Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Vụ 5 công an đánh chết người: Áp dụng pháp luật ra sao?

Vụ 5 công an viên dùng nhục hình làm chết người ở Phú Yên có 3 điều cần lưu ý:

1. Giám định pháp y cho thấy, anh Ngô Thanh Kiều (nạn nhân) bị hơn 70 thương tích trên cơ thể, trong đó có nhiều tổn thương não do bị dùi cui tác động mạnh nhiều lần.

2. Luật Hình sự năm 1999, tại Điều 299, khoản 1 có quy định: “Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.” Điều này có nghĩa là việc dùng nhục hình trong bất cứ tình huống nào cũng là trái luật. Khoản 3, Điều này còn quy định thêm: “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.” Mạng sống của anh Ngô Thanh Kiều chính là dấu hiệu cho thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm pháp luật của năm công an viên gây ra. Nhưng liệu việc tước đoạt mạng sống của một con người có đủ được xem là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng? Tôi xin để câu trả lời này cho các nhà làm luật Việt Nam. Cần phải nói thêm là theo quy định của Bộ Luật hình sự 1999, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Liệu Chủ tọa tại phiên xử của TAND TP Tuy Hòa vừa qua đã lập luận rằng mạng sống của anh Ngô Thanh Kiều, cùng các dấu hiệu vi phạm pháp luật của 5 công an viên chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm theo khoản 3, Điều 299?

3. Bộ Luật Hình sự 1999, Điều 97, khoản 1 quy định: “Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.” Rõ ràng, hành vi của 5 công an viên đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người chứ không còn là dùng nhục hình như bản án của TAND TP Tuy Hòa tuyên nữa. Trong phiên xử phúc thẩm (có thể là giám đốc thẩm), liệu cơ quan tư pháp có áp dụng điều luật này cho 5 công an viên? Xin hãy để hồi sau phân giải!

Từ những lập luận trên cho thấy bản án của TAND TP Tuy Hòa vừa tuyên là chưa đúng người, đúng tội, xem thường mạng sống của người khác.

Người đứng đầu Nhà nước – Đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – đã lên tiếng, liệu công lý có được thực thi?

23.4.2014
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét