Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Trung thu năm 2010

Chiều nay lội bộ trên đường Phan Xích Long, thấy mấy em nhỏ khoảng 11 - 12 tuổi đang ngồi đốt đèn cầy bên đường tự nhiên thấy nhớ tuổi thơ mình vô kể. Nhiều lúc sống nhanh quá nên quên mất quá khứ hồi nhỏ của mình. Nếu được sống lại những ngày đó thì sao ta? Có lẽ mình cũng sẽ sống như đã từng sống vậy thôi. Tự nhiên lại cảm thấy yêu vô cùng những ngày bé thơ của mình.
Vừa về đến công ty, bước vào sảnh tự nhiên bắt gặp một anh bảo vệ đang xem chương trình Du lịch và Cuộc sống của HTVC. Chương trình quay ở quê mình... mà có phải quê của mình không ta? Cà Mau... hai tiếng thân thương quá! Đúng rồi, Cà Mau là quê hương tuổi thơ, quê hương của thời thơ ấu... của những tháng ngày chơi ken cú, tắm vuông, hái trái đước để chơi gà, chui vào rừng hay trảng để bắt vợp, hái trái mắm nhai chơi, chua chua, chát chát, nhai trái mắm xong nhảy xuống vuông tôm uống nước mặm, cũng ngon lắm. Nhớ có lần mình bắt được 13 hay 14 con vợp. Sau đó trên đường về bán cho một người, được 14 ngàn. Tự nhiên bị mẹ la quá chời, vì vợp bự mà bán 1 con có một ngàn. Mẹ bắt chui vào rừng bắt lại, đủ nhiêu đó mới cho về.

Thích nhất là đi câu lịch. Đi từ sáng tới chiều, buổi trưa không thèm về ăn cơm. Hồi nhỏ công nhận mình nhịn đói hay thiệt. Mà câu lịch mà về buổi trưa là đâu có vui! Phải về lúc 1 - 2h, khoảng từ 10 - 12h là lúc lịch ăn nhiều nhất. Lội trong vuông, nguyên một đám, đứa nào mặt mài cũng đầy sìn non. Lụm sìn chọi nhau. Chọi vui mà lỡ sìn bay vô mắt là xem như tiêu luôn. Lặn xuống nước mặm, mở mắt ra, rồi lắc cái đầu qua lại cho sìn non trôi ra khỏi mắt. Sau đó ngốc đầu dậy... chơi tiếp. Thằng nào chơi ăn gian thì tới gần cầm nguyên một cục sìn non đập vào mặt, đập vào mắt... cho vui.

Đi xa quê gần 4 năm rồi mới thấy quê mình đẹp. Hay là mấy thằng cha quay phim bên HTV quay đỉnh quá nên mình mới thấy nó đẹp. Không biết nữa... Thôi, dù dì thì quê mình cũng đẹp. Người Cà Mau thật thà, chất phát và dễ bị dụ hơn người Kiên Giang. Vậy mà 4 năm rồi không về gặp lại người Cà Mau nào. Có gặp được một số đứa ở Cà Mau nhưng tụi nó ở thành phố chứ đâu phải ở vuông tôm như mình. Mà tụi nó hình như không phải người Cà Mau hoặc có thể là người Cà Mau "biến chất".

Nhớ Đẳng, Điền... hai đứa đánh bài hay dễ sợ. Mỗi lần đánh với 2 anh em mài là lúc nào tao cũng thua phải chống xuồng mua cớm chung hết. Hai anh em nhà mài xấu dễ sợ... Mà nhớ đánh bài với 2 anh em mài mà lên đây tao đánh bài ít thua lại. Kinh nghiệm của những năm tháng thua phải chống xuồng đi mua cớm 11, 12h đêm. Có lần chơi đánh quỳ gối, xong tới nhất muốn xỉu...

Nhớ anh Hoàng, anh Hưởng... hình như 7, 8 năm rồi chưa gặp lại hai anh. Nhớ nhất là cái lần anh Hoàng cầm cái nạn thung bắn thành đường cầu vòng trúng con chim chài chài. Con chim té xuống, chết queo. Hai anh em đem chôn, lấy miễm vợp làm quan tài. Rồi làm mộ cho nó. Cấm đúng 3 cây nhang. Sau đó mấy anh em xúm lại quỳ lại con chim. Đúng một tuần sau lấy cốt con chim. Mở quan tài ra thấy con chim bị mấy con kiến lửa cắn quá chời. Tội nghiệp...

Thằng Minh Nhí nữa... Chuyên gia bị tao với anh Hoàng ăn hiếp... cho mài chết... ai biểu láo...

Tự nhiên nhớ đêm trăng chơi bắt trốn. Nhìn đồng hồ thấy 12h đêm, sợ ma quá, nghe người lớn kể đúng 12h đêm thì con ma sẽ hiện hình ra. Ngoài con ma ra còn kẻ ông kẹ chuyên gia đi ăn hiếp con nít.

Người Cà Mau, hay là người ở lòng vòng cái xớm của mình cũng không biết nữa dễ bị dụ nhất - là những người thật thà nhất mà mình từng gặp.

Hẹn gặp mọi người lúc tết. Hình như chỉ gặp được 2 anh em thằng Đẳng với thằng Điền. Minh Nhí, Minh Hoàng, Hưởng, Hoàng về quê sống rồi. Dân Cà Mau là dân tứ xứ về đây làm ăn mà.

Tết năm nay nhất định sẽ về!

(Viết đoạn note này xong đọc lại thấy nó hổng giống người Cà Mau chính gốc viết tí nào... Có lẽ nó do một người Cà Mau "biến chất" viết. Hình như có những từ mà chỉ người Cà Mau mới xài, viết ra chắc không ai hiểu hay có những từ trong note này mà người Cà Mau chính gốc không thể nào hiểu được. Thôi thì cứ viết, mà có lẽ những người đọc được note này chắc cũng không có ai là người Cà Mau.)

23/9/2010
Hồ Quốc Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét