Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Anh hùng lao động Hồ Giáo bén duyên cùng Lục Lạc Vàng

Chương trình Lục Lạc Vàng khi đi ghi hình tại Quảng Nam đã có dịp ghé Quảng Ngãi thăm Anh hùng lao động Hồ Giáo, người duy nhất trong ngành chăn nuôi gia súc được nhà nước Việt Nam hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào hai năm 1966 và 1986.

Người Anh hùng lao động năm xưa

Anh hùng lao động Hồ Giáo năm nay sắp bước qua tuổi 81, vì tuổi già, sức yếu nên ông đã nghỉ làm việc ở nông trại chăn nuôi tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi khoảng hai năm nay. Cháu ruột của ông là Hồ Ngọc Tâm, người đã từ bỏ ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng để nối nghiệp ông, trở thành người chăn nuôi gia súc. Hiện nay Tâm đang thay ông chăm sóc đàn trâu, bò, dê mà ông đã tận tay nuôi dưỡng mấy chục năm qua.

Bên cạnh một đàn bò 30 con, đàn dê 20 con, còn có sáu con trâu giống Mura có nguồn gốc từ Ấn Độ. Con trâu lớn nhất trong đàn đã 30 tuổi là một trong 15 con trâu do cố thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Hồ Giáo và nhân dân Quảng Ngãi vào năm 1990 khi ông nghỉ hưu từ Trung tâm nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam Bộ, tỉnh Sông Bé về tỉnh Quảng Ngãi. Các con trâu khác sau khi được ông nuôi và nhân giống, ông đem chuyển giao lại cho bà con nông dân nghèo ở các địa phương. Mỗi con trâu con được sinh sản ra từ đàn trâu trên ông đều đặt tên theo các địa danh ở Quảng Ngãi.

Hồ Ngọc Tâm đang chăm sóc một con trâu giống Mura

Khi dẫn chúng tôi đến thăm nông trại chăn nuôi trâu bò, ông vẫn còn đủ sức khỏe để đưa từng bó rơm tận miệng những con trâu, con bò. Ông vẫn còn rất minh mẫn khi chỉ từng con và kể rành mạch tên sáu con trâu mà theo ông là món quà kỷ niệm và một phần tài sản rất quý giá do cố thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng: “Con này là con Trà Câu, 30 tuổi, ngày xưa được cố thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng; con này là con Trường Xuân, mười tuổi; con Cà Đam, bảy tuổi, con của con Trà Câu; con Vạn Tường, bốn tuổi, con của con Trà Câu; con Hành Thuận, ba tuổi, con của con Cà Đam, cháu của con Trà Câu,; con Sơn Mỹ, hai tuổi, cũng là con của con Trà Câu”.

Ông Hồ Giáo kể lại những ngày còn trẻ khi nhận nhiệm vụ công tác tại nông trường Ba Vì: “Năm 1960, tôi lên nông trường Ba Vì làm nhiệm vụ chăn nuôi, về đó nuôi heo năm năm. Sau nông trường có bò tôi chuyển sang nuôi bò. Đàn bò lúc đầu chỉ có hơn 300 con. Năm 1976, khi tôi nhận nhiệm vụ về Sông Bé nuôi trâu thì đàn bò đã có hơn 3.000 con. Ba Vì trở thành nông trường chăn nuôi lớn nhất cả nước. Thời đó phương tiện vật chất, kỹ thuật còn rất nhiều thiếu thốn, người chăn bò phải lao động bằng sức người quần quật cả ngày lẫn đêm với đàn bò của mình”.

Bén duyên cùng Lục Lạc Vàng

Anh hùng lao động Hồ Giáo có sự cảm thông đặc biệt sâu sắc đối với chương trình Lục Lạc Vàng và những hộ nông dân của chương trình. Khi còn nhỏ, ông là con cả của gia đình có sáu người con. Năm 12 tuổi, ông ở đợ cho nhà giàu để kiếm tiền phụ gia đình. Lớn lên tham gia cách mạng, ông được phân công nhiệm vụ ở nông trường chăn nuôi Ba Vì, Hà Tây rồi đến Sông Bé. Cả cuộc đời ông gắn liền với con trâu, con bò, vốn là tài sản quý giá nhất của người nông dân bởi “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Anh hùng lao động Hồ Giáo chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bò cho bà con nông dân

Khi hỏi ông kinh nghiệm chăn nuôi trâu bò để những hộ nông dân nhận được bò của chương trình Lục Lạc Vàng học hỏi, ông đã chia sẻ: “Trước tiên mình phải xem con trâu, con bò là tài sản của mình, rồi từ đó mình mới hết lòng, hết dạ chăm sóc nó, nuôi dưỡng nó. Chịu khó học hỏi từ những người, những nông dân có kinh nghiệm chăn nuôi xung quanh mình, rồi từ từ mình trở thành người có kinh nghiệm”. Ít ai biết được, gắn với con trâu, con bò tử thuở nhỏ nhưng ông Hồ Giáo chưa có một ngày nào được học về thú y. Toàn bộ kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi bò ông đều học từ những người nông dân chân lấm, tay bùn như ông.

Hai năm trước, khi đã ở cái tuổi 79, ông Hồ Giáo vẫn ngày ngày lội bộ khoảng 12km từ nhà đến nông trại chăn nuôi: lượt đi vào sáng sớm khi mặt trời còn chưa mọc, lượt về vào lúc trời tối, khi đã cho đàn gia súc ăn no và dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ. Ông đã làm việc đó suốt 20 năm, bất kể trời nắng, mưa, lễ, Tết hay Chủ Nhật. Tính luôn cả thời gian chăn nuôi ở nông trường Ba Vì, Hà Tây và sau này ở tỉnh Sông Bé, Hồ Giáo dành trọn 50 năm cuộc đời mình cho con trâu, con bò. Cả cuộc đời ông rất đúng với hai câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ Gặp anh Hồ Giáo vào tháng 1/1972: “Hỏi anh: Có thú gì vui? Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò…”.

25.10.2011
Hồ Quốc Nam

2 nhận xét:

  1. Cám ơn vì bài viết rất hay
    ------------------------------------------------
    Gà Đông Tảo giống
    Web: http://sieuthigadongtao.com
    Xem thêm Gà Đông tảo giống : Gà Đông Tảo giống
    Xem them Gà Đông tảo giống : Ga dong tao giong

    Trả lờiXóa

  2. Cám ơn vì bài viết rất hay
    ------------------------------------------------
    Gà đông tảo thuần chủng
    Web: http://sieuthigadongtao.com
    Xem thêm Gà Đông Tảo Thuần Chủng : Gà Đông Tảo Thuần Chủng
    Xem them ga dong tao thuan chung : Ga Dong Tao Thuan Chung

    Trả lờiXóa