Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Sách: Thép đã tôi thế đấy


Tôi đã đọc "Thép đã tôi thế đấy" từ rất lâu nhưng thật sự là sau khi khép lại những trang cuối cùng của quyển sách, tôi không đủ hứng thứ để viết một bài giới thiệu về quyển sách này.

Sách cũng không dày lắm, bố cục cũng tương đối chặt chẽ theo tuyến tính thời gian từ khi Paven - nhân vật chính - còn là một cậu bé cho đến khi anh là một trong những cán bộ cốt cán của Đảng Cộng sản Liên Xô thời bấy giờ, cho đến lúc anh mất vì lý tưởng Cộng sản.

Cốt truyện cũng có một vài điểm nhấn tại một số đoạn để tạo tình huống bất ngờ cho người đọc. Tôi cũng cảm nhận được tinh thần quả cảm của Paven và lý tưởng cộng sản của đa số nhân vật trong truyện. Nhưng cảm giác cuối cùng mà tôi rút ra được là cảm thấy họ đáng thương. Đáng thương vì họ quá ngây thơ khi tin vào những tư tưởng giáo điều, nhạt thếch, không có căn cứ được nêu trong tác phẩm.

Tôi còn nhớ tôi đã phì cười lên khi đọc tới đoạn Paven nói với một lão nông dân là: Rồi một ngày nào đó tất cả các bờ mẫu (ruộng) trên thế giới này sẽ không còn nữa - ý của cậu ta là nhắc tới thế giới đại đồng vô sản của cậu ấy. Một người có đầu óc sẽ thấy vô cùng buồn cười và trẻ con khi phát hiện ra một ý tưởng như thế này. Thực tế đã chứng minh ý tưởng đó ngu xuẩn đến mức nào vào những năm sau này khi một số nước lần lượt áp dụng mô hình đó rồi bị phá sản ê chề!

Tôi còn một phần giận cậu ta vì cậu ta nói sẽ tiêu diệt hết những người đang sống trong những lâu đài nguy nga, tráng lệ ở Mỹ, Ý... và lấy những lâu đài đó cho những người nghèo, giai cấp công nông của cậu ấy ở. Tư tưởng nhân văn của cậu đâu Paven? Sao cứ nghĩ ai nghèo là sẽ lương thiện và ai giàu cũng là kẻ ác hết vậy?

Tôi kết luận quyển sách này như thế này: Sách này sao giống như kinh kêu gọi thánh chiến của một tôn giáo mới nào đó. Ở đó lý tưởng cuối cùng, thiên đường là thế giới cộng sản đại đồng ngay tại mặt đất. Những người chiến sĩ hi sinh cả mạng sống của mình để đạt được lý tưởng đó. Như vậy có khác nào đây là một quyển sách kêu gọi kẻ khác bỏ mạng mình mà làm một cuộc thánh chiến để lật đổ một thứ khác đang ngự trị? Thiên đường là ở đâu sao thấy mơ hồ và sách vở quá vậy?

"Mâu thuẫn là động lực của phát triển." Vậy không có sở hữu tư nhân, không có "phe này", "phe nọ" thì làm sao tạo ra "mâu thuẫn", tạo ra động lực để phát triển được. Quên mất ngay câu đầu tiên của tư tưởng giáo điều! Ai nói với tôi là trong một chủ thể nhất định luôn luôn tồn tại nhiều mặt khác nhau, những mặt đó là "mâu thuẫn" để tạo nên động lức để phát triển tôi sẽ cú cái "cóc" lên đầu kẻ đó ngay lập tức. Nhà dột là dột từ nóc, con sông đã ô nhiễm ngay đầu nguồn rồi thì đừng mong gì nó sạch ở trung lưu hay hạ nguồn - trừ phi bạn đem máy lọc hết nước sông! Đừng quá ngây thơ theo kiểu tay thấy mắt nhìn bậy, tay móc mắt; tay phải thấy tay trái làm sai, tay phải cầm dao chặt bỏ tay trái... Thực tế chỉ có chuyện thằng này thấy thằng kia đang nhìn bạn gái nó tắm và bay vào ăn thua đủ với nhau thôi. Còn nhiều ví dụ khác nữa theo cái kiểu mình phạt mình, vừa đá bóng vừa thổi còi...

Tôi còn phát hiện cậu Paven là một cậu trai dở hơi. Mặc dù tôi chẳng phải là đứa khéo gì trong mấy cái chuyện tình cảm vớ vẩn. Cái này để bạn nào tò mò tự đọc sẽ biết!

Tôi còn sẽ tìm đọc tiếp quyển "Ruồi trâu" nữa! Quyển này được giới thiệu và ca tụng nhiều lần trong sách. Nhưng chưa biết những ý tưởng nào sẽ xuất hiện trong đầu tôi khi tôi đóng những trang sách cuối cùng của "Ruồi trâu" lại!

20.8.2012
Hồ Quốc Nam

1 nhận xét:

  1. Nhan xet khac quan va neu ro cam nghi cua ban than. Good job!

    Trả lờiXóa