Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

HỌC KÌ QUÂN ĐỘI THIẾU NHI – NGÀY THỨ SÁU

Lễ tiễn lá thư thứ hai về với gia đình

Hôm nay đã là ngày thứ sáu của chương trình, vậy là ngày mai các em sẽ rời khỏi đây, rời khỏi ngôi nhà thứ hai của mình. Sáng nay các em dậy sớm tập thể dục như thường ngày, nhưng trong tâm trạng mỗi em lại mang theo một niềm háo hức vì sáng nay các em sẽ được tiễn lá thư thứ hai và cũng là lá thư cuối cùng gửi cho cha mẹ trong chương trình HKQĐ. Nhiều em đã khóc nấc lên khi nghe chị Phượng Linh kể câu chuyện về một cậu bé không biết trân trọng tình thương của cha giành cho cậu. Để rồi mãi tới khi cha mất, cậu mới phát hiện ra rằng trước đây mình chưa hiểu được tình cảm lớn lao mà ông đã dành cho cậu. Khi nghe câu chuyện, những giọt nước mắt đã lăn dài trên má các em. Những giọt nước mắt của tình yêu thương và hạnh phúc. Những tình cảm các em dành cho gia đình đã được gửi gắm cùng với những cánh thư về với các vị phụ huynh. Chúng tôi hi vọng sau chương trình này, chúng tôi sẽ đánh thức ở các em lòng yêu thương gia đình vì đó là giá trị truyền thống quý giá nhất.

Tiểu đội toàn năng

Sau lễ tiễn thư đầy nước mắt, các em lại lao mình vào những điệu dân vũ hết sức sôi động. Nhờ những điệu nhảy dân vũ này nên các em đã lấy lại tinh thần ngay tức khắc để tham gia vào cuộc thi mà ai trong các em đều mong tiểu đội mình giành giải nhất: Tiểu đội toàn năng. Tất cả các em đều phải cùng nhau tham gia các phần thi đầy thử thách: thi gấp nội vụ; thi đội hình đội ngũ; bảy tư thế vận động chiến trường. Các em đã gấp nội vụ đẹp không kém gì các anh tiểu đội trưởng khiến cho Ban giám khảo là các sĩ quan quân đội khó lòng chấm được tiểu đội nào giành được giải nhất. Và cũng thật khó cho Ban giám khảo khi quyết định tiểu đội nào sẽ giành được chiến thắng trong phần thi này.

Sau đó là phần thi dân vũ, tiểu đội nào cũng nhảy hết mình, đều và đẹp, khiến cho ban tổ chức hết sức bất ngờ.

Cuối cùng Ban giám khảo cũng thống nhất được kết quả như sau:

Phần thi quân sự: Tiểu đội 1: giải nhất; Tiểu đội 2: giải nhì; Tiểu đội 10: giải 3 (Tiểu đội 10 đã được Ban giám khảo ưu tiên cộng thêm điểm “phòng sạch đẹp nhất” khi tính điểm phần thi này)

Riêng phần thi dân vũ thì Tiểu đội 8 được giải nhất. Tất cả các tiểu đội còn lại được giải nhì. Tiểu đội 8 đã chiến thắng các tiểu đội khác với số điểm sát nút là 59 điểm, các tiểu đội khác đều được 58.5 điểm.

Lễ hội té nước hoành tráng

Đến chiều các em được anh Hạ, chị My bày cho nhiều trò chơi rất vui: gia đình xung trận; bức tường thành vững chắc… Các em được ôn bài dân vũ té nước một lần nữa trước khi bước vào lễ hội té nước. Đến 15h45 các em được phổ biến về vị trí tiểu đội xếp đội hình và được giải thích rằng lễ hội té nước thường diễn ra cuối năm. Lễ hội này nhằm mang lại niềm may mắn và hạnh phúc cho năm mới, dẹp bỏ nỗi đau, nỗi buồn và xuôi xẻo trong năm cũ. Trước khi lễ hội bắt đầu, các em được cho biết là người nào được tạt nước nhiều nhất là người may mắn nhất và người tạt nước người khác nhiều nhất là người hạnh phúc nhất vì mình đã đem đến may mắn cho người khác.

Thông thường thì một lễ hội luôn luôn bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ do anh Triết làm chủ tế. Các em tiến hành phần lễ hết sức nghiêm trang, những câu nói luôn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhất là: “tôi cầu cho gia đình của tôi được sống an bình và hạnh phúc”; “tôi cầu cho bản thân tôi được sống an bình nội tâm”. Sau khi phần lễ kết thúc thì phần hội bắt đầu. Những cột nước xung quanh các em phun lên theo nhịp nhạc tạo lên một cảnh tưởng hết sức đẹp mắt. Các em cùng lấy thao hất nước bay lên trời hòa vào những cột nước đang bắn lên cao. Các em tạt nước cho nhau, ngay cả các anh chị BTC, trợ lý ĐPV đều bị tạt nước. Trong lễ hội này thì bài dân vũ “Té nước” mà các em đã học và nhảy đi nhảy lại mấy hôm nay bắt đầu phát huy tác dụng.

Giã từ sự gian dối

Giã từ sự gian dối là chương trình giúp các em sống thực với bản thân mình hơn, loại bỏ sự dối trá ra khỏi tâm hồn. Là một con người thì yếu tố quan trọng nhất là sống thật, sống thật với mọi người xung quanh và quan trọng hơn nữa là sống thật với bản thân của mình. Chương trình giúp các em hiểu được giá trị của bản thân và thêm yêu cha mẹ, gia đình của mình qua những câu chuyện kể về gia đình vô cùng xúc động.

19h45 từng tiểu đội bước vào trong hội trường, lúc này cả hội trường đã tắt hết đèn, chỉ còn có 10 trái tim được sắp từ những ngọn đèn cầy đang cháy sáng tượng trưng cho 10 tiểu đội. Ở giữa hội trường là một vòng tròn bằng nến lung linh làm tâm. Hôm nay các em đã nghe anh Hạ kể về thời thơ ấu của mình. Quá khứ của con người luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tâm thức. Có lẽ điều lớn nhất mà anh Hạ đã làm được đêm nay đó là đã đánh thức ở các em sự đồng cảm, sự quan tâm và chia sẽ khi các em đã khóc khi nghe câu chuyện của anh Hạ. Đêm nay có nhiều em đã khóc khi nghe câu chuyện “Người mẹ điên” do thầy Nhân kể. Câu chuyện kể về một người đàn bà điên có một đứa con tên là Thụ. Mặc dù bị điên nhưng mẹ điên luôn yêu thương và che chở cho Thụ ngay từ lúc Thụ còn nhỏ cho đến khi cậu vào học Đại học Nam Kinh. Câu chuyện kết thúc bằng cái chết của người mẹ điên khi bà cố gắng hái những quả táo dại ven núi để cho Thụ ăn.

Điểm nhấn của chương trình là lúc từng em một được phát một tờ giấy trắng và một cục than đen. Nếu em cảm thấy mỗi lần khi lừa dối cha mẹ hay chưa nghe lời cha mẹ thì dùng cục than vạch một đường đen trên trang giấy trắng của mình. Thật bất ngờ là có nhiều em vạch luôn cả hai mặt tờ giấy các em được phát. Cuối cùng, tất cả các tờ giấy đã bị bôi đen có ghi tên các em đó đã được thu gom lại với nhau và được đốt đi. Như vậy là những lỗi lầm trong quá khứ cùng với những con người đã không ngoan và lừa dối cha mẹ đã chết đi, thay vào đó là một con người mới đã được gột gửa tội lỗi để bắt đầu một hành trình làm người mới.

Đêm cuối cùng ở bên đồng đội

Như vậy là ngày thứ sáu, một ngày thật dài với rất nhiều hoạt động đã kết thúc. Lúc ngồi chung với nhau để hợp lại cuối ngày và viết nhật kí cho các em, chúng tôi, những người ĐPV của chương trình bắt đầu tính nhẩm: như vậy là còn không đầy 20 tiếng nữa là chúng tôi chính thức chia tay các em. Sau bảy ngày bên cạnh các em thì cuối cùng ngày chia tay cũng đến. Hi vọng là sau bảy ngày được rèn luyện, ngày mai khi gặp lại các em, các vị phụ huynh sẽ nhận thấy sự thay đổi ở từng em một. Vào những ngày cuối chương trình này thì BTC chúng tôi càng làm phải làm việc vất vả hơn. Phần thì chúng tôi hầu hết ai cũng đã đuối sức vì phải thức khuya nhiều đêm liền, phần vì những chuyện không hay có thể xảy ra vào những ngày cuối chương trình, như vậy thì thật tiếc.

Các vị phụ huynh ngày hôm nay (07/07/2010) sẽ đón các em vào lúc 16 giờ. Lễ chia tay chắc chắn là sẽ rất hay và xúc động nên mong các vị phụ huynh hãy bỏ chút ít thời gian đến sớm để tham dự cùng các em. Chúc các chiến sĩ có một đêm ngon giấc sau một ngày dài mệt mỏi. 
 
06/7/2010
Hồ Quốc Nam

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

HỌC KÌ QUÂN ĐỘI THIẾU NHI – NGÀY THỨ NĂM

Hôm nay là ngày thứ năm trong Học kì quân đội. Vậy là chỉ còn vỏn vẹn hai ngày nữa là các chiến sĩ yêu quý của chúng ta sẽ hoàn thành khóa học này. Hôm nay cũng là ngày viết lá thư thứ hai về với gia đình. Các em đã bắt đầu cảm thấy được nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ da diết. Trong những lá thư của các em viết để gửi về cho quý vị phụ huynh chúng tôi liên tục nghe các em nhắc tới ngày cuối cùng khi các em gặp lại cha mẹ. Và chắc chắn ngày đó cũng còn không xa nữa…

Càng về cuối thì chương trình càng dày đặc đòi hỏi ở các em sự tập trung, cố gắng nhiều hơn. Buổi sáng, các em được học cách chăm sóc bản thân do BS. Phúc (thuộc viện Y học cổ truyền TP.HCM) trực tiếp hướng dẫn. Các em được học những cách chăm sóc bản thân đơn giản như: tự chăm sóc khi bị những vết thương nhỏ, ngoài da; học cách đấm bóp, massage cho bản thân và cho người khác. Trong suốt gần hai giờ đồng hồ, các em đã được học và thực hành tại chỗ các bài học hết sức sinh động của thầy Phúc. Những bài học này sẽ trang bị cho các em những kiến thức cơ bản nhất trong việc tự chăm sóc bản thân mình cũng như cho mọi người xung quanh.

Buổi chiều các em được học bảy tư thế vận động chiến trường: lê cao, lê thấp, bò, trườn địa hình bằng phẳng, trường địa hình mấp mô, đi khom, chạy khom. Đây là những bài học căn bản nhất của những chiến sĩ trong quân đội. Các chiến sĩ nhí của chúng ta phải học những bài học này và thực hành nó ngay tại chỗ dưới sự điều động và hướng dẫn của các anh tiểu đội trưởng. Những tấm lưng nhỏ lom khom cố gắng thực hiện những động tác khó, những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi là những hình ảnh chúng tôi bắt được trong buổi chiều ngày hôm nay. Mệt thì mệt, nhưng vui thì vui.

Mỗi khi được giải lao, các chiến sĩ của chúng ta lại chơi đùa, nhảy nhót, chiêu chọc nhau. Đến ngày thứ năm rồi nên tinh thần đồng đội của em đã lên rất cao. Các em đã biết đoàn kết, giúp đỡ nhau trong việc giặt đồ: cùng nhau nhảy vào thau đồ, cùng nhau dùng chân để đạp những bộ quần áo đã vấy bẩn do buổi chiều học các tư thế vận động chiến trường. Gần như cả một ngày học tập mệt mỏi như vậy, cứ tưởng các em đã muốn lăn quay ra nhưng đến chiều, tới giờ thể thao thì các em lại tham gia thi đấu cực kì vui vẻ và hết mình nhất.

Tối đến các em được tham gia một trò chơi “thử thách trí tuệ” cực kì thú vị. Các em phải trả lời các câu hỏi do các anh chị ĐPV đưa ra dựa trên hai đáp án đúng, sai. Chúng tôi hết sức bất ngờ trước sự thông minh và nhạy bén của các em. Khi những câu hỏi đầu tiên được đặt ra, các em hoàn thành khá tốt. Do chỉ có hai đáp án đúng hoặc sai, và việc chọn đáp án chỉ là hoặc duy chuyển qua phần sân bên này hoặc bên kia của hội trường, nên các em có vẻ chơi với nhau khá “ăn ý”. Các em “thống nhất ý kiến” khá nhanh và cùng nhau di chuyển nên chúng tôi lo sợ là khi hỏi hết các câu hỏi rồi mà vẫn chưa tìm được người chiến thắng. Có một câu hỏi mà đã loại được rất nhiều thí sinh tham gia rất thú vị như sau: số 8 chia làm đôi ra được số mấy?(đáp án là số 0). Thật ra đây là câu đố mẹo, và nhờ câu đố này mà BTC đã loại được rất nhiều chiến sĩ thông minh của chúng ta để chấm dứt tình trạng hoặc là các em cùng di chuyển qua bên phải, hoặc là cùng nhau di chuyển qua bên trái.

Sáng sớm ngày mai sẽ là lễ tiễn thư, lá thứ thứ hai về với gia đình của các em. Mấy hôm nay các ĐPV và BTC chương trình rất vui vì nhận được rất nhiều thư của các vị phụ huynh gửi cho các em. Mỗi ngày khi tổng hợp lại thì kết quả là thư của các phụ huynh gửi cho các em có độ dài lên đến trên 50 trang giấy A4. Thật sự là để tổng hợp được lượng thư lớn như thế này thì BTC đã cử riêng một lực lượng để có thể tổng hợp được đầy đủ thư của các vị phụ huynh. Tuy nhiên do số lượng thư quá lớn nên có một số thư đã bị thất lạc. Chúng tôi sẽ cố gắng tổng hợp lại và gửi đến các em. Do các vị phụ huynh gửi đến quá nhiều chuyên mục khác nhau chứ không gửi chung một chuyên mục nên có một số thư bị thất lạc. Mong quý vị phụ huynh thông cảm.

05/7/2010
Hồ Quốc Nam 

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

HỌC KÌ QUÂN ĐỘI THIẾU NHI – NGÀY THỨ TƯ

Hôm nay đã là ngày thứ tư trong Học kì quân đội. Vậy là các chiến sĩ đã đi được hơn phân nữa hành trình của mình. Ngày hôm nay các chiến sĩ đã có một ngày thật sự mệt mỏi. Từ sáng đến chiều các em thay phiên nhau thăm bảo tàng miền Đông Nam Bộ và mái ấm nhà mở Tam Bình.

Khi đến bảo tàng miền Đông Nam Bộ, các em đã được các nhân viên bảo tàng kể lại những câu chuyện kháng chiến hào hùng của dân tộc thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các em được tận mất thấy những vũ khí dùng để chiến đấu, những tấm ảnh tư liệu quý giá, các mô hình mặt trận và trận địa và các mô hình mô tả lại một cách hết sức sống động và chi tiết lối sống, sinh hoạt, chiến đấu dưới lòng đất của các chiến sĩ cách mạng. Đặc biệt nhất là được chụp hình với các mô hình người của các chiến sĩ cách mạng được trưng bài. Mới đầu, tất cả các chiến sĩ của chúng ta đều hét lên khi nhìn các hình người mà cứ tưởng là người thật.

Các chiến sĩ nhí của chúng ta đặc biệt thích thú khi nghe được một cụ ông đã rất lớn tuổi kể về chiến tích anh hùng của cụ và các đồng đội của cụ. Các em liên tục vỗ tay khi nghe cụ kể về lối đánh du kích của quân và dân ta với tầm vong vót nhọn, với chông làm bằng tre. Khi nghe cụ nói, “Dân tộc Việt Nam là dân tộc duy nhất trên thế giới nấu chảy gang để làm lựu đạn” các em đã vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt và tỏ ra vô cùng thích thú. Buổi nói chuyện với cụ được kết thúc bằng câu thơ rất nổi tiếng của Nguyễn Trãi: “Tuy vận nước có lúc khác nhau. Nhưng hào kiệt đời nào cũng có.” Chúng ta cùng hi vọng những chiến sĩ nhí của chúng ta ngày hôm nay sẽ là “hào kiệt” của dân tộc vào một ngày không xa.

Cũng trong ngày hôm nay, các em đã cũng nhau thăm và tặng quà cho các em thiếu nhi mồ côi tại mái ấm nhà mở Tam Bình. Các em đã nghe các chị nuôi trong mái ấm kể về sự thiếu thốn trong ăn uống và sinh hoạt, sự thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần của các em ở trong đây. Điều đó giúp các em trân trọng hơn những gì mình đang có. Đi thăm mái ấm nhà mở lần này giúp các em học được thấu cảm tốt hơn đặc biệt là giúp các em học được bài học bổ ích về sự quan tâm chia xẻ. Điều làm chúng tôi vui nhất là các em tỏ ra rất thân thiện với các trẻ em mồ côi. Nhiều em không ngần ngại bế các em bé mồ côi nhỏ hơn mình rất nhiều.

Tối đến, các em cũng đã được học nhảy Rasasayang – Đây là bài dân vũ truyền thống nhất của HKQĐ. Các em học rất nhanh, và chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn các em đã nhảy rất tốt bài dân vũ này. Liền sau đó là các tiết mục dân vũ liên tiếp nhau, các em nhảy liên tục sáu lần các bài dân vũ không ngơi nghỉ. Sau khi tắt nhạc nhiều em đã lăn dài ra trên nền hội trường vì mệt quá. Sau đó, có một chiến sĩ đến gần tôi và nói, “Thầy ơi, có bán mấy bài hát đó không thầy?”. Điều đó cho thấy các em đam mê các bài dân vũ đến mức nào.

Hôm nay các em được nghe bài giảng “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam do anh Đỗ Anh Tiệp giảng. Các em nghe giảng rất chăm chú và phát biểu rất hăng say. Có lẽ tinh thần “lá lành đùm lá rách” của các em đã được thể hiện rất rõ rệt ngay cả trước khi anh Tiệp giảng bài này. Rõ ràng nhất là lúc các em thăm các em thiếu nhi tại mái ấm nhà Tam Bình.

Kết thúc ngày hôm nay là một buổi tối cực kì bất ngờ và vui đối với các em vì các em đã bị anh Hạ hù một trận làm hết hồn hết vía. Anh Hạ lấy lí do là các chiến sĩ thuộc tiểu đội 9 đã không ngoan ngoãn, đã nói chuyện trong giờ học và gọi cả tiểu đội lên phê bình trước cả tập thể. Khi anh Hạ nói những lời sau đây đối với hai chiến sĩ còn ở lại cuối cùng: “Hai em đáng trách lắm (chiến sĩ Long Châu và chiến sĩ Đức Trí cùng thuộc tiểu đội 9) vì… hôm nay là sinh nhật của hai đứa mà không chịu thông báo.” Lúc này cả hội trường mới vỡ òa ra, thì ra nãy giờ chỉ là một vở kịch được dàn dựng, một chò trơi ú tim của anh Hạ. Các chiến sĩ cùng nhau hát bài Happy Birthday trong niềm vui ngày sinh nhật của Long Châu và Đức Trí.

Như vậy là một ngày thật sự mệt mỏi đã kết thúc rồi. Chúc các chiến sĩ ngủ thật ngon. Chúc Long Châu và Đức Trí tận hưởng đêm sinh nhật thật ý nghĩa của mình bên cạnh các đồng đội.

04/7/2010
Hồ Quốc Nam 

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

HỌC KÌ QUÂN ĐỘI THIẾU NHI – NGÀY THỨ BA

Lễ tiễn thư xúc động

Vậy là sáng nay những gì tình cảm nhất, trong sáng nhất của các em đã được trao cho các vị phụ huynh. Đêm hôm qua và ngày hôm nay sẽ là ngày của những con người có trái tim nhân hậu. Những lá thư mang nặng tình thương yêu đã về với gia đình. Lễ tiễn thư đã diễn ra trong một không khí hết sức ấm cúng. Đại diện cho toàn thể các ĐPV, hai chị Khang An và Phượng Linh đã đọc thư của các chị ĐPV gửi cho các em.

Ba ngày trôi qua đối với các em là một khoảng thời gian khá dài. Các chiến sĩ nhỏ đã bắt đầu có tình cảm với các anh chị ĐPV và đã dần quen biết với nhau. Các em cũng đã bắt đầu quen với cuộc sống xa gia đình. Hôm nay, các em cũng khóc, nhưng những giọt nước mắt của các em là những giọt nước mắt của sự trưởng thành và tình cảm sâu đậm dành cho cha mẹ. Những giọt nước mắt đó khác hoàn toàn với những giọt nước mắt ngày đầu tiên khi các em mới đến đây.

Vào những ngày đầu, các em còn hết sức ngại ngùng khi nói chuyện với nhau. Tuy nhiên hôm nay, thì hầu hết các em đã biết được tên các thành viên trong tiểu đội của mình và đã bắt đầu thuộc được một số bài dân vũ và nhảy một cách hăng say. Các em đã rất hào hứng khi nhảy dân vũ và cũng vô cùng nhiệt tình khi tham gia các trò chơi tập thể. Mặc dù vừa trải qua những giờ học chuyên đề và những chương trình huấn luyện mệt nhọc, nhưng ngay khi tiếng nhạc dân vũ nổi lên, các em trở nên sung sức hơn bao giờ hết.

Các em đã bắt đầu nhận ra tình thương bao la của cha mẹ dành cho mình và đã dần hiểu được rằng khi ở nhà các em có thể bị la mắng, bị phạt vì chưa ngoan nhưng ba mẹ các em chính là những người luôn luôn yêu thương các em. Đối với ba mẹ thì điều quan trọng nhất là các em trở thành những con người nhân ái, có ích cho xã hội. Nhiệm vụ quan trọng nhất của các em bây giờ là sửa đổi và chứng minh cho ba mẹ thấy các em đang trưởng thành.

HỘI NGỘ CÙNG TEEN-LEADERS

Sau chuyến đi thực tế dài ngày ở An Giang, hôm nay các anh chị Teen-leaders (Lớp đào tạo trẻ tương lai) đã về TP.HCM hội ngộ với các chiến sĩ Học kì quân đội thiếu nhi.

Các thành viên của lớp Teen-leaders đã cùng với các chiến sĩ biểu diễn những tiết mục văn nghệ đã được chuẩn bị hết sức chu đáo. Những tiết mục văn nghệ của riêng lớp Teen-leaders đã làm các em cùng nhau ngồi lại xem và cổ vũ rất nhiệt tình, đặc biệt là tiết mục nhạc kịch miêu tả lại truyền thuyết “Trọng Thủy, Mị Châu” được các em hoan nghênh nhiệt liệt.

Đêm nay các em đã được anh Hoàng Hạ bày cho cách gói quà. Chính các em đã tự tay gói những gói quà mà các em đã chuẩn bị sẵn và sẽ tận tay trao cho các em ở mái ấm Tam Bình (là nơi nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi thuộc Sở thương binh & Xã hội TP.HCM). Các em được học về sự yêu thương san sẻ vì sống đâu chỉ là nhận!

Ngày mai sẽ là một ngày hết sức mệt mỏi. Các em sẽ lần lượt tham quan bảo tàng miền Đông Nam Bộ và mái ấm nhà mở Tam Bình trong suốt một ngày. Chúc các chiến sĩ ngủ thật ngon để có sức khỏe thật tốt cho một ngày mai.

03/7/2010
Hồ Quốc Nam 

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

HỌC KÌ QUÂN ĐỘI THIẾU NHI – NGÀY THỨ HAI

Ngày của yêu thương

Vậy là hôm nay đã là ngày thứ hai các em ở trong môi trường quân đội. Ngày hôm nay là ngày của yêu thương, và rất nhiều hoạt động của các em hôm nay hướng về gia đình. Sáng sớm hôm nay, 240 chiến sĩ yêu quý của chúng ta đã tận tay trồng những chậu hoa Mười giờ để tặng cho các vị phụ huynh. Chính tay các em sẽ chăm sóc, tưới nước, bón phân cho những chậu hoa này trong những ngày sắp tới. Đây sẽ là những món quà rất ý nghĩa mà các vị phụ huynh sẽ nhận được trong ngày chia tay.

Hôm nay cũng là ngày các em được học điều lệ đội hình, đội ngũ. Học cách quay trái, quay phải, quay đằng sau cho đến cách chào như thế nào, cách ngồi như thế nào cho giống một chiến sĩ thực thụ. Có nhiều em rất hiếu động, hay đùa giỡn, nghịch ngợm nhưng khi thực hiện các động tác khó, các em lại rất nghiêm túc. Đặc biệt là động tác chào, mặc dù rất mỏi tay nhưng các em cũng cố gắng không hạ tay xuống.

Ngày hôm nay, chúng tôi ghi nhận ở các em sự tiến bộ rõ rệt. Các em đã biết vỗ tay khi nghe được những điều mình tâm đắc. Khi nghe chị Kim Bình giảng bài “Tự chăm sóc bản thân”, các em đã liên tục vỗ tay. Những kiến thức mà chị Kim Bình giảng hết sức gần gũi với các em như: cách rửa tay; cách dùng bàn chải chà chân; cách tắm; cách hắt xì; cách vệ sinh răng miệng; cách rửa mặt vào buổi sáng và trước khi đi nắng về; cách tắm rửa mỗi ngày. Khi hỏi, “Các em có tin việc vệ sinh phòng ở của mình thì các em sẽ sống thọ hơn hay không?”. Chúng tôi hết sức bất ngờ vì trong hội trường 240 em lúc này, có đến khoảng 80% các em ngây thơ trả lời rằng “KHÔNG”. Khi hỏi một chiến sĩ tin rằng việc vệ sinh phòng ở sẽ giúp chúng ta sống thọ hơn, “Tại sao các em lại tin như vậy?”, em đã đứng lên trả lời rằng: “Phòng ở của mình mà gọn gàng hơn thì mình sẽ đỡ mất công dọn hơn, như vậy mình sẽ sống thọ hơn.”

Hôm nay có một chiến sĩ (xin được giấu tên) cứ một mực đòi về. Em cứ khóc hoài, khóc hoài mặc kệ các anh chị ĐPV, anh Hạ đã thuyết phục rất nhiều lần. Nhưng chiều nay, có lẽ điều đã làm cho tôi vui mừng nhất trong ngày hôm nay là khi hướng dẫn các em xếp hàng trước khi vào nhà ăn, tôi trông thấy em cũng nghiêm chỉnh xếp hàng, trên tay em cũng đầy đủ chén đũa như các chiến sĩ khác. Vậy là cuối cùng em cũng đã ở lại với chúng tôi, ở lại cùng với các đồng đội của mình. Chúng tôi mong muốn không có một chiến sĩ yêu quý nào từ bỏ cuộc chơi vào những ngày này cả. Tất cả khó khăn chắc chắn các em sẽ cùng nhau vượt qua. Đó cũng là điều mà chúng tôi mong đợi nhất khi thực hiện chương trình này.

Hôm nay, có hai chiến sĩ rất đáng được tuyên dương: em Khưu Hà Tố Như, 12 tuổi và em Nguyễn Lưu Nhật Hạ, 9 tuổi, cùng ở Tiểu đội 6. Hai chiến sĩ yêu quý của chúng ta khi nhặt được hai nghìn đồng trong hội trường đã tận tay đưa lại cho tôi và nói rằng các em muốn trả lại cho người bị mất. Hôm nay, các em đã biết cách ứng xử có văn hóa với một số tiền nhỏ như vậy thì sau này chắc chắn các em sẽ ứng xử rất tốt với những số tiền lớn hơn.

Ngày thứ hai là một ngày cực kì quan trọng. Nó đánh dấu một khoảng thời gian đủ dài làm cho các em có cảm giác nhớ gia đình. Cũng là ngày mà chúng tôi muốn hướng các em về với gia đình. Nếu vượt qua ngày thứ hai này thì các em sẽ có động lức rất lớn để vượt qua những ngày còn lại. Những tình cảm và những lời động viên mà các vị phụ huynh dành cho các em sẽ là động lực to lớn cho các em hoàn thành và tiếp bước những ngày tiếp theo.

02/7/2010
Hồ Quốc Nam

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

HỌC KÌ QUÂN ĐỘI THIẾU NHI – NGÀY THỨ NHẤT

Ngày đầu tiên của bở ngỡ và cảm xúc

Vậy là ngày đầu tiên của 250 chiến sĩ nhí Học kì quân đội đã kết thúc. Ngày đầu tiên của những bở ngỡ và cảm xúc mới lạ. Hôm nay, có thể là lần đầu tiên các em được vinh dự khoác lên mình bộ quân phục đáng tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên các em phải tự giặt quần áo dơ, tự ăn cơm và rửa chén. Học cách sắp xếp nội vụ sao cho “vuông vức như một hộp diêm”. Học 24 động tác thể dục trong quân đội. Các em phải làm quen dần với những điều quá xa lạ khi ở nhà.

Một số em có thể có cảm giác… “giận” ba mẹ. Vì tự nhiên lại bắt các em xa gia đình để tham gia một chương trình mà ở đó các em phải học tập, rèn luyện, ăn uống và sinh hoạt với những người mà có thể các em chưa bao giờ quen biết. Các em bắt buộc phải tuân thủ các nội quy nghiêm ngặt của quân đội về giờ giấc và sinh hoạt. Ban đầu, một số em có thể cảm thấy lạc lõng, hồi hợp, thậm chí là lo lắng liệu mình có bị ăn hiếp hay không? Tuy nhiên, sau khi được dạy nhảy một bài dân vũ rất hiện đại là bài “Múa gối” thì hầu hết các em đã vượt qua được cảm giác lo lắng ban đầu. Khi ở nhà các em có thể là cái rốn của vũ trụ, có thể muốn gì cũng được. Nhưng ở đây, đối với các ĐPV, các em là bình đẳng như nhau vì đây là một sân chơi tuyệt đối công bằng.

Những bất ngờ các em mang lại

Mặc dù đây đã là lần thứ hai tổ chức chương trình dành cho các em nhưng nhiều em đã gây bất ngờ lẫn bối rối dành cho các chị ĐPV.

Em Nguyễn Thanh Đức Trí tiểu đội 5 đã lấy nhầm cả ba lô của em Huỳnh Quốc Anh tiểu đội 10. Như vậy là đến mãi tận tối em Quốc Anh mới nhận lại được ba lô của mình.

Trong bài giảng về sự thích nghi của anh Hoàng Hạ, khi cho các em xem hình các con vật và hỏi là con gì. Các em đã đưa ra các đáp án khác nhau hết sức bất ngờ: có em nói là con bữa củi, có em nói là con châu chấu. Nhưng thực sự con vật mà các em được nhìn thấy là… con nhện đất. Có em khi nhìn thấy cây xương rồng sa mạc thì nói đó là cây bông hồng.

Em Trường Phú tiểu đội 9 đã gây bối rối cho các điều phối viên và ban tổ chức khi em nói chuyện trong giờ giảng bài của anh Hoàng Hạ. Em bị phạt phải đứng lên thục dầu để làm gương cho các bạn nhưng cuối cùng chính anh Hạ đã phải mời em ngồi xuống vì từ nhỏ tới giờ em Phú chưa biết thục dầu bao giờ.

Em Nghĩa tiểu đội 9 đã khóc lóc xin bố cho về. Nhờ có chị ĐPV Kim Bình thuyết phục nên giờ Nghĩa đã hòa đồng hơn với các bạn và đã không còn có ý định về nữa. Có lẽ đây là ngày đầu tiên nên một số chiến sĩ nhí của chúng ta đã đòi về. Đây là điều bình thường khi lần đầu tiên các em rời xa mái ấm gia đình, bố mẹ.

Hành trình tương lai

Hôm nay, buổi tối các em được nghe anh Hoàng Hạ giảng bài về “Sự thích nghi”. Bài giảng là sự đúc kết từ những kinh nghiệm trong cuộc sống để các em hiểu được giá trị của sự thích nghi và tầm quan trọng của việc thích nghi. Các em được xem phim và những hình ảnh hết sức sống động. Anh Hoàng Hạ đã đặt ra cho năm em dũng cảm xung phong tham gia hai thử thách: Thử thách thứ nhất: các em sẽ được uống năm loại nước khác nhau không phải là sở thích của mình bao gồm: hai ly nước mía, pepsi, cam và dâu; Thử thách thứ hai: mỗi em uống một ngụm cà phê đen không đường. Hai thử thách trên nhằm giúp các em cảm nhận cuộc sống luôn luôn đặt ra cho các em nhiều thử thách khác nhau. Cuộc sống không phải lúc nào cũng ngọt ngào như nước mía, pepsi, cam và dâu.

Trước khi các em đi ngủ, anh Hoàng Hạ đã kể cho các em nghe câu chuyện Hoàng tử và sáu người hầu. Anh Hoàng Hạ không kể hết câu chuyện mà dừng lại câu chuyện ở đoạn giữa chừng làm cho các em hết sức tò mò và mong chờ đến lần kể chuyện kế tiếp để biết được kết cục của câu chuyện.

Thời gian thử thách và hoàn thiện của các em ở phía trước là còn khá dài. Bảy ngày chỉ là một khoảng thời gian ngắn nhưng đối với các em sẽ là một hành trình đủ dài và thú vị vì không còn sự giúp đỡ trực tiếp của cha mẹ, gia đình. Thay vào đó, các em sẽ được trải nghiệm một thứ tình cảm vô cùng mới lạ đó là “tình đồng chí, đồng đội.” Chặng đường phía trước là tương đối khó khăn, nhưng với sự nhiệt tình, sự yêu thương của các anh chị ĐPV, tiểu đội trưởng và sự ủng hộ của gia đình, chúng ta cùng tin tưởng các em sẽ vượt qua tất cả các khó khăn ở phía trước và trở thành những chiến sĩ thực thụ.

01/7/2010
Hồ Quốc Nam