Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Điều gì ngăn cách nhà báo và nhà khoa học?

Nhà báo và nhà khoa học đều là những người đi tìm chân lí, sự thật phục vụ công chúng. Tuy nhiên mối quan hệ giữa họ không phải lúc nào cũng tốt đẹp.


Đó là chia sẻ của TS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, ĐH. Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM. Trong buổi gặp mặt với các Phóng viên Y tế tại Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA, TS. Phúc cho biết những khó khăn, vướng mắc khi làm việc với nhà báo, dẫn đến trường hợp nhiều nhà khoa học ngại tiếp xúc với báo chí.

Với cương vị Phó trưởng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, TS. Phạm Văn Phúc có khoảng thời gian dài tiếp xúc báo chí từ các năm 2007 – 2009. Sau một vài năm làm việc, trong những năm gần đây TS. Phúc rất hạn chế tiếp xúc với báo chí. Anh cho biết nguyên nhân là do một số cơ quan báo đài không có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà báo với nhà khoa học để đưa tin chính xác. Đây cũng là vấn đề mà nhiều nhà khoa học khác gặp phải khi tiếp xúc với báo chí.

Nhà khoa học rất cần nhà báo, nhưng…

Nhà khoa học rất cần nhà báo để đưa đến người dân và các cấp lãnh đạo thông tin khoa học mới nhất. Có thể nói báo chí là công cụ rất mạnh tác động đến nhận thức xã hội đối với giới khoa học. Thiếu sự quan tâm của báo chí, khoa học sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng.

TS. Phúc thừa nhận: Những năm 2003, 2004, phòng thí nghiệm tế bào gốc thường xuyên phối hợp với báo chí để thông tin về các phát kiến mới. Liên tục hai năm 2007, 2008, thông tin liên quan đến tế bào gốc được bầu chọn là một trong mười sự kiện khoa học, công nghệ tiêu biểu của Việt Nam. Đây là tiền đề rất quan trọng để Bộ Khoa học và Công nghệ duyệt đề án xây dựng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc trị giá 2,5 triệu đô vào cuối năm 2008.

Thừa nhận công lớn của các nhà báo trong việc cho ra đời phòng thí nghiệm (TN) tế bào gốc nhưng TS. Phúc cũng chia sẻ nguyên nhân làm lãnh đạo phòng TN dần ngại tiếp xúc với báo chí. Vào những năm sau đó, một số bài báo có thông tin không chính xác về các công trình khoa học mới được công bố của phòng TN. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của phòng TN nói riêng và ĐH. KHTN nói chung.

TS. Phúc cho rằng khi làm việc với nhà khoa học, các nhà báo cần đảm bảo các tiêu chí như tính chính xác, kiểm chứng, khách quan… Thiếu bất kì tiêu chí nào nhà báo cũng có thể dẫn đến sai sót nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bài báo thiếu một trong những tiêu chí vừa nêu cũng không đáng tin cậy về độ chính xác, khoa học.

Sai sót thường hay mắc phải khi một nhà báo viết bài khoa học là sai về thuật ngữ chuyên ngành. Các nhà báo không nhất thiết là nhà khoa học, do đó việc bị sai thuật ngữ khoa học hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy các nhà báo sau khi viết cần phối hợp với nhà khoa học để kiểm chứng lại thông tin.

TS. Phạm Văn Phúc cho rằng ba sai sót cơ bản làm nhà khoa học ngại tiếp xúc với nhà báo bao gồm: sai thuật ngữ khoa học, sai hoặc sót thông tin khoa học, sai trong quá trình phổ thông hóa kiến thức khoa học đến công chúng. 

Hướng hợp tác cho nhà báo viết lĩnh vực khoa học

Mặc dù khó nhưng không phải hướng đi chung của nhà báo và nhà khoa học là không có. Trên thế giới, các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện là nguồn tin, đồng thời là nguồn tham khảo rất tốt cho các nhà báo. Nhà báo khoa học đọc thông tin từ các báo này và tìm đến nhà khoa học phỏng vấn sâu hơn để viết bài.

Các nhà khoa học ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có nhu cầu được thông tin đến người dân để tạo và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận. Chỉ khi xã hội, nhà nước đồng tình, ủng hộ thì khoa học mới thành công. Bất kì ngành khoa học nào hoạt động cũng cần tiền. Để có kinh phí tài trợ cho khoa học, báo chí cần thông tin, tạo sự quan tâm của dư luận.

TS. Phạm Văn Phúc cho biết thêm: Hiện nay tin tức dịch trên các tờ báo Việt Nam rất nhiều, nhưng tin tức khoa học nói chung được đưa rất hạn chế. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay có nhiều viện, cơ quan nghiên cứu chuyên môn đạt chất lượng nên thông tin về khoa học rất phong phú. Người viết nên khai thác triệt để những nguồn tin này.

25.10.2013
Hồ Quốc Nam

Một ngày rất... rất tệ... rất tệ

Không hiểu sao hôm nay mình lại gặp nhiều chuyện không vui đến thế.

Cũng là do mình gây ra.

Thật tệ...

Bất kì lỗi lầm nào trong cuộc sống đến với mình thì mình cần xem lại bản thân, không thể đổ thừa cho hoàn cảnh hay bất cứ thứ gì khác.

Không đổ lỗi cho ai hết! Phải dũng cảm nhận trách nhiệm Nam nghe! Cho dù thế nào đi nữa thì cậu phải chịu trách nhiệm với bản thân mình và phải luôn luôn nhớ, luôn luôn tự chịu trách nhiệm!

25.10.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Sách: Phương pháp thực hiện phóng sự báo chí


Một quyển sách bàn về phương pháp thực hiện phóng sự báo chí trong bối cảnh nền báo chí Việt Nam những năm cuối cùng thế kỷ 20. Qua quyển sách bạn sẽ hiểu được cơ bản thế nào là tin, thế nào là phóng sự và một số thể loại khác có thể nằm trong một bài phóng sự.

Đây là một trong những quyển sách hiếm hoi nằm trong tủ sách về nghiệp vụ báo chí được viết bởi một nhà báo đã thành danh trong nghề. Thông qua quyển sách mỏng này (134 trang) bạn sẽ bắt gặp một vài cái tên đã thành danh trong làng phóng sự nước ta những năm cuối thế kỷ 20.

Sinh viên báo chí: Nên đọc. Người làm trong lĩnh vực truyền thông, truyền hình: Nên đoc.

21.10.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Điều gì thật sự cần thiết

LTS: Bài viết cách đây mấy tháng, không hiểu vì lí do gì mà mình không hoàn thành nó. Giờ lục ra được, phải cho nó ra đời. Cái gì lẽ ra đã ra đời phải được ra đời. Những chuyện còn lại để cho người đời phán xét.

Chiều nay dọn dẹp đồ đạc ở cơ quan. Sau hơn một năm gắn bó, cuối cùng mình cũng đã rời khỏi nơi làm việc ấy. Nhìn lại thấy thời gian trôi qua cũng khá nhanh. Nơi ấy cho mình một thu nhập ổn định nhưng thật sự giữa mình và nơi ấy không nhìn chung một hướng nên bắt buộc phải nói lời chia tay.

Sắp tới có nhiều dự định. Trước mắt là kỳ thi cuối kỳ tại Đại học Kinh tế hết sức cam go. Mà hình như mình chưa toàn tâm, toàn ý đầu tư cho nó. Đây là tật mất tập trung rất xấu mà mãi vẫn chưa sửa được.

Còn event tổ chức với Huệ. Mong sao cho nó thành công. Đây là sự kiện đầu tiên mình tổ chức. Mình đã tự đặt ra một số mục tiêu và hi vọng là sẽ đạt được các mục tiêu ấy.

*Update vào ngày 21/10/2013: Nhìn lại những điều mình viết cách đây mấy tháng thật thú vị. Có cái thành hiện thực, có cái đang dở dang. Và thực sự mình rút ra nhiều bài học từ nó. Đúng là nơi lưu giữ kí ức của mình!

21.10.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Thử nhìn lại Học thuyết giá trị thặng dư của Mác

I. Khái quát về Học thuyết Giá trị thặng dư của Mác
Trong sản xuất, hàng hóa sức lao động sản xuất ra giá trị thặng dư và tiền trở thành tư bản.

Hàng hóa sức lao động: là một hàng hóa đặc biệt, nó tồn tại trong con người và người ta chỉ có thể bán nó trong một thời gian nhất định và hai thuộc tính của nó khác với hàng hóa thông thường.

Tư bản: là giá trị mang lại giá trị thặng dư bằng cách bốc lột công nhân làm thuê.

Tư bản có thể được khái quát qua công thức: T – H – T’.

Bản chất của tư bản: thể hiện một quan hệ sản xuất xã hội, giai cấp tư sản chiếm đoạt giá trị thặng dư do giai cấp công nhân làm ra.

Tư bản bất biến: là bộ phận tư bản mua tư liệu sản xuất, gồm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… Tư bản bất biến được sử dụng trong toàn bộ quá trình sản xuất, nhưng giá trị được bảo toàn và chuyển dần vào sản phẩm, không thay đổi về lượng.

Tư bản khả biến: là bộ phận tư bản mua hàng hóa sức lao động. Trong quá trình sản xuất, nó không tái hiện ra, nhưng bằng lao động trừu tượng, công nhân tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân sức lao động, tức là biến đổi về lượng.

Căn cứ của sự phân chia tư bản bất biến và tư bản khả biến là tính chất hai mặt của lao động sản xuất xã hội. Lao động cụ thể bảo toàn và chuyển giá trị của tư liệu sản xuất vào giá trị sản phẩm. Còn lao động trừu tượng tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị sức lao động. Phần chênh lệch ấy là giá trị thặng dư.

Ý nghĩa của việc phân chia:

- Việc phân chia tư bản bất biến và tư bản khả biến vạch rõ bản chất bốc lột của chủ nghĩa tư bản, chỉ có lao động của công nhân làm thuê mới tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản.

- Giá trị thặng dư là một bộ phận của giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao động do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không.

Hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư:

+ Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối là giá trị thặng dư thu được do kéo dài ngày lao động trong khi thời gian lao động tất yếu không thay đổi.

+ Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối là giá trị thặng dư thu được do rút ngắn thời gian lao động tất yếu trong điều kiện độ dài ngày lao động không thay đổi → thời gian lao động tăng lên do đó tăng năng suất lao động xã hội trong các ngành sản xuất hàng tiêu dùng.

II. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn


Giá trị thặng dư là một trong những khái niệm trung tâm của kinh tế chính trị Mác - Lênin. Các Mác đã nghiên cứu và đưa ra một số công thức tính toán xung quanh khái niệm này trong các tác phẩm viết về kinh tế chính trị của ông. Nó được sử dụng để khẳng định lao động thặng dư của công nhân bị các nhà tư bản lấy đi, là nền tảng cho sự tích lũy tư bản.

1. Định nghĩa giá trị thặng dư

Giá trị thặng dư được Marx xem là phần chênh lệch giữa giá trị hàng hóa và số tiền nhà tư bản bỏ ra. Trong quá trình kinh doanh, nhà tư bản bỏ ra tư bản dưới hình thức tư liệu sản xuất gọi là tư bản bất biến và bỏ ra tư bản để thuê mướn lao động gọi là tư bản khả biến. Tuy nhiên, người lao động đã đưa vào hàng hóa một lượng giá trị lớn hơn số tư bản khả biến mà nhà tư bản bỏ ra. Phần dư ra đó gọi là giá trị thặng dư.
Có thể lấy một ví dụ như sau để giải thích: Giả sử một người lao động trong một giờ làm ra được giá trị sản phẩm là 1.000 đồng. Đến giờ thứ hai trở đi, trên cơ sở sức lao động đã bỏ ra ở giờ thứ nhất, người lao động đó sẽ làm ra được 1.100 đồng. Số tiền chênh lệch đó chính là giá trị thặng dư sức lao động.

2. Học thuyết về giá trị thặng dư

Học thuyết giá trị thặng dư là phát minh quan trọng thứ hai sau biện luận duy vật lịch sử của Marx. Nội dung chính của học thuyết phát biểu rằng sản xuất và chiếm hữu giá trị thặng dư là hình thức đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản về sản xuất và chiếm hữu sản phẩm thặng dư, nghĩa là hình thức cao nhất của sự tha hóa con người đối với hoạt động của mình, đối với sản phẩm từ hoạt động đó, đối với chính mình, đối với người khác.

Trong học thuyết này Marx đưa ra công thức T-H-T’ (tiền-hàng hóa-tiền) để minh họa cho sự biến đổi của vốn (tư bản) dạng tiền sang dạng hàng hóa và cuối cùng quay trở lại dạng tiền ở mức cao hơn mức ban đầu một lượng ΔT (nghĩa là T’=T+ ΔT). Bởi tất cả giá trị được tạo thành trong quá trình biến đổi thông qua sản xuất hàng hóa là do lao động (theo Thuyết giá trị về lao động), mà chủ yếu là lao động của người làm thuê, nên giá trị thặng dư ΔT cũng là giá trị do lao động kết tinh. Tuy nhiên, giá trị này không được chia đều cho những người trực tiếp làm ra nó, mà thuộc quyền sở hữu của chủ tư bản.

Khác với công thức H-T-H (hàng hóa-tiền-hàng hóa) phản ánh chức năng trung gian của tiền trong trao đổi, công thức T-H-T’ phản ánh sự luân chuyển và tự phát triển của tư bản. Tư bản dưới dạng tiền trở thành một chủ thể tự thân, đối lập với sức lao động, bóc lột sức lao động để nuôi lớn mình lên. Marx chỉ ra rằng đó là quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Theo công thức đã dẫn thì tư bản có khả năng lớn lên vô giới hạn. Tuy nhiên Marx cũng chỉ ra giới hạn nhất định của phát triển tư bản do chi phối của quy luật lợi nhuận trung bình. Lợi nhuận trung bình xảy ra do sự cạnh tranh tư bản giữa các ngành kinh tế khác nhau. Mặc khác, do khả năng chi trả trong thị trường cho nhu cầu tiêu dùng là có hạn, nên điều đó cũng kìm hãm tốc độ vận động của tư bản.

Hình thức cao nhất của sự phát triển tư bản là cho vay lãi. Chủ nhân của tư bản vay lãi có cảm giác rằng tiền đẻ ra tiền và công thức vận động của tư bản biến thành T-T’.
3. Các nhân tố ảnh hưởng đến giá trị thặng dư

* Năng suất lao động
 * Thời gian lao động

* Cường độ lao động

* Công nghệ sản xuất

* Thiết bị, máy móc

* Vốn

4. Ý nghĩa thực tiễn

Xét thuần túy trong lĩnh vực kinh tế, công thức trên cho thấy bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có tiền (vốn) được đưa vào trong quá trình sản xuất và kinh doanh trực tiếp hay gián tiếp như thông qua đầu tư chứng khoán, thậm chí gửi ngân hàng sẽ sinh lời. Đồng tiền chỉ trở thành công cụ sinh lời nếu đầu tư vào sản xuất hay kinh doanh. Mỗi cá nhân đều có thể trở thành nhà tư bản nếu biết sử dụng hợp lý tiền của mình trong đầu tư kinh doanh. Nếu chỉ để tích lũy thuần túy thì đó là đồng tiền chết, không những không có lợi cho cá nhân đó mà còn không có lợi cho những người khác cần vốn để sản xuất.

Trong bất kỳ xã hội nào cũng cần phải tìm cách tăng giá trị thặng dư, nếu áp dụng được các công nghệ sản xuất tiên tiến, sử dụng được tri thức, trí tuệ vào trong quá trình sản xuất sẽ làm tăng giá trị thặng dư mà không cần phải kéo dài thời gian lao động hay cường độ lao động ảnh hưởng đến những người sản xuất.

Công thức cũng chỉ ra cách thức tích lũy làm tăng số tiền, là cơ sở để tái sản xuất mở rộng, phát triển quy mô sản xuất, tăng trưởng kinh tế.

Phương pháp đo lường giá trị thặng dư:

Các quan niệm khác về giá trị thặng dư: Có một số người cho rằng giá trị thặng dư là của người làm thuê tạo ra mà không phải của nhà tư bản. Để tránh được sự hiểu lầm như trên ta nên đi sâu tìm hiểu phân tích thêm về cả một guồng máy nào đã tạo nên giá trị thặng dư:

Ta gọi toàn bộ số tiền dôi ra trong quá trình kinh doanh sản xuất nói chung là giá trị thặng dư: ΔT = m thì ta nên phân tách m thành nhiều phần nhỏ là các thành tố trong toàn bộ bộ máy (doanh nghiệp) đã tạo ra m như sau:

m = m1 + m2 + m3 +m4 + m5 + m6 + m7 + m8 + m9 + m10 + m11 +...

Trong đó:

* m1: là phần tiền bù đắp cho tỉ lệ lạm phát để đảm bảo giá trị của đồng tiền theo thời gian |Tt| = |Ts+m1| (chẳng hạn là năm sau thì 11 đồng mới có giá trị bằng 10 đồng năm trước);

* m2: giá trị thặng dư của lao động quá khứ tích lũy trong tư bản (được hiểu là tiền đẻ ra tiền mà không phải làm gì cả ví dụ được tính tương đương với lãi suất trái phiếu chính phủ hoặc lãi suất ngân hàng trừ đi tỉ lệ lạm phát. Do đó lãi suất ngân hàng = m1+m2;

* m3: công của nhà tư bản đã có ý tưởng và có công xây dựng nên bộ máy (công ty chẳng hạn) sản xuất ra giá trị thặng dư này;

* m4: chi phí trả cho sự mạo hiểm do nhà tư bản đã đầu tư vốn;

* m5: trả cho nhà tư bản đã có công quản lý vận hành đào tạo công nhân;

* m6: trả cho các lao động đặc biệt của nhà tư bản mà các lao động này người công nhận không thể làm thay được;

* m7: trả lại tiền ăn học cho nhà tư bản;

* m8: trả cho gien di truyền đã tạo nên đức tính thông minh cần cù của nhà tư bản;

* m9: trả cho công của nhà tư bản đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo đà phát triển cho xã hội giảm tỷ lệ thất nghiệp đỡ tránh các tệ nạn do bần cùng hóa xã hội như: ăn xin, trộm cắp,thất học, buôn gian bán lậu...
 * m10: thuế. Tại sao phải đóng thuế? Các sắc thuế ngoài việc thu về các phần đóng góp của quốc gia trong hoạt động của doanh nghiệp còn có ý nghĩa điều tiết lại giá trị thặng dư nhà tư bản đã bóc lột nhân công (nếu có);

* m11: của người lao động.

III. KẾT LUẬN

Học thuyết về giá trị thặng dư là viên đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác.

Quy luậy kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản là quy luật giá trị thặng dư.

Tư bản là giá trị mang lại giá trị thặng dư.

Tư bản là giá trị mang lại giá trị thăng dư, bằng cách bốc lột công nhân làm thuê.

Tư bản là quan hệ sản xuất xã hội: quan hệ bốc lột của người làm chủ đối với người làm thuê.

Tư bản được phân chia thành tư bản thành tư bản bất biến (c) và tư bản khả biến (v), trong đó v là bộ phận trực tiếp tạo ra giá trị thặng dư (m).

20.10.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Trường Quản lý Singapore thăm Vissan

Sáng ngày 15/10/2013, hơn 50 học viên cao học Đại học Quản lý Singapore SMU, dẫn đầu là giáo sư Philip Zerillo, đã đến thăm Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Các học viên SMU rất ấn tượng với quy trình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn” mà Vissan đã đạt được nhiều thành công.

Học viên trường Quản lý Singapore SMU thăm Vissan

Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường thực phẩm tươi sống và chế biến. Nhiều sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang các nước Nga, Đông Âu, Châu Á, khu vực Bắc Mỹ.

Thông qua chuyến đi, SMU muốn học hỏi kinh nghiệm, tìm ra mô hình quản trị doanh nghiệp đạt hiệu quả cao tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Các học viên SMU ấn tượng mạnh với thành tích mà Vissan đạt được trong quá trình từ một công ty bên bờ vực phá sản trở thành doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Trong buổi trao đổi, ban giám đốc Vissan đã có những câu trả lời thẳng thắn liên quan đến vấn đề đổi mới công nghệ và quản trị do các học viên SMU đặt ra. Tận dụng chính sách quản lí kinh tế vĩ mô của nhà nước làm bàn đạp, Vissan luôn có hướng đi riêng để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Giáo sư Philip Zerillo cho biết ông chọn Việt Nam là điểm để viếng thăm vì Việt Nam là một thị trường đang phát triển có nhiều nét đặc thù. Đây là cơ hội để các học viên hiểu hơn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, một đất nước có vị trí địa lí gần gũi với Singapore.

Nhiều học viên SMU trong đó có chị Joanne Wong, sinh viên cao học Quản trị kinh doanh, bày tỏ mong muốn có cơ hội hợp tác với Vissan trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu thực phẩm.

Đi lên từ đổi mới sáng tạo

Để có được thức ăn sạch, an toàn, hàng loạt công ty thực phẩm đã mạnh dạn đổi mới công nghệ, quản trị. Chiến lược “sạch từ trang trại đến bàn ăn” được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, áp dụng. Trong đó Vissan là đơn vị đạt được thành công khi thực hiện quy trình khép kín này. Hiện Vissan đã đảm bảo từ vùng nguyên liệu đến việc vận chuyển, chế biến, thành phẩm, bảo quản…

Ngoài việc cung cấp thực phẩm tươi, sạch cho thị trường, Vissan ngày càng hướng tới việc tạo tâm lí yên tâm cho người tiêu dùng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi liên tục cách tân công nghệ, nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm mới.

Dây chuyền sản xuất xúc xích của Vissan

Gần đây, công ty cho ra mắt dòng sản phẩm xúc xích Hola, thức ăn nhanh được đóng gói trong bao bì nhôm TikTak. Đây là các nhãn hàng hướng đến phân khúc thị trường dành cho người bận rộn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện Vissan đang cho xây dựng trụ sở mới ở tỉnh Long An. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, trụ sở chính của công ty sẽ dời về đây. Nhà máy mới của Vissan có tổng kinh phí đầu tư lên đến 150 triệu đô la Mỹ. Đây là số tiền rất lớn với hầu hết các doanh nghiệp vì nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn.

Trong bốn ngày (15 – 18.10), thông qua sự giới thiệu của câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu – LBC đoàn học viên MBA của Đại học Quản lý Singapore (SMU) sẽ thăm Vissan, Minh Long, công ty dược phẩm OPV và công ty đầu tư phát triển Nhiệt Đới (Tropdicorp).

15.10.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

"Chết" vì bị ném đá

Mạng xã hội đang thể hiện sức mạnh ghê gớm của mình!

Hết nhân viên của HTV bị lỗi vạ miệng

Đến nhân viên của VTV "tự sướng" không đúng lúc, đúng chỗ


Đối tượng bị ném đá đang có xu hướng mở rộng ra không từ một ai

Khoan hãy bàn về khía cạnh đạo đức của những người chia sẻ các loại thông tin như thế này. Hãy chờ xem một xu hướng truyền thông mới đang dần hình thành.

Sự minh bạch có phải đang dần bắt nguồn từ những thứ đơn giản như thế này?

Liệu những ai sẽ là đối tượng tiếp theo bị ném đá đến... "chết"?

Đây có phải là một bước tiến mới của nền truyền thông nhưng cũng là một bước lùi của đạo đức xã hội?

Hạ hồi phân giải.

14.10.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

"Hoa từ đất"



Chắt chiu những thành phần tinh túy từ đất mẹ, đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân cộng với việc ứng dụng công nghệ đỉnh cao, gốm sứ Minh Long 1 vừa cho ra đời dòng sản phẩn hoa từ đất sau hơn 10 năm nghiên cứu.

Dòng sản phẩm “hoa từ đất” đạt đến độ tinh xảo về kĩ thuật. Đặc biệt với sự mẫn cán, tỉ mỉ, các nghệ nhân đã thật sự thổi “hồn hoa” vào trong từng sản phẩm.

Hoa mang kiểu dáng hiện đại, màu sắc trang nhã, rất khó phân biệt giữa sản phẩm với hoa thường nếu được đặt cạnh nhau. Dòng sản phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa kĩ thuật đỉnh cao và nghệ thuật độc đáo.

Để cho ra đời dòng sản phẩm này, Minh Long 1 không ngần ngại đầu tư thời gian gần 10 năm, máy móc hiện đại cùng sự cải tiến liên tục kĩ thuật chế tác sản phẩm.

Hiện tại Minh Long 1 chưa sản xuất đại trà dòng sản phẩm này. Chủ yếu khách hàng thân thiết mới được sở hữu sản phẩm. Chính vì vậy, dòng sản phẩm “hoa từ đất” này không chỉ là vưu vật trong nước mà còn cực kì hiếm trong thị trường gốm sứ quốc tế. Hiện tại, không có nhiều công ty gốm sứ trên thế giới có thể làm được dòng sản phẩm này.

Minh Long 1 quan niệm rằng, công ty cũng như một thực thể sống, cần phải luôn đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để cho ra đời những sản phẩm đạt chất lượng cao. Đây là hướng đi đúng đắn, được nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thừa nhận.

Minh Long 1 đã đạt được nhiều thành công trong thương trường và vẫn kiên định con đường đổi mới sáng tạo để đưa doanh nghiệp vươn tầm thế giới.

12.10.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Vinamilk: Đổi mới công nghệ, nâng tầm quốc tế


Qua 37 năm hình thành và phát triển, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam hay còn gọi là Vinamilk hiện đang thống lĩnh thị trường sữa trong nước với khoảng 50% thị phần.

Trong những năm gần đây, Vinamilk bắt đầu xác lập vị trí trên bản đồ ngành công nghiệp sữa thế giới. Theo số liệu thống kê của Vinamilk, từ năm 2011 đến nay, kim ngạch xuất khẩu sữa tươi đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 70%/năm.

Đối mặt với các đại gia khổng lồ trong ngành sữa, Vinamilk đang có những bước đi căn cơ nhằm khẳng định vị trí của mình. Trong đó việc đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất luôn được chú trọng.

Vừa qua, Vinamilk đã khánh thành nhà máy sữa lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng để doanh nghiệp này hiện thực hóa giấc mơ chinh phục thị trường thế giới.

Tọa lạc tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương, nhà máy vừa đi vào hoạt động được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với việc lựa chọn công nghệ của Tetra Pak, tập đoàn chuyên cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm từ Thụy Điển, Vinamilk khẳng định khát vọng đưa công nghệ tiên tiến trên thế giới về Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Được xây dựng trong khuôn viên rộng 20ha, với vốn đầu tư ban đầu 2.400 tỷ đồng, công suất tối đa nhà máy có thể đạt được lên đến 800 triệu lít sữa/năm. Đây được đánh giá là con số lý tưởng có thể cung ứng toàn bộ nhu cầu sữa nước cho thị trường Việt Nam.

Với trang thiết bị hiện đại của nhà máy, Vinamilk hoàn toàn có thể kiểm soát để chất lượng sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Châu Âu.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm nhà máy mới của Vinamilk
 
Sau khi được chế biến với đa số các công đoạn tự động từ nhà máy, sữa thành phẩm sẽ được chuyển vào kho hàng thông minh. Sản phẩm là công nghệ tiên tiến được nhập khẩu từ Đức. Vinamilk là một trong những khách hàng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ này.

Nắm bắt được sức mạnh khoa học kỹ thuật, Vinamilk đã mạnh dạn đầu tư hàng loạt công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới hiện nay vào hoạt động sản xuất. Đây là bước đi quan trọng để doanh nghiệp tái khẳng định vị trí số một trên thị trường sữa nước Việt Nam, đồng thời hướng đến việc chinh phục thị trường thế giới.

Yếu kém chung của các doanh nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh quốc tế là sự lạc hậu trong công nghệ sản xuất. Đây cũng là khó khăn chung khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập chưa lâu, đa số các doanh nghiệp thiếu cơ hội tiếp xúc với công nghệ tiên tiến.

Trong khi đó, để cạnh tranh toàn cầu, các công ty cần phải liên tục đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bằng việc đưa nhà máy sữa của mình vào hoạt động, Vinamilk đã tạo được tiền đề thiết thực để các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm đạt chất lượng toàn cầu.
 
11.10.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Hiến pháp vì dân

Quốc hội họp

Hiến pháp là luật cơ bản của nhà nước. Theo đó, mọi văn bản luật và dưới luật đều phải tuân thủ, cũng như không được trái với Hiến pháp.

Qua nhiều lần lập hiến, từ việc sửa đổi, bổ sung đến việc viết cả bản Hiến pháp mới, Nhà nước đã tốn không biết bao nhiêu tiền của nhân dân nhưng đến nay chúng ta vẫn đang có một bản Hiến pháp còn gây nhiều tranh cãi.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước duy nhất có quyền lập hiến. Những thành viên trong Quốc hội là rường cột quốc gia. Sau nhiều lần hợp, chất vấn, sửa tới sửa lui, có khi kéo dài đến mấy năm mới có được một bản Hiến pháp. Mỗi lần viết ra một bản Hiến pháp mới, tài lực, đỉnh cao trí tuệ của nhân được huy động toàn bộ vào nó.

Nhiều người trách tại sao đại biểu Quốc hội ít lên tiếng. Lên tiếng làm sao được khi mỗi đại biểu sau mỗi cuộc họp phải gánh đến hàng kg tài liệu ngổn ngang. Thời gian đọc tài liệu còn không có, thì có đâu thời gian để phục vụ nhân dân, đưa tiếng nói của nhân dân đến cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội?

Một bản hiến pháp cố chấp, giáo điều, lý tưởng và đầy tham vọng thì không phải là một bản hiến pháp tốt. Hiến pháp tốt là Hiến pháp vì dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân chứ không phải lợi ích của nhóm chính trị.

Hiến pháp do Quốc hội viết. Đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu ra, đại diện cho tiếng nói của mình đến các cơ quan quyền lực nhà nước từ thấp đến cao. Nhưng liệu chúng ta đã có một cơ chế đủ tốt để tiếng nói nhân dân được lắng nghe, được tiếp thu, phản biện?

Chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ có được một bản hiến pháp tốt nếu như những người viết ra nó không hiểu thế nào là TỰ DO. TỰ DO nghĩa là không bao giờ chịu quỳ gối, cúi đầu trước bất kì một người, nhóm người nào cả.
 
Bất cứ cá nhân hay tập thể nào đều không phải là thần thánh. Và thậm chí ngay cả khi họ là thần thánh thì thần thánh cũng có lúc phải sai. Đừng bao giờ nghĩ một nhà toán học đoạt giải Fields như Ngô Bảo Châu thì không thể sai trong một phép tính toán.

Chợt nhớ đến một câu nói đầy mỉa mai: "Tư tưởng không thông xách bi-đông cũng nặng."

09.10.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Gốm sứ Minh Long 1: Vững mạnh từ sự đổi mới

Từ lâu, nhắc đến Bình Dương, người ta nhớ ngay đến các làng nghề truyền thống, trong đó nổi bật nhất là làng nghề gốm sứ. Ngày nay nhiều sản phẩm gốm sứ Bình Dương đạt đến độ kĩ thuật tinh vi nhờ được sản xuất bằng máy móc hiện đại.

Theo số liệu từ Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam, Bình Dương chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu gốm sứ quốc gia. Có đến 90% gốm sứ được sản xuất tại đây phục vụ xuất khẩu. Trong đó, Minh Long là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành gốm sứ cả nước. Đây là công ty đã gặt hái nhiều thành công trong việc xuất khẩu gốm sứ sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ…

Thành lập từ năm 1970, nhiều năm liền Minh Long 1 dẫn đầu ngành gốm sứ cả nước trong việc xuất khẩu. Đây còn là đơn vị luôn tiên phong trong công cuộc đổi mới công nghệ, sáng tạo không ngừng. Hiện nay, trong các nhà máy sản xuất gốm sứ của công ty, đa số máy móc tự động đã thay thế lao động chân tay.

Ông Lý Ngọc Minh, TGĐ Công ty Minh Long 1
 
Với bốn tiêu chí không: không thời gian, không biên giới, không giới tính và không tuổi tác cũng như bốn tiêu chí có: có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách và có hồn, sản phẩm gốm sứ Minh Long đã và đang chinh phục các khách hàng khó tính trong và ngoài.

Sau tám năm miệt mài nghiên cứu, Minh Long vừa cho ra đời dòng sản phẩm Ly’s Horeca với thiết kế mang nét đặc trưng văn hóa Việt đồng thời hiện đại mang tầm quốc tế. Bằng lòng yêu nghề, sự đổi mới, sáng tạo không mệt mỏi, Ly’s Horeca là minh chứng sống động cho triết lý kinh doanh “Đổi mới để tồn tại” của công ty.

Nhờ những ưu thế về trình độ khoa học kĩ thuật tiên tiến, Ly’s Horeca vẫn giữ được các ưu thế trước đây của sản phẩm gốm sứ Minh Long như bền, đẹp, ít trầy xước. Bên cạnh đó, Ly’s Horeca còn có giá cả rất hợp lý, phù hợp với cả những người tiêu dùng bình dân. Đây như một lời tri ân của công ty đối với khách hàng. Minh Long 1 ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong việc đổi mới, sáng tạo không ngừng để vươn tầm thế giới của các doanh nghiệp Việt.

Ngày nay, sản phẩm gốm sứ Minh Long 1 đã có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bên trong những sản phẩm đạt đến độ tinh vi về kĩ thuật là hồn nước, hồn người được gửi gắm qua từng nét vẽ công phu. Sản phẩm gốm sứ Minh Long là đại diện văn hóa tiêu biểu mang truyền thống, hình ảnh con người, đất nước Việt Nam đến với bạn bè khắp năm châu.

08.10.2013
Hồ Quốc Nam