Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Nước mắt đàn ông chảy vào trong

Chúng tôi đến với Sóc Trăng vào một ngày cuối tháng 8. Sau một quãng đường dài lội bộ băng qua con đường bùn lầy lội bắn lên tới đầu gối, chúng tôi đã đến ngôi nhà mà mình cần tìm. Lúc đến nhà, chị Trần Thị Hồng Nhiên cùng với mẹ và con trai lớn mới học lớp năm đang đi ngoài đồng mót lúa suốt. Đó là một công việc nặng nhọc và thu nhập chỉ vừa đủ để lo cho một bữa cơm đạm bạc trong gia đình. Anh Trần Nhất Vinh ở nhà giữ đứa con trai Út mới ba tuổi.

Hồi mới cưới nhau, người trong xóm cứ khen mãi đôi vợ chồng trẻ Nhiên – Vinh đúng là trời sinh ra một cặp: anh đẹp trai, cao ráo, hiền lành, chăm chỉ làm việc; chị cũng là hoa khôi của làng, hiếu thảo và nghe lời cha mẹ. Những lời chúc phúc của xóm giềng, bà con hai họ giành cho đôi vợ chồng trẻ mới đây thôi mà giờ đây điều không may đã xảy đến làm xiêu vẹo cả một gia đình vốn được mọi người mong đợi là ấm êm và hạnh phúc.

Hồi có thai con trai Út, chị Hồng Nhiên vì tham công tiếc việc nên giấu chồng đi mót lúa mướn, không may chị bị ngã bụng đập xuống đất. Nên đứa con Út mới sinh ra được vài tháng thì bị xuất huyết não. Đến nay, em đã ba tuổi nhưng chỉ biết bi bô gọi mấy tiếng “cha cha”. Mỗi lần bị xúc động mạnh, em thường lên cơn co giật, tay chân quéo lại, mặt mài méo xệch, nước bọt trào ra cả mặt đến khoảng một tiếng đồng hồ. Khuôn mặt ngây thơ, bụ bẫm của đứa trẻ ba tuổi đã bị lệch hẳn sang một bên, đó là di chứng của những lần lên cơn co giật thập tử nhất sinh.

Bệnh tình của con đã mấy năm nay không có tiền thuốc thang. Làm được bao nhiêu tiền anh chị dồn hết vào đưa con đi bệnh viện. Gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng không làm cho người cha trẻ xót xa bằng việc chứng kiến con mình mỗi khi lên cơn co giật. Anh chị bán hết đất đai của cha mẹ cho, chỉ để lại khoảng năm mét vuông đất làm nền nhà, bằng những hi vọng nhỏ nhoi như ngọn đèn treo trước gió mong có thể trị bệnh cho con, mong cho con mình có thể bình thường và phát triển như bao đứa trẻ khác. Dẫu hi vọng đó mong manh và dễ vỡ lắm nhưng người cha trẻ vẫn hàng ngày cắn răng chịu đựng những cơ cực trong cuộc sống mưu sinh chứ không chấp nhận cảnh con trai của mình đau đớn, quằn quại trong cơn khốn cùng của bệnh tật.

Đứa con trai lớn của anh mới học lớp năm, nhưng có lẽ được sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khổ của gia đình cùng với đứa em bệnh tật nên đã sớm ý thức về cuộc sống tự lập. Em còn quá nhỏ để có thể cùng với ba mẹ làm những công việc nặng nhọc kiếm tiền lo cho em trai. Chúng tôi chết lặng người đi khi chứng kiến cảnh một đứa bé mới học lớp năm, lặn ngụp dưới ao để bắt từng con ốc lát làm thức ăn cho bữa cơm chính của gia đình.

Khi đi ghi hình phim trường tại TP. Hồ Chí Minh, điều lỡn vởn trong đầu anh suốt mấy ngày hôm nay không phải là những mới lạ ồn ào nơi phố thị, không phải là ánh đèn đêm rực rỡ sắc màu, không phải là những con người mới quen thân mà có lẽ cả nữa đời còn lại anh chưa chắc có cơ hội nào gặp lại mà là hình ảnh đứa con trai nhỏ ở nhà mà chị Nhiên gọi lên nói là con đang sốt. Anh sốt ruột mòn mỏi mong được về với gia đình bé nhỏ của mình càng sớm càng tốt. Khi MC Thanh Thảo mới hỏi câu đầu tiên về đứa con trai nhỏ của mình, người cha trẻ đã khóc, nước mắt dàn dụa trên khuôn mặt đầy nghị lực và khắc khổ của anh khiến tôi không kìm nén được cảm xúc của mình. Dẫu biết thiên hạ ghét lắm nước mắt đàn ông nhưng tôi xin hãy cho những đàn ông một lần được khóc vì họ cũng là những con người bằng xương, bằng thịt và biết cảm nhận được nỗi đau của người khác và bản thân mình. Cho tôi xin người đàn ông kia một lần được khóc và cầu mong nước mắt của anh được chảy về tim.

16/9/2011
Hồ Quốc Nam
http://hoquocnam.blogspot.com
(một ngày ở đâu đây)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét