Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Điều gì ngăn cách nhà báo và nhà khoa học?

Nhà báo và nhà khoa học đều là những người đi tìm chân lí, sự thật phục vụ công chúng. Tuy nhiên mối quan hệ giữa họ không phải lúc nào cũng tốt đẹp.


Đó là chia sẻ của TS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, ĐH. Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM. Trong buổi gặp mặt với các Phóng viên Y tế tại Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA, TS. Phúc cho biết những khó khăn, vướng mắc khi làm việc với nhà báo, dẫn đến trường hợp nhiều nhà khoa học ngại tiếp xúc với báo chí.

Với cương vị Phó trưởng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, TS. Phạm Văn Phúc có khoảng thời gian dài tiếp xúc báo chí từ các năm 2007 – 2009. Sau một vài năm làm việc, trong những năm gần đây TS. Phúc rất hạn chế tiếp xúc với báo chí. Anh cho biết nguyên nhân là do một số cơ quan báo đài không có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà báo với nhà khoa học để đưa tin chính xác. Đây cũng là vấn đề mà nhiều nhà khoa học khác gặp phải khi tiếp xúc với báo chí.

Nhà khoa học rất cần nhà báo, nhưng…

Nhà khoa học rất cần nhà báo để đưa đến người dân và các cấp lãnh đạo thông tin khoa học mới nhất. Có thể nói báo chí là công cụ rất mạnh tác động đến nhận thức xã hội đối với giới khoa học. Thiếu sự quan tâm của báo chí, khoa học sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng.

TS. Phúc thừa nhận: Những năm 2003, 2004, phòng thí nghiệm tế bào gốc thường xuyên phối hợp với báo chí để thông tin về các phát kiến mới. Liên tục hai năm 2007, 2008, thông tin liên quan đến tế bào gốc được bầu chọn là một trong mười sự kiện khoa học, công nghệ tiêu biểu của Việt Nam. Đây là tiền đề rất quan trọng để Bộ Khoa học và Công nghệ duyệt đề án xây dựng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc trị giá 2,5 triệu đô vào cuối năm 2008.

Thừa nhận công lớn của các nhà báo trong việc cho ra đời phòng thí nghiệm (TN) tế bào gốc nhưng TS. Phúc cũng chia sẻ nguyên nhân làm lãnh đạo phòng TN dần ngại tiếp xúc với báo chí. Vào những năm sau đó, một số bài báo có thông tin không chính xác về các công trình khoa học mới được công bố của phòng TN. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của phòng TN nói riêng và ĐH. KHTN nói chung.

TS. Phúc cho rằng khi làm việc với nhà khoa học, các nhà báo cần đảm bảo các tiêu chí như tính chính xác, kiểm chứng, khách quan… Thiếu bất kì tiêu chí nào nhà báo cũng có thể dẫn đến sai sót nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bài báo thiếu một trong những tiêu chí vừa nêu cũng không đáng tin cậy về độ chính xác, khoa học.

Sai sót thường hay mắc phải khi một nhà báo viết bài khoa học là sai về thuật ngữ chuyên ngành. Các nhà báo không nhất thiết là nhà khoa học, do đó việc bị sai thuật ngữ khoa học hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy các nhà báo sau khi viết cần phối hợp với nhà khoa học để kiểm chứng lại thông tin.

TS. Phạm Văn Phúc cho rằng ba sai sót cơ bản làm nhà khoa học ngại tiếp xúc với nhà báo bao gồm: sai thuật ngữ khoa học, sai hoặc sót thông tin khoa học, sai trong quá trình phổ thông hóa kiến thức khoa học đến công chúng. 

Hướng hợp tác cho nhà báo viết lĩnh vực khoa học

Mặc dù khó nhưng không phải hướng đi chung của nhà báo và nhà khoa học là không có. Trên thế giới, các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện là nguồn tin, đồng thời là nguồn tham khảo rất tốt cho các nhà báo. Nhà báo khoa học đọc thông tin từ các báo này và tìm đến nhà khoa học phỏng vấn sâu hơn để viết bài.

Các nhà khoa học ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có nhu cầu được thông tin đến người dân để tạo và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận. Chỉ khi xã hội, nhà nước đồng tình, ủng hộ thì khoa học mới thành công. Bất kì ngành khoa học nào hoạt động cũng cần tiền. Để có kinh phí tài trợ cho khoa học, báo chí cần thông tin, tạo sự quan tâm của dư luận.

TS. Phạm Văn Phúc cho biết thêm: Hiện nay tin tức dịch trên các tờ báo Việt Nam rất nhiều, nhưng tin tức khoa học nói chung được đưa rất hạn chế. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay có nhiều viện, cơ quan nghiên cứu chuyên môn đạt chất lượng nên thông tin về khoa học rất phong phú. Người viết nên khai thác triệt để những nguồn tin này.

25.10.2013
Hồ Quốc Nam

5 nhận xét:

  1. Khổ, nói chung VN chả có cái gì gọi là có thể được phát triển suôn sẻ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không nên bi quan quá ạ. Chúng ta còn rất nhiều người tài giỏi, người có tâm, có tầm luôn mong muốn cống hiến cho đất nước.

      Xóa
    2. giỏi, có tam, cá tầm, muốn được cống hiến cho đất nước nhưng k được tạo môi trường tốt để làm điều đó thì cũng như k à bác hic


      hat hanh nhan

      Xóa
    3. Đừng nên bi quan quá bạn ơi. Hãy chủ động hành động để đạt được mục đích.

      Xóa