Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Góp nhặt trên mạng

LTS: Một người thân gửi cho tôi qua email. Đọc xong suy ngẫm và cũng thấy hay. Nay xin ghi lại để chia sẻ cùng các bạn.

Những điều dưới đây trích từ kinh điển phật giáo Ấn Độ

Bất kể bạn có mê tín hay không vẫn xin bạn đọc bài văn dưới đây:

Sau khi đọc xong bài văn này, trong vòng bốn ngày may mắn sẽ đến với bạn.

Xin gởi lá thư này đi cho những người bạn mà bạn muốn chúc phúc. Có một số người có thể bạn đã dần dần quên đi người đó, nhưng nếu lòng bạn vẫn còn hình bóng người ấy, thì họ cũng sẽ gặp nhiều may mắn.

Tôi không thể cho bạn tiền, vì tôi không có tiền.
Tặng bạn một số lời khuyên trong cuộc sống.
Nên ăn nhiều lương thực thô.

Đừng nên dễ dàng tin vào những gì bạn nghe, đừng tiêu xài hết tiền bạn đang có, không nên muốn ngủ bao lâu thì ngủ bao lâu.

Xin thành thật và thật lòng khi nói câu “I love you”.

Bất kể lúc nào khi nói câu “xin lỗi”, xin hãy nhìn thẳng vào mắt của đối phương.
Hãy tin vào tiếng sét ái tình.

Đừng bao giờ coi thường mơ ước của người khác.

Bạn có thể bị tổn thương nếu yêu một người một cách say đắm, nhưng nó là phương pháp duy nhất khiến con người bạn trở nên toàn diện.

Dùng phương pháp tinh vi và xác thật để giải quyết tranh chấp, không nên xúc phạm người khác.

Đừng bao giờ đánh giá con người qua bề ngoài.

Nói từ từ nhưng phải suy nghĩ nhanh.

Khi người khác hỏi những điều mà bạn không muốn trả lời, xin hãy cười và nói “tại sao bạn lại muốn biết điều đó?”.

Gọi điện thoại cho mẹ, nếu không thể, ít nhất trong lòng bạn phải nghĩ về mẹ.

Một khi gặp phải thất bại, bạn nên nhớ phải lấy đó làm kinh nghiệm học tập của bạn.

Hãy ghi nhớ ba chữ “trọng”: tôn trọng mình; tôn trọng người khác; giữ lấy tôn trọng, phải có trách nhiệm đối với hành vi của mình.

Đừng nên để việc tranh chấp nhỏ đi hủy hoại tình bạn vĩ đại.

Bất luận lúc nào khi bạn phát hiện bạn làm sai, xin hết lòng tìm cách bù đắp. Phải nhanh chân lên!

Bất luận lúc nào khi bạn nghe điện thoại, khi nhấc điện thoại lên xin bạn hãy cười lên, vì đối phương sẽ cảm nhận được nụ cười của bạn!

Hãy kết hôn với người mà bạn thích chuyện trò với người đó, vì khi bạn già đi, bạn sẽ phát hiện, thích chuyện trò là một ưu điểm lớn.

Nên chấp nhận sự thay đổi, nhưng không phải vứt bỏ quan niệm của mình.

Hãy nhớ rằng, im lặng là vàng.

Hãy dành nhiều thời gian để đọc sách, ít xem ti vi.

Tin tưởng vào thượng đế, nhưng đừng quên khóa cửa.

Khi bạn cãi vã với người yêu, xin hãy giải quyết bằng lý trí, không nên moi những gì đã qua ra nói.

Đừng trốn tránh ngày hôm qua.

Nên chú ý ý nghĩa từng câu nói của bạn.

Cùng chia sẽ kiến thức của bạn với người khác, đó mới là đạo vĩnh hằng.
Hãy làm những gì mà bạn phải làm.

Đừng nên tin người không bao giờ nhắm mắt khi hôn bạn

Mỗi năm ít nhất đi một nơi mà bạn chưa hề đi qua.

Nếu bạn kiếm được nhiều tiền, nên làm nhiều việc thiện khi bạn còn sống, đó là một cách trả báo tốt nhất cho bạn.
Hiểu sâu và lý giải đúng tất cả các quy tắc, hợp lý cải tiến những quy tắc đó.

Ghi nhớ rằng: quan hệ tốt nhất là yêu và cho người khác hơn là yêu cầu người khác.

Hãy nhìn lại mục đích mà bạn thề sẽ đạt được và phân tích mình đã thành công đến mức nào.

Bất luận trong nấu ăn hay trong tình yêu, bạn đều phải dùng 100% trách nhiệm trong thái độ đối xử. Đừng nên để lá thư này trên tay của bạn. Lá thư này trong vòng 96 tiếng sẽ rời khỏi bạn. Xin copy và send đi để xem sẽ xãy ra điều gì? Trong vòng bốn ngày kể từ ngày hôm nay, bạn sẽ gặp phải một điều làm bạn thích thú. Cho dù hiện giờ bạn không tin, nhưng đó là sự thật.
Ít nhất send đi cho năm người khác, cuộc sống của bạn sẽ được cãi thiện:
0 - 4 người: Bạn sẽ trải qua một biến đổi nhỏ.
5 - 9 người: Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi theo mong muốn của bạn.
9 - 14 người: Trong vòng bốn ngày bắt đầu từ hôm nay, bạn sẽ gặp ít nhất năm điều làm bạn vui.
15 người trở lên: Cuộc sống của bạn sẽ gặp phải thay đổi lớn, ước mơ của bạn sẽ trở thành hiện thực.
31.10.2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Vài lời cuối với Facebook

Như vậy là tôi đã chính thức đóng cửa Facebook sau hơn hai năm gắn bó với nhiều niềm vui và nỗi buồn. Đôi khi chúng ta phải dừng lại một số thứ nhằm có nhiều thời gian để tập trung vào những chuyện khác quan trọng hơn. Sau đây là một vài dòng tôi viết lên tường Facebook của tôi, "như một lời chia tay":

"Vài lời cuối: Để ngừng lại hay tiếp tục bất kỳ việc gì đó phải cần rất nhiều thời gian, đối với tôi thì duyên phận với Facebook xem như đã chấm dứt. Điều đó không có nghĩa là tôi tự tách mình ra khỏi thế giới thông tin ngồn ngộn trên Internet đang lớn nhanh từng ngày. Nếu bạn muốn viếng thăm tôi, xin mời thông qua những cách sau:

1. Blog: http://hoquocnam.blogspot.com
2. Yahoo: quocnam1989_kg@yahoo.com
3. Email: tentolanam@gmail.com
4. Đón xem chương trình Lục Lạc Vàng phát sóng 8h30’ tối Chủ Nhật hàng tuần trên kênh VTV1, vì đó cũng là một phần cuộc sống của tôi.

Dĩ nhiên nếu bạn muốn tag hình ảnh, clip hay bất cứ thứ gì qua Facebook của tôi cũng được, vì đó là những kỷ niệm vô cùng quý giá. Tôi sẽ lưu giữ lại tất cả và trân trọng chúng như một phần của ký ức tươi đẹp.

29.10.2011
Sài Gòn
Trân trọng kính chào!"


29.10.2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Học viết lách – sao không?

LTS: Bài viết này tôi copy từ blog của thầy Nguyễn Ngọc Trân, giảng viên khoa Báo chí & Truyền thông, trường ĐHKH&XH TP.HCM và đã hỏi xin ý kiến tác giả. Các bạn có thể xem bài cũng như blog thầy Nguyễn Ngọc Trân và những bài khác nữa theo đường dẫn sau: http://gatebeepers.blogspot.com/2008/12/o-to-cy-bt.html. Chúc các bạn học thật tốt! Dưới đây là nội dung bài viết:

Ở Mỹ cũng như ở Anh, việc dạy viết lách luôn chiếm vị trí quan trọng trong các trường đại học. Tại đây luôn có những nhà văn danh tiếng tham gia giảng dạy.

Các khóa “dạy viết sáng tạo” đang rất được ưu chuộng. Chúng không chỉ trở thành một môn học như các môn khác trong chương trình đại học mà còn giúp “đánh bóng” cho ngành văn chương. Phải rất khó khăn sinh viên mới vào được những khóa học này vì sự lựa chọn là cực kỳ khắt khe.

Viết sáng tạo là gì? Hiểu theo nghĩa đen, đó là khóa dạy viết một cách sáng tạo và có nghệ thuật. Nói cách khác, nếu bạn mơ viết truyện, tiểu thuyết, kịch hay thơ thì đây chính là khóa học dành cho bạn.

Không phải chuyện ngốc

Người học sáng tác sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật để cấu trúc nên một văn bản, xây dựng cách kể chuyện hiệu quả, tạo ra các đoạn hội thoại, làm chủ cách miêu tả hấp dẫn … Khóa học kéo dài từ một đến hai năm, thường là sau bậc cử nhân; khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được nhận bằng thạc sĩ.

Học viết có phải là chuyện ngốc khi đã có khiếu văn chương? Theo Amy Bloom, giáo sư dạy viết văn tại đại học Yale (Mỹ), nhiều người cho rằng viết lách là năng khiếu trời cho. Tuy nhiên, không ai ngạc nhiên khi thấy họa sĩ học vẽ tại trường Mỹ thuật hay ca sĩ opera luyện giọng tại Nhạc viện. "Vậy sao văn chương lại là môn học duy nhất không được giảng dạy và cũng không được hoàn thiện”, ông thắc mắc.

Bloom nói thêm: “Tôi không hứa bất kỳ điều gì với sinh viên. Tôi không nói với họ “Một tiểu thuyết vĩ đại đang ngủ yên trong các bạn” hay “Tôi sẽ biến các bạn thành nhà văn của thế kỷ”. Tôi cũng không đảm bảo với họ rằng họ sẽ xuất bản được sách. Tôi chỉ muốn giúp họ trở thành những độc giả thông thái hơn và giúp họ phân biệt được câu hay và câu dở”.

Tại châu Âu, những khóa học sáng tác văn chương xuất hiện lần đầu tiên ở Anh. Một trong những khóa học lâu năm nhất đã ra đời từ những năm 1970 tại đại học East Anglia. Sau đó, chúng xuất hiện nhiều như nấm tại các đại học London, Sheffield, Bath, Glasgow, Manchester…

Russell Celyn Jones, giám đốc chương trình tại Đại học Birkbeck (London), cho biết: “Hiện nay, 70% các trường đại học ở Anh có các khóa dạy viết sáng tạo”. Tùy theo từng trường, chương trình dạy sẽ khác nhau. Dominique Le Jacques White, một người chuyên đại diện và mua bán tác phẩm của các nhà văn, giải thích: “Một vài trường đào tạo nhiều hơn về các kỹ thuật viết cơ bản. Trong khi các trường khác, như East Anglia, thực sự là những nơi phát hiện các tài năng, sẵn sàng thử nghiệm cái mới và rất… văn chương”.

Tất nhiên, uy tín của khóa học phụ thuộc vào những tác giả tham gia giảng dạy. Các đại học đã tranh nhau thu hút những giảng viên tốt nhất. Richard Ford dạy sáng tác văn chương tại trường Dublin còn Philip Pullman thì dạy ở Đại học Oxford Brookes. Martin Amis vừa được mời dạy tại trường Manchester với mức lương nghe nói lên đến 150.000 euro/năm.

Vườn ươm bút sắt

Sinh viên được lựa chọn rất kỹ lưỡng. “Chúng tôi chỉ nhận 30 sinh viên mỗi năm”, Jones,Đại học Birkbeck, cho biết. Trong số 30 sinh viên này, bao nhiêu người sẽ trở thành tác giả “chuyên nghiệp”? Bao nhiêu người sẽ có sách được xuất bản? Tại đại học Birkbeck, sáu năm qua, đã có hơn một tác giả viết sách thiếu nhi có tác phẩm được chuyển thể thành phim.

Shaun Levin, đang dạy viết văn tại London, nói: “Tất nhiên, điều quan trọng nhất không phải là xuất bản sách mà là ý thức được rằng muốn viết được thì cần phải viết, viết và viết … cũng phải đọc, đọc, đọc thật nhiều. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy những người muốn trở thành nhà văn nhưng lại không bao giờ đọc quyển sách nào!.”

Một hiện tượng khác cần được quan tâm: từ giờ trở đi, để bước chân vào giới văn học Anh, cần phải qua một khóa học sáng tác văn chương. Chính khóa học sẽ giúp người viết biên tập và trau chuốt lại tác phẩm của mình. White, một người chuyên đại diện và mua bán tác phẩm của các nhà văn, nhận xét: “Trước đây tại Anh, các biên tập viên cũng là những người phát hiện ra các tác giả và tác phẩm tiềm năng. Nhưng giờ đây, chuyện này ngày càng hiếm. Và các khóa học sáng tác văn chương đang làm công việc “khám phá” tài năng”.

Những người chuyên mua bán tác phẩm của các nhà văn không hề nhầm lẫn. Họ biết đâu là nơi đào tạo các tài năng. Nhiều người thuộc các công ty như A.P.Watt, ICM, Curtis Brown… đã tìm đến các khóa học này để thăm dò. Họ thường “lảng vảng” ở đó vào cuối các khóa học, gặp gỡ sinh viên, tổ chức các lễ hội… Thậm chí họ còn tài trợ cho một vài khóa học để dành được quyền mua bản thảo của sinh viên.

Các công ty sách cũng tìm đến đây. Tại London, cứ mỗi năm một lần, nhà sách khổng lồ Waterstone’s ở khu Piccadilly lại tổ chức một buổi dạ hội dành cho sinh viên đang theo học sáng tác văn chương và những người đại diện cho các nhà văn xuất bản và các công ty xuất bản. Nhờ đó sinh viên có dịp tiếp xúc và giới thiệu tác phẩm của mình.

Một số người không thích các khóa dạy viết vì họ cho rằng việc học quá nhiều “phương pháp viết” sẽ giết chết tính độc đáo của giọng văn. Nhưng những người ủng hộ lại phản bác ý kiến trên. Họ trích dẫn câu nói của Picasso: “Nghệ thuật không phải là áp dụng chuẩn mực của cái đẹp mà là những gì bản năng và trí óc có thể cảm nhận và sáng tác được từ chuẩn mực ấy”. Những tài năng thật sự luôn làm được điều này.

-------

Đại học East Anglia – “lò ấp” tài năng

Nhiều nhà văn đã theo học khóa sáng tác văn chương tại Đại học East Anglia (UEA). Trong số đó có Ian McEwan, Kazuo Ishiguro, Anne Enright, Tracy Chevalier và Trezza Azzopardi. UEA nằm ở Norwich thuộc vùng Norfolk. Các khóa học sáng tác văn chương đã xuất hiện lần đầu tiên ở UEA và là những khóa học uy tín nhất nước Anh.

Nhà văn nổi tiếng Angus Wilson và Malcolm Bradbury đã mở các khóa học này vào năm 1970. Họ đã giảng dạy lâu năm tại đây cùng Angela Carter, Rose Tremain và cả Andrew Motion, “nhà thơ của các giải thưởng”.

Nhà văn Giles Foden ca ngợi, cho rằng đây là khóa học “rất cách mạng”. Foden là tác giả của “Vị vua cuối cùng của Scotland” và là giáo sư tại East Anglia. Ông đã viết lách hàng vài chục năm rồi mới sáng tác được một tác phẩm nổi tiếng như vậy. Tác phẩm này đã được Kevin MacDonald chuyển thể thành kịch bản phim.

Dẫu UEA đã đào tạo được hàng chục nhà văn nổi tiếng, nhưng Foden vẫn nhấn mạnh rằng sinh viên cần phải thực tế. Ông nói: “Chúng tôi phải gạt bỏ ảo tưởng ra khỏi đầu sinh viên, luôn nhấn mạnh viết văn là một quá trình rèn luyện lâu dài mới thành thục được. Các khóa học thường chỉ mang lại kết quả sau ba đến bốn năm…”
28.10.2011
Hồ Quốc Nam

Hai bài học lớn từ cây trứng cá trước nhà

Trước cửa nhà tôi có một cây trứng cá. Mới khoảng 3 – 4 tháng trước đây, tại gốc cây trứng cá này là một bãi đất trống khô cằn mọc đầy cỏ. Từ trước tới nay, ở cách nhà tôi khoảng 20 mét là một cây trứng cá cũng đã khá già, không biết mọc từ bao giờ. Mùa mưa đến, những trái trứng cá chín rụng đầy xuống sân. Không biết có phải do con chim, con chuột ăn vào bụng rồi ị ra ngoài không mà chỉ sau mấy tuần mưa, hàng trăm cây trứng cá xanh rì mọc lên trên cái sân rộng khoảng 50 mét vuông trước cửa nhà. Những ngày đó tôi còn lo sợ là không khéo sân trước cửa nhà mình sẽ biến thành rừng trứng cá mất vì số lượng cây trứng cá con mọc quá nhiều đếm không xuể.

Rồi mấy tháng trôi qua, số cây trứng cá còn lại rất ít ỏi. Sau mấy lần công tác xa nhà về, mỗi lần công tác mất khoảng từ 15 ngày đến một tháng, trong khoản thời gian đó tôi cũng không để ý kỹ lắm số lượng cây trứng cá trước cửa nhà tôi, một hôm tôi nhìn lại thì trước nhà mình chỉ còn có ba cây trứng cá. Điều kỳ lạ là ba cây trứng cá ấy là ba cây mọc ở những mô đất khô cằn nhất. Còn tất cả các cây trứng cá còn lại mọc ở những lùm cỏ ẩm ướt hơn không biết đã chết tự bao giờ.

Điều đáng nói hơn là trong ba cây trứng cá mọc sát nhau trước cửa nhà tôi lúc này, có một cây trứng cá có số phận khá đặc biệt: nó là cây trứng cá mọc ở mô đất khô cằn nhất trong ba cây và từ nhỏ nó phải mấy lần chịu cảnh gãy cành, gãy đọt. Số là cây trứng cá đó ở gần đường chúng tôi dắt xe vào nhà, nên cứ có người dắt xe qua là người có cơ hội đạp lên cây trứng cá và xe có cơ hội cán lên nó. Cũng có lần một thằng bạn tôi “tâm hơ, tâm hất” trong lúc múa vài thế côn gì đó, nó nện mạnh xuống đất một phát, cây trứng cá lúc đó chỉ cao khoảng 20cm so với mặt đất bị cây côn làm bằng thân tre già của nó làm gãy làm đôi. Lúc đó tôi chạy ra vừa chửi thằng bạn hậu đậu, vừa tiếc “Thôi rồi cây trứng cá nhỏ bé, đáng thương! Sau nhiều lần bị xe cán, người đạp không thương tiếc, mày đã vượt qua được, lần này bị gãy làm đôi thế này thì mày chết chắc!”. Tôi tiếc quá chạy vào nhà lấy một ca nước xối vào gốc để an ủi nó và mong cho nó mau bình phục.

Tôi tìm được trên Internet một tấm ảnh có nói rõ về nguồn gốc và một vài đặc điểm của cây trứng cá

Nhưng bạn biết không? Ít ai ngờ lắm! Cây trứng cá nãy giờ tôi đã kể cho bạn nghe, hôm nay đã trở thành cây trứng cá cao nhất, khỏe nhất trong tất cả các cây trứng cá mọc trong mùa mưa năm nay. Hôm qua tôi ra ngoài sân nhìn vào gốc nó thì mới phát hiện, do gãy đọt, cây trứng cá mọc ra thành hai đọt mới hình chữ V, bây giờ hai đọt đó phát triển thật nhanh và tươi tốt. Vết thương cũ trên thân cây đã lành theo thời gian, và giờ đây cây đang vươn mình thật cao và thật nhanh để đón ánh nắng. Tôi dự định sẽ để cây trứng cá này luôn vì cây trứng cá ngoài cho trái cũng khá ngọt còn cho cả bóng mát. Lá cây trứng cá rụng hơi nhiều nhưng trước cửa nhà tôi là sân đất nên cũng không cần phải lo.

Lại nhớ khoảng sáu tháng trước, tôi đi tìm một cây trứng cá con trồng đúng ở chỗ cây trứng cá hiện nay đang mọc. Tôi điện về nhà hỏi cậu tôi ở Kiên Giang cách trồng cây trứng cá như thế nào? Cậu nói, “Dễ lắm, chỉ cần bẻ nhánh cây trứng cá ghim xuống sìn, sau đó chờ khoảng mấy tuần, chờ nhánh cây đó ra rễ là đem trồng. Hoặc cũng có thể tìm một cây trứng cá con trồng cũng được. Trứng cá con thì tìm ở những gốc cây trứng cá lớn nhiều lắm,”. Vậy là tôi đi tìm một cây trứng cá con y như lời cậu dạy. Nhưng không biết là do thiếu nước hay sao mà trồng được mấy tuần rồi nhưng cây chết lúc nào không hay biết. Lúc thấy tôi trồng cây trứng cá và ra sức chăm bón, một người hàng xóm của tôi nhìn cười và nói rằng: “Trồng cây ở đó mà chờ đến cho bóng mát thì có lẽ phải đợi đến hai năm(?)”. Lúc đó tôi cũng không tin lắm vì nghĩ cây trứng cá là một loại cây cũng lớn khá nhanh.

Và như bạn đã biết, hiện giờ, chỉ có mấy tháng sau mùa mưa, tôi đã có một cây trứng cá ở trước cửa nhà. Cây cao khoảng 2 mét và cũng đã cho được bóng mát. Tôi rút được hai bài học lớn từ cây trứng cá này như sau:

1. Càng ở trong nghịch cảnh, khó khăn thì con người ta còn có khả năng tự phát triển tốt hơn. Bằng chứng là cây trứng cá của tôi đã nhiều lần bị người đạp, xe cán, bị thằng bạn hậu đậu của tôi dùng cây côn đập gãy làm hai nhưng bây giờ nó đã lớn rất nhanh và cho bóng mát. Tất cả các cây trứng cá còn lại có nhiều điều kiện phát triển hơn nó nhưng đã không thể chiến thắng được thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên nên đã lần lượt qua đời. Hai cây trứng cá còn lại ở gần cây trứng cá của tôi thì ngày càng bị nó lấn lướt.

2. Sự lớn nhanh của cây trứng cá làm tôi suy nghĩ về chuyện học hành của mình. Cũng giống như cây trứng cá hút từng hạt nước nhỏ li ti từ mảnh đất khô cằn, chúng ta cũng phải học rất khó khăn từ trong sách vở và cuộc sống. Cây trứng cá sau khi hút nước, chất dinh dưỡng từ đất, ô-xy và các-bô-nít ở ngoài trời đã từng ngày lớn lên mặc dù bạn nhìn bằng mắt hàng ngày thì không thể nào nhận ra được. Điều đó cũng giống như việc học của bạn. Bạn có thể học từ từ nhưng học phải thật điều đặn và tích lũy kiến thức từng ngày một. Học cách giữ lại kiến thức đã được học cũng giống như cách cây trứng cá giữ nước trong thân mình bằng cách cố gắng học thật kỹ và ôn đi, ôn lại nhiều lần để nắm cho thật vững. Cũng giống như cây trứng cá, bạn sẽ lớn lên rất nhiều lúc nào không hay biết!

28.10.2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Thơ của em

Họ yêu nhau họ khoái chiều thứ bảy
Hoàng hôn về họ lại dắt nhau đi
Tui ko yêu nên tui ghét chiều thứ bảy
Hoàng hôn về một mình chơi bắn bi

Boston, Mass.
HNTL.
27.10.2011
http://hoquocnam.blogspot.com

Trailer Lục Lạc Vàng CT18 Tân Quy Tây, Sa Đéc, Đồng Tháp 6/11/2011


Mời các bạn đón xem chương trình Lục Lạc Vàng - Kết nối những miền quê phát sóng vào lúc 20h30' Chủ Nhật ngày 6/11/2011 trên kênh VTV1.

UPDATE: Trailer này gửi cho các đài truyền hình địa phương nên không có giọng đọc của MC mời đón xem chương trình.

28.10.2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Một số hình ảnh từ chuyến công tác miền Bắc

Từ miền Bắc về, công việc đầu tiên là quét dọn chuồng trại (chuồng heo), giặt đồ đạc (không còn một bộ đồ để mặc), vệ sinh ổ chuột (ổ này bề bộn như chuồng heo và hôi như ổ chuột), sắp xếp lại sách vở (đây là công việc thú vị nhất và có vẻ "trí thức" nhất), lên kế hoạch cho công việc và học tập cho những ngày sắp tới (thời gian gần đây đi nhiều quá nên việc học tập đang tạm thời bị gián đoạn, về tới Sài Gòn nếu không tiếp tục đi nữa nhất định sẽ lao đầu vào học như con trâu, con bò).

Còn quá nhiều việc phải làm, còn quá nhiều chuyện phải suy nghĩ. Nhưng dù sao thì những ngày tháng này cũng là những ngày tháng hạnh phúc. Hạnh phúc vì bận rộn không có nhiều thời gian để suy nghĩ mấy thứ linh tinh; tiếp tục duy trì được niềm vui trong công việc (ít ra thì mình cũng đã khẳng định được mình không phải là "kẻ mọt sách chỉ biết ăn và học"; lần này đi hiện trường làm công việc của đạo diễn dàn dựng mới biết mình cũng có thể làm được và làm rất tốt như ai, ngoại trừ một vài chuyện không được vừa ý lắm do cách cư xử từ những mối quan hệ cũng không đáng quan tâm lắm) và các mối quan hệ bạn bè, người thân tương đối ổn.

Sau đây là một số hình ảnh từ chuyến công tác:

Thắp nhang cầu mong cho cả đoàn được bình yên tại Đèo Cả, ranh giới giữa Khánh Hòa và Phú Yên (Đèo Cả là một con đèo hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất tại miền Trung Việt Nam)

Hầm đường bộ tại đèo Hải Vân, ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng (ngày xưa chưa làm được hầm thì phải đi bằng đèo)


Tới Huế thì gặp mưa và xe ô tô bị xẹp lốp

Phát súng khai hỏa ở Hải Phòng rất thành công

Các cô gái dân tộc Mường ở Hòa Bình

MC Minh Béo dễ thương bên cạnh cô gái Mường ở Hòa Bình

Các em thiếu nhi Mường trong đội múa của chương trình


Các biên tập ở Hà Nội


MC Minh Béo nhắm mắt, đạo diễn dàn dựng đau đầu (thực tế của những ngày ở miền Bắc vừa qua)

Hướng dẫn các em thiếu nhi múa và diễn xuất ở Thanh Hóa

Xin được kết thúc bằng hình ảnh một khán giả "rất nhí" của chương trình

Những ngày sắp tới hi vọng sẽ là những ngày bình yên với công việc, các mối quan hệ và không phải suy nghĩ quá nhiều về các thứ linh tinh như giáo sư Ngô Bảo Châu có lần đã từng gọi là "phù du".

25.10.2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Sài Gòn những ngày tháng ấy

Sau một chuyến công tác dài hơi đi khắp miền Bắc Việt Nam, Sài Gòn lại hiện ra trước mắt. Vẫn là Sài Gòn của ngày nào sau biết bao nhiêu ngày xa cách. Ngày hôm qua khi về lại Sài Gòn, vẫn là những con đường đầy bụi cũ ngồn ngộn người và xe. Nhiều lúc đi nhiều quá nên mỗi lần quay lại Sài Gòn mình cứ như một anh Hai Lúa lần đầu từ tỉnh lẻ lên thành phố. Đi nhiều nơi mới biết, Sài Gòn cũng nhỏ lắm, chật chội lắm, không phải "Sài Gòn phồn hoa đô hội" như người ta vẫn thường nói.

Nhịp sống Sài Gòn nhiều khi vùi lấp những tơ tưởng ngày thường

Đi nhiều mới biết đất nước Việt Nam mình bé xíu. Hằng ngày, có đến hơn 90 triệu con người vẫn chen chúc nhau sống trên dãi đất hình chữ S này với biết bao nhiêu toan tính; với biết bao nhiêu hĩ, nộ, ái, ố; với biết bao nhiêu yêu, thương, ghét, giận hờn... giữa người với người. Tự nhiên khi về tới Sài Gòn, những kỉ niệm ngày xưa cũ lại ùa về từ một miền ký ức đã bị vùi chôn bởi nhịp sống tấp nập ngày thường. Những gì đã qua luôn luôn là những gì đẹp nhất. Dẫu trong đó có cả những nụ cười và những giọt nước mắt. Những mong ký ức tươi đẹp đó là những sự thật mình đã thật sự trải qua, những mong những hình ảnh ngày hôm nay lại hiện về là những hình ảnh thật sự chứ không phải là một phần của ảo vọng và tơ tưởng ngày thường.

Từng hình ảnh với những con người thân quen cứ ào ào ùa về như một cuốn phim, cuốn phim ấy có lúc ồn ào, có lúc lặng lẽ, có lúc dễ thương, có lúc dễ ghét như hình ảnh người em gái Sài Gòn lúc mới yêu. Nhiều lúc tự vấn lại lương tâm mình: "Mình đã sống hết mình với Sài Gòn chưa? Mình đã từng yêu ai thật sự chưa? Mình đã từng... đã từng chưa? Mình đang sống vì những ai và sau này mình chết đi vì những ai? Có ai khóc lúc thân thể này trở về với lòng đất? Mình đã làm được những gì cho cuộc đời này để không phí một kiếp làm người?". Vui vì mình vẫn cảm thấy không hổ thẹn khi sống kiếp người này. Ít nhất cũng cho đến giờ phút này.

Sài Gòn là những mảnh chắp vá hết sức ngô nghê. Đi giữa lòng thành phố tráng lệ này, nhiều lúc tự hỏi: Đâu là cũ, đâu là mới? Đâu là cao, đâu là thấp? Đâu là xa hoa, tráng lệ, đâu là nghèo nàn, lạc hậu? Sài Gòn cũ hay mới? Sài Gòn cao hay thấp? Sài Gòn đen hay trắng? Tất cả những câu hỏi và câu trả lời trên đều nằm trong suy nghĩ của mỗi người, nhưng đối với mình thì Sài Gòn có cái gì đó buồn man mát. Một nỗi buồn có lẽ không nói được thành lời!

25.10.2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Viết cho sinh nhật của em

Hôm nay là sinh nhật của em, năm nay em tròn 19 tuổi, một cái tuổi vẫn còn quá ngây thơ và trẻ con. Hôm qua anh nhắn cho em mấy cái tin, và anh nghĩ nó cũng nên là nội dung của entry này, vì đó là tất cả những gì anh muốn nói với em:

Tin nhắn viết lúc 6h20' sáng ngày 24.10.2011 tại Nha Trang: "Anh đang bắt đầu từ Nha Trang về lại Sài Gòn. Morning em!". Morning em nhưng anh biết ở Boston, Massachusetts là khoảng 7h tối. Anh muốn em biết từng bước chân của anh đã đi qua trong cuộc đời hết sức ngắn ngủi này.

Tin nhắn viết lúc 4h59' chiều ngày 24.10.2011 tại Sài Gòn: "Anh đã về tới Sài Gòn, tự nhiên nhớ em. Không hiểu giữa em và Sài Gòn có gì giống nhau? Sài Gòn có lúc dịu dàng, lúc ồn ào, lúc dễ thương, lúc dễ ghét. Y như em!" Em cũng như Sài Gòn, nhiều lúc làm anh vui, nhiều lúc làm anh mệt mỏi. Nhưng anh đi đâu rồi cuối cùng cũng sẽ trở về.

Tin nhắn viết lúc 12h51' AM ngày 25.10.2011 tại Sài Gòn: "Em à! Sinh nhật vui vẻ nghe em. Anh không có gì tặng em cả, chỉ có lời chúc mong em thật sự bình yên và hạnh phúc. Cố gắng giữ gìn sức khỏe nghe em! ayenl!". Có mấy chữ này mà cứ viết hoài, viết hoài không thấy chán?

Tin nhắn viết lúc 1h19' AM ngày 25.10.2011 tại Sài Gòn: (Tin nhắn này anh viết riêng cho em!)

PS: Nếu em đọc được entry này, mong em hãy nhớ lời anh: Cố gắng học thật tốt, đừng ham chơi quá! Giữ gìn sức khỏe vì ở nơi xứ lạ, quê người không có người thân bên cạnh chăm sóc em như ở Việt Nam.

25.10.2011
Hồ Quốc Nam

Lục Lạc Vàng có thêm bài hát mới

Chính thức kể từ ngày 10/11/2011, bên cạnh bài hát Tấm Lòng Việt Nam của nhạc sĩ Trần Tiến, Lục Lạc Vàng sẽ có thêm bài hát Rung Lên Lạc Vàng do nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác. Rung Lên Lục Vàng sẽ là bài hát chủ đề trong phần Lễ Trao Tặng của chương trình.

Lục Lạc Vàng - Kết nối những miền quê là chương trình từ thiện, nhân đạo xã hội, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng nông thôn Việt Nam. Ở mỗi tỉnh Lục Lạc Vàng đi qua, chương trình phối hợp cùng với chính quyền địa phương lựa chọn hai huyện, mỗi huyện chọn ra hai xã, mỗi xã có sáu hộ dân nhận 12 con bò của chương trình. Sau hơn bốn tháng phát sóng, Lục Lạc Vàng đã chính thức trao tặng hơn 200 con bò cho hơn 100 hộ nông dân trên khắp cả nước.

Đồng cảm với nghĩa cử cao đẹp và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho biết: “Tôi xem chương trình của đài làm và tôi rất cảm xúc. Tôi nghĩ trong phạm vi hạn hẹp của một người nhạc sĩ, tôi có thể viết một ca khúc để thể hiện sự đồng cảm của mình đối với chương trình. Bài hát có tên là Rung Lên Lục Lạc Vàng, tôi mong muốn mỗi khi tiếng Lục Lạc Vàng rung lên ở miền quê nào thì ở đó có những bà con đang khó khăn được một đôi bò để nuôi. Tôi nghĩ đó cũng là lòng mong ước chung của tất cả các bạn khán giả”.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sáng tác và thể hiện bài hát Rung Lên Lục Lạc Vàng


Lời bài hát Rung Lên Lục Lạc Vàng

Đạo diễn – Nghệ sĩ nhân dân Việt Cường, tổng đạo diễn chương trình Lục Lạc Vàng nhận xét về bài hát Rung Lên Lục Lạc Vàng: “Khi nghe bài hát Rung Lên Lục Lạc Vàng lần đầu tiên, tôi đã xúc động và rơi nước mắt. Đó là tấm lòng của một nhạc sĩ đối với chương trình. Bài hát thể hiện sự đồng cảm của người nhạc sĩ, sự giao thoa giữa âm nhạc và thực tế cuộc sống của những người nông dân nghèo. Tôi đã trao đổi với những người thực hiện chương trình và quyết định đem bài hát Rung Lên Lục Lạc Vàng vào Lễ Trao Tặng của chương trình. Bài hát đã làm rung động con tim và đón nhận tình cảm rất nồng nhiệt của tất cả các bạn khán giả”.

Sau hơn bốn tháng phát sóng, chương trình Lục Lạc Vàng đã tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng, GS. Trần Văn Khê sau khi xem xong chương trình đã chia sẻ: “Tôi xin cảm ơn những người đã nghĩ và thực hiện chương trình Lục Lạc Vàng. Lục Lạc là cái thường thấy thường thấy trên cổ của con trâu, con bò vốn gắn liền với người nông dân mà có tấm lòng vàng của nhà tài trợ đi tới. Chương trình thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta vì người nông dân chính là người đã tạo ra hạt cơm, hạt gạo chúng ta vẫn ăn hàng ngày”.

Tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội, Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty truyền thông Lasta – đơn vị nhận trách nhiệm sản xuất chương trình Lục Lạc Vàng, đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng chương trình Lục Lạc Vàng – Kết nối những miền quê.

10/11/2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

UPDATE: Các bạn có thể nghe bài hát Rung Lên Lục Lạc Vàng theo đường dẫn bên dưới:

Anh hùng lao động Hồ Giáo bén duyên cùng Lục Lạc Vàng

Chương trình Lục Lạc Vàng khi đi ghi hình tại Quảng Nam đã có dịp ghé Quảng Ngãi thăm Anh hùng lao động Hồ Giáo, người duy nhất trong ngành chăn nuôi gia súc được nhà nước Việt Nam hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào hai năm 1966 và 1986.

Người Anh hùng lao động năm xưa

Anh hùng lao động Hồ Giáo năm nay sắp bước qua tuổi 81, vì tuổi già, sức yếu nên ông đã nghỉ làm việc ở nông trại chăn nuôi tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi khoảng hai năm nay. Cháu ruột của ông là Hồ Ngọc Tâm, người đã từ bỏ ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng để nối nghiệp ông, trở thành người chăn nuôi gia súc. Hiện nay Tâm đang thay ông chăm sóc đàn trâu, bò, dê mà ông đã tận tay nuôi dưỡng mấy chục năm qua.

Bên cạnh một đàn bò 30 con, đàn dê 20 con, còn có sáu con trâu giống Mura có nguồn gốc từ Ấn Độ. Con trâu lớn nhất trong đàn đã 30 tuổi là một trong 15 con trâu do cố thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Hồ Giáo và nhân dân Quảng Ngãi vào năm 1990 khi ông nghỉ hưu từ Trung tâm nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam Bộ, tỉnh Sông Bé về tỉnh Quảng Ngãi. Các con trâu khác sau khi được ông nuôi và nhân giống, ông đem chuyển giao lại cho bà con nông dân nghèo ở các địa phương. Mỗi con trâu con được sinh sản ra từ đàn trâu trên ông đều đặt tên theo các địa danh ở Quảng Ngãi.

Hồ Ngọc Tâm đang chăm sóc một con trâu giống Mura

Khi dẫn chúng tôi đến thăm nông trại chăn nuôi trâu bò, ông vẫn còn đủ sức khỏe để đưa từng bó rơm tận miệng những con trâu, con bò. Ông vẫn còn rất minh mẫn khi chỉ từng con và kể rành mạch tên sáu con trâu mà theo ông là món quà kỷ niệm và một phần tài sản rất quý giá do cố thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng: “Con này là con Trà Câu, 30 tuổi, ngày xưa được cố thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng; con này là con Trường Xuân, mười tuổi; con Cà Đam, bảy tuổi, con của con Trà Câu; con Vạn Tường, bốn tuổi, con của con Trà Câu; con Hành Thuận, ba tuổi, con của con Cà Đam, cháu của con Trà Câu,; con Sơn Mỹ, hai tuổi, cũng là con của con Trà Câu”.

Ông Hồ Giáo kể lại những ngày còn trẻ khi nhận nhiệm vụ công tác tại nông trường Ba Vì: “Năm 1960, tôi lên nông trường Ba Vì làm nhiệm vụ chăn nuôi, về đó nuôi heo năm năm. Sau nông trường có bò tôi chuyển sang nuôi bò. Đàn bò lúc đầu chỉ có hơn 300 con. Năm 1976, khi tôi nhận nhiệm vụ về Sông Bé nuôi trâu thì đàn bò đã có hơn 3.000 con. Ba Vì trở thành nông trường chăn nuôi lớn nhất cả nước. Thời đó phương tiện vật chất, kỹ thuật còn rất nhiều thiếu thốn, người chăn bò phải lao động bằng sức người quần quật cả ngày lẫn đêm với đàn bò của mình”.

Bén duyên cùng Lục Lạc Vàng

Anh hùng lao động Hồ Giáo có sự cảm thông đặc biệt sâu sắc đối với chương trình Lục Lạc Vàng và những hộ nông dân của chương trình. Khi còn nhỏ, ông là con cả của gia đình có sáu người con. Năm 12 tuổi, ông ở đợ cho nhà giàu để kiếm tiền phụ gia đình. Lớn lên tham gia cách mạng, ông được phân công nhiệm vụ ở nông trường chăn nuôi Ba Vì, Hà Tây rồi đến Sông Bé. Cả cuộc đời ông gắn liền với con trâu, con bò, vốn là tài sản quý giá nhất của người nông dân bởi “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Anh hùng lao động Hồ Giáo chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bò cho bà con nông dân

Khi hỏi ông kinh nghiệm chăn nuôi trâu bò để những hộ nông dân nhận được bò của chương trình Lục Lạc Vàng học hỏi, ông đã chia sẻ: “Trước tiên mình phải xem con trâu, con bò là tài sản của mình, rồi từ đó mình mới hết lòng, hết dạ chăm sóc nó, nuôi dưỡng nó. Chịu khó học hỏi từ những người, những nông dân có kinh nghiệm chăn nuôi xung quanh mình, rồi từ từ mình trở thành người có kinh nghiệm”. Ít ai biết được, gắn với con trâu, con bò tử thuở nhỏ nhưng ông Hồ Giáo chưa có một ngày nào được học về thú y. Toàn bộ kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi bò ông đều học từ những người nông dân chân lấm, tay bùn như ông.

Hai năm trước, khi đã ở cái tuổi 79, ông Hồ Giáo vẫn ngày ngày lội bộ khoảng 12km từ nhà đến nông trại chăn nuôi: lượt đi vào sáng sớm khi mặt trời còn chưa mọc, lượt về vào lúc trời tối, khi đã cho đàn gia súc ăn no và dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ. Ông đã làm việc đó suốt 20 năm, bất kể trời nắng, mưa, lễ, Tết hay Chủ Nhật. Tính luôn cả thời gian chăn nuôi ở nông trường Ba Vì, Hà Tây và sau này ở tỉnh Sông Bé, Hồ Giáo dành trọn 50 năm cuộc đời mình cho con trâu, con bò. Cả cuộc đời ông rất đúng với hai câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ Gặp anh Hồ Giáo vào tháng 1/1972: “Hỏi anh: Có thú gì vui? Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò…”.

25.10.2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Con gái người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa

"Thuở đất nước còn nhiều loạn lạc, ba tôi là sĩ quan cao cấp của chính quyền Ngụy Sài Gòn, ngày miền Bắc vào giải phóng Sài Gòn, ba tôi đốt hết giấy tờ có liên quan đến chế độ cũ, chạy về quê, tìm đường vượt biên, sau vài lần thất bại, ba tôi bị bắt và chết trong tù," con gái của người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa kể câu chuyện của gia đình với đôi mắt ngấn lệ và cái nhìn xa xăm về một miền quá khứ thăm thẳm. Cái quá khứ ấy nó không nhẹ nhàng, đầy đủ mà là những mảnh ký ức chập chờn được chắp vá một cách vụng về, gầy guộc, mong manh, thô ráp và chai sần như đôi bàn tay nhỏ vẫn đang mân mê từng sợi cỏ của chị. Chị không dám nhìn thẳng vào mắt tôi, một phần để tôi không phải nhìn thấy đôi mắt đang đỏ hoe, một phần vì chị nghĩ mình ít học và đang làm một công việc chân tay rất thấp kém: lao công nhà vệ sinh.

Sinh ra trong một gia đình giàu có, thời còn nhỏ, khi học đến lớp ba, chị vẫn còn nhớ mình vẫn được ba mẹ, ông bà rất thương yêu và chiều chuộng. Rồi ngày 30/4/1975 đến, chị còn nhớ đó là một buổi sáng, khi công chúa của cả nhà vẫn còn đang lim dim trong giấc ngủ mơ màng, hôm đó khác với ngày thường, ba không đến bên giường nhẹ nhàng hôn lên trán của công chúa, ba không ẵm công chúa trên tay, vừa thơm vào má vừa hỏi “Công chúa sáng nay muốn ăn gì?”. Một buổi sáng bất thường, ba hốt hoảng chạy đến bên chiếc giường nhỏ của công chúa, ẵm công chúa trên tay lao ra khỏi nhà. Công chúa vẫn không biết được có chuyện gì đang xảy ra. Chị còn nhớ, khi ba đang ẵm chị chạy đi đâu đó, chị vẫn nhắm mắt lại và tiếp tục ngủ trên đôi vai gầy của ba. Tỉnh dậy, chị thấy mình cùng ba, mẹ đang lênh đênh trên một chiếc ghe nhỏ chật chội và chông chênh về miền Tây.

Mấy lần tìm đường vượt biển nhưng đều không thành công, mỗi lần đi mất đến mấy chục cây vàng, vậy là tài sản của gia đình cứ vơi dần, vơi dần theo từng lần vượt biển thất bại. Bữa ăn của công chúa cũng không còn đầy đủ như ngày xưa. Chăn êm, nệm ấm từ từ chỉ còn là chuyện của quá khứ và trôi dần, trôi dần vào dĩ vãng như đó chỉ là một giấc mơ êm đềm. Nhiều lúc chị nhớ lại không biết đó có phải là giấc mơ hay không mà nó êm đềm quá, trong sáng quá và nhẹ nhàng quá. Giấc mơ bên bạn bè, người thân, bên người cha thân yêu hết lòng chiều chuộng. Giấc mơ bên người mẹ hiền cố tìm đường vượt biển rồi từ đó biền biệt không thấy trở về. Có lẽ mẹ chị đã gửi mình nơi biển cả. Hình ảnh về ba, mẹ cùng với ký ức tuổi thơ của chị cứ nhòa dần theo năm tháng...

Học tới lớp chín, chị không có điều kiện học lên tiếp, nên đành để cho con chữ, cái nghĩa từ từ rời mình đi. Sau này lớn lên cũng không có công việc, sự nghiệp ổn định. Trở về lại thành phố, nơi ngày xưa một thời là tổ ấm, chị lấy một anh chạy xe ba gác làm chồng. Sau này nhà nước cấm xe ba gác, anh chuyển sang chạy xe ôm. Cả cuộc đời chị chủ yếu là đi làm thuê, làm mướn, lao động chân tay, có lúc làm ô-sin cho nhà khá giả, rồi nhà ấy đi định cư nước ngoài, chị chuyển sang làm công nhân may đồ trong xưởng may công nghiệp ở Đồng Nai. Đến mấy năm gần đây, phần không đủ sức khỏe do mang trong người nhiều bệnh tật, phần cũng để dành nhiều thời gian hơn bên con gái và cháu ngoại mới hai tuổi, chị xin làm công nhân nhà vệ sinh, một công việc nghe có vẻ hôi hám nhưng đó là công việc có thể giúp ích chị kiếm được đồng ra, đồng vào và cũng tương đối nhẹ nhàng khi sức khỏe của chị đang yếu dần đi vì tuổi đời của chị đang dần dần bước về phía bên kia cái dốc của cuộc đời.

Giữa năm 2010, trong một lần đưa khách đi xa, khuya anh chạy quay về trên xa lộ Hà Nội, anh bị xe tải quẹt và qua đời. Xe tải chạy đi mất, chị cũng không biết ai để đòi tiền bồi thường. Mấy tháng sau ngày anh mất, có một người đàn ông lạ mặt đến gặp và nói cho chị biết: “Tôi biết người làm anh chết nhưng không dám nói, sợ bị giang hồ thanh toán,” lúc này thì mọi chuyện cũng đã được dàn xếp rồi. Nhiều lúc chị trầm tư nói với tôi khi đôi mắt vẫn còn đang ngấn lệ: "Con người ta sướng hay khổ đều là do số phận. Giày dép còn có số nữa mà!", nhưng tôi thì không tin là như vậy. Tôi cố gắng nuốt nước mắt vào phía bên trong và cố gắng mỉm cười một cách bâng quơ để đáp trả lại câu nói của chị. Trên tay tôi là cái bánh ít chị cho đang còn ăn dang dở, tôi cảm thấy chiếc bánh ngày hôm nay sao chua chát và đắng quá. Tôi cảm thấy cổ họng mình nghẹn lại mỗi khi nghĩ về số phận của người phụ nữ đang ở trước mặt mình.

Cuộc chiến của dân tộc đã qua hơn 35 năm, những nhân chứng sống đã già đi nhiều và từng người một đang dần dần từ giã cõi đời này. Cái còn lại trong mỗi con người không phải là những hận thù, tức tưởi, không nên là những hận thù, tức tưởi mà nên là sự thông cảm, sẻ chia giữa những con người ở hai bên đầu chiến tuyến. Giọt máu nào của người Việt Nam rơi thì đều là máu của dân tộc, chảy từ ngọn nguồn “con rồng, cháu tiên”, từ lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi con người ở trên cái đất nước hình chữ S bé xíu này đều có gia đình, có họ hàng, có người thân quen và hơn hết họ là những con NGƯỜI. Mà đã là người rồi thì chúng ta có quyền được tự do suy nghĩ, tự do theo đuổi lý tưởng và tự do mưu cầu hạnh phúc. Dẫu cho cái hạnh phúc ấy có nhiều thăng trầm trước biết bao nhiêu biến cố như số phận của người phụ nữ bé nhỏ đang ở ngay cạnh tôi trước những sự đổi thay của thời cuộc hay bèo bọt, bé bỏng và bạc bẽo như cái bánh ít tôi vẫn còn đang ăn dang dở...

10.10.2011
Sài Gòn
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Viết cho những ngày công tác xa

Ngày mai mình sẽ lên đường đi công tác xa. Mà công tác là sao ta? Có nghĩa là xa thành phố, xa mạng, xa bạn bè, xa sách vở gần một tháng trời. Về tới thành phố vài ngày là vừa đúng hạn nhận bằng tốt nghiệp đại học. Cũng may là không phải đang lang thang ở đâu đó trên cái đất nước hình chữ S bé xíu này và hớt ha hớt hải về lại Sài Gòn để nhận bằng. Lúc đó chắc buồn cười lắm!

Đi kèm với chuyến công tác này là một ít tai tiếng nho nhỏ. Lần này cũng là em gây ra cho mình! Lại gây cho người khác hiểu lầm nữa cho mà xem! Ai hiểu lầm mặc kệ. Anh sẽ chấp nhận đòn roi của dư luận. Mà phải nói là gồng mình hứng chịu mới đúng. Ai biểu anh chiều em quá làm chi? Muốn gì cũng được hết là sao? Ai biết? Tại vì anh thương em quá! Cũng muốn nói với em vài điều. Nói gì bây giờ? Thôi thì cứ im lặng và mong em hiểu!


 
Đây là khuôn mặt của kẻ "lì" nhất Việt Nam

Dặn em nè: “Ở nhà đừng có phá quá để anh yên tâm đi công tác! Không có được nghịch Facebook của anh nhiều quá! Không được thay đổi giao diện Facebook của anh! Không được làm chuyện gì “động trời, động đất” để anh phải mỏi miệng giải thích! Không được nhắn tin qua số điện thoại của anh, trời ơi, tốn tiền của tôi lắm… Nghe chưa!”

Chiều em một lần cuối! Tự hứa với lương tâm của anh như vậy! Dẫu biết mỗi lần em nói là em muốn khóc là anh không thể nào hành động theo lý trí của mình được. Có lẽ, cái “lý trí” của anh không áp dụng được với em, cũng tại vì anh quá thương em! Lỗi tại anh!

10.10.2011
Sài Gòn một ngày anh lại thương em
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

UPDATE: Theo thông tin mới nhận được thì chuyến công tác này kéo dài 37 ngày, không phải 21 ngày như mình đã lập kế hoạch. Vậy ngày mình quay về Sài Gòn sẽ là 18/11/2011. Như vậy là muộn mất 11 ngày so với Lễ Tốt Nghiệp đại học! Hi vọng là mình sẽ sắp xếp được để về!

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Gia Lai: Công trình xây dựng gây ngập nghiêm trọng

Thời gian gần đây người dân ba tổ dân phố 6, 7 và 11 thuộc phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai thường phải sống trong lo sợ bị lụt khi mùa mưa đến. Năm 2009 khi chính quyền địa phương thị xã An Khê cho phép bốn hộ dân địa phương xây nhà trên đường cống thoát nước. Nhiều người dân sống tại khu vực này đã bị ảnh hưởng do cống thoát nước bị tắt nghẽn gây ngập nghiêm trọng thiệt hại về kinh tế và cả tính mạng con người.

Mưa càng to dân càng khổ

Thị xã An Khê như một thung lũng xung quanh được bao bọc bởi đồi núi. Hàng năm vào mùa mưa, nước trên thượng nguồn đổ xuống thị xã được thoát ra sông Ba nhờ các cống thoát nước được xây dựng cách đây từ rất lâu.

Tại khu dân cư của người dân hai tổ dân phố 6, 7 và 11 thuộc phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có một hồ chứa nước nhỏ tiếp nhận nước từ năm điểm đổ về là đường Giải Phóng, đập Bến Tuyết, khu trung tâm thương mại thị xã, khu rạp chiếu bóng (cũ) và từ An Mĩ chảy lên. Tại đây có hệ thống thoát nước Bi (cũ) có hai ống cống có đường kính 1,5 m. Nước từ tất cả các địa điểm trên đều đổ ra sông Ba nhờ hệ thống thoát nước này. Tuy nhiên kể từ năm 2008, khi chính quyền thị xã An Khê cho phép bốn hộ dân xây dựng nhà ở ngay phía trên đường dẫn của ống thì tình trạng tắt nghẽn cống thoát nước đã xảy ra.

 Công trình đang xây dựng ngay trên khu vực hạ lưu cống Bi
 
Hiện nay do các hộ dân xây dựng nhà ngay trên mặt cống nên hệ thống thoát nước Bi (cũ) chỉ còn 2 ống cống nhỏ hở lên chưa đến 0,5 m. Tình trạng tắt nghẽn trầm trọng này đã làm nước không thể thoát ra sông Ba một cách nhanh chóng được nên gây ngập nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn ngụ tại tổ 7, phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, ông cho biết: “Những năm trước đây vào mùa mưa, nước đổ xuống hồ, sau đó chảy ra sông Ba chỉ mất khoảng vài giờ. Nhưng từ năm 2008, do cống Bi bị tắt nghẽn nước phải mất đến một ngày mới thoát hết được. Năm trước còn đỡ, năm nay không biết đến bao lâu nó mới thoát hết cho được”. Được biết, kể từ năm 2008, bất kể lúc nào có cơn mưa kéo dài trong một giờ, ngay lập tức người dân tại hai tổ 6 và tổ 7, phường An Phú, thị xã An Khê lại phải chịu cảnh “sống chung với lũ”. Nước ngập trong nhà, thấp nhất khoảng 1m, cao nhất lên đến 3m, 4m gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

Năm 2008, đã có trường hợp ông Dương Thái Huy, ngụ tại tổ 7, phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai trong khi vớt đồ trong nhà do nước dâng cao, do tuổi già sức yếu nên đã bị ngấm nước và thiệt mạng. Do nước ngập không thể an táng sớm được nên đến ba ngày sau việc an táng ông mới được bắt đầu.

Sai phạm nghiêm trọng nhưng vẫn cấp giấy phép

Được biết bốn công trình nhà ở xây dựng ngay trên cống thoát nước này thuộc gói thầu mà ủy ban Nhân dân thị xã An Khê đấu thầu cho bốn hộ bên cạnh cống Bi thuê với thời gian 30 năm. Do đó các công trình xây dựng này là hợp pháp. Do phản ánh của người dân thời gian qua, bốn công trình xây dựng ngay trên mặt cống thì chỉ có duy nhất một công trình ở khu vực thượng lưu của cống dừng lại.

 
Đơn kiến nghị tập thể của hơn 20 hộ dân thuộc ba tổ dân phố 6, 7 và 11 thuộc phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai
 
Kể từ năm 2008 cho đến nay, nhiều lần người dân ba tổ dân phố 6, 7 và 11 thuộc phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đã gửi đơn kiến nghị tập thể đến các cấp chính quyền địa phương về sự việc trên nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Gần đây nhất là đơn kiến nghị tập thể của trên 20 hộ dân ngụ tại tổ 6 và tổ 7. Tất cả các lá đơn của người dân đã đi lên tất cả các cấp chính quyền của thị xã: Phòng Đô thị và Sở Tài nguyên môi trường, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài phát thanh – Truyền hình thị xã An Khê… Rất nhiều báo đài địa phương cũng như tỉnh Gia Lai đã đưa tin về sự việc này nhưng cho đến nay cũng chưa được giải quyết một cách hợp lý.

Trao đổi với kỹ sư Nguyễn Tiến Thành (kỹ sư tốt nghiệp trường ĐH. Giao Thông vận tải II, cơ sở TP.HCM, khóa 45, chuyên ngành Đường bộ) anh cho biết: “Đối với những nơi có lưu lượng thoát nước trên 25 mét khối trên giây như cống Bi thì phải bố trí cầu nhỏ để thoát được lưu lượng nước này. Cống Bi hiện tại đã không đảm bảo được thoát nước một cách an toàn vào mùa mưa. Nay các hộ dân lại xây dựng nhà ngay trên mặt cống nên việc thoát nước chắc chắn là không đảm bảo được thì việc ngập là đương nhiên”.

Hiện nay dòng chảy khu vực thượng lưu và hạ lưu của cống đều bị các công trình này chắn lại nên việc thoát nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Để tránh tình trạng này phải đình chỉ các công trình đang xây dựng để đưa ra các giải pháp hợp lý và đem lại sự bình yên cho người dân.
 
7/10/2011
Hồ Quốc Nam

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Wishing Steve rest in peace

From our memories of love! Wish Steve rest in peace!

Oh Steve Jobs the Apple man

You gave the world’s technology new name

You dare to do the unthinkable like no man

You shape the world by your own way man

Wish you could be here much much longer

But I guess that’s the destination we all share!

May God bless you safe and sound forever!

06/10/2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Một nén nhang tưởng nhớ Steve Jobs

Các hãng thông tấn quốc tế ngày 05/6/2011 đã loan tin: nguyên chủ tịch tập đoàn máy tính Apple đã ra đi ở tuổi 56. Một cái tuổi vẫn có quá trẻ, vì theo như nhạc sĩ Y Vân thì đời người ta dài đến 60 năm.

Mời các bạn cùng Steve Jobs có một cái nhìn thoáng qua về hành trình phấn đấu gian khổ của ông từ lúc ông còn là sinh viên ở trường Reed College và bỏ học khi mới học được sáu tháng và những mốc quan trọng trong sự nghiệp của một trong những CEO công ty máy tính đáng khâm phục nhất trong lịch sử nhân loại thông qua bài diễn văn ông đọc tại trường đại học Stanford vào năm 2005:

Nội dung bài diễn văn bằng tiếng Anh và Việt:

http://minhhanhdp.brinkster.net/DIEUPHAP/BaiDienVanHay_SteveJobs.html

Các bạn xem thêm video clip tại đây:





06/10/2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Tản mạn tháng Mười

Tháng Mười, tháng của những cơn mưa đầu mùa Sài Gòn. Tháng tấp nập bên bạn bè mới những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Tháng của những kỉ niệm đẹp mãi mãi không bao giờ quên.

Năm nay là tháng Mười đầu tiên kể từ ngày rời khỏi ghế giảng đường đại học. Vậy là đã sáu tháng rồi kể từ ngày mình bắt đầu một công việc mới, công việc đầu tiên trong cuộc đời. Công việc với những đồng nghiệp, con người mới quen, những đồng nghiệp đã đến và đi với mình suốt sáu tháng qua. Sáu tháng, một khoản thời gian đủ dài để lớn lên, để cảm nhận những giá trị mới của cuộc sống và cũng đủ để hiểu những tấp nập, bề bộn của công cuộc mưu sinh.

Sáu tháng qua đã dạy cho mình một bài học quý giá nhất: được học, dù có phải ăn khoai lang, rau muốn để có đủ năng lượng để sống là một hạnh phúc. Đến giờ phút này, mình vẫn thấy mình là một người may mắn, may mắn vì mình vẫn đủ can đảm để yêu quý công việc hiện tại và yêu việc học vẫn còn đang dang dở của mình! Đại học ơi mình sẽ quay lại, sớm thôi, vì mình vẫn con yêu bạn nhiều lắm!

04/10/2011
Hồ Quốc Nam