Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Công nghiệp nặng sau hơn 50 năm

Sau hơn 50 năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ở Việt Nam, chủ trương công nghiệp hóa lần đầu tiên được đưa ra tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), với quan điểm: xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối, hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp hiện đại.

Có ba khái niệm cần làm rõ: 1. nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, 2. công nghiệp nặng, 3. công nghiệp nhẹ.

Thứ nhất, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa xuất phát từ Chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin có ba phần: cơ bản (triết học Mác-Lênin), nâng cao (kinh tế chính trị) và cao cấp (Chủ nghĩa xã hội khoa học). Vận dụng máy móc chủ nghĩa này, các nước theo đường lối Xã hội chủ nghĩa cũ đã đẻ ra nền kinh tế tập trung, bao cấp gây không biết bao nhiêu khổ sở cho nhân dân. Đa số các nước đã hoàn toàn từ bỏ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và chuyển thành nước tư bản. Vài nước cố gắng cải tạo nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một vài nước còn lại vẫn ôm nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kiểu cũ và đang trả giá rất đắt trước nền kinh tế thị trường bằng chính vận mệnh của quốc gia, dân tộc mình.

Thứ hai, công nghiệp nặng có thể được hiểu là ngành mà sản phẩm dùng để cung cấp cho các ngành công nghiệp khác. Ví dụ, đầu ra của các xưởng thép, nhà máy hóa chất là đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ hoặc bán buôn khác nhiều hơn là bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Thứ ba, công nghiệp nhẹ được xem là hoạt động sản xuất, chế tạo sử dụng một khối lượng vừa phải nguyên vật liệu đã được chế biến để tạo ra những sản phẩm có giá trị khá cao so với khối lượng của chúng. Ví dụ về các ngành công nghiệp nhẹ như: giầy dép, quần áo, đồ nội thất, thiết bị trong nhà, giấy, thuốc lá, nước giải khát v.v..

Cần phải hiểu là so với công nghiệp nhẹ thì công nghiệp nặng cần trình độ sản xuất cao hơn và tư bản nhiều hơn. Do đó không thể nào duy ý chí lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, phát triển công nghiệp nặng trước rồi mới phát triển công nghiệp nhẹ.

Ở Việt Nam, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa giờ sau hơn 50 năm đã biến tướng thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hai cụm còn lại, sau gần một đời người thì thành tựu là một con số 0 tròn trĩnh.

20.11.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

1 nhận xét: