Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Làm sao để có việc làm phù hợp sau khi ra trường?

LTS: Bài viết dưới đây là bài phỏng vấn và trả lời giữa một em sinh viên năm 3 ngành báo chí và tôi. Bài phỏng vấn dự định đăng trên Nội san Đại học quốc gia TP.HCM. Đã lâu lắm rồi, tôi không thấy "nhà báo" cho hay là có đăng bày này hay không?; hoặc cô ta đã biên tập lại như thế nào? Không thấy nên tôi cứ để lại nguyên văn bảng hỏi và bài trả lời.

BẢNG HỎI:
 
"Anh Nam ơi!
Em đang làm trang phỏng vấn ý kiến của Bản tin ĐHQG đó anh.
Số này sẽ là một bạn sinh viên năm 3 đặt câu hỏi: Làm sao để có việc làm phù hợp sau khi ra trường, và không bị thất nghiệp quá lâu?
Anh có thể chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm cụ thể của anh không ah? cỡ 150 chữ anh nhé?
Em mong anh trả lời sớm giúp em vì chuyện này anh kinh nghiệm đầy mình mà, anh gửi cho em một ảnh thật đẹp của anh nữa nhé!
Em cảm ơn anh nhiều nhiều!"


TRẢ LỜI:

Chào Ánh!

Câu hỏi của em là: “Làm sao để có việc làm phù hợp sau khi ra trường, và không bị thất nghiệp quá lâu?” .

Câu hỏi của em cũng đã bao gồm ý trả lời luôn rồi đó em! Muốn có việc làm phù hợp thì mình phải có định hướng từ trước: ra trường mình sẽ làm gì?; thực tế của công việc khi ra trường đòi hỏi những gì?. Trả lời được hai câu hỏi đó là mình đã định hướng được tương lai của mình sau khi ra trường. Do đó mình cần tìm hiểu/nói chuyện trước với những người đang hoạt động trong lĩnh vực/ngành nghề mà sau này mình sẽ theo.

Còn theo kinh nghiệm cá nhân của anh và của một số anh/chị đi trước thì để biết được có thất nghiệp lâu hay không sau khi ra trường thì các bạn nên lưu ý một số điểm sau:

A. Khách quan: (đa phần chúng ta không quyết định được)

1. Đặc thù ngành em đang học: Có một số ngành rất dễ kiếm được việc làm do đó khi sinh viên ra trường sẽ không mất quá nhiều thời gian để xin việc. Một số ngành khó tìm được việc làm thì các bạn phải mất nhiều thời gian hơn để xin được một công việc vừa ý của mình.

B. Chủ quan: (thứ tự ưu tiên từ 1 – 4)

1. Kiến thức chuyên ngành: Anh nghĩ kiến thức trong trường rất quan trọng cho chúng ta khi đi làm vì đó là kiến thức nền tảng. Đa số những nhà tuyển dụng không đánh giá cao những con “mọt sách”, nhưng họ luôn luôn đánh giá cao những sinh viên có học lực khá giỏi và làm được việc. Nếu bạn tự tin là kiến thức trong trường của bạn không giỏi nhưng kiến thức công việc đòi hỏi trong thực tế bạn nắm vững thì đó cũng là một lợi thế khi đi xin việc.

2. Ngoại ngữ và tin học: Việc có được một ngoại ngữ khi đi xin việc là một lợi thế, đặc biệt là tiếng Anh. Nếu không có tiếng Anh mà em giỏi bất kì một ngoại ngữ nào khác thì cơ hội việc làm của em sẽ cao hơn những bạn không có một ngoại ngữ nào. Về Ngoại ngữ thì mình cũng không nên nói suông là, “Em giỏi ngoại ngữ này, em khá ngoại ngữ nọ,” mà nên có chứng chỉ để chứng minh. Ví dụ như Anh Văn thì mình cần những chứng chỉ được quốc tế công nhận như: TOEIC, IELTS, TOELF. Điểm của những chứng chỉ này không cần cao, bao nhiêu cũng được, có là tốt, không có thì em phải thể hiện bằng những hình thức khác: viết bài luận, đơn xin việc, CV hoặc chấp nhận phỏng vấn bằng tiếng Anh chẳng hạn. Tin học thì người ta không đòi hỏi nhiều lắm, chủ yếu là tin học văn phòng: word, excel là đủ.

3. Tinh thần ham học hỏi và cầu tiến: Mình mới ra trường thì kinh nghiệm thực tế chưa có nhiều do đó cần phải thể hiện mình là một người ham học hỏi và cầu tiến thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao mình. Ví dụ như trong giai đoạn thử việc, nếu có hai người làm tốt công việc gần như nhau, nhưng do yêu cầu công việc cần phải loại bỏ một người, người ta sẽ chọn người có tinh thần ham học hỏi và cầu tiến chứ không chọn người nhỉn hơn. Người có tinh thần ham học hỏi và cầu tiến thì khi đi đường dài sẽ luôn tiến xa hơn.

4. Kinh nghiệm thực tế: Không cần phải có nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng ít nhất mình cũng đã từng tham gia một số công việc có liên quan đến việc làm mà mình định hướng. Đó có thể là những việc làm thêm, những công việc bán thời gian… làm ít, làm nhiều không quan trọng nhưng anh nghĩ là nên có. Ví dụ như học Luật thì em nên có một số bài báo nghiên cứu khoa học về Luật hoặc tham gia một số vụ việc liên quan đến Luật Pháp; học Báo Chí thì nên có một số bài nhỏ đăng báo hoặc một số clip ngắn do em tự làm, hay hay không không quan trọng miễn sao mình có làm là được; học xây dựng thì các bạn nên đi làm những công trình nhỏ trước, các công trình này chỉ mất mấy tháng để làm nhưng cũng đủ để khẳng định là bạn đã có kinh nghiệm từ trước.

Anh có lời khuyên như thế này: Tìm được việc làm sớm hay muộn không quan trọng, quan trọng là các bạn phải chuẩn bị thật kỹ trước khi bước ra thực tế công việc. Việc có kiến thức chuyên ngành vững, ngoại ngữ tốt là đủ để đảm bảo cho bạn một công việc tốt sau khi ra trường. Mới ra trường mà chưa xin được việc, đặc biệt là giai đoạn khoảng sáu tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp, các bạn cũng không nên quá lo lắng, nếu không xin được việc làm lớn thì xin làm việc nhỏ, rồi từ từ, từng bước một chứng minh năng lực của mình!

PS: Bài viết này anh viết theo dạng chia sẻ kinh nghiệm. 150 chữ thì ngắn quá! Em cứ biên tập lại theo ý hiểu của em!

Chúc em thật sức khỏe và học thật giỏi!

16.11.2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét