Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Đánh nhau: Lý trí và đạo đức

Chiều nay trên đường về, mới đi được một đoạn ngắn thì có một sự việc xảy ra như sau: một cậu trai trẻ khoảng 20 tuổi chở một cô gái cũng khoảng 20 tuổi quẹt vào một xe khác chở hai người cũng một nam, một nữ, họ đã ngoài 50. Sau đó hai bên lời qua, tiếng lại. Được một lát thì người đàn ông và chàng trai trẻ kia không cãi bằng võ mồm nữa mà xông vào thượng cẳng chân, hạ cẳng tay kèm theo đó là những lời nói tục tĩu để thóa mạ nhau. Theo quan sát của tôi thì cả hai đều bị đánh mấy cái vào mặt. Cũng may là có một số người đi đường thấy bất bình nên nhảy vào can ngăn. Nếu không thì sẽ có nhiều khác sẽ chứng được chứng kiến những đường quyền, cước đẹp mắt, máu mồm, máu mũi văng tùm lum như Tom & Jerry và đương nhiên kèm theo đó là những lời nói tục tĩu không hay cho lắm. Chúng ta bỏ qua bề nổi của tảng băng chìm, cùng nhau nghiền ngẫm một số vấn đề nhỏ như sau:

Lý trí

Nếu nói về lý trí thì có lẽ hai người đàn ông này đều được xem là “có lý trí”. Giống như con gà, con cá lia thia, con chim cu gáy, con sói, con mèo, con hổ, con chuột… mấy con đó con đực nào đánh nhau giỏi là mấy con cái mê lắm. Bởi vì trong thiên nhiên, để cạnh tranh nhau thì mấy con đó thường xông vào đánh nhau. Dĩ nhiên con nào thắng thì con đó được ưu tiên lãnh thổ, thức ăn hoặc con cái. Như vậy thì xét về khía cạnh Động vật học thì hai người này là những người đàn ông có lý trí. Những con như con công, con đực nào có bộ lông đẹp và múa giỏi là mấy con cái mê. Sư tử cái thì thích sư tử đực ở tiếng gầm và bộ bờm trên cổ. “Con gái” (Tôi nói là “con” nghe! Không có lạc đề à!) thì thích “con trai” ở cái mác đẹp trai và có tiền. Mấy “con trai” không đẹp trai, không có tiền mà dẻo miệng thì mấy “con gái” cũng thích. Tóm lại là “đẹp trai”, “có tiền” và “dẻo miệng” là những thứ vũ khí mà “con trai” hay dùng nhất để cua “con gái”.

Quay lại là con người thì hai người đàn ông này sẽ được xem xét ở một khía cạnh khác. Bởi vì hoàn cảnh của hai người này khác với hoàn cảnh của mấy con động vật mà trên kia tôi vừa kể. Họ không có tranh giành lãnh thổ: đất trên đường Phan Xích Long không phải của riêng ai. Họ không trành giành thức ăn: khi xảy ra va quẹt không có mảnh thức ăn nào bị rớt hết và không có ai giật đồ của ai hết. Cuối cùng họ cũng không có tranh giành người đẹp. Bởi vì sau lưng hai người đàn ông này là hai người đẹp, một người ngoài 50 tuổi và một người khoảng 20 tuổi đang ngồi. Dĩ nhiên là cũng hết sức may mắn là họ cũng không có tham gia vào trận chiến này. Như vậy thì xét về lý trí thì không biết ai hơn ai? Chỉ biết họ đánh nhau rất khỏe. Thôi xét thử một khía cạnh khác nữa để xem hai con người này như thế nào?

Đạo đức

Ông bà ta có để lại một câu tục ngữ rất hay: “Yêu trẻ trẻ đến nhà, yêu già già để phúc”. Đại ý nói là nên “kính trên, nhường dưới”, sống hòa hợp thì sẽ được mọi người yêu thương và kính trọng. Như vậy nếu xét riêng ở câu tục ngữ rất đời thường này thì hai người đàn ông tôi kể đã sai:

1. Đối với người đàn ông đã ngoài 50 tuổi kia: lẽ ra ông phải biết chàng thanh niên đó chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu ông. Ba mươi năm trước lúc ông bằng tuổi nó bây giờ thì tôi nghĩ có hai trường hợp xảy ra: 1) Nó chưa ra đời; 2) Nó đang tập bò. Có lẽ ba mươi năm trước mà nó lỡ “quẹt” ông một cái thì ông đã không làm như vậy. Vậy mà nỡ nào 30 năm sau ông lại nhào vô thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nó? Thằng bé mà mới 30 năm trước đây ông còn ẵm bồng và thường hay yêu thương, hôn hít? Ông chưa nuôi nó được ngày nào và cũng chưa dạy nó được chữ nào thì sao ông dám chửi nó là “đồ mất dạy”? Như vậy thì cha mẹ nó, ông bà nó, nhà trường đã dạy nó có đau lòng không? Họ đã nuôi dạy nó tốn không biết bao nhiêu công sức trong đời thì giờ này nó mới nên hình nên dạng, có sức khỏe chạy xe để quẹt ông. Nghe ông nói vậy, họ có sẵn sàng bay vào thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với ông như ông đã làm với con em của họ không?

2. Đối với chàng trai trẻ mới ngoài 20 tuổi: cũng may là chàng trai này mới ngoài 20 tuổi nên thân hình còn gầy gò, ốm yếu. Nếu chàng trai này khỏe mạnh hơn, lực lưỡng hơn một tí thì có lẽ sẽ đưa ông già kia đã “lên đĩa”. Chàng trai 20 tuổi kia ơi, lẽ ra khi cậu đã vô ý đụng phải người ta rồi thì một lời xin lỗi có đáng bao nhiêu? Tôi nghĩ bạn gái cậu cũng thông cảm cho cậu. Câu chuyện xảy ra được giải quyết nhanh, gọn, lẹ và cũng chẳng phải “mất mặt” ai hết. Đứa bạn gái của cậu ngồi ở phía sau lưng không lẽ lại cảm thấy tự hào vì mình có một người bạn trai “có máu mặt”, đã sẵn sàng xông vào đấm mấy cái vào mặt một người đàn ông đáng tuổi cha, tuổi chú mình.

Lại nhớ đến một câu chuyện xưa như trái đất. Chuyện kể như sau:

“Có một cậu bé thích leo lên cây để đái lên đầu người khác. Một hôm, cậu bé đái lên đầu một người. Người này là người có ăn, có học. Ông ta bực lắm nhưng không biết làm sao để trả thù cậu bé. Ông mà đánh nó thì sợ mang tiếng bắt nạt trẻ con. Ông mới khen ngợi nó và cho nó một ít tiền. Ông bảo với nó, “Lần sau gặp người nào ăn mặc sang trọng, con cứ đái vào đầu, sẽ được cho nhiều tiền hơn,”. Thằng nhỏ nhận được tiền khoái quá và lần sau nó làm đúng như lời mà ông đó dặn. Không may cho nó là nó đã đái lên đầu một vị quan có chức, có quyền. Giận quá ông ta đem chém nó. Thằng nhỏ chết mà cũng không biết tại vì sao mình chết,”.

Qua câu chuyện trên có thể thấy thật là may cho chàng trai trẻ. Ông già 50 tuổi mà khôn hơn một tí, sau khi qua vẹt xong, ông hãy nhìn chàng trai bằng ánh mắt trìu mến, tỏ vẻ thông cảm. Như vậy là làm cho nó đỡ mất mặt với bạn gái của nó. Cũng là một cách khuyến khích nó, “mày cứ chạy ẩu như vậy, có ngày đụng phải xe hàn, xe tải là mạng mày đi con à!”.

Chàng trai trẻ sau khi bị ông già chửi mấy câu vào mặt, lẽ ra cũng nên tỏ thái độ kính trọng một người sắp “gần đất xa trời” như ông già kia (theo như nhạc sĩ Y Vân thì đời người ta chỉ có 60 năm thôi). Và cũng bằng thái độ đó, quay sang nhỏ nhẹ với người bạn gái ở sau lưng mình, “Ông già ấy mắng yêu anh đó mà!”. Như vậy thì có lẽ chuyện không hay hồi chiều đã không thể xảy ra.


13/9/2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

(Trên đây chỉ là vài dòng của một người cảm thấy không bình thường lắm trước những chuyện xảy ra trong đời sống ngày thường. Gã không muốn ai có thể hiểu mình hết và cũng không muốn tranh luận với ai về “lý trí” hay “đạo đức” gì hết. Chỉ muốn được viết ra những điều mà mình không biết đúng hay sai.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét