Labels (CÁC THỂ LOẠI):

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Giáo dục nhân cách, nhà trường hay gia đình?

Ông cha ta thường nói, “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện” có nghĩa là con người sinh ra đã có sẵn cái tánh thiện trong mình. Vậy mà sau khoảng mười mấy năm ngồi trên ghế nhà trường, và cũng mười mấy năm đó được cha mẹ dạy dỗ, con người lại đánh mất luôn cái tánh thiện của mình. Một học sinh trung học cơ sở cỡ như lớp tám thì ít nhất cũng đã ngồi trên ghế nhà trường được tám năm. Chưa tính luôn các lớp mầm, lớp chồi, lớp lá… Vậy tính ra cũng ngót chục năm ngồi trên ghế nhà trường, và mười mấy năm ở nhà cùng cha mẹ.

Từ chuyện nữ sinh đánh nhau
Gần đây báo chí đưa tin suốt ngày về mấy cái vụ nam sinh đánh nữ học sinh, rồi một đám nữ học sinh đánh hội đồng một nữ học sinh khác. Có bậc làm cha, làm mẹ lại cho là chuyện bình thường, “Ôi mấy đứa nhỏ, bụng dạ còn non kém thì đánh nhau cũng là chuyện bình thường,”. Nhưng hễ mà có ai chứng kiến mấy vụ việc đó, hay được xem qua các đoạn băng ghi hình mà hàng loạt trang điện tử đăng trên mạng thì mới thấy được mức độ tai hại của nó. Một đám học sinh nữ, đang vỗ tay, hò reo, cỗ vũ cho một học sinh nữ đánh đập một học sinh nữ khác. Cả hai đầu tóc rũ rượi, áo quần xốc xếch. Một người thì nằm dài dưới đất, còn người kia thì dùng giày cao gót đạp thẳng vào mặt của bạn mình. Các em học sinh nam thì làm ngơ, vì có lẽ mấy em này nghĩ, “Đây chỉ là chuyện của chị em phụ nữ thì mình cũng không nên xía vào làm gì,”. Nếu có một nam học sinh nào đó vì thấy xót cho bạn quá nhảy vô can ngăn thì chắc chắn nhận được những câu đại loại như, “Đây là chuyện của con gái, để con gái xử lý, bạn nhảy vào làm gì?”.

Vậy tại sao gần một chục năm ngồi lên ghế nhà trường, được dạy về những môn học như “Rừng vàng biển bạc”, “Đẹp vô cùng đất nước ta ơi”… thì các em nữ sinh vốn chân yếu, tay mềm kia lại trở thành những con người hết sức hung hãn, sẵn sàng dùng gót giày cao gót để đạp thẳng vào mặt bạn mình. Kể cũng lạ, mấy chục năm nay, không khi nào thấy một bài học nào của các em nói về, “Làm sao để tránh được cơn giận giữ”… Văn hóa Việt Nam ta ngày xưa vốn đâu có vậy. Đàn bà, phụ nữ vốn là chân yếu tay mềm, luôn được thương yêu, bảo vệ và chiều chuộng. Chuyện nam học sinh đánh nhau thì thiếu gì, sao không có nghe báo nào nói hết vậy? Đâu đó vẫn còn nghe tin một số em học sinh nam phải trốn nhà, bỏ học vì bị một bạn nam khác hâm dọa đánh. Như vậy chuyện đánh nhau chắc chắn không chỉ là nữ sinh đánh nhau rầm rộ như các báo đưa tin mà đánh nhau chính là vấn nạn chung của cả thế hệ học trò và nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Tôi còn nhớ, hồi còn nhỏ, khi đi học ở quê nhà, thiếu thốn đủ thứ, từ quần áo, đến sách vở… Có chuyện gì gây tức lắm, ví dụ như chuyện thằng Tí con bác Tám đầu xóm dùng bút mực vẫy mực vào áo. Tôi không có dám méc cô giáo, vì biết méc cô giáo xong rồi nó vẫn sẽ tiếp tục vẫy mực vào áo tôi, thâm chí có thể đánh tôi nữa. Mẹ tôi chỉ có một mình tôi là con thôi còn cô giáo có tới bốn, năm chục đứa nhỏ như tôi. Làm sao mà một mình cô có thể giải quyết hết chuyện của bốn, năm chục đứa nghịch ngợm như bọn tôi được? Tức anh ách nhưng chỉ dám về nhà nói với mẹ. Mẹ tôi phán cho một câu, “Không sao đâu con, để mẹ qua nói cho bác Tám biết,”. Vậy mà hay, cuối cùng thì thằng Tí cũng xin lỗi tôi và từ đó không bao giờ dám lấy bút mực vẫy vào áo tôi nữa. Tôi với thằng Tí cũng chơi thân với nhau chứ có bao giờ dám dùng một cây sắt để đập vào đầu nhau bao giờ? Ôi cái tình làng xóm láng giềng và sự quan tâm của các bậc làm cha, làm mẹ thật đáng quý lắm thay…

Đến chuyện nghiện game online 
 Nhân cách của con trẻ bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường sống và cách giáo dục

Ngày nay, các bật cha mẹ thường cắm đầu, cắm cổ quần quật vào công ăn, việc làm. Ít có bậc cha mẹ nào để ý đến con cái mình làm gì ở trường, chơi với bạn như thế nào… Nên ít có ai có thời gian để chịu lắng nghe xem con cái của họ nói cái gì, cứ để mọi chuyện cho nhà trường giải quyết. Rồi phó mặc mọi thứ cho nhà trường. Xem như là con họ do nhà trường hoàn toàn dạy dỗ. Các bậc cha mẹ quên rằng, muốn cho một đứa trẻ nên người thì gia đình chính là yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự hình thành nhân cách nơi đứa trẻ. Gia đình phải dạy dỗ chỉ từ một đến hai đứa trẻ, trong khi nhà trường phải chịu trách nhiệm dạy dỗ hàng nghìn đứa trẻ. Không biết có phải do tình cờ hay không mà đa số những chuyện học sinh đánh hội đồng lẫn nhau diễn ra đa số ở các thành phố lớn. Nơi mà các bậc cha mẹ hiếm khi có thời gian để lắng nghe các em. Không lẽ, khi cuộc sống vật chất ngày càng cao thì nhân cách và đạo đức của học trò ngày càng xuống dốc? Gia đình đứng ở đâu trong những chuyện này? Có ai trách một gia đình có một nghìn đứa con mà có mười trong số chúng là những đứa con hư?

Tôi còn nhớ một lần đi tham gia chương trình Cai nghiệm game online của trung tâm Thanh Thiếu Niên Miền Nam. Có một em tên là Quân, gia đình giàu có, cha mẹ là những người thành đạt. Nhưng tiếc thay, Quân là một người bị nghiện game online loại nặng. Mỗi ngày em bỏ ra mười mấy giờ liền chỉ để chơi game. Ở nhà không cho chơi, em ăn cắp tiền gia đình ra ngoài tiệm net chơi. Xin tiền, mẹ không cho, Quân sẵn sàng ăn cắp mấy trăm nghìn của bố, mẹ để đi chơi game. Có lần Quân đi lâu quá, không thấy về nhà, người mẹ mới thấp thỏm đi tìm, gặp con, mừng không xiết, chưa kịp chạy lại ôm con thì đã bị Quân chỉ thẳng vào mặt, “Bà tránh ra, bà tránh ra, bà làm tui mang nhục với bạn bè!”. Sau này, trong một lần tình cờ gặp mẹ quân ở sân bay khi đưa Quân đi cai nghiện game online ở Hà Nội về, tôi mới biết, mẹ quân là một chuyên gia chuyên nghiên cứu các vấn đề Giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, giáo dục nhân cách của trẻ, ai chịu trách nhiệm chính, nhà trường hay gia đình của trẻ đang sinh sống? Trẻ em vốn là những người vốn dễ dàng thay đổi được nhận thức một khi chịu sự tác động. Từ trước đến giờ chúng ta cứ hay đỗ thừa cho nhà trường và nền giáo dục đã dạy dỗ không đúng cách con em chúng ta. Đúng! Nhà trường phải chịu trách nhiệm nếu học sinh gây gỗ, đánh nhau, hoặc suy đồi về đạo đức. Nhưng chúng ta đang quên rằng, gia đình cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục đạo đức và nhân cách của các em. Gia đình chính là tế bào của xã hội, một khi gia đình quản lý con em mình không nghiêm thì đừng mong chờ gì tới sự giáo dục của nhà trường vì xét cho cùng, vai trò của nhà trường cũng chỉ là thứ yếu sau sự dạy dỗ của gia đình. Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng cho tâm hồn trẻ thơ. Muốn thay đổi được nhận thức, nhân cách của trẻ phải thay đổi từ ngọn nguồn, đó chính là gia đình nơi các em đang sống. 

17/9/2011
Hồ Quốc Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét