tôi là người đã bỏ thời gian ra đọc và nghiền ngẫm tác phẩm đó, chứ không phải nghe thuật lại từ lời khen của những người khác. Do vậy, bất cứ ai, dù già hay trẻ, tự bỏ thời gian ra đọc sách đã là một điều đáng khen và nên được khích lệ. Người đọc sách nếu biết phản tư sẽ tự tìm được ý nghĩa và lẽ sống của riêng mình.


26/09/2021
Hồ Quốc Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét