Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

TUYỂN CỘNG TÁC VIÊN KHỞI NGHIỆP KINH DOANH

Lập chí, khởi nghiệp là khát vọng của mỗi chúng ta, phải không bạn?

Là những người đam mê kinh doanh, mong muốn cống hiến hết mình cho cuộc sống, nhóm G3B hiện đang thực hiện dự án kinh doanh nước uống tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Sau hơn ba tháng nghiên cứu, với nỗ lực và quyết tâm cao độ, chúng tôi đã đưa ra thị trường sản phẩm của mình. Bước đầu sản phẩm đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

Để tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh, nhóm chúng tôi rất hi vọng được hợp tác với các bạn trẻ năng động, yêu thích sự phát triển, có tinh thần cầu tiến để tạo dựng tương lai.

Hiện nhóm đang cần tuyển một số vị trí làm việc như sau:

1. Vị trí phát triển kênh phân phối vào các nhà hàng, quán ăn.
2. Vị trí bán hàng trực tiếp: Bán hàng tại các trường đại học, các khu chung cư, văn phòng...
3. Vị trí Marketing: Phát triển thương hiệu sản phẩm và kênh online.

LỢI ÍCH

- Được nhận lương hỗ trợ tùy vào vị trí đăng ký.

- Đối với vị trí sales, phân phối: Được nhận hoa hồng trực tiếp từ sản phẩm.

- Cơ hội cọ sát thực tế, áp dụng kiến thức đang học trong trường.

- Rèn luyện kỹ năng giao tiếp và tiếp xúc khách hàng.

- Vượt qua rào cản bản thân. Sẵn sàng nhận từ chối từ phía khách hàng.

- Làm việc trong môi trường năng động, đội nhóm thân thiện, nhiệt tình theo phương châm “Nỗ lực mỗi ngày, không ngừng học hỏi.”

- Được chia sẻ kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tư duy tích cực và những kỹ năng cần thiết khác.

- Rèn luyện đức tính nghiêm túc, có kỷ luật trong công việc.

- Cơ hội trở thành thành viên chính thức với những người bạn nhiệt tình, tâm huyết.

YÊU CẦU

Với vị trí Marketing:

- Có kinh nghiệm làm Marketing hoặc chuyên ngành Marketing.

- Có khả năng thiết kế là một lợi thế.


Với vị trí Sales, phân phối:

- Tinh thần trách nhiệm cao.

- Thái độ làm việc nghiêm túc.

- Thật sự mong muốn cùng chúng tôi phát triển.

- Có thể sắp xếp thời gian làm việc.

ĐÔI NÉT VỀ CÁC THÀNH VIÊN CỦA NHÓM

- Đông: Chuyên ngành PR, ĐH Văn Lang. Có kinh nghiệm làm pha chế. Từng nhận giải nhất pha chế.

- Đức: Chuyên ngành Tài chính. Học cấp 3 tại Singapore, Đại học Adelaide tại Úc. Có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán.

- Huệ: Chuyên ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM, Coach Assistant tại Awake Your Power, thực tập tại Singapore một năm, Trưởng tiệc vô ngôn 5.

- Nam: Chuyên ngành Báo chí, ĐH KHXHNV - ĐHQG TPHCM. Hiện đang học Luật Kinh doanh tại ĐH Kinh tế TP.HCM và Ngôn ngữ Anh tại ĐH KHXHNV. Làm việc nhiều năm trong lĩnh vực truyền thông, truyền hình.

Hiện tại chúng tôi đang dành toàn thời gian cho dự án này.

Bước đầu khởi nghiệp còn nhiều khó khăn nên rất mong được hợp tác với các bạn có cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm để cùng tìm ra giải pháp và sẵn sàng học hỏi những điều mới nhằm hướng đến mục tiêu chung.

Khởi nghiệp để kiến quốc, bạn có cùng niềm tin với chúng tôi không?

Hết thời gian đăng ký: 12h, thứ Ba, 31/12/2013.

Thời gian phỏng vấn: Từ thứ Năm, 02/01/2014 – Chủ Nhật, 05/01/2014.

(Lựa chọn theo đường dẫn đính kèm.)

Mẫu đăng ký:

https://docs.google.com/forms/d/1ryEXqlGTL5QYeTNfkSXLboIucB3GpSKzZzj5IdA2iLw/viewform

Điện thoại liên hệ:

- Thông tin chung: Huệ: 01265515089.

- Bộ phận Sales: Đông: 01662153330.

- Bộ phận Phân phối: Nam: 0908084899.

HÃY CÙNG CHÚNG TÔI LẬP CHÍ, KHỞI NGHIỆP!

Thay mặt nhóm
Nguyễn Thị Huệ

26.12.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

DC Trần


 
Tôi nhớ đến chương trình Lục lạc vàng của một ngày cuối năm 2010, một ngày xa xôi. Chưa có ai như nhà mình phải không ba, người ta năn nỉ ỉ ôi mà vẫn không chịu nhận cặp bò, tìm đủ lý do để không nhận, tới lúc cuối ba mệt quá mới nói "tui dư khả năng nuôi mấy đứa con tui". Trời ơi ba má mình, sĩ diện quá trời, không chịu nhận sự giúp đỡ của người khác vì sợ con mình sau này mang tiếng, xấu hổ.

Thấy thương ba má, thấy tự hào về điều đó nữa. Con gái cũng không bao giờ muốn dựa dẫm vào bất cứ ai để sống cả, con gái dựa dẫm vào ba má là quá đủ rồi. Cần phải có cuộc sống tự lập, cần có ý chí để sống mạnh mẽ, nếu có những lúc yếu lòng hãy tìm những người yêu mến để tựa vào nghỉ ngơi. Chứ đừng để mình phải lệ thuộc vào kẻ khác.

---

Nhắc mới nhớ đến một người, anh Hồ Quốc Nam, người phỏng vấn tôi ngày hôm đó. Tôi ngày ấy dại khờ ngốc xít có biết gì, nói với anh là sau này sẽ thi vào đại học khoa học tự nhiên rồi ra làm nhà toán học (!), rồi tôi có bao nhiêu dự định ước mơ đều nói hết với anh. Anh khen tôi dữ lắm, nói tôi nếu có vào Sài Gòn thì gọi anh, rồi để lại số điện thoại với email cho tôi. Những câu anh nói với tôi hôm đó khiến tôi thấy tự tin kinh khủng, thấy cuộc đời mình phơi phới. Để bây giờ nhoẻn miệng cười khi nghĩ về tuổi nhỏ ngây ngô. Nhưng cũng phải cảm ơn anh nhiều, người khiến tôi thuở ấy đã rất tự tin vào cuộc sống này, đã rất lạc quan mà sống.
 
Hôm nay, thoảng nhớ tên anh nhưng đáng tiếc không còn nhớ mặt anh.
 
Like · · Share · November 3
 
18.12.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Phẫn nộ

Nhiều người trên mạng được ăn học đàng hoàng phẫn nộ với Nhà nước, với Đảng cầm quyền. Họ có lí vì cuộc sống hiện tại quá bức bối mà những người lãnh đạo đất nước dường như không nhìn, không nghe và không biết hay giả vờ không nhìn thấy, không nghe thấy và không biết sự thật cuộc sống đã và đang diễn ra như thế nào. Nhưng biết làm sao được khi sự phẫn nộ của họ là đối với một hiện thực khách quan mà họ khó lòng thay đổi.

Dưới đây là một bài viết khác không biết có đáng cho ta phẫn nộ hay không?

Trích nguyên đường dẫn tại đây: https://www.facebook.com/notes/hoang-ngoc-diep/d%C6%B0%E1%BB%9Bi-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%99-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BA%A3ng-csvn-v%C3%A0-%C4%91%E1%BA%A1o-%C4%91%E1%BB%A9c-c%E1%BB%A7a-h%E1%BB%93-ch%C3%AD-minh/10200745786116927

Dưới chế độ của đảng CSVN và đạo đức của Hồ Chí Minh
December 2, 2013 at 8:29am

Hai bức hình dưới đây cho thấy:

1. Chó làm cảnh rao bán với giá 8.000 Đô mỗi con, không bảo đảm bồi hoàn nếu cho bỏ chạy.

2. Phụ nữ Việt Nam rao bán với giá 6.000 Đô mỗi cô gái, bảo đảm còn trinh, nếu cô này bỏ chạy trong vòng 1 năm bảo đảm thay thế một cô gái còn trinh khác, hoàn toàn miễn phí!

Và vậy đó, bọn khốn kiếp vẫn tự cho chúng là bọn lãnh đạo đất nước anh minh, chúng vẫn cứ kêu gọi người dân học theo cái đạo đức bất lương lừa đảo của chúng!

Mọi lý luận, mọi giáo điều chỉ có giá trị bằng những kết quả thực tiễn của chúng!

Giá trị của một con chó ở nước tư bản dãy chết!

Giá trị của một cô gái con trinh ở nước CHXHCH VN rực rỡ!

Bên trên là người ta phẫn nộ với thứ mà dường như người ta sẽ bất lực nếu muốn thay đổi nó. Còn mình phẫn nộ với chính bản thân mình thì sao? Sự phẫn nộ này liệu có thay đổi được hay không? Nếu mình tự phẫn nộ mình và không thể thay đổi được chính mình thì thật sự là bi kịch! Và bi kịch do chính mình tạo ra thì phải do chính mình nhận lấy!

02.12.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Đóng lại một trang

Không biết là một trang hay một chương sách mà mình vừa đóng lại. Đóng lại để lật trang tiếp theo. Cuộc sống nhiều lúc không như chúng ta mộng tưởng, mình phải đối mặt với thực tế của chính mình.

Những người thân yêu nhất, đáng tin tưởng nhất lúc này mình đã tìm được qua mối quan hệ công việc. Đúng vậy, khi làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ bộc lộ bản chất của từng người. Vậy mình vừa gặp thất bại, có phải mình quá kém cỏi? Hay tại mình đã quá xem thường thử thách mà cuộc sống đặt ra cho mình? 

Nói gì đi nữa thì thất bại vẫn là thất bại. Mình sẽ nghiền ngẫm nó, để hưởng thụ hết vị chua, chát mà cuộc sống dành cho mình. Cuộc sống dành cho mình hay chính mình dành cho mình? Mình nghĩ mọi chuyện đều có nguyên nhân từ hai hướng: chủ quan và khách quan. Nhưng mặt chủ quan là thứ mà mình luôn luôn có thể tự điều chỉnh được, phải không?

Một trang sách vừa đóng lại, nhưng trang sẽ khác sẽ tiếp tục mở ra. Những lúc bạn không còn con đường nào phải chọn, không còn bất cứ ngã rẽ nào thì bạn phải đi hết con đường của mình. Nhưng nếu một con đường đã cùng, bạn phải bắt buộc chọn con đường khác mà đi. Vì cuộc đời luôn là những hành trình mà chúng ta phải đi đúng không bạn?

Trước mắt mình sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ chính: học thật tốt để thi hết các môn trong học kì này, phân phối sản phẩm do chính nhóm mình làm ra. Mục tiêu thứ nhất là mục tiêu ngắn hạn. Mục tiêu thứ hai là mục tiêu dài hạn. Không làm được bất cứ mục tiêu nào, đặc biệt là mục tiêu thứ hai, mình sẽ trả giá rất đắt! Hi vọng đây là lần cuối cùng mình phải viết mông lung. Lục lại kí ức thì đã rất nhiều lần mình viết như vậy!

30.11.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Bạn bè và ta

Bạn bè mình, đứa thu nhập ba mươi triệu một tháng, đứa thi IELTS đạt 8.0. Còn mình thì sao?

Còn không chịu thức tỉnh nữa thì đời này, kiếp này sẽ chìm đắm mãi trong u mê. Dậy đi, đừng ham ngủ, đừng ham chơi, đừng lười biếng nữa hỡi người đàn ông sắp bước sang tuổi 25!

Thời gian đẹp nhất, sung sức nhất của tuổi trẻ mà cứ dành cho những việc không đâu thì sau hơn 30 chắc chắn là một kẻ thất bại!

29.11.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Còn niềm tin là còn tất cả

Tôi không phải là người quá xuất sắc để nhận được toàn lời khen ngợi. Điều đó là xứng đáng để tôi đừng quá ảo tưởng về năng lực của mình. Khi người khác chê bạn, nghĩa là bạn còn có thể học được nhiều điều. Đồng nghĩa là bạn còn có khả năng phát triển. Lời khen thật sự là thuốc độc với tâm hồn nếu nó bị lạm dụng. Ngày hôm nay tôi còn bị chê có nghĩa là ngày mai rất có thể tôi được khen ngợi. Nhưng tất cả những điều đó là vô nghĩa. Cho đến lúc bạn cảm thấy mình có thể tự chủ được cuộc đời mình, thì đối với bạn mọi lời khen, chê là vô nghĩa.

Tôi từng nhiều lần nói với các bạn trong nhóm khởi nghiệp của tôi: Kinh doanh là cách đi tìm tự do. Đúng như vậy! Khi bạn tạo ra được nhiều tiền nghĩa là bạn đã tạo được giá trị cho xã hội và được xã hội thừa nhận. Có tiền bạn sẽ có tự do. Tất cả các trường đại học trên thế giới này đều được xây dựng bằng tiền. Trường nào có càng nhiều tiền thì chất lượng đào tạo càng cao. Một trường đại học không có tài chính hoặc không tự chủ được tài chính là một trường đại học vứt đi, bạn nhé!

Nếu không có tiền thì bạn đừng nên ảo tưởng, dẫu trong tay bạn có những bằng cấp sáng giá nhất của các trường, viện hàng đầu thế giới. Trong xã hội ngày nay, bạn chẳng làm được trò trống gì ra hồn nếu bạn không có tiền, và ý tôi là bạn phải có rất nhiều tiền. Sau khi có tiền, đừng dùng nó chỉ để thỏa mãn chính bạn. Hãy dùng dùng nó vào những việc có ích: làm từ thiện, cung cấp học bổng, cung cấp tài chính cho những công trình khoa học cứu người... tại sao không bạn?

Đừng nghĩ về tiền như cái gì đó không tốt. Nếu trong đầu bạn có ý nghĩ đó, hãy thay đổi chính bản thân bạn. Nếu bạn có ý nghĩ tiêu cực về đồng tiền, bạn sẽ mãi mãi chẳng bao giờ kiếm được nhiều tiền. Có ai trên đời này mà bạn ghét cay, ghét đắng người ta mà người lại thương bạn, người ta tìm đến bạn? Có, nhưng rất hiếm và hi hữu bạn nhé! Thời đại này là thời đại của doanh nhân. Chính doanh nhân sẽ dẫn đạo thế giới này. Một quốc gia cường thịnh sẽ có những tập đoàn, doanh nghiệp cường thịnh. Một quốc gia nghèo khổ thì sẽ không có một tập đoàn, doanh nghiệp nào ra hồn.

Đời này, kiếp này tôi sẽ là một doanh nhân. Tôi sẽ là một người làm kinh tế và thật sự hiểu rõ giá trị cũng như tính năng của đồng tiền.

Ngay từ hôm nay, tôi sẽ tiếp tục hành trình đi tìm tự do cho chính bản thân mình! Các bạn trong nhóm khởi nghiệp của tôi, hãy cùng tôi tiếp tục hành trình của mình các bạn nhé!

KHI CÙNG NHAU KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ! (Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên)

25.11.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Công nghiệp nặng sau hơn 50 năm

Sau hơn 50 năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ở Việt Nam, chủ trương công nghiệp hóa lần đầu tiên được đưa ra tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), với quan điểm: xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối, hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp hiện đại.

Có ba khái niệm cần làm rõ: 1. nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, 2. công nghiệp nặng, 3. công nghiệp nhẹ.

Thứ nhất, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa xuất phát từ Chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin có ba phần: cơ bản (triết học Mác-Lênin), nâng cao (kinh tế chính trị) và cao cấp (Chủ nghĩa xã hội khoa học). Vận dụng máy móc chủ nghĩa này, các nước theo đường lối Xã hội chủ nghĩa cũ đã đẻ ra nền kinh tế tập trung, bao cấp gây không biết bao nhiêu khổ sở cho nhân dân. Đa số các nước đã hoàn toàn từ bỏ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và chuyển thành nước tư bản. Vài nước cố gắng cải tạo nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một vài nước còn lại vẫn ôm nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kiểu cũ và đang trả giá rất đắt trước nền kinh tế thị trường bằng chính vận mệnh của quốc gia, dân tộc mình.

Thứ hai, công nghiệp nặng có thể được hiểu là ngành mà sản phẩm dùng để cung cấp cho các ngành công nghiệp khác. Ví dụ, đầu ra của các xưởng thép, nhà máy hóa chất là đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ hoặc bán buôn khác nhiều hơn là bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Thứ ba, công nghiệp nhẹ được xem là hoạt động sản xuất, chế tạo sử dụng một khối lượng vừa phải nguyên vật liệu đã được chế biến để tạo ra những sản phẩm có giá trị khá cao so với khối lượng của chúng. Ví dụ về các ngành công nghiệp nhẹ như: giầy dép, quần áo, đồ nội thất, thiết bị trong nhà, giấy, thuốc lá, nước giải khát v.v..

Cần phải hiểu là so với công nghiệp nhẹ thì công nghiệp nặng cần trình độ sản xuất cao hơn và tư bản nhiều hơn. Do đó không thể nào duy ý chí lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, phát triển công nghiệp nặng trước rồi mới phát triển công nghiệp nhẹ.

Ở Việt Nam, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa giờ sau hơn 50 năm đã biến tướng thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hai cụm còn lại, sau gần một đời người thì thành tựu là một con số 0 tròn trĩnh.

20.11.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Như một giấc mơ

Thời gian trôi đi nhanh quá! Hôm trước có ngồi nói chuyện với Thanh, cô bạn cùng học chung lớp Anh văn. Thanh nói thi đầu vào chắc đậu nhưng có thể bỏ giữa chừng. Mình hỏi Thanh sao mất nhiều công sức học, thi rồi lại bỏ. Thanh nói nếu học luôn cho hết mất ba năm, lúc đó 27, 28 tuổi rồi, già rồi, ế rồi. Giật mình! Mình với Thanh cùng một tuổi. Thanh nghĩ mình đã già, chẳng lẽ mình lại còn trẻ? Qua câu chuyện với Thanh mình mới nhận ra con đường mình đi thật lắm chông gai, thật khó khăn biết mấy?

Cố lên mình ạ! Thời gian qua thật sự là làm chưa tốt lắm đúng không? Mọi chuyện đều có thể làm được tốt hơn, đừng để người khác phải nói mình, đặc biệt là H, nghe mãi mệt lắm! Thật sự những gì mình thể hiện trong thời gian vừa qua là đáng bị nói lắm, lắm!

Đường còn dài, còn dài. Hãy vững chãi trên từng bước đi!

19.11.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Nâng cấp, đổi mới công nghệ cho ra đời sản phẩm mới

“Không ngừng đổi mới, hướng tới năm châu.”

Khẩu hiệu trên đã được Công ty nước giải khát Tân Quang Minh kiên trì theo đuổi suốt 20 năm qua. Năm 2013, trong lúc nhiều doanh nghiệp co cụm lại sản xuất ở mức độ cầm chừng chờ qua cơn khủng hoảng thì Bidrico dám mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ cao để cho ra đời dòng sản phẩm mới: thức uổng bổ sung Vitamin Restore. Đây là sản phẩm nước uống không chỉ để phục vụ nhu cầu giải khát mà còn chú trọng đến sức khỏe người sử dụng. Mặc dù hiện nay trên thị trường đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước theo đuổi dòng sản phẩm thức uống bổ sung vitamin, trong đó nhiều nhãn hàng đã đi sâu vào lòng người tiêu dùng, nhưng Bidrico vẫn rất tự tin khi cho ra đời sản phẩm này.

Song song với đầu tư hiện đại hóa máy móc công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm thì việc phát triển sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe cũng chính là một trong những chiến lược trọng điểm của Bidrico. Nhận thức rõ “sức khỏe của con người là quý giá nhất”, 20 năm qua Bidrico không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ để thực hiện những gì mình đã và đang theo đuổi. Khi vừa mới xuất hiện, sản phẩm Restore của Bidrico đã được Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam trao tặng Huy chương vàng “Vì sức khỏe cộng đồng”. Đây thực sự là một khởi đầu thuận lợi cho một sản phẩm.

Bên cạnh việc cho ra đời dòng sản phẩm mới, cách tân kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm cũ cũng được Bidrico quan tâm. Dù luôn nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường, nhưng vừa qua công ty đã thay đổi mẫu mã, kiểu dáng dòng sản phẩm sữa chua uống Yobi nhằm thích nghi với thị hiếu mới của người tiêu dùng.

Những năm gần đây, với sự biến mất của một số thương hiệu nước giải khát nổi tiếng, thị trường nước giải khát Việt Nam được nhìn nhận sẽ thuộc về các thương hiệu toàn cầu. Tuy vậy nhưng Bidrico không bị sức ép bởi những “ông lớn” này mà còn liên tục phát triển, tự tin khẳng định thương hiệu và chiếm thị phần lớn tại thị trường giải khát Việt Nam. Đối với Công ty Tân Quang Minh, đổi mới, sáng tạo là phương châm bất biến, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà còn trong quản trị doanh nghiệp. Bidrico luôn đề cao vai trò của đổi mới sáng tạo, và đưa quan điểm trên vào trong nhận thức của từng nhân viên thông qua các khóa tập huấn, các chương trình đào tạo. Bên cạnh việc củng cố và phát triển mạng lưới phân phối, yếu tố con người, công ty đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp và xem đây là biện pháp nâng cao nội lực hiệu quả nhất.

Thị trường nước giải khát Việt Nam ngoài các công ty trong nước còn có nhiều đại gia nước uống khổng lồ quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, Bidrico không những tìm được hướng để tồn tại mà còn vươn lên cạnh tranh mạnh mẽ, thể hiện giá trị thương hiệu Việt. Thành công của Bidrico được xem như một sự tỏa sáng của bản lĩnh thương hiệu Việt, luôn phát huy năng lực sáng tạo cũng như sáng suốt lựa chọn cho mình một lộ trình đúng đắn, một lối đi riêng trên thương trường đầy sóng gió.

01.11.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Điều gì ngăn cách nhà báo và nhà khoa học?

Nhà báo và nhà khoa học đều là những người đi tìm chân lí, sự thật phục vụ công chúng. Tuy nhiên mối quan hệ giữa họ không phải lúc nào cũng tốt đẹp.


Đó là chia sẻ của TS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, ĐH. Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM. Trong buổi gặp mặt với các Phóng viên Y tế tại Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA, TS. Phúc cho biết những khó khăn, vướng mắc khi làm việc với nhà báo, dẫn đến trường hợp nhiều nhà khoa học ngại tiếp xúc với báo chí.

Với cương vị Phó trưởng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, TS. Phạm Văn Phúc có khoảng thời gian dài tiếp xúc báo chí từ các năm 2007 – 2009. Sau một vài năm làm việc, trong những năm gần đây TS. Phúc rất hạn chế tiếp xúc với báo chí. Anh cho biết nguyên nhân là do một số cơ quan báo đài không có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà báo với nhà khoa học để đưa tin chính xác. Đây cũng là vấn đề mà nhiều nhà khoa học khác gặp phải khi tiếp xúc với báo chí.

Nhà khoa học rất cần nhà báo, nhưng…

Nhà khoa học rất cần nhà báo để đưa đến người dân và các cấp lãnh đạo thông tin khoa học mới nhất. Có thể nói báo chí là công cụ rất mạnh tác động đến nhận thức xã hội đối với giới khoa học. Thiếu sự quan tâm của báo chí, khoa học sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng.

TS. Phúc thừa nhận: Những năm 2003, 2004, phòng thí nghiệm tế bào gốc thường xuyên phối hợp với báo chí để thông tin về các phát kiến mới. Liên tục hai năm 2007, 2008, thông tin liên quan đến tế bào gốc được bầu chọn là một trong mười sự kiện khoa học, công nghệ tiêu biểu của Việt Nam. Đây là tiền đề rất quan trọng để Bộ Khoa học và Công nghệ duyệt đề án xây dựng Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc trị giá 2,5 triệu đô vào cuối năm 2008.

Thừa nhận công lớn của các nhà báo trong việc cho ra đời phòng thí nghiệm (TN) tế bào gốc nhưng TS. Phúc cũng chia sẻ nguyên nhân làm lãnh đạo phòng TN dần ngại tiếp xúc với báo chí. Vào những năm sau đó, một số bài báo có thông tin không chính xác về các công trình khoa học mới được công bố của phòng TN. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của phòng TN nói riêng và ĐH. KHTN nói chung.

TS. Phúc cho rằng khi làm việc với nhà khoa học, các nhà báo cần đảm bảo các tiêu chí như tính chính xác, kiểm chứng, khách quan… Thiếu bất kì tiêu chí nào nhà báo cũng có thể dẫn đến sai sót nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bài báo thiếu một trong những tiêu chí vừa nêu cũng không đáng tin cậy về độ chính xác, khoa học.

Sai sót thường hay mắc phải khi một nhà báo viết bài khoa học là sai về thuật ngữ chuyên ngành. Các nhà báo không nhất thiết là nhà khoa học, do đó việc bị sai thuật ngữ khoa học hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy các nhà báo sau khi viết cần phối hợp với nhà khoa học để kiểm chứng lại thông tin.

TS. Phạm Văn Phúc cho rằng ba sai sót cơ bản làm nhà khoa học ngại tiếp xúc với nhà báo bao gồm: sai thuật ngữ khoa học, sai hoặc sót thông tin khoa học, sai trong quá trình phổ thông hóa kiến thức khoa học đến công chúng. 

Hướng hợp tác cho nhà báo viết lĩnh vực khoa học

Mặc dù khó nhưng không phải hướng đi chung của nhà báo và nhà khoa học là không có. Trên thế giới, các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện là nguồn tin, đồng thời là nguồn tham khảo rất tốt cho các nhà báo. Nhà báo khoa học đọc thông tin từ các báo này và tìm đến nhà khoa học phỏng vấn sâu hơn để viết bài.

Các nhà khoa học ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có nhu cầu được thông tin đến người dân để tạo và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận. Chỉ khi xã hội, nhà nước đồng tình, ủng hộ thì khoa học mới thành công. Bất kì ngành khoa học nào hoạt động cũng cần tiền. Để có kinh phí tài trợ cho khoa học, báo chí cần thông tin, tạo sự quan tâm của dư luận.

TS. Phạm Văn Phúc cho biết thêm: Hiện nay tin tức dịch trên các tờ báo Việt Nam rất nhiều, nhưng tin tức khoa học nói chung được đưa rất hạn chế. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay có nhiều viện, cơ quan nghiên cứu chuyên môn đạt chất lượng nên thông tin về khoa học rất phong phú. Người viết nên khai thác triệt để những nguồn tin này.

25.10.2013
Hồ Quốc Nam

Một ngày rất... rất tệ... rất tệ

Không hiểu sao hôm nay mình lại gặp nhiều chuyện không vui đến thế.

Cũng là do mình gây ra.

Thật tệ...

Bất kì lỗi lầm nào trong cuộc sống đến với mình thì mình cần xem lại bản thân, không thể đổ thừa cho hoàn cảnh hay bất cứ thứ gì khác.

Không đổ lỗi cho ai hết! Phải dũng cảm nhận trách nhiệm Nam nghe! Cho dù thế nào đi nữa thì cậu phải chịu trách nhiệm với bản thân mình và phải luôn luôn nhớ, luôn luôn tự chịu trách nhiệm!

25.10.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Sách: Phương pháp thực hiện phóng sự báo chí


Một quyển sách bàn về phương pháp thực hiện phóng sự báo chí trong bối cảnh nền báo chí Việt Nam những năm cuối cùng thế kỷ 20. Qua quyển sách bạn sẽ hiểu được cơ bản thế nào là tin, thế nào là phóng sự và một số thể loại khác có thể nằm trong một bài phóng sự.

Đây là một trong những quyển sách hiếm hoi nằm trong tủ sách về nghiệp vụ báo chí được viết bởi một nhà báo đã thành danh trong nghề. Thông qua quyển sách mỏng này (134 trang) bạn sẽ bắt gặp một vài cái tên đã thành danh trong làng phóng sự nước ta những năm cuối thế kỷ 20.

Sinh viên báo chí: Nên đọc. Người làm trong lĩnh vực truyền thông, truyền hình: Nên đoc.

21.10.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Điều gì thật sự cần thiết

LTS: Bài viết cách đây mấy tháng, không hiểu vì lí do gì mà mình không hoàn thành nó. Giờ lục ra được, phải cho nó ra đời. Cái gì lẽ ra đã ra đời phải được ra đời. Những chuyện còn lại để cho người đời phán xét.

Chiều nay dọn dẹp đồ đạc ở cơ quan. Sau hơn một năm gắn bó, cuối cùng mình cũng đã rời khỏi nơi làm việc ấy. Nhìn lại thấy thời gian trôi qua cũng khá nhanh. Nơi ấy cho mình một thu nhập ổn định nhưng thật sự giữa mình và nơi ấy không nhìn chung một hướng nên bắt buộc phải nói lời chia tay.

Sắp tới có nhiều dự định. Trước mắt là kỳ thi cuối kỳ tại Đại học Kinh tế hết sức cam go. Mà hình như mình chưa toàn tâm, toàn ý đầu tư cho nó. Đây là tật mất tập trung rất xấu mà mãi vẫn chưa sửa được.

Còn event tổ chức với Huệ. Mong sao cho nó thành công. Đây là sự kiện đầu tiên mình tổ chức. Mình đã tự đặt ra một số mục tiêu và hi vọng là sẽ đạt được các mục tiêu ấy.

*Update vào ngày 21/10/2013: Nhìn lại những điều mình viết cách đây mấy tháng thật thú vị. Có cái thành hiện thực, có cái đang dở dang. Và thực sự mình rút ra nhiều bài học từ nó. Đúng là nơi lưu giữ kí ức của mình!

21.10.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Thử nhìn lại Học thuyết giá trị thặng dư của Mác

I. Khái quát về Học thuyết Giá trị thặng dư của Mác
Trong sản xuất, hàng hóa sức lao động sản xuất ra giá trị thặng dư và tiền trở thành tư bản.

Hàng hóa sức lao động: là một hàng hóa đặc biệt, nó tồn tại trong con người và người ta chỉ có thể bán nó trong một thời gian nhất định và hai thuộc tính của nó khác với hàng hóa thông thường.

Tư bản: là giá trị mang lại giá trị thặng dư bằng cách bốc lột công nhân làm thuê.

Tư bản có thể được khái quát qua công thức: T – H – T’.

Bản chất của tư bản: thể hiện một quan hệ sản xuất xã hội, giai cấp tư sản chiếm đoạt giá trị thặng dư do giai cấp công nhân làm ra.

Tư bản bất biến: là bộ phận tư bản mua tư liệu sản xuất, gồm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… Tư bản bất biến được sử dụng trong toàn bộ quá trình sản xuất, nhưng giá trị được bảo toàn và chuyển dần vào sản phẩm, không thay đổi về lượng.

Tư bản khả biến: là bộ phận tư bản mua hàng hóa sức lao động. Trong quá trình sản xuất, nó không tái hiện ra, nhưng bằng lao động trừu tượng, công nhân tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân sức lao động, tức là biến đổi về lượng.

Căn cứ của sự phân chia tư bản bất biến và tư bản khả biến là tính chất hai mặt của lao động sản xuất xã hội. Lao động cụ thể bảo toàn và chuyển giá trị của tư liệu sản xuất vào giá trị sản phẩm. Còn lao động trừu tượng tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị sức lao động. Phần chênh lệch ấy là giá trị thặng dư.

Ý nghĩa của việc phân chia:

- Việc phân chia tư bản bất biến và tư bản khả biến vạch rõ bản chất bốc lột của chủ nghĩa tư bản, chỉ có lao động của công nhân làm thuê mới tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản.

- Giá trị thặng dư là một bộ phận của giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao động do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không.

Hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư:

+ Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối là giá trị thặng dư thu được do kéo dài ngày lao động trong khi thời gian lao động tất yếu không thay đổi.

+ Phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối là giá trị thặng dư thu được do rút ngắn thời gian lao động tất yếu trong điều kiện độ dài ngày lao động không thay đổi → thời gian lao động tăng lên do đó tăng năng suất lao động xã hội trong các ngành sản xuất hàng tiêu dùng.

II. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn


Giá trị thặng dư là một trong những khái niệm trung tâm của kinh tế chính trị Mác - Lênin. Các Mác đã nghiên cứu và đưa ra một số công thức tính toán xung quanh khái niệm này trong các tác phẩm viết về kinh tế chính trị của ông. Nó được sử dụng để khẳng định lao động thặng dư của công nhân bị các nhà tư bản lấy đi, là nền tảng cho sự tích lũy tư bản.

1. Định nghĩa giá trị thặng dư

Giá trị thặng dư được Marx xem là phần chênh lệch giữa giá trị hàng hóa và số tiền nhà tư bản bỏ ra. Trong quá trình kinh doanh, nhà tư bản bỏ ra tư bản dưới hình thức tư liệu sản xuất gọi là tư bản bất biến và bỏ ra tư bản để thuê mướn lao động gọi là tư bản khả biến. Tuy nhiên, người lao động đã đưa vào hàng hóa một lượng giá trị lớn hơn số tư bản khả biến mà nhà tư bản bỏ ra. Phần dư ra đó gọi là giá trị thặng dư.
Có thể lấy một ví dụ như sau để giải thích: Giả sử một người lao động trong một giờ làm ra được giá trị sản phẩm là 1.000 đồng. Đến giờ thứ hai trở đi, trên cơ sở sức lao động đã bỏ ra ở giờ thứ nhất, người lao động đó sẽ làm ra được 1.100 đồng. Số tiền chênh lệch đó chính là giá trị thặng dư sức lao động.

2. Học thuyết về giá trị thặng dư

Học thuyết giá trị thặng dư là phát minh quan trọng thứ hai sau biện luận duy vật lịch sử của Marx. Nội dung chính của học thuyết phát biểu rằng sản xuất và chiếm hữu giá trị thặng dư là hình thức đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản về sản xuất và chiếm hữu sản phẩm thặng dư, nghĩa là hình thức cao nhất của sự tha hóa con người đối với hoạt động của mình, đối với sản phẩm từ hoạt động đó, đối với chính mình, đối với người khác.

Trong học thuyết này Marx đưa ra công thức T-H-T’ (tiền-hàng hóa-tiền) để minh họa cho sự biến đổi của vốn (tư bản) dạng tiền sang dạng hàng hóa và cuối cùng quay trở lại dạng tiền ở mức cao hơn mức ban đầu một lượng ΔT (nghĩa là T’=T+ ΔT). Bởi tất cả giá trị được tạo thành trong quá trình biến đổi thông qua sản xuất hàng hóa là do lao động (theo Thuyết giá trị về lao động), mà chủ yếu là lao động của người làm thuê, nên giá trị thặng dư ΔT cũng là giá trị do lao động kết tinh. Tuy nhiên, giá trị này không được chia đều cho những người trực tiếp làm ra nó, mà thuộc quyền sở hữu của chủ tư bản.

Khác với công thức H-T-H (hàng hóa-tiền-hàng hóa) phản ánh chức năng trung gian của tiền trong trao đổi, công thức T-H-T’ phản ánh sự luân chuyển và tự phát triển của tư bản. Tư bản dưới dạng tiền trở thành một chủ thể tự thân, đối lập với sức lao động, bóc lột sức lao động để nuôi lớn mình lên. Marx chỉ ra rằng đó là quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Theo công thức đã dẫn thì tư bản có khả năng lớn lên vô giới hạn. Tuy nhiên Marx cũng chỉ ra giới hạn nhất định của phát triển tư bản do chi phối của quy luật lợi nhuận trung bình. Lợi nhuận trung bình xảy ra do sự cạnh tranh tư bản giữa các ngành kinh tế khác nhau. Mặc khác, do khả năng chi trả trong thị trường cho nhu cầu tiêu dùng là có hạn, nên điều đó cũng kìm hãm tốc độ vận động của tư bản.

Hình thức cao nhất của sự phát triển tư bản là cho vay lãi. Chủ nhân của tư bản vay lãi có cảm giác rằng tiền đẻ ra tiền và công thức vận động của tư bản biến thành T-T’.
3. Các nhân tố ảnh hưởng đến giá trị thặng dư

* Năng suất lao động
 * Thời gian lao động

* Cường độ lao động

* Công nghệ sản xuất

* Thiết bị, máy móc

* Vốn

4. Ý nghĩa thực tiễn

Xét thuần túy trong lĩnh vực kinh tế, công thức trên cho thấy bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có tiền (vốn) được đưa vào trong quá trình sản xuất và kinh doanh trực tiếp hay gián tiếp như thông qua đầu tư chứng khoán, thậm chí gửi ngân hàng sẽ sinh lời. Đồng tiền chỉ trở thành công cụ sinh lời nếu đầu tư vào sản xuất hay kinh doanh. Mỗi cá nhân đều có thể trở thành nhà tư bản nếu biết sử dụng hợp lý tiền của mình trong đầu tư kinh doanh. Nếu chỉ để tích lũy thuần túy thì đó là đồng tiền chết, không những không có lợi cho cá nhân đó mà còn không có lợi cho những người khác cần vốn để sản xuất.

Trong bất kỳ xã hội nào cũng cần phải tìm cách tăng giá trị thặng dư, nếu áp dụng được các công nghệ sản xuất tiên tiến, sử dụng được tri thức, trí tuệ vào trong quá trình sản xuất sẽ làm tăng giá trị thặng dư mà không cần phải kéo dài thời gian lao động hay cường độ lao động ảnh hưởng đến những người sản xuất.

Công thức cũng chỉ ra cách thức tích lũy làm tăng số tiền, là cơ sở để tái sản xuất mở rộng, phát triển quy mô sản xuất, tăng trưởng kinh tế.

Phương pháp đo lường giá trị thặng dư:

Các quan niệm khác về giá trị thặng dư: Có một số người cho rằng giá trị thặng dư là của người làm thuê tạo ra mà không phải của nhà tư bản. Để tránh được sự hiểu lầm như trên ta nên đi sâu tìm hiểu phân tích thêm về cả một guồng máy nào đã tạo nên giá trị thặng dư:

Ta gọi toàn bộ số tiền dôi ra trong quá trình kinh doanh sản xuất nói chung là giá trị thặng dư: ΔT = m thì ta nên phân tách m thành nhiều phần nhỏ là các thành tố trong toàn bộ bộ máy (doanh nghiệp) đã tạo ra m như sau:

m = m1 + m2 + m3 +m4 + m5 + m6 + m7 + m8 + m9 + m10 + m11 +...

Trong đó:

* m1: là phần tiền bù đắp cho tỉ lệ lạm phát để đảm bảo giá trị của đồng tiền theo thời gian |Tt| = |Ts+m1| (chẳng hạn là năm sau thì 11 đồng mới có giá trị bằng 10 đồng năm trước);

* m2: giá trị thặng dư của lao động quá khứ tích lũy trong tư bản (được hiểu là tiền đẻ ra tiền mà không phải làm gì cả ví dụ được tính tương đương với lãi suất trái phiếu chính phủ hoặc lãi suất ngân hàng trừ đi tỉ lệ lạm phát. Do đó lãi suất ngân hàng = m1+m2;

* m3: công của nhà tư bản đã có ý tưởng và có công xây dựng nên bộ máy (công ty chẳng hạn) sản xuất ra giá trị thặng dư này;

* m4: chi phí trả cho sự mạo hiểm do nhà tư bản đã đầu tư vốn;

* m5: trả cho nhà tư bản đã có công quản lý vận hành đào tạo công nhân;

* m6: trả cho các lao động đặc biệt của nhà tư bản mà các lao động này người công nhận không thể làm thay được;

* m7: trả lại tiền ăn học cho nhà tư bản;

* m8: trả cho gien di truyền đã tạo nên đức tính thông minh cần cù của nhà tư bản;

* m9: trả cho công của nhà tư bản đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo đà phát triển cho xã hội giảm tỷ lệ thất nghiệp đỡ tránh các tệ nạn do bần cùng hóa xã hội như: ăn xin, trộm cắp,thất học, buôn gian bán lậu...
 * m10: thuế. Tại sao phải đóng thuế? Các sắc thuế ngoài việc thu về các phần đóng góp của quốc gia trong hoạt động của doanh nghiệp còn có ý nghĩa điều tiết lại giá trị thặng dư nhà tư bản đã bóc lột nhân công (nếu có);

* m11: của người lao động.

III. KẾT LUẬN

Học thuyết về giá trị thặng dư là viên đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác.

Quy luậy kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản là quy luật giá trị thặng dư.

Tư bản là giá trị mang lại giá trị thặng dư.

Tư bản là giá trị mang lại giá trị thăng dư, bằng cách bốc lột công nhân làm thuê.

Tư bản là quan hệ sản xuất xã hội: quan hệ bốc lột của người làm chủ đối với người làm thuê.

Tư bản được phân chia thành tư bản thành tư bản bất biến (c) và tư bản khả biến (v), trong đó v là bộ phận trực tiếp tạo ra giá trị thặng dư (m).

20.10.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Trường Quản lý Singapore thăm Vissan

Sáng ngày 15/10/2013, hơn 50 học viên cao học Đại học Quản lý Singapore SMU, dẫn đầu là giáo sư Philip Zerillo, đã đến thăm Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Các học viên SMU rất ấn tượng với quy trình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn” mà Vissan đã đạt được nhiều thành công.

Học viên trường Quản lý Singapore SMU thăm Vissan

Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường thực phẩm tươi sống và chế biến. Nhiều sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang các nước Nga, Đông Âu, Châu Á, khu vực Bắc Mỹ.

Thông qua chuyến đi, SMU muốn học hỏi kinh nghiệm, tìm ra mô hình quản trị doanh nghiệp đạt hiệu quả cao tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Các học viên SMU ấn tượng mạnh với thành tích mà Vissan đạt được trong quá trình từ một công ty bên bờ vực phá sản trở thành doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Trong buổi trao đổi, ban giám đốc Vissan đã có những câu trả lời thẳng thắn liên quan đến vấn đề đổi mới công nghệ và quản trị do các học viên SMU đặt ra. Tận dụng chính sách quản lí kinh tế vĩ mô của nhà nước làm bàn đạp, Vissan luôn có hướng đi riêng để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Giáo sư Philip Zerillo cho biết ông chọn Việt Nam là điểm để viếng thăm vì Việt Nam là một thị trường đang phát triển có nhiều nét đặc thù. Đây là cơ hội để các học viên hiểu hơn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, một đất nước có vị trí địa lí gần gũi với Singapore.

Nhiều học viên SMU trong đó có chị Joanne Wong, sinh viên cao học Quản trị kinh doanh, bày tỏ mong muốn có cơ hội hợp tác với Vissan trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu thực phẩm.

Đi lên từ đổi mới sáng tạo

Để có được thức ăn sạch, an toàn, hàng loạt công ty thực phẩm đã mạnh dạn đổi mới công nghệ, quản trị. Chiến lược “sạch từ trang trại đến bàn ăn” được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, áp dụng. Trong đó Vissan là đơn vị đạt được thành công khi thực hiện quy trình khép kín này. Hiện Vissan đã đảm bảo từ vùng nguyên liệu đến việc vận chuyển, chế biến, thành phẩm, bảo quản…

Ngoài việc cung cấp thực phẩm tươi, sạch cho thị trường, Vissan ngày càng hướng tới việc tạo tâm lí yên tâm cho người tiêu dùng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi liên tục cách tân công nghệ, nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm mới.

Dây chuyền sản xuất xúc xích của Vissan

Gần đây, công ty cho ra mắt dòng sản phẩm xúc xích Hola, thức ăn nhanh được đóng gói trong bao bì nhôm TikTak. Đây là các nhãn hàng hướng đến phân khúc thị trường dành cho người bận rộn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện Vissan đang cho xây dựng trụ sở mới ở tỉnh Long An. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, trụ sở chính của công ty sẽ dời về đây. Nhà máy mới của Vissan có tổng kinh phí đầu tư lên đến 150 triệu đô la Mỹ. Đây là số tiền rất lớn với hầu hết các doanh nghiệp vì nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn.

Trong bốn ngày (15 – 18.10), thông qua sự giới thiệu của câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu – LBC đoàn học viên MBA của Đại học Quản lý Singapore (SMU) sẽ thăm Vissan, Minh Long, công ty dược phẩm OPV và công ty đầu tư phát triển Nhiệt Đới (Tropdicorp).

15.10.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

"Chết" vì bị ném đá

Mạng xã hội đang thể hiện sức mạnh ghê gớm của mình!

Hết nhân viên của HTV bị lỗi vạ miệng

Đến nhân viên của VTV "tự sướng" không đúng lúc, đúng chỗ


Đối tượng bị ném đá đang có xu hướng mở rộng ra không từ một ai

Khoan hãy bàn về khía cạnh đạo đức của những người chia sẻ các loại thông tin như thế này. Hãy chờ xem một xu hướng truyền thông mới đang dần hình thành.

Sự minh bạch có phải đang dần bắt nguồn từ những thứ đơn giản như thế này?

Liệu những ai sẽ là đối tượng tiếp theo bị ném đá đến... "chết"?

Đây có phải là một bước tiến mới của nền truyền thông nhưng cũng là một bước lùi của đạo đức xã hội?

Hạ hồi phân giải.

14.10.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

"Hoa từ đất"



Chắt chiu những thành phần tinh túy từ đất mẹ, đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân cộng với việc ứng dụng công nghệ đỉnh cao, gốm sứ Minh Long 1 vừa cho ra đời dòng sản phẩn hoa từ đất sau hơn 10 năm nghiên cứu.

Dòng sản phẩm “hoa từ đất” đạt đến độ tinh xảo về kĩ thuật. Đặc biệt với sự mẫn cán, tỉ mỉ, các nghệ nhân đã thật sự thổi “hồn hoa” vào trong từng sản phẩm.

Hoa mang kiểu dáng hiện đại, màu sắc trang nhã, rất khó phân biệt giữa sản phẩm với hoa thường nếu được đặt cạnh nhau. Dòng sản phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa kĩ thuật đỉnh cao và nghệ thuật độc đáo.

Để cho ra đời dòng sản phẩm này, Minh Long 1 không ngần ngại đầu tư thời gian gần 10 năm, máy móc hiện đại cùng sự cải tiến liên tục kĩ thuật chế tác sản phẩm.

Hiện tại Minh Long 1 chưa sản xuất đại trà dòng sản phẩm này. Chủ yếu khách hàng thân thiết mới được sở hữu sản phẩm. Chính vì vậy, dòng sản phẩm “hoa từ đất” này không chỉ là vưu vật trong nước mà còn cực kì hiếm trong thị trường gốm sứ quốc tế. Hiện tại, không có nhiều công ty gốm sứ trên thế giới có thể làm được dòng sản phẩm này.

Minh Long 1 quan niệm rằng, công ty cũng như một thực thể sống, cần phải luôn đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để cho ra đời những sản phẩm đạt chất lượng cao. Đây là hướng đi đúng đắn, được nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thừa nhận.

Minh Long 1 đã đạt được nhiều thành công trong thương trường và vẫn kiên định con đường đổi mới sáng tạo để đưa doanh nghiệp vươn tầm thế giới.

12.10.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Vinamilk: Đổi mới công nghệ, nâng tầm quốc tế


Qua 37 năm hình thành và phát triển, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam hay còn gọi là Vinamilk hiện đang thống lĩnh thị trường sữa trong nước với khoảng 50% thị phần.

Trong những năm gần đây, Vinamilk bắt đầu xác lập vị trí trên bản đồ ngành công nghiệp sữa thế giới. Theo số liệu thống kê của Vinamilk, từ năm 2011 đến nay, kim ngạch xuất khẩu sữa tươi đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 70%/năm.

Đối mặt với các đại gia khổng lồ trong ngành sữa, Vinamilk đang có những bước đi căn cơ nhằm khẳng định vị trí của mình. Trong đó việc đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất luôn được chú trọng.

Vừa qua, Vinamilk đã khánh thành nhà máy sữa lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng để doanh nghiệp này hiện thực hóa giấc mơ chinh phục thị trường thế giới.

Tọa lạc tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương, nhà máy vừa đi vào hoạt động được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với việc lựa chọn công nghệ của Tetra Pak, tập đoàn chuyên cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm từ Thụy Điển, Vinamilk khẳng định khát vọng đưa công nghệ tiên tiến trên thế giới về Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Được xây dựng trong khuôn viên rộng 20ha, với vốn đầu tư ban đầu 2.400 tỷ đồng, công suất tối đa nhà máy có thể đạt được lên đến 800 triệu lít sữa/năm. Đây được đánh giá là con số lý tưởng có thể cung ứng toàn bộ nhu cầu sữa nước cho thị trường Việt Nam.

Với trang thiết bị hiện đại của nhà máy, Vinamilk hoàn toàn có thể kiểm soát để chất lượng sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Châu Âu.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm nhà máy mới của Vinamilk
 
Sau khi được chế biến với đa số các công đoạn tự động từ nhà máy, sữa thành phẩm sẽ được chuyển vào kho hàng thông minh. Sản phẩm là công nghệ tiên tiến được nhập khẩu từ Đức. Vinamilk là một trong những khách hàng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ này.

Nắm bắt được sức mạnh khoa học kỹ thuật, Vinamilk đã mạnh dạn đầu tư hàng loạt công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới hiện nay vào hoạt động sản xuất. Đây là bước đi quan trọng để doanh nghiệp tái khẳng định vị trí số một trên thị trường sữa nước Việt Nam, đồng thời hướng đến việc chinh phục thị trường thế giới.

Yếu kém chung của các doanh nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh quốc tế là sự lạc hậu trong công nghệ sản xuất. Đây cũng là khó khăn chung khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập chưa lâu, đa số các doanh nghiệp thiếu cơ hội tiếp xúc với công nghệ tiên tiến.

Trong khi đó, để cạnh tranh toàn cầu, các công ty cần phải liên tục đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bằng việc đưa nhà máy sữa của mình vào hoạt động, Vinamilk đã tạo được tiền đề thiết thực để các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm đạt chất lượng toàn cầu.
 
11.10.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Hiến pháp vì dân

Quốc hội họp

Hiến pháp là luật cơ bản của nhà nước. Theo đó, mọi văn bản luật và dưới luật đều phải tuân thủ, cũng như không được trái với Hiến pháp.

Qua nhiều lần lập hiến, từ việc sửa đổi, bổ sung đến việc viết cả bản Hiến pháp mới, Nhà nước đã tốn không biết bao nhiêu tiền của nhân dân nhưng đến nay chúng ta vẫn đang có một bản Hiến pháp còn gây nhiều tranh cãi.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước duy nhất có quyền lập hiến. Những thành viên trong Quốc hội là rường cột quốc gia. Sau nhiều lần hợp, chất vấn, sửa tới sửa lui, có khi kéo dài đến mấy năm mới có được một bản Hiến pháp. Mỗi lần viết ra một bản Hiến pháp mới, tài lực, đỉnh cao trí tuệ của nhân được huy động toàn bộ vào nó.

Nhiều người trách tại sao đại biểu Quốc hội ít lên tiếng. Lên tiếng làm sao được khi mỗi đại biểu sau mỗi cuộc họp phải gánh đến hàng kg tài liệu ngổn ngang. Thời gian đọc tài liệu còn không có, thì có đâu thời gian để phục vụ nhân dân, đưa tiếng nói của nhân dân đến cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội?

Một bản hiến pháp cố chấp, giáo điều, lý tưởng và đầy tham vọng thì không phải là một bản hiến pháp tốt. Hiến pháp tốt là Hiến pháp vì dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân chứ không phải lợi ích của nhóm chính trị.

Hiến pháp do Quốc hội viết. Đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu ra, đại diện cho tiếng nói của mình đến các cơ quan quyền lực nhà nước từ thấp đến cao. Nhưng liệu chúng ta đã có một cơ chế đủ tốt để tiếng nói nhân dân được lắng nghe, được tiếp thu, phản biện?

Chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ có được một bản hiến pháp tốt nếu như những người viết ra nó không hiểu thế nào là TỰ DO. TỰ DO nghĩa là không bao giờ chịu quỳ gối, cúi đầu trước bất kì một người, nhóm người nào cả.
 
Bất cứ cá nhân hay tập thể nào đều không phải là thần thánh. Và thậm chí ngay cả khi họ là thần thánh thì thần thánh cũng có lúc phải sai. Đừng bao giờ nghĩ một nhà toán học đoạt giải Fields như Ngô Bảo Châu thì không thể sai trong một phép tính toán.

Chợt nhớ đến một câu nói đầy mỉa mai: "Tư tưởng không thông xách bi-đông cũng nặng."

09.10.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Gốm sứ Minh Long 1: Vững mạnh từ sự đổi mới

Từ lâu, nhắc đến Bình Dương, người ta nhớ ngay đến các làng nghề truyền thống, trong đó nổi bật nhất là làng nghề gốm sứ. Ngày nay nhiều sản phẩm gốm sứ Bình Dương đạt đến độ kĩ thuật tinh vi nhờ được sản xuất bằng máy móc hiện đại.

Theo số liệu từ Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam, Bình Dương chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu gốm sứ quốc gia. Có đến 90% gốm sứ được sản xuất tại đây phục vụ xuất khẩu. Trong đó, Minh Long là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành gốm sứ cả nước. Đây là công ty đã gặt hái nhiều thành công trong việc xuất khẩu gốm sứ sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ…

Thành lập từ năm 1970, nhiều năm liền Minh Long 1 dẫn đầu ngành gốm sứ cả nước trong việc xuất khẩu. Đây còn là đơn vị luôn tiên phong trong công cuộc đổi mới công nghệ, sáng tạo không ngừng. Hiện nay, trong các nhà máy sản xuất gốm sứ của công ty, đa số máy móc tự động đã thay thế lao động chân tay.

Ông Lý Ngọc Minh, TGĐ Công ty Minh Long 1
 
Với bốn tiêu chí không: không thời gian, không biên giới, không giới tính và không tuổi tác cũng như bốn tiêu chí có: có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách và có hồn, sản phẩm gốm sứ Minh Long đã và đang chinh phục các khách hàng khó tính trong và ngoài.

Sau tám năm miệt mài nghiên cứu, Minh Long vừa cho ra đời dòng sản phẩm Ly’s Horeca với thiết kế mang nét đặc trưng văn hóa Việt đồng thời hiện đại mang tầm quốc tế. Bằng lòng yêu nghề, sự đổi mới, sáng tạo không mệt mỏi, Ly’s Horeca là minh chứng sống động cho triết lý kinh doanh “Đổi mới để tồn tại” của công ty.

Nhờ những ưu thế về trình độ khoa học kĩ thuật tiên tiến, Ly’s Horeca vẫn giữ được các ưu thế trước đây của sản phẩm gốm sứ Minh Long như bền, đẹp, ít trầy xước. Bên cạnh đó, Ly’s Horeca còn có giá cả rất hợp lý, phù hợp với cả những người tiêu dùng bình dân. Đây như một lời tri ân của công ty đối với khách hàng. Minh Long 1 ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong việc đổi mới, sáng tạo không ngừng để vươn tầm thế giới của các doanh nghiệp Việt.

Ngày nay, sản phẩm gốm sứ Minh Long 1 đã có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bên trong những sản phẩm đạt đến độ tinh vi về kĩ thuật là hồn nước, hồn người được gửi gắm qua từng nét vẽ công phu. Sản phẩm gốm sứ Minh Long là đại diện văn hóa tiêu biểu mang truyền thống, hình ảnh con người, đất nước Việt Nam đến với bạn bè khắp năm châu.

08.10.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Sinh nhật lần thứ 24 (tuổi 25)

Sinh nhật lần thứ 24 là lần sinh nhật đầu tiên mình có được bánh sinh nhật. Không chỉ một cái mà đến hai cái. Cám ơn em và các bạn đã cho anh một sinh nhật nhiều ý nghĩa. Thời gian tới có rất nhiều việc phải làm, anh sẽ cố gắng không để em buồn bực và giận hờn anh nữa. Thời gian qua anh thực sự chưa làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Nhưng em ơi, hãy tin anh nhé, anh là một người có bản lĩnh và nghị lực, anh sẽ không làm em thất vọng!

Sinh nhật đánh dấu một bước trưởng thành mới nữa trong nấc thang cuộc đời anh. Càng ngày anh thấy mình không còn trẻ nữa. Tuổi 25 đã bắt đầu, phải hành động nhanh để cuộc đời mình không tiếp tục trễ những chuyến xe định mệnh. Thời gian đối với mỗi con người là hữu hạn nên anh tự hứa với mình không nên tiếp tục phí thời gian với những thứ không thiết thực.

Tiếp tục chiến đấu, tiếp tục trưởng thành Nam nhé!

28.9.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Trở lại


Mấy tháng nay rong chơi, từ hôm nay quyết tâm trở lại cái tôi như mình đã từng quen biết.
 
Đừng quên, đừng thất hứa với bạn bè và với chính mình nữa Nam nhé!

Các công việc quan trọng:
- Chấn chỉnh lại hình ảnh bản thân mình trong mắt bạn bè - những mối quan hệ thân thuộc.
- Chấn chỉnh lại việc học hành.
- Chăm sóc lại blog - khu vườn tâm hồn.

07.9.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Không còn thời gian

Không còn nhiều thời gian nữa đâu Nam à. Đừng để nước đến chân mới nhảy. Đừng để sự việc xảy ra rồi mới hối lỗi. Đừng để cắn bút trong phòng thi một lần nào nữa nhé!

Cố lên! Hãy gọi trí óc quay về và tập trung làm việc!

Trên con đường của sự thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng, Nam nhé!

Mở lịch ra, lên kế hoạch một số việc nhỏ và phải hoàn thành trong đêm nay nghe Nam!

31.7.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Cùng đọc Hiến pháp

Đọc Hiếp pháp năm 1992, tôi thấy còn nhiều điều bất cập nhưng không hiểu sao người ta vẫn cố giữ nó? Hiến pháp cần phải thay đổi và liên tục thay đổi để phục vụ lợi ích của toàn dân. Bản Hiến pháp của Hoa Kỳ đã tồn tại hơn 200 năm nhưng vẫn còn trường tồn được với thời gian. Di sản lớn nhất của các quốc phụ Hoa Kỳ cũng chính là bản Hiến pháp này.

Từ ngày lập nước đến nay chúng ta đã trải qua nhiều bản Hiến pháp với nhiều lần sửa đổi nhưng đến bản Hiến pháp 1992 hiện hành vẫn còn nhiều điều cần phải thay đổi. Phải chăng cách làm luật của dân ta lạc hậu hơn so với Hoa Kỳ đến mấy trăm năm?

19.6.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Bụi vũ trụ


Gần đây, tôi nhận ra, rốt cuộc, tôi cũng chỉ là bụi của vũ trụ. Thế nên khi ra đi, tôi cũng sẽ tan vào hư vô. Tôi nguyện sẽ không làm ô nhiễm thêm cõi đời vốn đã quá nhiễu loạn, tạp nham này.

Tôi nhận ra rằng, mọi thứ sách vở rốt cuộc cũng chẳng có thứ nào là quan trọng. Rồi tất cả bọn chúng cũng sẽ bị đào thải bởi thời gian. Không có điều gì đúng, chỉ có điều gì là hợp lý là cặp phạm trù bạn cần phải hết sức lưu ý. Đừng ham tân thời, đừng ham tân tiến, những gì trụ được lại được trăm năm mới có giá trị.

Ngoài công nghệ, phát minh ra, toàn bộ những thứ khác rốt cục cũng chỉ là rác rưởi. Hãy tin vào khoa học tự nhiên chứ đừng tin vào khoa học xã hội. Khoa học tự nhiên tồn tại và thống nhất được do tính lô-gíc, vững chắc của vấn đề và được cả thế giới này công nhận. Những gì huyền bí, chưa được chứng minh bởi khoa học là những thứ không đáng tin. Thế nên để cuộc sống của bạn thêm ý nghĩa thì chớ nên tin vào những thứ chưa có cơ sở khoa học vững chắc.

Vậy nên đừng quá ham ôm vào mình quá nhiều thứ rác rưởi. Hãy giữ cho nhà bạn thật sạch. Đồ đạc nào xác định không còn dùng được hãy tống tiễn chúng đi đừng luyến tiếc. Sự luyến tiếc chỉ làm cho đống rác rưởi trong đời sống của bạn ngày càng nhiều hơn mà thôi.

27.6.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Ánh Dương lên Thủ Đức


Vậy là Ánh Dương đã lên Thủ Đức. Cũng giống như mình 6 năm trước, chắc hẳn Dương còn lơ ngơ vì chưa quen thuộc với cảnh thành phố.

Một thế hệ mới nữa đã bắt đầu. Sáu năm trước mình chọn học ngành Báo nên ra đời có nhiều bỡ ngỡ. Ít ra là cũng cực kỳ thất vọng với "sự nghiệp báo chí" của cái xã hội này. Sáu năm sau chị của mình chọn học ngành An ninh, học xong ngành này chắc hẳn sẽ rất dễ kiếm việc làm. Cũng mừng cho chị của mình, mặc dù cái ngành An ninh mình cũng chẳng ưa gì mấy.

Ở nhà mình gọi Dương là "chế" ("chế" là cách gọi theo người Hoa tại Việt Nam nghĩa là chị) nhưng thật ra Dương nhỏ tuổi hơn mình. Mình sinh năm 1989, Dương sinh năm 1995. Mình nhớ hồi còn nhỏ, mình rất thương nó, hay đòi ẵm nó về nhà nuôi. Tình thương ấy là tình thương của người anh trai dành cho đứa em gái. Từ nhỏ nó có thói quen gọi mình là "anh hai." Mãi đến sau này khi đủ lớn để nhận ra thứ tự lớn nhỏ trong họ hàng, nó bắt đầu bắt mình gọi nó là "chế."

Dương vừa hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, một kỳ thi tương đối dễ dàng. Nhưng trước mắt Dương là một kỳ thi đại học đầy cam go. Cam go vì đại học là cánh cửa hẹp của quá nhiều học sinh tốt nghiệp THPT. Năm nay nghe nói số lượng hồ sơ nộp vào các khối ngành an ninh, quân đội, công an tăng đột biến. Chắc hẵn sẽ có khó khăn cho Dương khi chế nộp đơn thi vào ngành này.

Điện thoại về nhà nghe dì 8 (mẹ của Dương) nói Dương khóc khi lên xe vì sợ cảm giác xa nhà. Nghe xong mình cảm thấy buồn cười, dù sao thì Dương cũng đỡ hơn mình sáu năm trước. Năm đó mình lên đây mà không có bất kỳ một ai thân thuộc bên mình. Rồi mình cũng đã vượt qua tất cả. Nhìn lại sáu năm qua mình cảm tưởng đó như là một giấc mơ. Một giấc mơ đẹp và rất nhiều sóng nhấp nhô.

Mình tin rồi từ từ nó cũng sẽ quen. Hỡi cánh chim nhỏ kia ơi, đã đến lúc rời xa tổ ấm để chiến đấu với mưa phùn, gió bấc, những khó khăn, nghiệt ngã ngoài đời. Có đi khỏi vòng tay của cha mẹ thì mới cảm được tình thương của cha mẹ dành cho mình và mới lớn lên được. Đừng lo lắng, đừng buồn chế nhé, vì ít ra luôn có em và Huệ bên cạnh chế!

Cầu mong cho chế đạt được điểm thật cao trong kỳ thi đại học lần này!

Em sẽ lấy chế làm động lực để học tập và đạt điểm thật cao trong kỳ thi cuối kỳ tại đại học Kinh tế TP.HCM sắp tới!

06.07.2013
Hồ Quốc Nam

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Nghỉ ở kênh Let's Viet và rời xa làng báo

Mình đã dự định là sẽ xa rời ngành báo chí, xa rời cái không khí ngột ngạt của "sự nghiệp báo chí" mà Nhà nước này đang xây dựng. Ngày xưa, khi nộp đơn vào ngành Báo, mình mơ ước ngày sau sẽ là một nhà báo của nhân dân. Mình sẽ đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội. Mình mơ ước sẽ giúp những người nông dân nông dân thấp cổ, bé họng đấu tranh chống lại những kẻ cường hào, ác bá cướp đất của dân. Nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường, mơ ước ngày nào của mình tắt ngúm.

Hàng ngày khi lướt qua các trang báo từ Tuổi Trẻ, Thanh Niên đến hàng chục tờ báo in khác, mình chỉ nhìn thấy trong đó sự nông cạn và hời hợt của những người làm báo. Mình phát hiện ra đằng sau mặt báo còn có rất nhiều điều kinh tởm khác. Điều đó luôn làm mình nghẹt thở mỗi khi nghĩ đến nó. Rồi cái thói làm báo nhố nhăn, chụp giựt, chỉ nghĩ đến tiền bạc, cùng sự ngu ngốc của một số đồng nghiệp bên cạnh mình làm mình chán ngấy cuộc sống nơi làng báo. Một lần nữa, mơ ước được rời xa làng báo của mình càng được củng cố.

Tối muốn mình phải là người đứng trước ống kính

Thú thật là làm ở kênh Let's Viet nhưng mình chẳng bao giờ xem truyền hình. Mỗi lần nhìn thấy các chương trình trên truyền hình từ thời sự đến các chương trình chuyên đề, khoa giáo khác, cảm giác của mình là buồn nôn. Mình thấy mình chẳng học hỏi được cái gì từ những chương trình ấy hết. Người Mỹ nói "TV is time killer", thật đúng vậy. Làm truyền hình mà mình chẳng bao giờ muốn xem truyền hình. Thôi thì rời xa luôn cái nơi chốn ấy càng sớm càng tốt để còn bắt tay vào việc khác.

Đây là lần thứ hai mình hạ quyết tâm xa rời làng báo. Lần trước khi nghỉ ở chương trình Lục Lạc Vàng - Kết nối những miền quê, mình nghĩ là mình sẽ không còn cơ duyên để tiếp tục ở lại làng báo. Thế nhưng số phận lại đưa đẩy mình về với kênh Let's Viet. Lần này nghỉ ở kenh Let's Viet, mình lại hạ quyết tâm rời xa cái làng báo này. Hi vọng quyết tâm lần này của mình sẽ thực hiện được. Mình sẽ bắt tay vào công việc kinh doanh, công việc mà mình cảm thấy yêu thích hơn.

Mình đang có dự định kinh doanh quán cà phê. Đây là một bước đi nhỏ để bắt đầu hành trình lớn trong sự nghiệp làm kinh doanh, buôn bán của mình. Hi vọng là dự định đó sẽ sớm thành hiện thực!

31.5.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

EAT TO LIVE OR KILL TO EAT?

LTS: Nhiếp ảnh gia Peter Menzel đi vòng quanh thế giới để chụp hình mấy gia đình ăn những gì và tốn bao nhiêu tiền mỗi tuần lễ. Một gia đình Đức (4 người) tiêu 500 dollar, trong khi đó, một gia đình Tchad (phi châu, 6 người) chỉ tiêu 1.23 dollar.

The Blender from Bargteheide, Germany (4 people)
Weekly food costs: US $500.07 


Jarvis family from North Carolina, USA (4 people)
Weekly food costs: US $341.98


The Aokita from Kodirah, Japan
Weekly food costs: US $317.25

Manzo family of Sicily, Italy (5 persons)
Weekly food costs: US $260.11

The Hagans Kuwait City, Kuwait (8 people)
Weekly food expenses - US $221.45

The Ksals from Cuernavaca, Mexico (5 persons)
Weekly food costs: US $189.09

  The Dong family from Beijing, China (4 people)
Weekly food expenditures - US $175

The Sobyakiznkis from Konstancin-Jeziorna, Poland (5 persons)
Weekly food expenditures: U.S. $151.27

The Ahmed family from Cairo, Egypt (12 people)
Weekly food expenditures: U.S. $68.53

The Batsori from Ulaanbaatar, Mongolia (4 people)
Weekly food expenditures: U.S. $40.06

The Yim family from Tingo, Ecuador (9 people)
Weekly food expenditures: U.S. $31.55

The Namgais from Shingkhey village, Bhutan (13 people)
Weekly food expenditures: U.S. $5.03

The Abubakar from Breidjing Camp, Chad (6 people)
Weekly food costs - U.S. $1.23 
 
11.5.2013
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Ông Đoàn Nguyên Đức cảm tính và ngu dốt

Ngay sau bài viết "Thơ gửi hiệp hội bất động sản" của Tiến sĩ Alan Phan đăng trên VNExpress, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã lên báo công khai công kích ông Alan về những luận điểm của ông. 

Alan, về kinh tế học, nhiều điều ông nói có lý

Phân tích bài viết của Tiến sĩ Alan Phan, tôi thấy đây chỉ là góc nhìn của một người làm kinh tế về quản lý kinh tế theo chủ nghĩa thị trường tự do. Tôi không phân tích đúng sai quan điểm trong bài viết của ông Alan Phan, chỉ thấy bài viết của ông Alan Phan có tính vững chắc và logic vấn đề khá tốt. 

Xem hai bài viết tôi đề cập trong bài:

- Tại đây: http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/quan-diem/2013/03/tien-si-alan-phan-phan-hoi-1-000-hoi-vien-bat-dong-san/page_1.asp

- Và tại đây: http://giaoduc.net.vn/ntd-thong-thai/bau-duc-ong-alan-phan-noi-nhu-cau-sv-day-toan-cho-gs-ngo-bao-chau/288884.gd

Kinh tế học có nhiều quan điểm khác nhau về thị trường, tuy nhiên, tôi ủng hộ quan điểm của ông Alan Phan về góc nhìn nền kinh tế thị trường tự do. Theo đó, thị trường sẽ quyết định: cung, cầu và giá. Ở đâu có cầu, ở đó có cung. Với một sản phẩm, khi có giá cả hợp lý, nói theo ông bà ta là "thuận mua, vừa bán" thì giao dịch xảy ra. Bất động sản không bán được là do thiếu một trong hai yếu tố "thuận mua", "vừa bán", hoặc thê thảm hơn là thiếu cả "thuận mua" và "vừa bán". 

Bài học về bất động sản sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu được luật chơi và tính cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường. Ngày nay chúng ta không phải chỉ cạnh tranh với những doanh nghiệp trong nước, khu vực, mà còn cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu đầy tính khốc liệt. Do đó, bài học về thị trường là cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo tôi, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã tự đào hố chôn mình khi dự đoán sai về cung, cầu thị trường. Chỉ vì cái lợi trước mắt khi giá bất động sản cao, lợi nhuận sinh ra kếch xù, các doanh nghiệp bất động sản đã ồ ạt đầu tư vào thị trường này. Từ 1995 - 2006 được xem là giai đoạn hoàng kim cho các doanh nghiệp bất động sản Việt khi cầu lớn, lượng cung có hạn dẫn đến việc bán bất động sản được giá. 

Ông bà ta thường hay nói "được voi đòi tiên," trường hợp của các doanh nghiệp bất động sản cũng không phải là ngoại lệ. Lẽ ra các doanh nghiệp bất động sản phải biết như thế nào là "đủ" khi thị trường đã giải quyết xong phần lớn nhu cầu về nhà ở cho những người có khả năng chi trả trong suốt giai đoạn này. Do không biết thế nào là "đủ", hoàng loạt những người có tiền thi nhau đầu tư vào bất động sản. Khi lượng cung đã vượt quá lượng cầu, cộng thêm với việc giá quá cao, bong bóng kinh tế về thị trường bất động sản phải đến hồi đổ vỡ. 

Bên cạnh đó, hai yếu tố quan trọng góp phần làm bong bóng bất động sản nhanh chóng nổ tung là hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng cả về kinh tế lẫn chính trị. Người nghèo nhiều, thất nghiệp tràn lan, không riêng gì bất động sản, hầu hết các doanh nghiệp khác gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Tính đến thời điểm hiện tại, khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam ngày càng xấu đi và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Dẫu biết còn nhiều khó khăn nhưng bài học "nền kinh tế thị trường" cho các doanh nghiệp bất động sản Việt thật sự là một viên thuốc đắng. "Thuốc đắng giã tật", theo tôi, viên thuốc này là cần thiết để các doanh nghiệp bất động sản Việt hiểu và tôn trọng luật chơi của nền kinh tế thị trường hơn.

Chỉ qua vài lời nói, người ta lại nhớ rõ hơn về quá khứ của một trùm lâm tặc


Quay lại bài trả lời của ông Đoàn Nguyên Đức, chỉ qua một bài phỏng vấn ngắn ngủi, tôi thấy được hai điều sau đây ở ông: 1. Cảm tính (dân gian thường gọi là "đàn bà." - không có ý xúc phạm chị em phụ nữ, điều này là dân gian nói, không phải tôi nói.); 2. Ngu dốt. Thể hiện qua việc ông không biết ngay cả những quy luật cơ bản nhất của kinh tế học.

Trong bài trả lời phỏng vấn của mình, thay vì tập trung vào việc phân tích đúng sai quan điểm của ông Alan Phan, ông Đức tập trung vào đả kích cá nhân ông Alan. Đây là thói ngụy biện nguy hiểm và thấp hèn nhất. Nó chứng tỏ kẻ công kích đuối lý và không thể tìm được lý lẽ nào hấp dẫn hơn để có thể tiếp tục tranh luận với đối thủ cũng như biện minh cho mình. 

Hãy phân tích phát biểu sau đây của ông Đức: “Không có Nhà nước nào bỏ tiền ra hỗ trợ cho bất cứ một doanh nghiệp nào, trong quá khứ không có và tương lai cũng sẽ không bao giờ có. Tiền này là Chính phủ hỗ trợ cho những người mua nhà và những người thu nhập thấp có điều kiện mua nhà để ở. Chính phủ hoàn toàn không can thiệp vào doanh nghiệp, không trực tiếp đưa tiền cho doanh nghiệp”- Bầu Đức cam đoan. Qua phát biểu trên, tôi thấy rằng đây là một kẻ không hề có một tí hiểu biết gì ngay cả những quy luật cơ bản nhất của kinh tế học. 

Câu “Không có Nhà nước nào bỏ tiền ra hỗ trợ cho bất cứ một doanh nghiệp nào, trong quá khứ không có và tương lai cũng sẽ không bao giờ có," đầy chủ quan và cảm tính. Nó thể hiện tầm tư duy của một kẻ vốn khởi nghiệp từ công việc đốn gỗ, phá rừng.

Hãy phân tích "Chính phủ hỗ trợ cho những người mua nhà và những người thu nhập thấp có điều kiện mua nhà để ở." Vậy Chính phủ hỗ trợ cho những người mua nhà và những người thu nhập thấp bằng hình thức nào? Ở đây là cho vay với lãi suất 6%/năm, kỳ hạn 3 năm. Sau đó, Ngân hàng nhà nước sẽ công bố mức hỗ trợ mới theo từng thời điểm. 

Giả sử mức lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam trong những năm tới là từ 11 - 14%/năm, như vậy Chính phủ đã hỗ trợ từ 5 - 9% lãi suất cho người dân vay mua nhà. Động thái này của Chính phủ tạo ra một lượng cầu mới cao hơn lượng cầu cũ trên thị trường bất động sản. Xét về mặt kinh tế học đây là số tiền nhà nước chi để cùng nhau gồng gánh những sai lầm kinh tế do các doanh nghiệp bất động sản gây ra. Nhà nước không phải cho người dân vay để làm ăn, buôn bán mà là vay kèm theo điều kiện phải dùng số tiền đó để mua bất động sản.

Thay vì để giá bất động sản rớt theo giá thị trường, Chính phủ lại dùng Ngân sách (từ tiền thuế của dân mà có) bơm vào thị trường bất động sản đang chết lâm sàng do đặc tính quá tham lam của những người tạo ra nó. Thay vì tôn trọng quy luật cung, cầu và giá thị trường, Chính phủ lại dùng tiền Ngân sách (từ tiền thuế của dân mà có) làm bình ô-xy cho bệnh nhân "Bất Động Sản" đã đến hồi "bất động đậy." Do đó, về kinh tế học, tiền này một phần chảy vào túi người dân, một phần chảy vào túi các doanh nghiệp bất động sản. 

Bài toán về nhà ở cho người thu nhập thấp cần có một cách giải khác, chứ không phải là cách giải hiện tại mà Chính phủ áp đặt. Giá cả và chất lượng là hai tham số quan trọng trong phương trình nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Với bài toán này, tự thân thị trường sẽ có lời giải và đáp án.

Ta có thể nói Chính phủ đã dùng tiền để cứu doanh nghiệp bất động sản. Việc nhà nước cho dân vay với lãi suất 6%/năm để mua bất động sản chỉ là hình thức, không phải là bản chất vấn đề. Đẳng cấp trí tuệ của một kẻ từng là lâm tặc chỉ nhìn thấy được hình thức bên ngoài, không nhìn được bản chất của sự vật, sự việc, hiện tượng.

Làm kinh tế thì phải biết nơi nào thật sự cần tiền

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho doanh nghiệp bất động sản có hai điều thiếu khôn ngoan:
 
Một: Giữa lúc kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp cần vốn để đầu tư và tái đầu tư, thì gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn như trên lẻ ra nên chảy về túi các doanh nghiệp chân chính cần vốn làm ăn thật sự thì nay lại dùng để gồng gánh cho những sai lầm về mặt tính toán của các doanh nghiệp bất động sản. 

Hai: Chính phủ cho dân vay tiền để mua nhà ở, mà nhà ở trong kinh tế học là sản phẩm cuối cùng, không phải sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trung gian. Mà đã không phải là sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trung gian thì không thể đầu tư để có thể tiếp tục sinh lợi nhuận. Xét về mặt kinh tế học, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ cho người dân mua nhà là thiếu khôn ngoan, có nhiều cách đầu tư khác sẽ sinh lợi nhuận cao hơn.

19.4.2013
Hồ Quốc Nam