Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Học viết lách – sao không?

LTS: Bài viết này tôi copy từ blog của thầy Nguyễn Ngọc Trân, giảng viên khoa Báo chí & Truyền thông, trường ĐHKH&XH TP.HCM và đã hỏi xin ý kiến tác giả. Các bạn có thể xem bài cũng như blog thầy Nguyễn Ngọc Trân và những bài khác nữa theo đường dẫn sau: http://gatebeepers.blogspot.com/2008/12/o-to-cy-bt.html. Chúc các bạn học thật tốt! Dưới đây là nội dung bài viết:

Ở Mỹ cũng như ở Anh, việc dạy viết lách luôn chiếm vị trí quan trọng trong các trường đại học. Tại đây luôn có những nhà văn danh tiếng tham gia giảng dạy.

Các khóa “dạy viết sáng tạo” đang rất được ưu chuộng. Chúng không chỉ trở thành một môn học như các môn khác trong chương trình đại học mà còn giúp “đánh bóng” cho ngành văn chương. Phải rất khó khăn sinh viên mới vào được những khóa học này vì sự lựa chọn là cực kỳ khắt khe.

Viết sáng tạo là gì? Hiểu theo nghĩa đen, đó là khóa dạy viết một cách sáng tạo và có nghệ thuật. Nói cách khác, nếu bạn mơ viết truyện, tiểu thuyết, kịch hay thơ thì đây chính là khóa học dành cho bạn.

Không phải chuyện ngốc

Người học sáng tác sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật để cấu trúc nên một văn bản, xây dựng cách kể chuyện hiệu quả, tạo ra các đoạn hội thoại, làm chủ cách miêu tả hấp dẫn … Khóa học kéo dài từ một đến hai năm, thường là sau bậc cử nhân; khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được nhận bằng thạc sĩ.

Học viết có phải là chuyện ngốc khi đã có khiếu văn chương? Theo Amy Bloom, giáo sư dạy viết văn tại đại học Yale (Mỹ), nhiều người cho rằng viết lách là năng khiếu trời cho. Tuy nhiên, không ai ngạc nhiên khi thấy họa sĩ học vẽ tại trường Mỹ thuật hay ca sĩ opera luyện giọng tại Nhạc viện. "Vậy sao văn chương lại là môn học duy nhất không được giảng dạy và cũng không được hoàn thiện”, ông thắc mắc.

Bloom nói thêm: “Tôi không hứa bất kỳ điều gì với sinh viên. Tôi không nói với họ “Một tiểu thuyết vĩ đại đang ngủ yên trong các bạn” hay “Tôi sẽ biến các bạn thành nhà văn của thế kỷ”. Tôi cũng không đảm bảo với họ rằng họ sẽ xuất bản được sách. Tôi chỉ muốn giúp họ trở thành những độc giả thông thái hơn và giúp họ phân biệt được câu hay và câu dở”.

Tại châu Âu, những khóa học sáng tác văn chương xuất hiện lần đầu tiên ở Anh. Một trong những khóa học lâu năm nhất đã ra đời từ những năm 1970 tại đại học East Anglia. Sau đó, chúng xuất hiện nhiều như nấm tại các đại học London, Sheffield, Bath, Glasgow, Manchester…

Russell Celyn Jones, giám đốc chương trình tại Đại học Birkbeck (London), cho biết: “Hiện nay, 70% các trường đại học ở Anh có các khóa dạy viết sáng tạo”. Tùy theo từng trường, chương trình dạy sẽ khác nhau. Dominique Le Jacques White, một người chuyên đại diện và mua bán tác phẩm của các nhà văn, giải thích: “Một vài trường đào tạo nhiều hơn về các kỹ thuật viết cơ bản. Trong khi các trường khác, như East Anglia, thực sự là những nơi phát hiện các tài năng, sẵn sàng thử nghiệm cái mới và rất… văn chương”.

Tất nhiên, uy tín của khóa học phụ thuộc vào những tác giả tham gia giảng dạy. Các đại học đã tranh nhau thu hút những giảng viên tốt nhất. Richard Ford dạy sáng tác văn chương tại trường Dublin còn Philip Pullman thì dạy ở Đại học Oxford Brookes. Martin Amis vừa được mời dạy tại trường Manchester với mức lương nghe nói lên đến 150.000 euro/năm.

Vườn ươm bút sắt

Sinh viên được lựa chọn rất kỹ lưỡng. “Chúng tôi chỉ nhận 30 sinh viên mỗi năm”, Jones,Đại học Birkbeck, cho biết. Trong số 30 sinh viên này, bao nhiêu người sẽ trở thành tác giả “chuyên nghiệp”? Bao nhiêu người sẽ có sách được xuất bản? Tại đại học Birkbeck, sáu năm qua, đã có hơn một tác giả viết sách thiếu nhi có tác phẩm được chuyển thể thành phim.

Shaun Levin, đang dạy viết văn tại London, nói: “Tất nhiên, điều quan trọng nhất không phải là xuất bản sách mà là ý thức được rằng muốn viết được thì cần phải viết, viết và viết … cũng phải đọc, đọc, đọc thật nhiều. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy những người muốn trở thành nhà văn nhưng lại không bao giờ đọc quyển sách nào!.”

Một hiện tượng khác cần được quan tâm: từ giờ trở đi, để bước chân vào giới văn học Anh, cần phải qua một khóa học sáng tác văn chương. Chính khóa học sẽ giúp người viết biên tập và trau chuốt lại tác phẩm của mình. White, một người chuyên đại diện và mua bán tác phẩm của các nhà văn, nhận xét: “Trước đây tại Anh, các biên tập viên cũng là những người phát hiện ra các tác giả và tác phẩm tiềm năng. Nhưng giờ đây, chuyện này ngày càng hiếm. Và các khóa học sáng tác văn chương đang làm công việc “khám phá” tài năng”.

Những người chuyên mua bán tác phẩm của các nhà văn không hề nhầm lẫn. Họ biết đâu là nơi đào tạo các tài năng. Nhiều người thuộc các công ty như A.P.Watt, ICM, Curtis Brown… đã tìm đến các khóa học này để thăm dò. Họ thường “lảng vảng” ở đó vào cuối các khóa học, gặp gỡ sinh viên, tổ chức các lễ hội… Thậm chí họ còn tài trợ cho một vài khóa học để dành được quyền mua bản thảo của sinh viên.

Các công ty sách cũng tìm đến đây. Tại London, cứ mỗi năm một lần, nhà sách khổng lồ Waterstone’s ở khu Piccadilly lại tổ chức một buổi dạ hội dành cho sinh viên đang theo học sáng tác văn chương và những người đại diện cho các nhà văn xuất bản và các công ty xuất bản. Nhờ đó sinh viên có dịp tiếp xúc và giới thiệu tác phẩm của mình.

Một số người không thích các khóa dạy viết vì họ cho rằng việc học quá nhiều “phương pháp viết” sẽ giết chết tính độc đáo của giọng văn. Nhưng những người ủng hộ lại phản bác ý kiến trên. Họ trích dẫn câu nói của Picasso: “Nghệ thuật không phải là áp dụng chuẩn mực của cái đẹp mà là những gì bản năng và trí óc có thể cảm nhận và sáng tác được từ chuẩn mực ấy”. Những tài năng thật sự luôn làm được điều này.

-------

Đại học East Anglia – “lò ấp” tài năng

Nhiều nhà văn đã theo học khóa sáng tác văn chương tại Đại học East Anglia (UEA). Trong số đó có Ian McEwan, Kazuo Ishiguro, Anne Enright, Tracy Chevalier và Trezza Azzopardi. UEA nằm ở Norwich thuộc vùng Norfolk. Các khóa học sáng tác văn chương đã xuất hiện lần đầu tiên ở UEA và là những khóa học uy tín nhất nước Anh.

Nhà văn nổi tiếng Angus Wilson và Malcolm Bradbury đã mở các khóa học này vào năm 1970. Họ đã giảng dạy lâu năm tại đây cùng Angela Carter, Rose Tremain và cả Andrew Motion, “nhà thơ của các giải thưởng”.

Nhà văn Giles Foden ca ngợi, cho rằng đây là khóa học “rất cách mạng”. Foden là tác giả của “Vị vua cuối cùng của Scotland” và là giáo sư tại East Anglia. Ông đã viết lách hàng vài chục năm rồi mới sáng tác được một tác phẩm nổi tiếng như vậy. Tác phẩm này đã được Kevin MacDonald chuyển thể thành kịch bản phim.

Dẫu UEA đã đào tạo được hàng chục nhà văn nổi tiếng, nhưng Foden vẫn nhấn mạnh rằng sinh viên cần phải thực tế. Ông nói: “Chúng tôi phải gạt bỏ ảo tưởng ra khỏi đầu sinh viên, luôn nhấn mạnh viết văn là một quá trình rèn luyện lâu dài mới thành thục được. Các khóa học thường chỉ mang lại kết quả sau ba đến bốn năm…”
28.10.2011
Hồ Quốc Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét