Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

“BÌNH YÊN CON NHÉ” VÀ NHỮNG ĐIỀU CHƯA KỂ

 
Nhóm tác giả: Các thành viên CLB Truyền thông Rec miền Nam
 
Chúng tôi đến Nha Trang vào những ngày mưa tầm tã. Không khó khăn lắm để tìm ra địa chỉ ngôi nhà 56/3 Phương Sài, TP Nha Trang. Đó là căn nhà của chú Tống Phước Phúc, người mà qua một tờ báo chúng tôi đã ngưỡng mộ chú rất nhiều. Mấy anh em trong đoàn thực sự rất lo lắng, vì đây là lần đầu gặp gỡ chú trực tiếp, mấy lần trước chúng tôi chỉ trao đổi sơ với chú qua điện thoại từ TP Hồ Chí Minh. Vượt mấy trăm cây số ra đây, trước hết vì cái Liên Hoan Phim, sau nữa, chúng tôi thực sự cảm thấy cảm phục chú Phúc vì những gì chú đã làm, chúng tôi không muốn uổng công.

Trời mưa ngoài đường lạnh buốt, nhưng trong căn nhà nhỏ ấy vẫn không ngớt tiếng nói cười của gần 40 em nhỏ. Có cả những bé mới chỉ vài tháng tuổi đang được chú bế trên tay. Trò chuyện với chú mới biết, đây là những em nhỏ may mắn sống sót sau khi bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện, được chú mang về nuôi nấng. Chăm sóc các em nhỏ vốn đã không phải một công việc dễ dàng của người đàn ông. Nhất là đối với chú Phúc, một người xuất thân từ một gia đình nghèo khó, vào Nha Trang lập nghiệp bằng nghề thợ xây. Chú đã có gia đình, một người vợ và hai đứa con. Chúng tôi nhìn lại khắp căn nhà và thấy không chỉ những em bé, mà có cả những bà mẹ trẻ đang mang thai đợi tới ngày sinh nở.

Hành trình của khó khăn và hạnh phúc

Chẳng giấu gì chúng tôi, chú Phúc kể lại tất cả. Ngày đó, trong lần đưa vợ đi vượt cạn ở bệnh viện, chú đã chắp tay nguyện cầu Thượng đế cho vợ con mình bình an thì bản thân chú sẽ làm bất cứ gì để trả ơn. Ngay khi cảm nhận niềm hạnh phúc vì mẹ tròn con vuông thì chú phải chứng kiến một em bé không được chào đời, bị vứt bỏ tàn nhẫn bởi người mẹ. Kể từ ngày đó, chú âm thầm làm một việc mà ban đầu ai cũng nghĩ chú có vấn đề về thần kinh: đi xin xác những bé thai nhi xấu số bị bỏ lại bệnh viện, ở bãi rác, ở bờ biển về chôn cất trong một nghĩa trang chú tự tay lập nên: nghĩa trang Đồng Nhi. Viêc này cũng không dễ dàng gì, biết là chú có tấm lòng đấy, nhưng thật khó để thuyết phục mọi người tin và hiểu. Cho đến khi chú gặp được Bác sĩ Xuân- PGĐ Trung tâm bảo vệ bà mẹ trẻ em giúp đỡ và động viên, nhưng chú vẫn phải làm vài xét nghiệm để khẳng định tinh thần bình thường, sức khỏe tốt, lí lịch trong sang thì mọi ngươi đã bắt đầu biết đến cái tên Tống Phước Phúc- một con người với tấm lòng thiện nguyện.

Những người lái xe ôm, những người công nhận vệ sinh, những bác sĩ sản khoa, những bà mẹ trẻ bắt đầu quen với hình ảnh một người đàn ông dáng người nhỏ, khuôn mặt khắc khổ, ngày ngày lân la bắt chuyện với cánh xe ôm, nói chuyện với những bà mẹ trẻ đang ngồi chờ phá thai. Chú tận tình hỏi thăm họ vì sao không giữ đứa trẻ lại và kiên nhẫn thuyết phục để họ giữ đứa bé lại chờ tới ngày sinh nở, nếu không có điều kiện nuôi chú sẵn sang nhận nuôi và sẵn sang cho họ nhận con về nuôi khi họ có điều kiện. Lân la với cánh xe ôm thì chú nhờ họ xem các bà mẹ đến đây phá thai khi nào, nếu có trường hợp nào khẩn cấp thì báo ngay vào điện thoại cho chú.

Chú tâm sự với chúng tôi về những kỉ niệm không thể nào quên khi lần đầu đi xin xác các em về, chẳng ngày nào là không khóc, có bé còn được nguyên vẹn hình hài, có bé chỉ nhìn vào là rớt nước mắt. Nói về những khó khăn của những ngày đầu tiên ấy, chú lại bồi hồi xúc động. Đầu tiên là cái họ Tống của chú, nghe rất giống họ của người Tàu, công an cử người theo dõi chú vì sợ chú bắt trẻ em bán cho người Tàu. Có năm, 30 Tết chú còn bị mời lên Công an giải quyết việc. Những chị đang mang bầu hiện ở tại nhà chú khi đi chợ chuẩn bị bữa ăn cho các em thì bị mọi người nói là mấy cô làm thợ hồ cho chú Phúc thì tác giả bào thai chắc cũng là chú thôi. Rồi đến những ngày một tay chăm sóc các em bé sơ sinh, một mình lo đi đăng kí tên khai sinh cho các con được mang họ mình, một mình lo cho các em lúc trở bệnh, ốm đau… Gio thì gần 40 em nhỏ đã có khai sinh, có họ tên, tất cả đều mang họ của chú, họ Tống, con trai tên Vinh, con gái tên Tâm, ấp ủ ước mơ của người cha “con gái có tấm lòng nhân hậu, con trai có ước vọng vinh quang”. Công việc bếp núc và chăm sóc các em giờ đây cũng có bàn tay của các chị từng suýt từ bỏ giọt máu của mình, được chú Phúc khuyên nhủ đã tình nguyện ở lại phụ giúp chú.

Nghĩa trang Đồng Nhi - Kí ức không phai

Mỗi lần nhắc về kí ức những ngày ngắn ngủi ở Nha Trang, chúng tôi không thể nào quên một hình ảnh: Nghĩa trang Đồng Nhi. Đây là một nghĩa trang nằm cách nhà chú và cũng là cách thành phố hơn 20km. Nghĩa trang nằm trên một sườn dốc đá, chú mua với số tiền 15 triệu đồng và tự tay xây cất. Chúng tôi đến Nghĩa trang vào một buổi sáng mưa tím trời. Chiều hôm trước chúng tôi đã đi nhưng đến nửa đường đành quay về vì ngã ba SOS được cảnh báo là bị ngập nước, xe bị cấm qua lại. Trong khi đó, có xác của hai bé hài nhi cần được chôn cất. Trong cuộc đời mình, lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh ấy. Đang ngồi nói chuyện với chúng tôi, chú Phúc nhận được điện thoại của chú xe ôm trước cổng bệnh viện và vội vàng khoác áo mưa tới đó, tin nhậ được là vừa có một em bé 7 tháng tuổi bị phá. Nửa tiếng sau chú trở về và chúng tôi không thể nào tin vào mắt mình. Em bé gái đã 7 tháng tuổi, đã đủ đầy một hình hài, vậy mà người mẹ đang tâm vứt bỏ. Thắp nén nhang nguyện cầu cho linh hồn em an nghỉ, tôi thấy xót xa quá đỗi. Hình ảnh chú đứng lặng trước em, cẩn thận mặc vào cho em chiếc vớ nhỏ xíu, chiếc áo ấm cứ mãi ám ảnh tâm trí tôi. Trách mẹ cha quá vô tâm và chẳng đủ can đảm để cho em một lần được bi bô tiếng khóc. Sáng hôm sau, dù trờ còn mưa, nhưng mấy anh nhất quyết đòi theo chú đưa em về nghĩa trang, may mà đường hết ngập. Con đường xóc và ngoằn ngoèo ẫn tới nghĩa trang như càng làm đau lòng những người tiễn đưa, chú Phúc im lặng, chúng tôi im lặng.

Nghĩa trang đây rồi, trải ra trước mắt tôi là những nâm mồ bé xíu, mỗi ngôi mộ cắm một bong hoa, một rừng hoa 7000 bông là 7000 sinh linh bé bỏng đang yên nghỉ. Chú tự tay chôn cất cho em, cái tên Tống Phước Đông Xuân chú đặt cho em an ủi lòng người bằng một chút ấm áp, hi vọng: đông lạnh lẽo u buồn sẽ qua mang xuân về ấm áp. Cuộc tiễn đưa không vòng hoa, không tiêng khóc chỉ có tiếng mưa não nề, thổn thức xé lòng người.

Vĩ thanh…

Tạm biệt Nha Trang, một Nha Trang lần đầu ghé thăm không phải là bờ biển dài cát trắng lung linh, không phải Nha Trang có Vinpearland xa hoa, mà là Nha Trang nơi có những trái tim nhân ái đang lặng lẽ thắp lên cho đời những ngọn lửa ấm áp, yêu thương.

Trở về Tp HCM, mấy anh em bắt đầu dựng phim, với quyết tân cao độ là phải có giải cao để tấm gương của chú Phúc được nhiều người biết đến, để giúp đỡ chú. Tâm huyết và công sức của chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng khi bộ phim phóng sự của nhóm được giải nhất Liên hoan phim sinh viên 2010. Những cuộc điện thoại chúc mừng, thăm hỏi của rất nhiều người có uy tín càng làm chúng tôi vững tin. Và trong đó cuộc điện thoại chúc mừng, cảm ơn của chú Phúc khi xem đĩa chúng tôi gửi tặng chính là món quà làm chúng tôi hạnh phúc nhất.

Chúng tôi mới là những người phải cảm ơn chú, cảm ơn người đã cho chúng tôi- những sinh viên trẻ biết được bao giá trị của cuộc sống. Tôi cảm ơn những ngày ở Nha Trang đã cho tôi thêm bao nhiêu bài học, để mỗi lần vấp ngã trong đời, tôi luôn đủ mạnh mẽ để đứng lên.

“Bình yên con nhé” là tên chúng tôi đặt cho bộ phim của mình- đó là mong muốn của chú và của chúng tôi: mong các bé thơ luôn được bình yên, luôn được sống hạnh phúc và vui vẻ. Tôi nhớ đến những dòng trong bức thư chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi gia đình chú “ Anh chị đã làm những việc quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh mà hơn thế còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm. Việc làm của anh chị cùng với rất nhiều việc làm tình nghĩa khác trong cộng đông vẫn đang nảy nở sẽ như hoa thơm diệt trừ cỏ dại để hướng đến chân thiện mỹ”.
 
Các bạn có thể xem phim tại đường dẫn dưới đây:
 
 
 
 Nhóm tác giả CLB Truyền thông Rec miền Nam

11/9/2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét